Nâng cao văn hóa doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT:

Trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế hiện nay, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố hết sức quan trọng bảo đảm cho sự phát triển liên tục và bền vững của các nền kinh tế của các quốc gia, bất kể đó là nền kinh tế đó ở thể chế chính trị nào. Bài báo phân tích các yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp giúp cho các doanh nghiệp đứng vững và hòa nhập với xu thế phát triển kinh tế thế giới.

Từ khóa: văn hóa, văn hóa doanh nghiệp, phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Văn hóa doanh nghiệp được coi là một trong các yếu tố bảo đảm cho sự phát triển liên tục và bền vững của một quốc gia. Có thể thấy nhiều doanh nghiệp và doanh nhân ở nước ta hiện nay chưa xây dựng được một thương hiệu đủ uy tín và bản sắc văn hóa riêng để có đủ khả năng chinh phục khách hàng, do đó nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân càng trở nên cấp thiết.

2. Khái niệm về văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp được hình thành trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, là hệ thống các giá trị, quan niệm, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của một doanh nghiệp [1]. Văn hóa doanh nghiệp chi phối tình cảm, lối suy nghĩ và hành vi của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp. Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp cũng là một hệ thống các chuẩn mực và cân bằng liên tục, được củng cố ở tất cả các cấp trong vòng đời của tổ chức và nhân viên. Việc tuyển dụng nhân sự mới cho tổ chức có thể được thu hút bởi văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, nhưng động lực và sự phù hợp với công việc phải phù hợp với mong muốn hòa nhập vào văn hóa tại doanh nghiệp đó. 

3. Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp

Việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp có vị trí và vai trò to lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp vì bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, ngôn ngữ và tri thức thì doanh nghiệp đó khó có thể tồn tại được. Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp được thể hiện cụ thể ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất là, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng một văn hóa doanh nghiệp mạnh sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh của chính doanh nghiệp đó.

Thứ hai là, góp phần tạo ra bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp từng bước khẳng định được vị trí và thương hiệu của mình.

Thứ ba là, giúp doanh nghiệp tạo ra khả năng thích ứng cao, văn hóa doanh nghiệp mạnh thì mới có khả năng đáp ứng tốt với sự thay đổi liên tục từ môi trường bên ngoài doanh nghiệp đó.

Thứ tư là, góp phần tạo nên giá trị cho doanh nghiệp. Sống trong một môi trường văn hóa lành mạnh với sự quan tâm thỏa đáng của các cấp lãnh đạo sẽ làm cho cấp dưới cảm thấy lạc quan và cống hiến hết mình cho mục tiêu của doanh nghiệp.

Thứ năm là, tạo ra sức hút cho doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tạo nên hình ảnh về một doanh nghiệp khác biệt với các doanh nghiệp khác.

Thứ sáu là, văn hóa doanh nghiệp quyết định sự bền vững của doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng văn hóa doanh nghiệp là một tài sản của doanh nghiệp, nó giúp cho doanh nghiệp giảm xung đột, điều phối và kiểm soát, tạo động lực làm việc và tạo lợi thế cạnh tranh tốt hơn.

4. Các yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp có thể chia thành 3 mức độ khác nhau để cảm nhận được các giá trị văn hóa doanh nghiệp, nhằm giúp chúng ta hiểu một cách sâu sắc các yếu tố cấu thành của nền văn hóa đó.

4.1. Mức độ thứ nhất

Những quá trình và cấu trúc hữu hình của doanh nghiệp gồm những hiện tượng và sự vật mà một người có thể nhìn, nghe và cảm thấy khi tiếp xúc với một tổ chức có nền văn hóa như kiến trúc, cách bài trí, công nghệ hay một sản phẩm.

Đó là những thứ thể hiện tư tưởng của người lãnh đạo, trình độ thẩm mỹ, cũng như năng lực tài chính của doanh nghiệp đó. Ngoài ra, các hoạt động lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, nhằm tăng thêm niềm tin và sự gắn bó với tổ chức cho người lao động. Những hoạt động này sẽ làm tôn vinh các giá trị văn hóa doanh nghiệp của tổ chức. Các nhà quản lý thường sử dụng những lễ nghi và lễ hội như thế này là một cơ hội quan trọng cho việc giới thiệu, trau dồi những giá trị quan trọng, tạo cơ hội cao cho các nhân viên cùng chia sẻ nhận thức về những sự kiện trọng đại, hoặc nhằm khen thưởng những tấm gương điển hình.

Biểu tượng cũng là một công cụ biểu thị đặc trưng của văn hóa kinh doanh, nó biểu thị niềm tin giá trị mà chủ thể kinh doanh muốn gửi gắm. Một hình thức khác của biểu tượng cũng có ý nghĩa quan trọng đó là logo. Biểu tượng thường có sức mạnh lớn vì chúng có thể diễn đạt được giá trị chủ đạo mà lãnh đạo doanh nghiệp muốn tạo ấn tượng, muốn truyền đạt hay lưu lại. Thái độ và cách ứng xử của các thành viên doanh nghiệp trong tổ chức cũng rất quan trọng, tạo môi trường làm việc tôn trọng nhau.

Văn hóa doanh nghiệp có thể coi là những quy tắc “ngầm” về cách thức thực sự mà con người đối xử với nhau trong quá trình làm việc, cách doanh nghiệp giải quyết công việc, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Văn hóa doanh nghiệp tạo dựng niềm tin, do đó nó có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược và nhiệm vụ cơ bản của tổ chức doanh nghiệp đó.

4.2. Mức độ thứ hai

Những giá trị được tìm thấy tuyên bố trong chiến lược, mục tiêu, triết lý kinh doanh là định hướng cho hoạt động của toàn bộ nhân viên và thường được công bố rộng rãi ra toàn thể doanh nghiệp. Đây cũng chính là những giá trị được công bố, một bộ phận của nền văn hóa doanh nghiệp.

4.3. Mức độ thứ ba

Những quan niệm chung như niềm tin, nhận thức, suy nghĩ và tình cảm có tính vô hình, chúng được công nhận trong doanh nghiệp. Các giá trị ngầm định là niềm tin, nhận thức, suy nghĩ, tình cảm có tính vô thức đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi thành viên trong doanh nghiệp. Chúng định hướng cho cảm nhận, suy nghĩ và hành vi của các thành viên trong các mối quan hệ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Niềm tin được hình thành một cách có ý thức, được xét đoán và rõ ràng. Xây dựng niềm tin trong doanh nghiệp đòi hỏi các nhà quản lý phải có trình độ kiến thức và kinh nghiệm. Niềm tin của người lãnh đạo dần được chuyển hóa thành niềm tin của tập thể thông qua những giá trị.

5. Các hạn chế về việc phát triển văn hóa doanh nghiệp

Giáo sư James L. Heskett từng nhấn mạnh rằng văn hóa doanh nghiệp có thể chiếm 20 – 30% về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trên thực tế, văn hóa doanh nghiệp hiện nay vẫn còn có những mặt hạn chế nhất định. Các doanh nghiệp trong nước xây dựng văn hóa nhưng phần lớn mới tập trung về hình thức, phong trào, cốt lõi quan trọng nhất của văn hóa doanh nghiệp như thái độ, trách nhiệm, niềm tin, tiêu chuẩn lại chưa được các doanh nghiệp thực hiện bài bản, rõ ràng. Nó sẽ ảnh hưởng và cản trở doanh nghiệp đó hội nhập và thích nghi với môi trường kinh doanh toàn cầu. Doanh nghiệp khó có thể đột phá, phát triển kinh tế và đưa vị trí doanh nghiệp lên tầm cao mới. Hầu hết các doanh nghiệp đã thiết lập các yếu tố nền tảng của văn hóa doanh nghiệp như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Hoạt động văn hóa doanh nghiệp đã được chú trọng với việc định hình các ý tưởng và khái niệm, nhưng chúng vẫn ở mức đơn giản, áp dụng các hình thức truyền thông để giúp nhân viên nhận biết văn hóa doanh nghiệp. Việc đánh giá và khen thưởng nhân viên theo các tiêu chí của văn hóa doanh nghiệp chưa được hiệu quả, bởi vì các tiêu chí văn hóa doanh nghiệp hoặc chưa được xây dựng, hay chưa phải là bắt buộc trong quá trình đánh giá nhân viên. Việc tách rời văn hóa khỏi quá trình tuyển dụng, đào tạo và đánh giá nhân sự, doanh nghiệp thường dễ gặp sai lầm trong cách thực hiện, đặt nặng yếu tố truyền thông mà coi nhẹ việc định hướng hành vi với nhân viên. Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp nhận thấy vai trò của văn hóa doanh nghiệp quan trọng, nhưng chưa có sự đầu tư phù hợp và chưa coi trọng việc đo lường mức độ ảnh hưởng văn hóa doanh nghiệp đối với hiệu quả lao động, sản xuất của doanh nghiệp. Trên thực tế, chúng thường được lồng ghép trong một khảo sát định kỳ hàng năm, chưa có các khảo sát chuyên biệt cho riêng mục văn hóa doanh nghiệp.

6. Một số giải pháp nhằm nâng cao văn hóa doanh nghiệp hướng tới sự phát triển chung của doanh nghiệp Việt Nam

Thông qua việc đo lường, các lãnh đạo và quản lý văn hóa doanh nghiệp nên đánh giá mức độ trưởng thành trong quản trị văn hóa doanh nghiệp, tìm ra các cách thức hành động phù hợp nhất để cải thiện và phát triển văn hóa doanh nghiệp thông qua các yếu tố cụ thể. Tuy nhiên, những tổ chức xây dựng được văn hóa mạnh sẽ đáp ứng được những thách thức từ thế giới số luôn chuyển động nhanh và lấy khách hàng làm trọng tâm. Khi lãnh đạo và tập thể nhân viên hiểu đúng về văn hóa doanh nghiệp và triển khai đúng cách, doanh nghiệp sẽ tìm được lợi thế cạnh tranh của riêng mình [2]. Ngày nay, một số xu hướng chủ yếu phát triển của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, như: tôn trọng con người với tư cách là chủ thể hành vi, coi trọng tính tích cực và tính năng động của con người trong kinh doanh, công việc, nâng cao tố chất của con người,… là điều kiện quan trọng đầu tiên của phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, coi trọng chiến lược phát triển và mục tiêu cơ bản của doanh nghiệp để bồi dưỡng ý thức văn hóa doanh nghiệp cho toàn thể công nhân viên chức; coi trọng việc quản lý môi trường vật chất và tinh thần của doanh nghiệp, tạo ra không gian văn hóa tốt đẹp, bồi dưỡng ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết, nhằm cống hiến sức lực, trí tuệ cho doanh nghiệp; coi trọng vai trò tham gia quản lý của công nhân viên chức, khích lệ tinh thần trách nhiệm của tất cả các thành viên doanh nghiệp.

Văn hóa chính là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, vai trò của văn hóa càng trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn. Một trong những thách thức đó là phát triển văn hóa như thế nào để văn hóa thực sự là động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập thì trách nhiệm của từng cá nhân và các nhà quản lý cần phải chủ động tìm hiểu các quy định của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, đồng thời họ nên triển khai thực hiện các việc như tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hướng tới thị trường quốc tế để học hỏi và hội nhập văn hóa.

Tiếp đó, các hiệp hội ngành nghề hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường nhận thức về văn hóa và văn hóa kinh doanh bằng các hoạt động cụ thể, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội thảo, các chương trình đào tạo, tham quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở một số nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, hoặc cấp các dự án cấp Bộ về vấn đề văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, phổ biến các kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên ngành cho tất cả mọi thành viên trong doanh nghiệp.

Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững.

Mỗi doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược đầu tư lâu dài cho nhân sự để phát huy tài năng và sức sáng tạo lao động của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp để họ không ngừng nỗ lực và lao động sáng tạo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tăng cường tổ chức các chuyến đi khảo sát ở nhiều nước châu Âu và châu Á để nghiên cứu và lĩnh hội thêm kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp của các nước này. Đồng thời, các cuộc thi giao lưu văn hóa và tìm hiểu pháp luật giữa các thành viên của các doanh nghiệp cũng nên được chú trọng nhiều hơn. Điều này sẽ góp phần nâng cao văn hóa tổ chức nói chung và văn hóa cá nhân trong mỗi bộ phận của mỗi doanh nghiệp.        

7. Kết luận

Tóm lại, văn hóa doanh nghiệp được coi như nguồn sống của mỗi doanh nghiệp và nó cần được quan tâm và vun đắp mỗi ngày, bởi từng thành viên trong mỗi doanh nghiệp. Nó luôn tạo ra niềm tin cho mỗi người làm việc trong môi trường đó. Ngoài ra, nó còn là sợi dây gắn kết giữa những con người trong cùng doanh nghiệp, tạo ra tiếng nói chung giữa các thành viên và nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thích hợp với đặc điểm của doanh nghiệp, thì việc quản lý chính là dùng nền văn hóa nhất định để tạo dựng con người. Do vậy, khi văn hóa doanh nghiệp thực sự hòa vào giá trị của từng cá nhân thì họ mới có thể coi sự phát triển của doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của cá nhân mình. Văn hóa doanh nghiệp được xem là một tài sản quý giá, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững nhất, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (2017). Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong sự phát triển bền vững. Tài liệu tọa đàm khoa học.
  2. Quang Lộc (2018). Hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp – Kỳ vọng vào hiệu quả. Truy cập tại: https://congthuong.vn/hoat-dong-doi-moi-sang-tao-trong-doanh-nghiep-ky-vong-vao-hieu-qua-cao-108860.html.

 

 ENHANCING THE CORPORATE CULTURE TOWARDS

THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF VIETNAMESE ENTERPRISES

Master. NGUYEN THI MINH HUYEN

International School, Vietnam National University – Hanoi

ABSTRACT:

In current economic activities, corporate culture is a very important element to ensure the continuous and sustainable development of economies regardless of political systems. This paper analyzes the factors that create Vietnamese corporate culture, and proposes some solutions to help businesses stand firm and integrate into the global economic development.

Keywords: culture, corporate culture, sustainable development, Vietnamese enterprises. 

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2022]