Nâng cấp di tích lịch sử – văn hóa

Nâng cấp di tích lịch sử – văn hóa

Nội dung câu hỏi:

(Câu hỏi của bạn Nguyễn Văn Long)

Dòng họ chúng tôi có nhà thờ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận và cấp bằng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Trong lịch sử, nơi đây được xây dựng và tôn tạo phụng thờ ông tổ của dòng họ có công với nước vào thời nhà Trần. Sau 7 năm được công nhận di tích lịch sử – văn hóa, được chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, xã đầu tư kinh phí cùng với sự đóng góp của con cháu trong dòng họ, nhà thờ và khuôn viên thờ cúng đã được khang trang hơn. Nay chúng tôi muốn xin nâng cấp di tích lên là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia thì có được không và cần những điều kiện gì? 

Tư vấn của luật sư: 

Luật Di sản văn hóa (được Quốc hội thông qua năm 2001 và sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có sự phân định rõ các tiêu chí khi xem xét xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa. Theo luật này, các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh (gọi chung là di tích) được phân làm 3 hạng, là di tích cấp tỉnh, di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Sự phân hạng này dựa vào cấp độ giá trị tiêu biểu của di tích, như di tích cấp tỉnh thì có giá trị tiêu biểu của địa phương, cấp quốc gia có giá trị tiêu biểu của quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia. Qua đó cho thấy chỉ việc tu bổ, tôn tạo cho công trình đẹp hơn, khang trang hơn không có ý nghĩa cho việc nâng cấp di tích. 

Chúng tôi xin trích dẫn quy định của Luật Di sản văn hóa về việc xếp hạng di tích giữa cấp tỉnh và cấp quốc gia sau đây để bạn tham khảo và liên hệ, đối chiếu đến trường hợp cụ thể của nhà thờ dòng họ mình để có được quyết định phù hợp khi đề xuất nâng cấp di tích.

1. Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương, bao gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoặc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị trong phạm vi địa phương;

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương;

d) Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi địa phương.

2. Di tích quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia, bao gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân, nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học nổi tiếng có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc; 

b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam; 

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển của văn hóa khảo cổ;

d) Cảnh quan thiên nhiên đẹp hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù.


(Luật sư Nguyễn Thiện Hùng)