Nâng tầm văn hóa ứng xử trên mạng xã hội: Việc cần làm

(HNM) – Mạng xã hội không chỉ góp phần thu hẹp khoảng cách giao tiếp mà còn là diễn đàn kết nối các cá nhân. Tuy nhiên, đi cùng với sự tiện lợi là không ít “vấn đề”, từ biểu hiện lệch chuẩn, lối ứng xử thiếu văn hóa đến lợi dụng mạng xã hội để trục lợi… Những hạn chế này đòi hỏi giải pháp chấn chỉnh, đặc biệt là nâng tầm văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.


Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng bị lợi dụng thành diễn đàn công kích nhau, với nhiều phát ngôn thiếu văn hóa. Ảnh: Bùi Tuấn

Hỗn độn… như môi trường mạng

Mạng xã hội Facebook vừa “dậy sóng” bởi bộ ảnh kỷ yếu của một nhóm nữ sinh trung học phổ thông mặc đồng phục áo dài, tạo dáng phản cảm trên người các nam sinh giữa không gian lớp học. Bộ ảnh vấp phải nhiều chỉ trích, không chỉ bởi đã làm vẩn đục hình ảnh trong sáng của tuổi học trò mà còn cho thấy một số bạn trẻ đã vượt qua giới hạn văn hóa ứng xử.

Trước đó, cũng vì muốn thể hiện bản thân, một nhóm “phượt thủ” đã chỉnh sửa nội dung cột mốc khu vực tỉnh lộ từ Đồng Văn vào Cột cờ Lũng Cú để “check in”, nhằm khẳng định mình đã đặt chân tới địa đầu Tổ quốc. Hành động này ngay lập tức bị cộng đồng mạng phanh phui, đưa ra bằng chứng rõ ràng cho thấy sự khác nhau về thiết kế cũng như vị trí của cột mốc thật so với những gì đã được chỉnh sửa. Nhiều người đã phẫn nộ trước hành vi thiếu ý thức này của nhóm “phượt thủ”.

Dùng mạng xã hội để thể hiện bản thân đã và đang là sự lựa chọn của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ mà qua đó, từ cách lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh để sử dụng trên mạng, người ta không chỉ nhận ra thái độ, tình cảm, trách nhiệm mà còn cả phông văn hóa của người sử dụng. Vì mục đích “câu like”, muốn được nổi tiếng trong cộng đồng mạng nên nhiều người, đặc biệt là người trẻ, sẵn sàng hành động ngược lại quy tắc ứng xử được xã hội thừa nhận, thậm chí vi phạm pháp luật.

Với phạm vi tiếp cận rộng rãi, tốc độ lan truyền nhanh và khó kiểm soát, mạng xã hội như con dao hai lưỡi, có thể giúp lan tỏa những điều tốt đẹp nhưng cũng dễ bị lợi dụng làm công cụ xuyên tạc, bôi xấu hình ảnh người khác, gây nhiều hệ lụy.

Chẳng hạn, đến nay, dư luận còn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc một nữ sinh ở Nghệ An đã tự tử vì không chịu được những lời bình phẩm mang tính miệt thị sau khi bức ảnh ghi lại cảnh thân mật của nữ sinh này với bạn khác giới bị phát tán trên mạng xã hội. Trước đó, không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra, xuất phát từ những tổn thương tâm lý có nguyên nhân từ việc “ném đá hội đồng” trong “thế giới ảo”.

Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Bùi Thị An cho hay: Việc nữ sinh tự tử vì không chịu nổi áp lực là minh chứng rõ ràng cho thấy, đôi khi, những lời bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội có thể khiến người khác lao đao. Một lời chê bai có thể chưa mang lại tác động tiêu cực, nhưng khi một đám đông cực đoan cùng hùa nhau dè bỉu ai đó thì hậu quả thật khó lường. Những vụ “ném đá” tập thể như lưỡi dao vô hình, có thể lấy đi niềm vui, cướp đi ước mơ, hoài bão, thậm chí là cả sinh mạng con người. Chính vì vậy, mọi người cần hành xử cẩn trọng, có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.

Xây dựng văn hóa mạng


Mạng xã hội ngày càng thu hút đông đảo người sử dụng. Ảnh: Bùi Tuấn

Đó là chủ đề được nhắc đến trong nhiều năm qua, tuy nhiên, đến nay, chưa có được giải pháp hiệu quả. Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nay, ở Việt Nam có hơn 48 triệu tài khoản Facebook và hơn 30 triệu người online thường xuyên mỗi ngày, chưa kể lượng người dùng các mạng xã hội khác. Với sự lớn mạnh của cộng đồng mạng như hiện nay cùng xu hướng vượt tầm kiểm soát của những người đưa thông tin ban đầu lên mạng xã hội, mỗi người cần hết sức cảnh giác với tác động tiêu cực từ mạng xã hội.

Để giảm thông tin xấu, độc, hướng tới xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn, văn hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành, dự thảo quy tắc sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình cấp thẩm quyền xem xét.

Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội phải sát với đời sống. Ngoài quy tắc ứng xử, cần có chế tài xử phạt những hành vi gây tổn hại nặng nề về danh dự, uy tín hoặc kinh tế của tổ chức hay cá nhân, không thể cứ đăng rồi gỡ và phủi sạch trách nhiệm. Ngoài luật, quy tắc ứng xử, chế tài xử phạt cụ thể, cần có giải pháp về công nghệ, chẳng hạn như nghiên cứu sử dụng phần mềm lọc, ngăn chặn thông tin xấu, độc khi mới được đăng tải.

Theo Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, việc xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội giống như xử lý vấn đề bạo lực gia đình hay nạn quấy rối tình dục trong công sở, cần có những chiến dịch truyền thông lớn, kéo dài trong nhiều năm với sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Trên hết, mỗi người, khi tham gia mạng xã hội, hãy luôn tự nhắc nhở bản thân, đằng sau mỗi hình ảnh đại diện, mỗi tên gọi, địa chỉ là một con người cụ thể, đừng làm gì ảnh hưởng đến họ. Hãy chủ động sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu ích để kết nối cộng đồng làm điều hay, lẽ phải thay vì để mạng xã hội điều khiển, dẫn dắt.