Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam liệu đã định hình?

(PLVN) – Từ năm 2019 đến nay, âm nhạc Việt Nam đã có sự chuyển mình đáng ghi nhận theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hóa. Thế nhưng nền công nghiêp âm nhạc Việt Nam đã thực sự được định hình hay chưa thì thực sự vẫn chưa có câu trả lời.

Thời gian qua, nền âm nhạc Việt Nam ghi nhận nhiều “bước chuyển mình” đến từ sự năng động, phá cách, mới lạ của lớp nghệ sĩ trẻ. Nhạc Việt vẫn phong phú với đủ các dòng nhạc chính thống, nhạc trữ tình, bolero, nhạc EDM… Lượng người nghe đông đảo, thói quen mua vé xem ca nhạc dần trở lại. Nhiều tín hiệu khởi sắc là thế nhưng nền công nghiêp âm nhạc Việt Nam đã thực sự được định hình hay chưa? Điều này vẫn chưa thực sự có câu trả lời.

Tìm tòi các đề tài lạ

Từ năm 2019 đến nay, âm nhạc Việt Nam đã có sự chuyển mình đáng ghi nhận. Các sân khấu ca nhạc “ấm dần” lên với đủ loại hình biểu diễn. Tưởng chừng khán giả đang dần mất đi thói quen mua vé xem show, thì nhiều liveshow trong năm 2019 của Lệ Quyên, Hà Anh Tuấn, Sơn Tùng M-TP, Uyên Linh – Lân Nhã, Vũ Cát Tường, Đen Vâu… đều chung kết quả “cháy vé”.

Khán giả cũng đang thấy một xu hướng giao thoa thú vị giữa các nghệ sĩ underground (“dòng chảy ngầm” của âm nhạc) và các nghệ sĩ mainstream (“dòng chảy chính” hay dòng nhạc thị trường). Cụ thể, các bảng xếp hạng âm nhạc của Việt Nam đã gọi tên những ca phẩm giao thoa này như Bài này chill phết (Đen – Min), Em thì không (Mỹ Tâm – Karik), Hello (Đàm Vĩnh Hưng – Binz), Nước mắt em lau bằng tình yêu mới (Da LAB – Tóc Tiên), Anh nhà ở đâu thế? (Amee – B Ray)…

Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam liệu đã định hình? ảnh 1

Gần đây xuất hiện nhiều ca khúc trẻ mang hơi hướng cổ trang được giới trẻ yêu thích 

Những MV này vừa mang dấu ấn độc, lạ của nghệ sĩ underground vừa có tầm phổ biến, ảnh hưởng trên thị trường âm nhạc, đánh trúng vào thị hiếu của khán giả, thu hút lượng xem cao, nguồn đầu tư lớn. Có thể nói là “một mũi tên trúng hai đích”.

Đáng chú ý, có nhiều nghệ sĩ trẻ tìm tòi về nguồn cội các dòng nhạc truyền thống, dân gian pha trộn với yếu tố hiện đại để tạo ra chất riêng của mình. Đơn cử, đó là xu hướng nhiều sản phẩm âm nhạc hiện nay được thực hiện theo hướng cổ trang (chủ đề mở rộng ra cổ trang của các nước châu Á, chứ không chỉ riêng Việt Nam); cũng như lồng ghép các câu chuyện văn học, các yếu tố âm nhạc dân gian, nhạc dân tộc vào trong các MV.

Trong năm 2019, Hoàng Thuỳ Linh được cho là tên tuổi thành công với xu hướng dân gian đương đại. Các tác phẩm của cô được đánh giá tốt cả về mặt chuyên môn lẫn ý tưởng, đặc biệt có thể cân bằng được yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới. Các MV đậm hơi hướng cổ trang khác như: Hoạ Tình (Trương Quỳnh Anh), Từng Có Người Yêu Tôi Như Sinh Mệnh (Thủy Tiên), Sống Xa Anh Chẳng Dễ Dàng (Bảo Anh), Nhân Duyên (Phạm Quỳnh Anh),…

Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam liệu đã định hình? ảnh 2

Xu hướng giao thoa giữa nghệ sĩ underground và mainstream 

Nói về điều này, Cao Bá Hưng – quán quân Sing My Song 2016 chia sẻ: “Có một số đồng nghiệp của Hưng thậm chí còn bảo nhau rằng: Năm nay đang “trend” (xu hướng) làm dân gian đương đại, cổ trang đó, phải nhanh làm cho bắt kịp “trend”. Nhưng khi được hỏi thế nào là truyền thống, điểm khác nhau giữa văn hóa cổ trang Trung Hoa, cổ trang Hàn Quốc, cổ trang Nhật Bản hay cổ trang Việt Nam thì họ mới giật mình”.

Anh cũng nhận định đề tài cổ trang hay văn hoá dân gian, dân tộc không phải là những đề tài dễ làm, người nghệ sĩ phải hết sức cẩn trọng, phải tìm hiểu thật nhiều, thật sâu, bằng cả tâm huyết và tình yêu dành cho văn hóa, chứ không phải chạy theo làm văn hóa cổ vì xu hướng khán giả.

Nền công nghiệp âm nhạc đã định hình?

Trước đây, một quan điểm phổ biến cho rằng, giới mainstream lâu nay “bảo thủ và an toàn trong tác phẩm của mình” với mục đích chạy theo thị hiếu thị trường, chạy theo lợi nhuận; còn dòng nhạc underground mới là âm nhạc thực sự, phá cách và sáng tạo, thách thức những quan niệm thông thường trong xã hội, thậm chí vượt quá giới hạn thuần phong mỹ tục để tạo ra chất riêng của người nghệ sĩ.

Tuy nhiên, khi xu hướng giao thoa của hai dòng chảy âm nhạc này xuất hiện, có thể thấy ranh giới giữa nghệ sĩ underground hay mainstream không còn rạch ròi như trước đây. Nói cách khác, những nghệ sĩ mainstream ngày càng hướng tới thể hiện nét cá nhân của mình nhiều hơn, tự do hơn trong sáng tạo; còn những nghệ sĩ underground cũng quan tâm đến hình ảnh hơn, hướng tới xây dựng những sản phẩm phục vụ công chúng.

Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam liệu đã định hình? ảnh 3

Nền nhạc Việt vẫn luôn chịu ảnh hưởng bởi các nhà tài trợ. (Ảnh – BillboardVN)

Năm 2019, hầu hết khán giả cho rằng rất nhiều nghệ sĩ underground đã bước ra khỏi “cái bóng” của “thế giới ngầm”, trở thành một dòng chảy âm nhạc chính trên thị trường. Với các sản phẩm âm nhạc luôn có khoảng vài triệu đến vài chục triệu lượt xem, tài khoản mạng xã hội của các nghệ sĩ underground cũng có số lượng người người hâm mộ “khủng”, từ hàng trăm ngàn đến hơn vài triệu người theo dõi. Không nhạc nhiên khi rất nhiều tên tuổi nổi trội như Đen Vâu, Justatee, Osad, B Ray, BigDaddy, Emily…  được các thương hiệu, nhãn hàng “săn đón”, mời góp mặt trong các chiến dịch marketing rộng rãi. 

Mặt khác, các lứa ca sĩ trẻ hiện nay được đánh giá đang hoạt động cực kì sôi nổi. Nhạc Việt thời gian gần đây chứng kiến sự “bùng nổ” của các giọng ca 8x như Bích Phương, Hoàng Thuỳ Linh…; cùng với những “đóng góp miệt mài” của các giọng ca 9x như Bảo Anh, Hoàng Quyên, Miu Lê, Chi Pu, Hương Giang, Hiền Hồ, Vũ Cát Tường… ; và sự “nổi lên” của những giọng ca 10x trẻ trung như Han Sara, Amee, Sexi… Mặc dù có tác phẩm được khen được chê, những không thể phủ nhận những nghệ sĩ trẻ đang thực sự cống hiến rất nhiều cho nền âm nhạc nước nhà khi liên tục cho ra đời những sản phẩm mới. 

Dù vậy, những tín hiệu trên đã đủ để khẳng định nền âm nhạc Việt Nam đã được định hình. Câu trả lời có lẽ vẫn là chưa đủ. Khách quan mà nhìn nhận, nền âm nhạc Việt từ trước đến nay vẫn luôn phụ thuộc vào các ngành công nghiệp khác, hay chịu sự ảnh hưởng bởi các nhà tài trợ. Tuy nhiên, đây lại là một trong những yếu tố cần để xây dựng một nền công nghiệp âm nhạc.

Nhạc sĩ – nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Hải Phong từng nhận định: “Nếu xem ca khúc là tác phẩm nghệ thuật thì người sáng tác chỉ chú trọng đến tình cảm của khán giả dành cho ca khúc; còn nếu tư duy ca khúc là sản phẩm hàng hóa được đóng gói, có gia công sản xuất để đem ra quảng bá, bán ở thị trường thì mới mong thu được lợi nhuận cao nhất từ ca khúc.

Hiện các nhạc sĩ ở Việt Nam vẫn còn đi theo hai trường phái này, chứ không hoàn toàn đồng nhất mục đích. Chúng ta chỉ bắt đầu có một nền công nghiệp âm nhạc nếu chọn âm nhạc là một sản phẩm”.