Nền tảng bán lẻ của Masan Group liên tiếp nhận đầu tư, người tiêu dùng sẽ được lợi

Sản phẩm tại VinMart đáp ứng tiêu chí Tươi ngon thượng hạng

Hợp tác cùng Alibaba, SK Group

Hôm nay 18/5, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan và nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia, đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX, với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce. Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2.150.000 đồng). Sau đợt phát hành này, tỉ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

Được ra mắt vào năm 2020, The CrownX hợp nhất hai doanh nghiệp đầu ngành nhằm thiết lập nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Việt Nam. Trong khuôn khổ của giao dịch, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của công ty, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (“O2O”) tại Việt Nam. Giao dịch này củng cố tầm nhìn của các cổ đông về tiềm năng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ ứng dụng công nghệ đầu tiên của Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc.

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group chia sẻ, thỏa thuận hợp tác chiến lược sẽ giúp đơn vị đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành một Point of Life – nền tảng “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online. Ưu tiên hàng đầu của Masan Group là hiện đại hóa thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam, phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất.

Chia sẻ về thỏa thuận hợp tác này, bà Janice Leow, Giám đốc Điều hành tại BPEA tin rằng, thỏa thuận đầu tư chiến lược này sẽ góp phần thúc đẩy The CrownX phát triển vượt bậc và xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn thị trường vẫn còn non trẻ.

Trước đó, ngày 6/4, SK Group, quỹ đầu tư Hàn Quốc đồng thời là cổ đông lớn của Masan – SK Group, cũng đã mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce với tổng giá trị tiền mặt 410 triệu USD. Khoản đầu tư của SK không những khẳng định tầm nhìn trong việc xây dựng nền tảng Point of Life, mà còn đặt niềm tin vào năng lực thực thi của Masan.

Như vậy, hai thương vụ hợp tác, nguồn vốn đầu tư này đều được Masan Group tập trung để phát triển, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các công ty con của Masan trở thành một Point of Life – nền tảng “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online, trong các lĩnh vực gồm bán lẻ tạp hóa, dịch vụ tài chính và giải trí.

Với việc hợp tác với Alibaba, VinCommerce sẽ thiết lập thỏa thuận hợp tác chiến lược với Lazada – nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba. Theo đó,  VinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada, hai bên sẽ cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành ngành hàng chủ chốt của thương mại điện tử, phát triển tính năng cung ứng hàng hóa cho các đơn hàng online tại các điểm bán offline của VinCommerce. Đồng thời phát huy sức mạnh hiệp lực từ nền tảng cung ứng và giao vận của hai bên để tối ưu và tiết kiệm chi phí, gia tăng chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Nhu yếu phẩm là ngành hàng lớn nhất, hiện chiếm 50% thị trường bán lẻ Việt Nam và 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Sức mạnh hiệp lực giữa điểm bán hiện hữu của VinCommerce (2.500 điểm bán) và nền tảng online hàng đầu của Lazada, sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ của Việt Nam diễn ra nhanh chóng hơn. Không chỉ đem tới trải nghiệm mới mẻ cho người dùng, mà còn giúp họ tiết kiệm được chi tiêu nhờ giảm bớt các khâu trung gian trong mua sắm nhu yêu phẩm.

Thương mại điện tử là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các mặt hàng được phục vụ ở kênh thương mại điện tử chủ yếu là các mặt hàng không thiết yếu, giá trị cao và tần suất mua hàng thấp như thiết bị điện tử, thời trang, mỹ phẩm. Nhu yếu phẩm (đồ uống, thực phẩm) là lĩnh vực chiếm 50% thị trường bán lẻ, và 25% chi tiêu của người tiêu dùng Việt lại chưa được phục vụ đúng cách trên kênh online.

Thỏa thuận này giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng – bán lẻ hiện đại. Người tiêu dùng được phục vụ các hàng hóa thiết yếu với chất lượng và dịch vụ vượt trội dù đang mua sắm tại cửa hàng hay online. Người tiêu dùng có thể giảm bớt 5 – 10% chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu, nhà sản xuất tiết kiệm từ 5 – 10% chi phí.

Tái mở rộng chuỗi bán lẻ trên toàn quốc

Trong bản công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 của năm tài chính 2021 hồi cuối tháng 4/2021, Masan Group cho biết, doanh thu hợp nhất đạt 19.977 tỉ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 21,7% mục tiêu doanh thu ở mức thấp (92.000 tỉ đồng), nhờ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng – MCH (18,8%), ngành hàng thịt – MML (38,5%) và MHT (178,2%), bù đắp cho sự sụt giảm của VinCommerce (giảm 16,8%). Còn lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông đạt 187 tỉ đồng, hoàn thành 7,5% kế hoạch lợi nhuận (ở kịch bản mức thấp).

Theo Masan, doanh thu VinCommerce chịu ảnh hưởng chủ yếu (khoảng 75%) đến từ việc đóng cửa hơn 700 cửa hàng trong năm 2020, số còn lại chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan Group cho biết, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tái mở rộng chuỗi bán lẻ trên toàn quốc, hướng đến phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng vào năm 2025. Mục tiêu đến cuối 2021, số lượng điểm bán lẻ ít nhất sẽ tương đương với số lượng điểm bán khi Masan sáp nhập. Điểm khác biệt duy nhất là mạng lưới bán lẻ này sẽ có lợi nhuận.