Nền văn hóa đa dạng tại Sapa – Du lịch Fansipan
Tour du lịch Sapa – Mang trong mình một sức hấp dẫn khó thể cưỡng lại đối với không chỉ du khách Việt Nam mà còn với du khách quốc tế. Được những nhà thám hiểm Pháp phát hiện vào năm 1903, nơi đây đã trải qua hơn 1 thế kỷ hình thành và phát triển. Nằm ở độ cao 1600m so với mực nước biển, nó nắm giữ trong mình những nét khác biệt không nơi nào có, pha lẫn đâu đó một chút cổ điển Pháp, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn nét truyền thống độc đáo mà đáng yêu. Có một nơi như thế, nơi được mệnh danh là thị trấn mù sương, Đà Lạt thứ hai của đất nước: Sapa – Nơi gặp gỡ đất trời.
Mục lục bài viết
Sapa – Nơi quy tụ nhiều nền văn hóa
Sapa đã quá nổi tiếng là nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp, Hơn thế, Sapa còn là nơi gặp gỡ giao thoa giữa trời với đất, nơi quy tụ nhiều nền văn hóa độc đáo, mới lạ, nơi đây luôn tạo sự hứng thú với những du khách ưa thích tìm hiểu văn hóa, khám phá những điều mới lạ.
Khi lên tới Sapa, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều những người con gái duyên dáng trong những bộ đồ truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, không chỉ một mà rất nhiều những bộ trang phục sặc sỡ khác nhau. Sở dĩ như thế vì hiện nay, thị trấn Sapa là nơi lưu trú của 5 dân tộc thiểu số chính: H’Mong, Dao Đỏ, Tày, Giáy. Xã Phó.
- Dân tộc H’Mong:
Chiếm khoảng 53% dân số. Người H’Mong đen có số dân đông nhất tại Sapa. Tộc người H’Mông sinh sống chủ yếu ở Sa Pa là người H’Mông Đen do quần áo của họ toàn màu đen nhưng trang phục của họ lại khác hẳn người H’Mông Đen ở nơi khác, vì thế thường được gọi là người H’Mông Sa Pa. Khi lên tới Sapa, nếu bạn bắt gặp một người đàn ông mặc quần màu đen hoặc xanh đen (màu chàm) , áo cánh ngắn tay, bên ngoài khoác áo không tay kiểu như áo gilê có vạt dài quá mông, trên đầu đội một cái mũ bé tí, tròn, nông, ôm lấy đỉnh đầu trông như cái mũ của Giáo hoàng, có chiếc đen tuyền, có chiếc còn viền một vòng thêu thổ cẩm thì đó chính là người đàn ông của dân tộc H’Mong.. Người phụ nữ H’Mong Sapa cũng mặc đồ đen, trên đầu cũng đội một chiếc khăn đen, vành thẳng đứng như một cuộn giấy cao vượt đỉnh đầu. Bên ngoài là một chiếc áo khoác không có tay, vạt dài gần tới gối như của đàn ông. Chiếc áo khoác này được lăn ép bằng sáp ong vì thế có màu đen ánh bạc. Để giữgìn, nhiều khi người ta mặc lộn mặt trái có màu trắng ra ngoài. Đặc biệt nhất là phụ nữ H’Mông Sa Pa lại mặc quần ngắn ngang đầu gối chứ không mặc váy. Họ cuốn xà cạp quanh bắp chân rất khéo bằng một băng vải hẹp.
Người H’Mong Sapa sống nơi núi non hiểm trở, thiếu đất đai màu mỡ. Cũng do đặc điểm địa hình và hoạt động sản xuất nông nghiệp mà trang phục người H’Mong Sapa không quá điệu đàng và rườm rà như những nơi khác. Với kinh nghiệm trồng lúa nước từ xa xưa, người H’mông đã san đắp những sườn núi, sườn đồi thành những thửa ruộng bậc thang độc đáo, mỗi năm có thể trồng được hai vụ lúa hoặc hai vụ ngô. Du khách có dịp lên Sa Pa vào mùa thu dịp, mù lúa chín sẽ được ngợp mắt với cảnh những thửa ruộng bậc thang vàng óng tuyệt đẹp.. Có thể nói đó là một trong những cảnh quan đẹp nhất vùng núi cao Tây Bắc.
>>> Xem thêm : Dịch vụ tổ chức teambuilding tại Sapa
- Người Dao Đỏ
Người Dao Đỏ có dân số đứng thứ 2 sau người H’Mong tại Sapa. Tại Sapa, người Dao Đỏ dễ nhận biết nhất bởi trang phục sặc sỡ của họ. Người phụ nữ thường quấn khăn hay đội mũ đỏ, áo xanh đen có nhiều hoa văn đỏ và trắng ở cổ, vạt và tà áo. Trang phục của họ được xem là đẹp nhất ở mỗi phiên chợ Sa Pa. Người phụ nữ còn có tục cạo chân mày và một phần tóc phía trên trán cho đẹp.
Khác với người H’Mong, người Dao Đỏ sống ở các thung lũng hoặc triền núi nên giao thông cũng như kinh tế của họ có đôi chút nhỉnh hơn. Khi thăm người Dao Đỏ ở đây, bạn sẽ được giới thiệu nhiều phong tục độc đáo của họ như: tục kiêng sờ đầu trẻ em, khi cắt tóc, cạo đầu họ vẫn để chỏm tóc ở đỉnh đầu vì cho đó là nơi trú ngụ các hồn vía con người, quan niệm để chỏm tóc như vậy trẻ em sẽ không hay ốm đau. Họ cũng quan niệm là nam và nữ khi chưa kết hôn thì không được chụp ảnh cùng nhau vì như vậy là không tốt, có thể nói đó là một điều cấm kỵ đối với phụ nữ Dao. Đặc biệt, nếu bạn muốn chụp ảnh người Dao, tốt nhất là nên xin phép họ trước nếu không muốn gặp rắc rối.
- Dân tộc Tày
Với số dân xếp thứ 3 ở Sapa, Người Tày sống tập trung ở một số xã phía Nam như Bản Hồ, Nậm Sài, Thanh Phú là vùng thung lũng bằng phẳng, màu mỡ nhiều sông suối, nơi thuận tiện đánh bắt cá và làm ruộng.
So với trang phục của đồng bào các dân tộc khác thì trang phục truyền thống của người Tày khá đơn giản, màu sắc duy nhất một màu chàm thẫm (xanh đen). Nam và nữ giới cùng mặc áo cánh bốn thân xẻ ngực, cổ tròn có hai túi phía trước vạt áo trước, và một chiếc thắt lưng bằng vải rộng bản quấn ngang eo. Vào những dịp lễ tết hội hè thì mặc thêm áo dài năm thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hoặc cúc đồng. Phụ nữ thì đội khăn vuông gập chéo giống khăn mỏ quạ của người Kinh. Ngày nay vào các bản du khách, người Tày không còn mặc trang phục truyền thống mà bạn sẽ thấy phụ nữ Tày phục sức giống như người Kinh duy chiếc khăn đội đầu thì không thay đổi. Tuy nhiên, tại Sapa, họ vẫn giữ được nét truyền thống riêng của dân tộc mình.
- Dân tộc Giáy
Dân tộc Giáy là một nhánh của nhóm các dân tộc Tày – Thái, sống chủ yếu ở các vùng núi cực Bắc, chiếm 2% tổng dân số Sapa. Họ sống tập trung tại thung lũng Tả Van, Lao Chải. Trang phục của họ đơn giản hơn các dân tộc khác, ít thêu thùa và chỉ có các băng vải màu viền quanh cổ và vạt áo. Đến với người Giáy ở Sapa, bạn sẽ được bà con kể cho một kho tàng sự tích, ca dao tục ngữ vô cùng phong phú. Đặc biệt, người Giáy còn ca hát, nhảy múa trong mọi dịp lễ kể cả ma chay, đám hỏi. Ngày nay trong các làng người Giáy ở Sa Pa, đời sống tinh thần khá cao, nhiều nhà có tivi và hầu hết trẻ em đều đi học, có nhiều người đã học tới cao đẳng hoặc đại học.
Phong tục tập quán ở Sapa
Đến thăm Sapa, bạn sẽ tham quan các bản làng tại đây, như bản Cát Cát, bản Sa Pả, bản Tả Van,…Với những nền văn hóa lạ lẫm, nếu bạn không am hiểu, hoặc không có người hướng dẫn, có thể bạn sẽ vô tình đắc tội với người dân bản địa nơi đây và sẽ gặp rắc rối. Do đó, bạn cần nhớ kỹ một số phong tục chính dưới đây để làm hành trang cho mình.
- Dấu hiệu dân làng đang làm lễ
Nếu bạn vào thăm bản, bạn đi tới một nhà nào đó hoặc một khu vực nào đó mà có chùm cây xanh treo trước lối vào hoặc treo trên cột nơi dễ nhìn, bạn sẽ không được phép đi vào khu vực đó. Đó là thời khắc dân làng hoặc gia chủ đang làm lễ cũng thần, tránh tuyệt đối người lạ vào gây xui xẻ cho gia chủ. Nếu bạn cố tình hoặc vô ý vào, bạn sẽ chịu nhiều hình phạt tùy vào mức độ của người bản địa.
- Những nơi thờ cúng trang trọng:
Khi thăm bản Sapa, bạn sẽ gặp những khu vực thoáng mát, sạch sẽ và muốn nghỉ chân tại đó. Hãy cân nhắc và hỏi thật kỹ trước khi có ý định đấy nhé. Vì rất có thể đó là nơi thờ cúng linh thiêng của người dân đó. Những nơi này thường sẽ treo những mảnh vải đặc trưng nhiều màu sắc để du khách nhận biết mà tránh xâm phạm.
- Văn hóa khi thăm quan trong bản
Các bản làng của người dân tộc thiểu số luôn có những điều kiêng kị riêng, tại các bản Sapa cũng thế, bạn không nên huýt sáo hoặc nói cười ầm ĩ. Bà con cho rằng những âm thanh này sẽ gọi ma quỷ về bản. Thêm nữa, nếu muốn chụp ảnh người dân nơi đây, bạn nên hỏi xin trước nhé.
- Khi gia chủ mời nước
Trong nhà người Mông có rất nhiều cột, trong đó có một cột cao nhất gọi là cột cái, nơi con ma trú ngụ. Bạn không được phép treo quần áo, ngồi dựa lưng vào cây cột “linh hồn” đó. Khách ngồi uống rượu cần, giao lưu, chuyện trò cùng gia chủ không được vừa nói, vừa chỉ trỏ ngón tay ra phía trước. Người Mông cho rằng hành vi đó là bày tỏ thái độ không bằng lòng hoặc coi thường người tiếp chuyện.
Ngoài ra, khi gia chủ mời uống nước, uống rượu, nếu khước từ thì khách nên có lời nói khéo léo để chủ nhà hiểu, thông cảm. Bạn tránh úp bát xuống bàn, chỉ thầy cúng mới được phép làm như vậy để đuổi tà ma.
Văn hóa ẩm thực ở Sapa
Chính bởi Sapa là nơi quy tụ nhiều nền văn hóa của nhiều dân tộc, nên không khó gì để giải thích cho sự đa dạng và phong phú của ẩm thực nơi đây. Bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn cho các bữa ăn của mình cũng như lựa chọn một món làm quà tặng người thân, gia đinh.
- Thắng cố
“Đến Sapa phải ăn thắng cô” đó là câu chia sẻ kinh nghiệm của nhiều du khách đã từng đặt chân lên Sapa. Thắng cố là món ăn được làm từ ngựa với nguyên liệu chủ yếu là thịt và nội tạng của ngựa kết hợp với các gia vị đặc trưng của vùng Tây Bắc như thảo quả, quế, gừng,..và không thể thiếu cây thắng cố. Đây là món ăn truyền thống của người H’Mong. Người Mông Sapa ăn thắng cố kèm rau rừng và uống rượu ngô. Đây sẽ là một món ăn đáng để bạn trải nghiệm trong suốt chuyến hành trình tại Sapa này.
- Ruốc cá hồi
Cá Hồi mới được nuôi thử nghiệm thành công tại Sapa và đã trở thành một trong những món ăn được du khách ưa thích trong thực đơn. Cá hồi Sa Pa được nuôi theo công nghệ Cộng Hòa Liên Bang Đức, giống và thức ăn được nhập từ châu Âu, trong quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, chất tăng trọng nên đảm bảo cá sạch, thịt dai, chắc và có vị ngọt tự nhiên, giá trị dinh dưỡng: rất giàu axit béo omega-3, loại chất giúp tăng cường chức năng của bộ não như cải thiện trí nhớ, thư giãn não và hạn chế sự suy giảm các chức năng của não.
Với hương vị thơm ngon, thịt cá có màu hồng, giá trị dinh dưỡng cao, cá hồi là món ăn được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng khi đến với Sa Pa. Và sẽ thật thiếu sot nếu trong túi hành lý ra về của bạn không có một hộp ruốc cá hồi về cho gia đình hoặc làm quà cho người thân đấy.
- Cơm lam nướng
Là một món ăn truyền thống của các dân tộc thiểu số miền Tây Bắc. Cơm lam không còn lạ lẫm với các du khách đã từng tới đây. Với nguyên liệu chính là gạo nếp ngâm với nước suối, được hấp hoặc nướng chín trong ống tre, cơm lam mang một hương thơm béo ngậy, thanh mát luôn khiến du khách thích thú.
- Gà đen
Gà đen là tên gọi của loại gà toàn thân có màu đen, từ xương đến da của loại gà này đều có màu đen thẫm khác hoàn toàn với màu vàng óng của những loại gà bình thường. Gà đen được người dân Sapa nuôi thả rông, ăn lương thực tự trồng nên thịt gà chắc và thơm. Món ăn được chế biến từ gà ác nổi tiếng nhất là gà ác nướng mật ong ăn kèm lá bạc hà luôn nằm trong thực đơn của các nhà hàng và khách sạn tại Sapa.
- Đồ nướng
Từ khoảng 20h tối đến đêm, bạn sẽ được thỏa sức thưởng thức đồ nướng tại trung tâm thị trấn Sapa, cuối sân của nhà thờ cổ. Khoảng hơn hai chục món đồ nướng khác nhau kết hợp giữa thịt và rau khiến cho phố đồ nướng luôn tấp nập khách. Trong tiết trời xe lạnh của Sapa về đêm, đây sẽ là lựa chọn thú vị cho bạn và người thân xum vầy bên nhau
- Lợn cắp nách
Sở dĩ có tên là lợn cắp nách là do, mỗi khi cần tiền trang trải cuộc sống, người dân Sapa lại bắt lợn cắp vào nách để mang đi chợ bán. Lợn nhỏ khoảng 7-12kg nên khi được nướng lên thịt ngọt bùi cực thơm. Lợn được làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con mà nướng hoặc quay. Miếng thịt mỏng tang, vàng rộm từ ngoài vào trong, thịt nạc ngọt mềm, lớp bì ròn tan, miếng thịt dày không quá 2cm và xương cũng rất nhỏ có thể ăn được luôn nếu không phải xương ống. Để thưởng thức món này ngon nhất, bạn nên ăn kèm lá móc mật và uống kèm rượu táo mèo Sapa.
- Rượu Ngô
Nếu như ở Tây nguyên, bạn được say men trong rượu cần thì khi tới Sapa, bạn nên thưởng thức đặc sản rượu ngô Sapa. Được làm từ ngô, với cách làm thủ công giản dị, nhưng rượu ngô Sapa thường trong vắt và cay nồng và còn đọng lại vị ngòn ngọt khó tả. Để thưởng thức rượu ngô ngon nhất, bạn nên chọn rượu ngô Bản Phố được rất nhiều du khách tâm đắc. Bạn có thể uống rượu ngô kèm thắng cố, đồ nướng hay thịt lợn cắp nách sẽ tạo cảm giác tròn vị cho mỗi món ăn của bạn.
- Đào Sapa
Nếu được hỏi về trái cây ưa thích nhất tại Sapa, bạn sẽ nhận được câu trả lời là quả đào từ hầu hết những du khách của Sapa. Loại quả này được coi như tinh hoa của núi rừng Tây Bắc. Đến Sapa vào tiết hạ, bạn có thể đến trực tiếp các vườn đào say trĩu quả trong các bản quanh thị trấn để nếm thử và chọn mua về làm quà cho người thân. Quả đào chính hiệu đất Sapa chỉ to bằng cái chén nhỏ, căng tròn và có một lớp lông mỏng màu cẩm thạch phủ bên ngoài. Vị trái đào Sapa có chút chát pha lẫn vị ngon đậm đà, mùi thơm rất đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Với sự đa dạng, phong phú về cả văn hóa và ẩm thực, du lịch Sapa sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu cho những bạn muốn trải nghiệm, tìm hiểu những nét văn hóa mới lạ của vùng đất mới, con người mới. Cùng bạn bè, người thân sắp vali ngay ngày hôm nay để có những trải nghiệm lý thú và tuyệt vời nhất nhé.
Tags:
Tags: tour du lịch sapa