Nét Đặc Trưng Của Ba Miền Bắc Trung Nam
Việt Nam có một nền văn hoá đa dạng và phong phú trong khoảng thời gian lịch sử từ hàng ngàn năm trước đây. Những thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử, sự pha trộn của những nền văn hoá cổ xưa cùng với những nét đặc trưng của cộng đồng Việt, sự hoà trộn của văn hoá Trung Hoa và một phần của Phương Tây đã tạo nên một nền văn hoá Việt mang bản sắc riêng và ấn tượng giữa 3 vùng miền Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.
Miền Bắc lưu vực sông Hồng là cái nôi của văn hoá Việt Nam. Qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, kinh đô của đất nước luôn toạ lạc tại mảnh đất này. Những nghi lễ quan trọng như cưới hỏi, ăn Tết luôn được cầu kì trong cách thức, long trọng và mang phần nghiêm nghị hơn 2 miền Trung, Nam. Người miền Bắc mang những nét tinh tế, thâm thuý, sâu sắc, nhưng đôi khi cũng bảo thủ, hoài cổ trong tính cách. Có thể nói tại đây là khu vực trọng học vấn, trí thức đông đảo, luôn đề trọng học vấn và chế độ khoa cử từ bao đời xưa. Phụ nữ miền Bắc hết mực thủy chung, đảm đang, nhưng vẫn còn phần nào bị ảnh hưởng từ xã hội xưa cũ nên vẫn còn ít nhiều khép kín bởi lối tư duy xưa.
Miền Trung tuy thiên nhiên có phần hà khắc, con người quanh năm hứng chịu nhiều tai ương, xung quanh là núi non, biển sông ngòi, đầm và đồng bằng, nhưng đây là trung tâm văn hoá quan trọng của cả nước. Là nơi định cư của tiểu vương quốc Chăm, nơi này mang dấu ấn một thời và lưu giữ nhiều sản vật tồn tại của nền văn hoá này. Do những bất lợi về địa lý và địa hình, vốn là vùng đất khắc nghiệt, còn gặp những khó khăn thiên thời địa lợi, một phần khiến những con người nơi đây hết mực cần cù chịu thương chịu khó, hiếu học và hết mực tiết kiệm. Phụ nữ miền Trung chịu khó, hết mực đoan trang nhưng vẫn còn sống khép kín trong nề nếp xã hội xưa cũ. Những con người quý trọng cuộc sống, lối thích ăn chắc mặc bền, khó có thể thay đổi trong nếp sống và cách sống do mãnh đất này còn lắm khắc nghiệt, còn lắm những đắng cay đè nặng và đeo mang. Những ca dao, dân ca dân gian cũng một phần phản ánh những trăn trở, khó khăn và đầy khắc khoải của con người nơi đây. Ba di sản thế giới: vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế toạ lạc tại mảnh đất này. Nơi đây cũng là vùng đất nuôi dưỡng những đấng anh hùng hào kiệt, những vị vua vang danh của cả lịch sử dân tộc, sự nghiệp và thanh danh của họ luôn sống mãi và bất tử với thời gian và năm tháng: Lê Lợi, Hàm Nghi, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh,…
Miền Nam nổi bật là chốn đất lành chim đậu, là vựa lúa chính của cả nước, vựa trái cây nổi tiếng với những loại trái ngon ngọt, mát lành. Nổi bật với ưu thế sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, mênh mông bốn bề tràn đầy những sản vật trên bờ, dưới biển, những loài hải sản phong phú và đa dạng, và cũng là nơi lưu giữ những hương vị ẩm thực đặc sắc của cả nước. Mảnh đất này cũng là nơi tạo ra những con người dám nghĩ, dám làm, mộc mạc, chất phát, phóng khoáng và giàu nghĩa tình một phần làm giàu đẹp diện mạo của vùng đất này. Phụ nữ miền Nam mạnh mẽ, phóng khoáng, cởi mở và tràn đầy tinh thần khám phá cái mới. Do những thế mạnh về thiên nhiên địa lý, họ được mệnh danh là những người “Trọng nghĩa khinh tài”, không câu nệ tiểu tiết và cực kỳ quý trọng nghĩa tình, họ cũng là “dân dám làm ăn lớn”, không nơi nào mang vẻ đẹp của tính hiếu khách đặc sệt như ở mảnh đất vùng sông nước này. Nơi đây vốn không mấy xem trọng học vấn hay con đường tiến thân, họ cởi mở, đôi khi bộc trực, thẳng thắn, không quan trọng chuyện môn đăng hộ đối và cực kỳ dễ kết thân, kết giao bạn bè. Chén rượu, ly trà cùng à ơi câu hò, tiếng hát, đâu đó mang điệu vui tươi, thỉnh thoảng mang nhuốm màu buồn suy tư, cất câu vọng cổ não lòng, và đứt từng khúc ruột là những nét tâm tư chôn sâu trong con người của mảnh đất Nam Bộ.
Trang Phục
Trong bức tranh trang phục đầy màu sắc và nổi bật của các dân tộc Việt Nam, trang phục đặc trưng của mỗi vùng miền thể hiện văn hóa cũng như tính cách, phong thái riêng của mỗi vùng.
Miền Bắc
Được may bằng bốn khổ vải hẹp với thắt lưng quanh bụng, phần dưới thắt lưng gồm nhiều tà áo với đầy đủ màu sắc phấp phới, áo tứ thân được xem là trang phục truyền thống của người phụ nữ Miền Bắc. Với những nét thanh tao, kín đáo bởi thiết kế hở phần ngực, được che bằng chiếc yếm lụa có màu trắng hay ngà tự nhiên, phía dưới là váy hoặc quần đen, hình ảnh áo tứ thân đi kèm là chiếc nón quai thao thường được các liền anh, liền chị miền Bắc mặc trong các lễ hội truyền thống. Những người phụ nữ miền Bắc mặc áo tứ thân theo kiểu mớ ba, mớ bảy, tức là cùng một lúc mặc ba hoặc bảy cái áo lồng vào nhau, mỗi cái một màu. Áo tứ thân, nón quai thao, câu hát quan họ là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn được giữ gìn từ bao đời nay.
Miền Trung
Hễ nhắc đến Việt Nam, không ai quên nhắc đến tào áo dài mỏng manh và thanh tao, áo dài vốn là trang phục truyền thống và là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Được kế thừa một cách sáng tạo những nét đẹp và độc đáo từ chiếc áo tứ thân của người Kinh, áo dài của người Chăm, Tày, Nùng… phần trên thiết kế ôm sát thân, phần dưới có hai tà áo buông mềm mại xuôi theo ống quần, hai tà trước và sau của áo dài kéo từ cổ xuống mắt cá chân và trùm lên chiếc quần ống rộng có gấu chạm đất, tà áo dài mộng mơ đã làm xao xuyến những trái tim du khách khi đến với Việt Nam. Áo dài vốn bắt nguồn từ mảnh đất miền Trung trong thời phong kiến xa xưa, nhưng ngày nay đã được sử dụng rộng rãi và trở thành một nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt. Tà áo dài miền Trung cố đô Huế trở thành biểu tượng và gắn liền với hình ảnh người con gái xứ Huế. Gam màu tím mộng mơ, trầm lắng mang vẻ đẹp của những người thiếu nữ kinh kỳ men theo những con sông, bên Cầu Tràng Tiền khiến cho du khách thêm yêu vẻ trữ tình của mảnh đất Cố đô này.
Miền Nam
Khác với vẻ yểu điệu, thướt tha của áo tứ thân hay tà áo dài, áo Bà ba luôn gắn liền với các vùng quê Việt Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long. Miền Nam với đặc trưng của nhiều hệ thống sông ngòi, kênh rạc chằng chịt, nắng gió là những sản phẩm được ưu ái đến mức dư thừa, nên chít eo, xẻ tà thấp thôi để thoải mái trong cách vận động, di chuyển mà không làm mất đi vẻ dịu dàng, e ấp của người con gái miền sông nước. Là một trang phục tạo sự thoải mái, tiện lợi cho việc đồng án, thường đặc trưng bởi những màu tối như màu đen, màu nâu, bằng lá bàng, vỏ cây đà, cây cóc hoặc trái dưa nưa tạo sự sạch sẽ và dễ giặt giũ. Chiếc áo bà ba được thiết kế xẻ ở hai bên hông, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ. Ngày nay, chiếc áo bà ba được cánh điệu dần với những gam màu sặc sỡ, những khung bậc trầm bổng của màu sắc dần làm chiếc áo bà ba quen việc đồng áng năm xưa ngày càng yểu điệu, thanh tao hòa nhịp cùng nhịp điệu của đời sống hiện đại và của bạn bè năm châu.
ẨM THỰC
Đi dọc miền đất nước, cùng với những nét đặc trưng về vị trí, khí hậu, văn hoá phong tục tập quán là sự khác biệt về ẩm thực. Việt Nam là cái nôi của nền văn minh lúa nước, cây lúa là phương thức phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Mặc dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay nhưng không thể quên đi nét văn hoá nông nghiệp này bởi vì kể từ xa xưa người dân đã bám lấy việc canh tác lúa và phát triển chăn nuôi làm kế sinh nhai. Bữa cơm truyền thống của người Việt không thể không nhắc đến hạt cơm, vốn được ví von là hạt “ngọc” của trời. Thêm vào đó, cùng sự kết hợp của nhiều rau, củ, quả thanh đạm chứ không giàu dầu mỡ như phương tây. Các loại nước chấm kèm theo cũng tạo nên những mùi vị đặc trưng trong cách chế biến. Đi dọc theo dải đất hình chữ S, bạn sẽ được nếm thử nền ẩm thức phong phú và đầy hương vị riêng biệt của mỗi vùng miền.
Ẩm thực Miền Bắc:
Vốn là cái noi của nền văn minh Việt Nam, ẩm thực miền Bắc được sàng lọc kỹ lưỡng từ bao đời với vị thanh đạm, nhẹ nhàng, có vị chua nhẹ của quả sấu. Các món ăn có sự tương hỗ, đa dạng trong cách tranh trí, thanh tao, tinh tế trong hương vị. Với sự định cư lâu dài của các triều đại phong kiến, Hà Nội là nơi lưu giữ tinh hoa ẩm thực miền Bắc. Hãy nếm thử những mĩ vị nơi đất Hà Thành này với các món đặc trưng như Phở Hà Nội, bún chả, bún thang, miến xào cua bể, bánh Tôm Hồ Tây, chả giò, bún ốc, thịt đông,… để có thể thưởng thức trọn vẹn nhất văn hoá ẩm thực Việt Nam.
Ẩm thực miền Trung:
Vốn là mãnh đất ít được thiên nhiên ưu ái, quanh năm cằn cõi, đầy nắng gió lại gồng mình gánh lấy những cơn thịnh nộ của đất trời. Có lẽ vì vậy con người ở đây biết cách biến khó khăn thành sức mạnh, mang tư tưởng vào trong ẩm thực, biến tấu những thứ sẵn có thành những sản vật tuyệt vời, mang đậm bản sắc và hơi thở của mảnh đất này. Ẩm thực nơi đây thiêng về cay và mặn, đơn giản mà lại tinh tế với sự đan xen giữa ẩm thực cung đình và đường phố. Một bên cầu kì, trọng hình thức, nặng lễ nghi, còn một bên thì dung dị, giản đơn. Ớt là nguyên liệu không thể thiếu, là gia vị được người ta hết sức chú trọng trong các món ăn, ấy thế nên đã tạo nên một bản sắc riêng không trộn lẫn với bất kì nơi nào. Bún bò Huế, mì Quảng, cao lầu, bánh bèo, bánh đập, chả ram,… là những món làm say đắm lòng người ngay từ cái nhìn đầu tiên, mang một phong thái riêng không lẫn vào đâu được của ẩm thực miền Trung.
Ẩm thực Miền Nam:
Nhắc đến ẩm thực miền Nam là không quên nhắc đến hương vị ngọt béo của đường và nước cốt dừa. Với vị trí thuận lợi, thiên nhiên mang đến trao tặng những sản vật giàu đẹp, và những con người hào sảng, phóng khoáng góp phần làm màu sắc bức tranh ẩm thực nơi đây được khắc hoạ một cách sinh động, mang những nét chấm phá độc đáo và riêng biệt. Cá lóc nướng trui, thịt kho nước dừa, canh chua cá bông lao, cá kho tộ, lẩu mắm,.. là những nguyên liệu bình dị đơn sơ, đậm chất dân dã của miền Tây sông nước mà lại tạo nên một phong thái riêng của ẩm thực nơi đây. Miền Nam không thích trung hoà, vị nào phải ra vị đó, và phải đạt cực điểm.
GIỌNG NÓI
Giọng nói là phương tiện phản ánh những đặc trưng văn hóa của mỗi khu vực, là cơ sở để nhận ra đồng hương cùng sinh sống trên một vùng miền của cả nước. Trên cùng lãnh thổ Việt Nam, có sự khác biệt rõ nét trong giọng nói giữa 3 vùng Bắc, Trung, Nam.
Miền bắc sỡ hữu chất giọng thanh tao, tiếng nói ríu rít như chim hót. Ưu điểm của giọng bắc là phân biệt rõ ràng các phụ âm cuối [C] và [T], [N] và [NG] và đầu [D] và [GI]. Phân biệt các dấu hỏi, ngã. Nhược điểm của giọng bắc là không phân biệt [CH] và [TR] nói thành [CH], [S] và [X] nói thành [X].
Dọc theo bờ lãnh thổ vào Thanh Nghệ Tĩnh, âm thanh của giọng miền bắc dường như dần dần có vẻ có chút khác biệt, tuy vẫn còn âm điệu của giọng bắc nhưng một số âm điệu và nhiều từ khác miền Bắc được thêm vào. Giọng Miền Trung được nhiều người cho rằng là chất giọng nghe không quen sẽ không thể hiểu được, cao bổng và nặng nhẹ theo những cách riêng biệt. Giọng Miền Trung không còn phân biệt dấu hỏi dấu ngã với sự phát âm nửa vời, không hỏi không ngã, có lúc trầm xuống gần với dấu nặng.
Giọng miền Nam mềm mại hơn mảnh đất miền Trung. Nhưng người Miền Nam không phân biệt phụ âm cuối [C] và [T] nói thành [C], [N] và [NG] nói thành [NG]. Phụ âm đầu [V] đều nói là [D]. Âm đầu [R] thường phát âm là [G] ví dụ cá rô thành cá gô. Nhiều vùng không nói được âm đầu [H] mà biến thành gần như [GU], ví dụ Hoàng thành Quàng. Giọng Miền Nam không phân biệt hỏi ngã cũng như giọng Miền Trung.
Dù hay hay không, dù mềm mại hay thô cứng, dù dễ nghe hay khó hiểu thì giọng của mỗi vùng miền nên được gìn giữ như một di sản quốc gia, bởi chúng đáng được trân trọng, và đáng được giữ gìn.
Lãnh thổ Việt Nam đã trải qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử, trải qua những bước chân văn hóa làm nổi bật những giá trị riêng biệt của từng vùng. Ba miền Bắc, Trung, Nam của dải đất hình chữ S giữ riêng mình những đặc sản, đặc trưng vô cùng đặc sắc và không lẫn vào đâu được. Chúng là bước đệm để một Việt Nam giàu đẹp và đầy những giá trị thiêng liêng của đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Việt ngày càng phát triển và rộng khắp trên bức tranh nhuốm đầy những dấu son rực rỡ và đầy phong vị của bạn bè năm châu.