Nét đặc sắc Lai Châu trong Tuần Du lịch – Văn hóa năm 2016

Công tác chuẩn bị

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị cho Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu 2016 đã triển khai như thế nào?

Đồng chí Hoàng Quốc Trung: Trước hết, được sự quan tâm của tỉnh, chúng tôi đã triển khai các hoạt động theo đúng kế hoạch. Đến thời điểm này cơ bản các nội dung đã hoàn tất, các chương trình luyện tập cũng sẵn sàng. Tất cả các nội dung được chuẩn bị chờ ngày khai mạc.
Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá, chúng tôi đã thực hiện và tổ chức nhiều phương thức quảng bá như: trên các đài phát thanh – truyền hình trong và ngoài tỉnh, trên trang thông tin điện tử, qua các chương trình hội thảo, họp báo. Đặc biệt trên tất cả các phương tiện đi và đến Lai Châu đều quảng bá cho nội dung này.

Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cho Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu từ tháng 12-2015, sau khi tỉnh quyết định triển khai. Mặc dù thời gian rất gấp nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh, sự vào cuộc hết sức nỗ lực của các ngành liên quan từ cấp cơ sở, cấp huyện, cho đến thời điểm này cơ bản các nội dung chuẩn bị đã hoàn tất.

Phóng viên: Công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách tham dự được tiến hành ra sao?

Đồng chí Hoàng Quốc Trung: Chúng tôi tổ chức một tiểu ban an ninh gồm công an, biên phòng, bộ đội, y tế. Tiểu ban đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm bảo đảm và giữ gìn an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra chương trình.

Văn hóa đa sắc màu của Lai Châu

Phóng viên: Ý nghĩa và mục đích chính mà tỉnh Lai Châu muốn giới thiệu trong Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2016 là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Quốc Trung: Mục đích của chương trình nhằm quảng bá giới thiệu vẻ đẹp di tích, đất nước con người. Trong đó phải nói tới nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, đặc biệt một số dân tộc sinh sống tại Lai Châu như dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Si La… cùng với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn của tỉnh để giới thiệu với du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, chương trình cũng nhằm giới thiệu tới các doanh nghiệp du lịch phục vụ công tác xây dựng thị trường, giới thiệu các tua, tuyến. Đây cũng là cơ hội kêu gọi các nguồn lực đầu tư để phát triển du lịch tỉnh. Chương trình được gắn cùng thời điểm các ngày lễ lớn của đất nước.

Phóng viên: Các hoạt động chính trong Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2016 gồm những sự kiện lớn nào?

Đồng chí Hoàng Quốc Trung: Các hoạt động mang tính chất điểm nhấn trong Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu là nội dung lần đầu tiên được tổ chức. Bên cạnh đó, chương trình Lễ khai mạc với sự dàn dựng công phu, sân khấu sẽ thể hiện rõ nét đặc sắc của Lai Châu qua các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, mô hình phát triển du lịch của tỉnh. Chương trình nghệ thuật khai mạc có sự kết hợp chương trình Lễ hội đường phố với sự tham gia của 20 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn của tỉnh diễu hành quanh các cung đường chính của thành phố.

Cùng với đó, chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Tiếng vọng non ngàn” tổ chức trong lòng hang động Pusamcap. Đây cũng là một sản phẩm mới chúng tôi muốn quảng bá – động Pusamcap được mệnh danh là Tây Bắc đệ nhất động. Chương trình này còn gắn kết với khu du lịch sinh thái ở bản Gia Khâu. Nội dung của chương trình như: hòa tấu nhạc đương đại và nhạc dân tộc, tác phẩm nghệ thuật dân tộc do nghệ nhân dân tộc trên địa bàn tỉnh biểu diễn; trình diễn các trang phục dân tộc; trình diễn nghệ thuật ánh sáng trong lòng hang động bằng ánh sáng laze.

Chương trình lễ hội tại điểm du lịch Sin Suối Hồ xã Sin Suối Hồ huyện Phong Thổ, đây là điểm bản du lịch mới ở Lai Châu vừa kết hợp du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Đặc điểm của Sin Suối Hồ là khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, bà con ở đó có nghề trông cây lan, cây thảo quả, táo mèo…, có thác nước cũng là điểm tham quan rất mới, cũng như có nhiều tiểu cảnh đẹp do bà con xây dựng. Tại đây nhiều hoạt động được tổ chức như: thi nấu ăn; họp chợ phiên; trình diễn ẩm thực với nội dung mỗi một hộ gia đình sẽ làm một mâm cơm trình diễn với du khách.

Trong các ngày chương trình diễn ra, tại điểm Sìn Hồ sẽ tổ chức chương trình với chủ đề “Đánh thức cao nguyên Sìn Hồ” – chương trình được tổ chức trên khu bờ đập Hoàng Hồ, huyện Sìn Hồ hoàn toàn gắn với thiên nhiên. Trên bờ hồ sẽ có trại Văn hóa – Du lịch có sự tham gia của 22 gian hàng của 8 tỉnh phía bắc, các huyện trong tỉnh, doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó giới thiệu toàn bộ không gian văn hóa của đồng bào dân tộc.

Ngoài ra, một nội dung nữa trong hoạt động là trình chiếu các phim quảng bá du lịch Lai Châu cùng với chương trình văn nghệ tạp kỹ với chủ đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, cùng với đó còn có cuộc thi ảnh đẹp về tỉnh Lai Châu, giao lưu đốt lửa trại.

Phóng viên: Tỉnh có chương trình giới thiệu những nét nổi bật văn hóa của dân tộc ít người của dân tộc tỉnh Lai Châu trong dịp này như thế nào?

Đồng chí Hoàng Quốc Trung: Trong chương trình sẽ tổ chức tái hiện trình diễn một số lễ hội đặc biệt của đồng bào dân tộc, ví dụ như: “Lễ hội Gầu Tào của người Mông”, lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” của người Thái với khoảng 8 lễ hội sẽ được tái hiện tại đây… Các nội dung về trang phục, văn hóa phi vật thể sẽ được thể hiện qua nhân vật, con người cụ thể, phân vai rõ ràng. Nhân vật thể hiện sẽ thuộc địa phương cụ thể nhằm giới thiệu nét đặc trưng của bà con dân tộc vùng đó. Có những dân tộc mà chỉ có Lai Châu mới có như: trên Sìn Hồ đặc trưng của dân tộc Dao, dưới Tam Đường đặc trưng của dân tộc Lự, hoặc như ở Phong Thổ với loại hình xòe Thái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Tỉnh Lai Châu cách Hà Nội khoảng 400 km; có 8 huyện, thị, 108 xã, phường, thị trấn, dân số trên 40 vạn người. Lai Châu là vùng đất có 20 dân tộc anh em gồm: Thái, Tày, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Việt (Kinh), Mường, Khơ Mú, Mảng, Kháng, Hà Nhì, Cống, La Hủ, Si La, Phù Lá, Lô Lô, Mông, Dao và Hoa. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc sắc tạo nên diện mạo đa sắc màu của văn hóa Lai Châu. Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu 2016 tổ chức từ ngày 27-4 đến 30-4.

Phát triển du lịch văn hóa

Phóng viên: Đồng chí cho biết Lai Châu có những tiềm năng, thế mạnh nào có thể khai thác và thu hút các nhà đầu tư, những khó khăn gặp phải?

Đồng chí Hoàng Quốc Trung: Lai Châu có những điểm thuận lợi như: nằm trên cung đường vòng cung Tây Bắc, tiếp giáp với các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, vị trí địa lý thuận lợi; có cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng thông thương với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Về điều kiện tự nhiên khí hậu tương đối mát mẻ, địa hình núi dốc nên có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp. Lai Châu có nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của 20 dân tộc anh em, các bản sắc văn hóa đó đến nay vẫn được bảo tồn. Hiện nay tỉnh có 22 di tích lịch sử văn hóa thì có năm di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tuy nhiên đến nay còn một số tồn tại mà Lai Châu vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng thế mạnh của mình như do vị trí địa lý xa, đường sá đi lại khó khăn, thiếu kinh phí bảo tồn và trùng tu di tích lịch sử văn hóa, nguồn nhân lực mỏng… Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển du lịch văn hóa với mô hình phát triển văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái…

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết hoạch phát triển du lịch của Lai Châu trong thời gian tới như thế nào?

Đồng chí Hoàng Quốc Trung: Chúng tôi sẽ chủ trương tập trung phát huy tiềm năng sẵn có của tỉnh, trong đó có các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái, qua đó xây dựng các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Nét đặc sắc Lai Châu trong Tuần Du lịch - Văn hóa năm 2016 ảnh 1

Vòng xòe đoàn kết một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong các dịp lễ hội của dân tộc Thái Lai Châu. (Ảnh: Trần Tuấn).

Nét đặc sắc Lai Châu trong Tuần Du lịch - Văn hóa năm 2016 ảnh 2

Du khách có thể thưởng thức các điệu múa sạp, múa quạt độc đáo của người Thái ở các bản làng người Thái ở Lai Châu.

Nét đặc sắc Lai Châu trong Tuần Du lịch - Văn hóa năm 2016 ảnh 3

Cùng với các điệu múa đó là múa tính tẩu, đây cũng là một nét văn hóa độc đáo khá phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Thái.

Nét đặc sắc Lai Châu trong Tuần Du lịch - Văn hóa năm 2016 ảnh 4

Thi giã bánh dày trong các dịp lễ hội, đây là nét văn hóa riêng độc đáo của người Mông.

Nét đặc sắc Lai Châu trong Tuần Du lịch - Văn hóa năm 2016 ảnh 5

Đến Lai Châu vào dịp tháng 3 hoặc tháng 6, du khách có thể tham gia vào Lễ hội té nước của người Lự ở Nà Tăm, Tam Đường hoặc của người Thái ở khu vực Mường So, Phong Thổ.

Nét đặc sắc Lai Châu trong Tuần Du lịch - Văn hóa năm 2016 ảnh 6

Hệ thống hang động Tả Phìn tại bản Tả Phìn xã Tả Phìn huyện Sìn Hồ một điểm đến cho khách du lịch thích khám phá.

Nét đặc sắc Lai Châu trong Tuần Du lịch - Văn hóa năm 2016 ảnh 7

Thác Trái Tim, một điểm đến hấp dẫn khi đến thăm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ xã Sin Suối Hồ huyện Phong Thổ.

Nét đặc sắc Lai Châu trong Tuần Du lịch - Văn hóa năm 2016 ảnh 8

Thành phố trẻ Lai Châu hiện đại thân thiện và mến khách, điểm đến lý tưởng của du khách.