Nét đặc trưng đời sống ẩm thực ngày Tết của người dân xứ Quảng
VHO-Có thể nói, trong tâm thức của người dân xứ Quảng, ẩm thực được xem là linh hồn của ngày Tết. Tục ăn Tết và bày mâm cỗ Tết từ lâu đã là một phong tục đáng quý đặc trưng của người Việt ở xứ Quảng, là phương tiện mà qua đó con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên.
Tết Nguyên đán là lễ hội cổ truyền đặc sắc của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân xứ Quảng nói riêng. Lễ hội mang tính thống nhất cộng đồng xã hội, tính nhân văn thẩm mỹ cao. Tết là điểm xuất phát thiêng liêng của ngày, tháng, năm mới và còn là dịp để mọi người hướng tới sự lịch sự, cao thượng, nhân ái với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Đồng thời, Tết của người Việt gắn liền với sự ăn, cho nên người Việt mới gọi là ăn Tết thay vì nghỉ Tết như người Tây phương. Vì vậy, ẩm thực ngày Tết là sự hội tụ những tinh hoa ẩm thực mà con cháu dâng cúng để tổ tiên và những người đã khuất thụ hưởng như một sự tri ân và tưởng niệm, sau nữa là “tiệc chiêu đãi” thân bằng quyến thuộc, hàng xóm láng giềng và khách khứa sau một năm lao động vất vả.
Tết Nguyên đán là những ngày mọi người Việt Nam đều hướng về tổ tiên, gia đình và trân trọng những giá trị truyền thống lâu đời
Vào những ngày giáp Tết, từ những con đường làng đến nhà nhà đều được dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất. Tất cả bàn thờ gia tiên đều được sửa sang lau chùi cẩn thận. Các loại lư, đĩnh, chân đèn, bình hoa bằng đồng đều được đánh bóng sáng choang. Cát trong lư hương cũng được thay mới, chân hương cũ cũng được đem đốt bỏ.
Theo ý nghĩa câu “hương hỏa bất tuyệt”, thì trên bàn thờ lúc nào cũng phải có hương hoa trà nước, đặc biệt là phải có các loại trái cây để chưng suốt mấy ngày Tết. Trong thiên “Nguyệt lệnh” của Kinh Lễ cho biết, vào thời Thượng cổ, vào tiết Lập xuân người ta có tục ăn trái cây tươi, gọi là “tống cựu nghinh tân”. Thế nên vào ngày Tết, người đời sau thường dùng các loại trái cây đầu mùa để dâng cúng lên bàn thờ Tổ tiên hoặc làm thực phẩm sử dụng trong những ngày Tết. Chính vì vậy, người ta thường đặt mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ gia tiên trong ngày Tết, đồng thời cũng làm cho không gian thờ cúng trong mỗi gia đình thêm phần ấp áp. Đặc biệt, mâm ngũ quả còn có liên quan đến quan niệm âm dương, ngũ hành của triết lý phương Đông. Người phương Đông quan niệm rằng, vũ trụ được tạo nên từ năm yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, gọi là “ngũ hành”, nên trong mâm quả thờ cúng, người ta chọn con số 5. Còn theo quan niệm dân gian thì quả (tức trái cây) được xem như thành quả lao động của một năm. Người ta chọn 5 loại trái cây để cúng trên bàn thờ với ngụ ý, những sản vật này được kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của người lao động, dâng lên tổ tiên, trời đất để thể hiện lòng thành kính và cầu mong một cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc. Do đó, hình ảnh của mâm ngũ quả có sự kết hợp hài hòa giữa triết lý phương Đông và tư tưởng bình dân, là một nét văn hóa độc đáo đã ăn sâu vào trong tâm thức của người dân Việt xứ Quảng.
Mâm cỗ cúng Tổ tiên ngày Tết cũng là mâm cỗ đoàn viên của gia đình trong ngày đầu năm
Bên cạnh đó, mỗi nhà cũng chuẩn bị các loại bánh dùng cho ngày Tết như: bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in, bánh khô, bánh rò, bánh tráng, bánh mè, bánh thuẩn, bánh ít đen, bánh gừng,… Đây là những loại bánh rất quan trọng dùng trong những ngày Tết. Ngoài ra, một số loại bánh khác xuất hiện sau này như: hạt dưa, bánh hộp các loại, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao,… Tuy nhiên, ngày Tết của cư dân xứ Quảng thì bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in là những loại bánh cổ truyền không thể thiếu được, lại mang nhiều ý nghĩa cao cả.
Ngày Tết, người dân xứ Quảng có tục cúng cơm bữa trên bàn thờ tổ tiên. Vì dân gian quan niệm rằng, ngày Tết đã mời ông bà về đoàn tụ với con cháu, nên trước khi ăn phải dâng cúng ông bà trước. Do đó, mâm cỗ cúng Tổ tiên ngày Tết cũng là mâm cỗ đoàn viên của gia đình trong ngày đầu năm. Mâm cỗ này tuy có nhiều món ăn ngon nhưng không quá cầu kỳ, cách nấu nướng, cách ăn uống cũng khá đơn giản, chân chất, ít chuộng hình thức, không phô trương, chẳng khắt khe, thậm chí dân dã thô thiển mà vẫn giữ được nét cổ truyền tồn tại hàng mấy trăm năm qua.
Mâm cơm Tết của người xứ Quảng nhiều món ăn ngon nhưng không quá cầu kỳ, đơn giản, chân chất, không phô trương
Các món ăn thường thấy trong mâm cỗ của người dân xứ Quảng thường bao gồm các món nguội như: chả thịt bò, chả thịt heo, nem, tré, dưa món, dưa kiệu; món nóng có nem lụi, bò nướng sả ớt…; món chính ăn kèm với cơm thì có món heo, gà quay, rán, bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, thịt nạc rim, hon… Và thường không thiếu món canh giò heo hầm, bánh tét. Các món tráng miệng thì có mứt, bánh tổ, bánh in, bánh nổ, bánh thuẩn, bánh bột sắn, bánh ít, bánh đậu xanh sấy,… Các loại bánh này có đặc điểm là ngọt đậm, được chế biến bằng cách hấp, nướng hoặc sấy kỹ để có thể dùng ăn dần đến cả tháng vẫn không hư.
Ngoài ra, mâm cỗ ngày Tết ở xứ Quảng còn có các món như thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm. Xứ Quảng còn là nơi nổi bật với thói quen “cuốn” cho nên mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu các món bánh tráng, rau sống cuốn. Bên cạnh đó còn có các món trộn như có thịt gà trộn rau răm, vả trộn, măng trộn, mít trộn làm khai vị. Gia vị trong các món ăn ngày Tết của người Quảng, ngoài những gia vị bằng tiêu, ớt, chanh, tỏi, khế, gừng, củ riềng, củ hành, sà sả… như gia vị chung của người Việt còn có các lọai rau xanh chiếm phần lớn.
Tết còn là thời gian người dân xứ Quảng sôi nổi tập trung tổ chức lễ hội truyền thống
Trong ẩm thực ngày Tết, thức uống truyền thống của người dân xứ Quảng là chè lá, nay thì người ta thay bằng trà. Ngày trước, chè xanh được trồng ở khắp mọi nơi. Trong những ngày Tết, chè được đun sôi thường xuyên trên bếp, khách vào ra chúc Tết đều được mời bánh tét, bánh khô, bánh in, uống với nước chè xanh thơm ngon đậm đà hương vị xứ Quảng.
Bên cạnh ly nước chè thì ngày Tết miếng trầu “là đầu câu chuyện”. Miếng trầu không các ông cụ, bà cụ dùng mà thanh niên nam nữ cũng có thể ăn trầu. Trong những ngày đầu năm được mời nhau một miếng trầu là “mở hàng, mở hệ” lắm, được mời trầu đầu năm cũng là “may xưa” của khách. Vào dịp Tết, có khi gặp nhau trên đường làng cũng mời nhau ăn miếng trầu, đứng cạnh bên lề đường làng, trên bờ ruộng, các bà mở đảy ra chọn lựa miếng ngon nhất đưa tận tay khách để mời trầu, lúc ấy mặt nhìn mặt không biết bao nhiêu là tình cảm đẹp.
Trong mâm cỗ Tết, ruợu là thức uống không thể thiếu. Người ta có thể uống bia hoặc các loại rượu Tây nhưng không ai đem các loại rượu này để cúng Tổ tiên. Chính vì vậy, trong những ngày Tết, cùng với miếng trầu cau thì ly rượu phần nào đã thể hiện cốt cách tinh thần riêng của người xứ Quảng.
Ngày nay, cuộc sống bộn bề nhiều mối bận tâm nên nhiều gia đình đã không còn quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị mâm cỗ Tết. Có khi mâm cỗ ấy lại còn là chỗ giao thoa của đủ loại món ăn đặc trưng cho đủ loại “văn hóa Tây – Ta”. Song, những ước mong cho một năm mới nhiều thành công, sung túc, ấm no gửi gắm trong từng món ăn trong mâm cỗ ấy thì sẽ chẳng bao giờ thay đổi, nối tiếp đời đời, trường tồn với thời gian.
ĐỖ THANH TÂN
Phòng VH&TT Hòa Vang