Nét đẹp của văn hoá người Hoa giữa lòng TP.HCM
(Dân sinh) – TP.HCM vốn được biết đến không chỉ bởi nổi bật về kinh tế, du lịch, thương mại mà còn là nơi tồn tại và giao thoa văn hóa. Giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp, người dân và du khách có thể bắt gặp và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của người Hoa.
Bên trong thành phố nhộn nhịp, tất bật, nếu là người đam mê khám phá những nét đẹp văn hóa cổ truyền, du khách có thể đặt chân đến và trải nghiệm văn hóa của người Hoa ngay giữa lòng thành phố. Quận 5, quận 11 và một số nơi tại quận 6 là nơi tập trung đông đảo người Hoa sinh sống với những khu phố được thiết kế mang đậm dấu ấn kiến trúc Hoa, nền ẩm thực phong phú và những nét văn hóa cổ truyền rất khác biệt của người Hoa.
Đặt chân đến những khu dân cư có người Hoa sinh sống, từng căn nhà được xây dựng với lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa. Người Hoa đến TP.HCM sinh sống từ khá lâu đời, những căn nhà được xây dựng từ rất lâu, được người Hoa bảo tồn và gìn giữ qua năm tháng, cùng với quá trình hội nhập tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
Hội quán Nghĩa An là hội quán của người Triều Châu duy nhất tại TP.HCM, hội quán Nghĩa An được xem là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Việt gốc Triều Châu theo tín ngưỡng thờ Quan Công.
Vốn là những người ưa chuộng lối sống giản dị, chất phác, mặc dù đã đến TP.HCM sinh sống, làm ăn khá lâu, cộng đồng người Hoa tại đây vẫn cùng nhau duy trì và giữ được những nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc mình, những khu đền thờ mang đậm dấu ấn như Chùa Bà Thiên Hậu, Hội quán Ôn Lăng, Hội quán Nghĩa An, Đình Minh Hương Gia Thạnh… kèm với đó là những lễ hội, tập tục cổ truyền được duy trì theo thời gian.
Vào dịp Tết Nguyên đán, tết Đoan Ngọ, Nguyên Tiêu hay Rằm Trung thu, bà con người Hoa thường tổ chức những lễ hội vui chơi giải trí, nhà cửa được trang trí lộng lẫy với những mảnh giấy màu đỏ tượng trưng cho sự bình an, may mắn tạo nên không khí tưng bừng, nhộn nhịp cả một góc phố.
Văn hóa dân gian truyền thống của người Hoa cũng vô cùng phong phú với những hoạt động nghệ thuật như múa Lân, Sân khấu hát Tiều, hát Quảng, Hồ Bội…được đông đảo người dân Việt yêu thích. Dọc các con phố nơi người Hoa sinh sống, các cửa hàng kinh doanh buôn bán tấp nập, những khu bán thuốc Hoa ở đường Hải Thượng Lãn Ông hay phố đèn lồng Lương Nhữ Học bày biện những chiếc đèn lồng đủ màu sắc với phong cách đậm chất Trung Hoa.
Kiến trúc độc đáo của người Hoa luôn được bảo tồn giữa lòng TP.HCM.
Văn hóa người Hoa chính là sự kết hợp giữa những nét văn hóa cổ truyền dân tộc và sự giao thoa, hội nhập văn hóa Việt Nam. Bên cạnh việc lưu giữ những nét riêng của văn hóa bản địa, người Hoa cũng dần hòa nhập và chung sống như những người dân địa phương, trong những mâm lễ cúng ngày Tết của họ còn có sự xuất hiện của những món ăn đậm chất Sài Gòn như bánh tét, thịt kho trứng, canh khổ qua.
Văn hóa ẩm thực của người Hoa cũng không kém phần đa dạng với những món ăn thu hút rất đông thực khách tại TP.HCM như há cảo, hoành thánh, mỳ vịt tiềm, phá lấu. Mâm ngũ quả ngày Tết của người Hoa cũng rất khác biệt, các loại trái cây thường được chưng theo cặp, luôn có quýt và táo đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Đặc biệt, tục cúng dầu ăn khi đi lễ chùa cũng là nét văn hóa đặc trưng của người Hoa tại TP.HCM mang ý nghĩa cầu cho sự sáng sủa, hanh thông, trơn tru.
Những con phố Trung Hoa tấp nập, những lễ hội ấn tượng, những công trình văn hóa đặc sắc hay ẩm thực phong phú…tất cả tạo nên những dấu ấn văn hóa riêng có, khác biệt của người Hoa tại TP.HCM, trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách dừng chân tại thành phố mang tên Bác.
Phố đèn lồng của người Hoa tại quận 5, TP.HCM thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Chị Trần Thoại Quyên (người Hoa, 24 tuổi, quận 5), chia sẻ “nguyện vọng của tôi là được giữ gìn, giới thiệu về đất nước ta nói chung cũng như đồng bào Hoa ở Việt Nam nói riêng với bạn bè quốc tế. Tôi cũng muốn nói với họ rằng: Trong đất nước chúng tôi, không có khoảng cách giữa dân tộc này hay dân tộc khác”.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực Văn hoá – xã hội, việc bảo tồn văn hóa người Hoa cần được đặt trong một tổng thể văn hóa Việt Nam. Cần trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, quan tâm đến sự hội nhập và thích ứng trong cuộc sống hiện đại.