Nét đẹp trong văn hóa thờ tự của người Hoa nơi vùng đất Thủ (SC. Thích Nữ Trung Như) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo

Nằm ở vùng Đông Nam Bộ, Thủ Dầu Một là nơi “đất lành chim đậu” mà cộng đồng người Hoa hướng đến và an cư lạc nghiệp. Từ thuở sơ khai, dòng người di dân tiến về Nam khai phá có cả người Việt, Hoa cùng các vị thiền sư. Tuy nhiên “trong buổi đầu khai hoang khẩn ấp ấy, người dân đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn gian khổ, nào là rừng thiêng nước độc, thú dữ muỗi mòng, thời tiết dịch bệnh…” [1]. Với hiện trạng thiên nhiên như thế, con người đã đem theo tín ngưỡng của mình với mong muốn được bảo hộ bình an; ngoài tín ngưỡng dân gian, đạo ông bà, đạo Phật được xem là tín ngưỡng đi đầu trong công cuộc khai hoang lập ấp và bám rễ vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây. “Từ thuở ban sơ, cư dân trên vùng đất Bình Dương phần đông theo đạo ông bà và tín ngưỡng dân gian, tâm hồn họ dạt dào tình cảm và thấm đẫm truyền thống đạo đức dân tộc, đến khi Phật giáo có mặt tại Bình Dương, thì nền giáo dục đa văn hóa của Phật giáo nhanh chóng hòa hợp dung thông với các nền văn hóa của cộng đồng cư dân, bám rễ sâu chắc vào đời sống tinh thần của người dân vùng đất mới” [2]. 

Hầu như người Hoa đều có tín ngưỡng mang tinh thần Phật giáo, vì trong tâm niệm luôn làm lành tránh dữ, tạo phước đức (bố thí, cúng dường) cho đời, dù không phải ai cũng là Phật tử. Đa số người Hoa có tín ngưỡng đa thần, thờ cả dân gian, Đạo giáo, Phật giáo,… Thế nên, từ khi di cư vào Việt Nam và tiến dần về phương Nam, các nghi thức thờ cúng tại các chùa miếu, đình điện… của họ đều mang yếu tố Phật – Nho – Lão: “Trong nghi thức thờ cúng, các ngôi chùa Hoa ở Nam Bộ vẫn còn mang nhiều yếu tố của Khổng và Lão giáo: Chùa thờ Phật vẫn có Quan Công, Tề Thiên, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu…” [3].

Người Hoa ở Bình Dương so với TP. Hồ Chí Minh (Sài Gòn – Gia Định ngày xưa), Đồng Nai (Cù Lao Phố xưa) không thành lập chùa Phật giáo và không có tăng sĩ người Hoa xuất gia tu học. Hầu như họ lập ra các cung, đình, đàn, miếu… để thờ phụng tín ngưỡng và có một số nơi lồng ghép hơi hướng Phật giáo trong đó, nhưng dân gian vẫn quen gọi là “chùa”. Thủ Dầu Một có thể nói là một trong các huyện thị của tỉnh Bình Dương có nhiều cơ sở tín ngưỡng người Hoa nhất, gồm: 3 Thiên Hậu cung [4], 1 Thiên Hậu miếu [5], Phước An miếu, Phước Võ điện, Thanh An cung hay còn gọi Thanh An tự, Linh Không Đàn, Bích Liên Đình. Cơ sở tín ngưỡng của người Hoa thể hiện tôn giáo Phật giáo rõ nét nhất qua các cơ sở: Linh Không Đàn, Bích Liên Đình, Phước Võ Điện, Chùa Thanh An…

LINH KHÔNG ĐÀN (靈箜壇)

Linh Không Đàn [6] thường gọi là chùa Tề Thiên tọa lạc tại 294 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương). Linh Không Đàn trước kia là cơ sở làm nhang của gia đình ông Lâm Vũ Hiệp. Tương truyền, trước nhà ông thường xảy ra tai nạn giao thông, vào một đêm, ông nằm mộng thấy Tề Thiên về bảo lập miếu thờ ông Tề thì tai nạn sẽ tránh được. Năm 1957, ông lập miếu thờ Tề Thiên tại đây, nhờ vậy, người dân quanh vùng đến cúng, cầu xin bình an đều linh nghiệm. Về sau, ông hiến đất lập miếu, xây dựng vào năm 1960 nhưng mang tính dân gian hơn là chùa thuộc Giáo hội. 

Thời gian đầu, nơi đây được quản lý bởi ban hộ tự người Hoa, do ông Trần Học Như làm trưởng ban, sau ông Hứa Gia Thanh lên thay khi ông Học Như qua đời vào năm 1968. Một thời gian sau cơ sở này gia nhập Tịnh Độ Tông, ông Hứa Gia Thanh với pháp danh Huệ Bác quản lý khoảng 30 năm. Năm 1998, tiếp nối ban hộ tự là ông Ong Tuyên, pháp danh Huệ Thiên làm trưởng ban, ông Ong Minh phó ban kiêm thư ký. Hiện ông Ong Minh làm trưởng ban và quản lý cơ sở này.

Linh Không Đàn được trùng tu vào năm 1980 trong thời gian khá dài, hoàn thành năm 1996. Ban đầu chỉ thờ ông Tề theo tín ngưỡng dân gian, về sau thờ Quán Thế Âm do tương truyền Quán Thế Âm hiển linh vào người ông Bổn. Nhưng khi gia nhập vào Giáo hội, nơi đây bắt đầu thỉnh về an vị Phật Thích Ca, bộ Tam Thế Phật, Di Lặc, Quán Thế Âm, Thế Chí, Địa Tạng, Chuẩn Đề, 18 vị La Hán, Tế Công… Linh Không Đàn từ đây thờ cả Phật và hòa hợp tín ngưỡng dân gian như: thờ Tề Thiên, Quan Công, bát Tiên, Địa Mẫu nương nương, Thần Tài, ông Hổ…

Vị trí chùa quay về hướng đông, trước chùa là con kênh chảy ngang qua, trong sân thờ tượng Phật Di Lặc dưới gốc cây bồ đề. Các miếu thờ Ông Ngựa [7], Thần Tài, ông Hổ trang trí theo tín ngưỡng dân gian như hình Bát Tiên, cột cờ thể hiện các vì sao “Nam Tào, Bắc Đẩu”. Tầng dưới của chùa, chính giữa thờ Quan Thánh Đế Quân với tinh thần là chính khí trường tồn, phía tả thờ Tế Công “Phật sống”, phía hữu thờ Tề Thiên. Tuy nhiên, tầng dưới gần đường lên chánh điện cũng có thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Tầng trên, phía ngoài chánh điện thờ Quán Thế Âm Bồ Tát và đại hồng chung ghi “Quốc thái dân an” bằng chữ Hán, nơi thờ Quán Thế Âm với lối kiến trúc nghiên về Phật giáo như nóc theo dạng hình tháp và phía trên chạm trổ họa tiết “lưỡng long tranh châu”.

Trong chánh điện, ngay giữa thờ Tam Thế Phật, 7 tượng Phật Dược Sư, Quán Thế Âm bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát; ngoài ra phía tay trái từ ngoài nhìn vào thờ Phật Dược Sư và tay phải là Bồ tát Chuẩn Đề. Đối diện chánh điện là thờ ngài Hộ Pháp và Tiêu Diện đại sĩ, đồng thời trên tường treo bài Kinh Bát Nhã bằng chữ Hán, bốn trụ cột ghi câu đối chữ Hán. Hình thức trang trí tại chùa như treo nhiều câu liễn màu đỏ bằng vải, lồng đèn, hay nhang khoanh,… thể hiện nét văn hóa đặc trưng chung của người Hoa. Linh Không Đàn thường xuyên tổ chức các hoạt động cả về nghi lễ Phật giáo và tín ngưỡng dân gian như: lễ Phật đản, lễ Vu Lan, vía Quán Thế Âm, vía Tế Công, vía Ngọc Hoàng, vía Thần Tài, vía Quan Công, vía Tề Thiên,… Các hoạt động, cách tôn trí tại chùa cho thấy sự dung hòa tín ngưỡng Phật giáo và dân gian với Lão giáo, tạo nên màu sắc tín ngưỡng riêng biệt của người Hoa tại vùng đất Thủ này. Đặc biệt, Linh Không Đàn là cơ sở tín ngưỡng duy nhất của người Hoa gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương từ khi mới thành lập Giáo hội tại tỉnh nhà, vào ngày 8/1/1983 tại tổ đình Hội Khánh. Lúc bấy giờ, ông Hứa Gia Thanh, pháp danh Tuệ Bát quản lý Linh Không Đàn và là ủy viên Ban Trị sự tỉnh Hội Phật giáo Sông Bé [8].

BÍCH LIÊN ĐÌNH (碧蓮亭)

Bích Liên Đình [9] được người dân quen gọi là chùa Quán Thế Âm, tọa lạc ở phường Chánh Nghĩa (TP. Thủ Dầu Một). Bích Liên Đình được xây dựng vào năm 1945 bởi ba bang của người Hoa Triều Châu, Quảng Đông và Phúc Kiến và chủ yếu thờ Quán Thế Âm Bồ tát. Đa phần người Hoa xem Quán Thế Âm là vị cứu khổ cứu nạn và luôn bảo hộ người dân đi trên biển được bình an, đồng thời ban điều phước lành khắp chốn nhân sinh. Thế nên, trên hai cây cột tại nơi thờ tự có hai câu liễn đối nói lên đức tính ban phước, cứu rỗi chúng sinh khắp muôn nơi của Quán Thế Âm Bồ tát:  

觀音濟世普照寰球恩信子

菩薩慈航輝光大地顯靈神

 

Phiên âm:

Quán Thế Âm tế thế, phổ chiếu hoàn cầu ân tín tử

Bồ Tát từ hàng, huy quang đại địa hiển linh thần

 

Tạm dịch:

Quán Thế Âm cứu thế, chiếu rọi khắp cả trái đất, ban ơn cho người tin tưởng

Bồ Tát thuyền từ, ánh sáng rực rỡ khắp mặt đất, thần linh hiển hiện [10].

Bích Liên Đình ngoài thờ Quán Thế Âm, thì bên hữu họ thờ Quan Công và phía tả là Bảo Sanh Đại Đế [11].

Trên tường, họ vẽ biểu tượng Bát Tiên và một bên là bức tranh tích thầy trò Đường Tăng trên đường đi Thiên Trúc thỉnh kinh. Kiến trúc chùa Quán Thế Âm cũng có mái cong, chạm trổ rồng quấn quanh trụ cột, lưỡng long tranh châu, ông Nhật bà Nguyệt [12] làm bằng gốm sứ. Trước sân chùa đặt hai con sư tử bằng gốm và đỉnh đặt ở bên hông phía trước chùa cho người dân đến dâng hương cầu nguyện. Đặc trưng hầu hết người Hoa trong các cơ sở thờ tự đều trang trí những câu liễn màu đỏ, lồng đèn màu đỏ, vàng,… nhân các lễ hội. Tại đây có để pháp khí nhà Phật là 1 chuông, 1 mõ, 1 đại hồng chung, 1 trống, vào ngày rằm hàng tháng có người đến trì kinh bằng tiếng Hoa.

Theo ông Từ giữ chùa nhà gần bên, tại đây tuy thờ Quán Thế Âm nhưng không tổ chức các hoạt động theo nghi thức Phật giáo mà theo nghi lễ Đạo giáo như: lễ hội rước kiệu tại Phước An miếu của người Hoa Phước Kiến, đều thỉnh Quán Thế Âm cũng như tất cả những vị được thờ tại Bích Liên Đình cùng tham gia lễ hội. Bích Liên Đình cũng giống như Linh Không Đàn là cơ sở thờ Quán Thế Âm Bồ tát nhưng không chỉ thờ riêng Phật giáo mà còn hòa hợp cùng tín ngưỡng dân gian với ý nghĩa bảo hộ cho dân quanh vùng. Hiện nay nơi đây nét văn hóa có sự hài hòa kết hợp cả Hoa – Việt trên phương diện tổ chức và tín ngưỡng thờ tự.

THANH AN TỰ (清安寺)

Thanh An tự [13] được người dân gọi là chùa Ông hay chùa Ông Ngựa, tọa lạc tại đường Hùng Vương (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một). Chùa Ông ban đầu thờ Quan Thánh Đế Quân (hay Quan Công) với ý nghĩa “trung, tín, nhân, nghĩa”, sau thờ thêm tượng ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường [14]. Sơ khai chỉ là cái miếu nhỏ được dựng lên vào năm 1868 đặt tên là Thanh An, thờ Quan Vũ, do người Hoa theo phong trào “Bài Mãn phục Minh” của nhóm Minh Sư (Minh Thiện), sau được ông Trần Hiển Vinh trông nom và quản lý. Thanh An tự đã trải qua rất nhiều đợt trùng tu, nên được hình thành như ngày nay, nhưng vẫn tọa lạc ở vị trí cũ.

Về kiến trúc, chùa chạm trổ hoa văn tinh xảo, cổ kính theo kiểu “cổ lầu”. Trước chùa dựng miếu thờ Xích Thố, kế bên để thanh đao trấn giữ bình an cho người dân nơi đây, mái chùa theo kiểu nhà Phật như mái cong, lưỡng long tranh châu, các trụ cột rồng quấn quanh, các câu liễn đối bằng chữ Hán được viết từ cổng tam quan cho đến xung quanh chùa và bên trong chỗ thờ tự, điển hình có câu liễn:

上達雷音通地府

心誠感應透天宫

 

Phiên âm: 

Thượng đạt lôi âm thông địa phủ

Tâm thành cảm ứng thấu thiên cung

 

Tạm dịch:

Tiếng Phật trên cao thông đến địa phủ

Lòng thành cảm động thấu đến thiên cung [15].

Ngay chính điện của miếu thờ “Quan Thánh Đế Quân”. Trên bàn thờ Quan Công còn thờ thêm Ngũ Công Vương Phật [16], hai bên thờ Phước Đức Chánh Thần, Thần Hoàng Bổn Xứ. Tại miền Nam, trong các ngôi chùa xem “Quan Công” như vị Già Lam bảo hộ chùa và ông đã quy y Tam Bảo [17]. Đặc biệt, nơi đây ngoài thờ những vị thần từ Trung Hoa, còn thờ các vị anh hùng dân tộc Việt Nam như: Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương, tượng Bác Hồ và di ảnh 30 vị anh hùng liệt sĩ Việt Nam cận đại. Ngoài ra còn thờ ông Trần Hiển Vinh – người có công trùng tu xây dựng và phát triển chùa Ông, đồng thời thờ những vị có công với chùa… Điều này cho thấy Thanh An tự là nơi người Hoa hòa nhập chung với cộng đồng người Việt, tri ân đến các anh hùng hy sinh vì đất nước và cả nguồn gốc dân tộc quê hương xa xôi.

Ngày nay, Thanh An tự thiên về Phật giáo. Phía tả chánh điện dựng nơi thờ Tam Bảo một cách tôn nghiêm. Chính giữa thờ Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, hai bên tôn thờ Ngài Chuẩn Đề Vương bồ tát và Quán Thế Âm bồ tát, đối diện thờ tôn tượng Ngài Tiêu Diện đại sĩ và Hộ Pháp. Nơi đây là nơi trì tụng kinh Phật hằng ngày như Kinh Phổ Môn, Kinh A Di Đà,… các nghi thức trì tụng này được thỉnh từ chùa Hội Khánh (Bình Dương). Phía hữu từ cổng tam quan nhìn vào là nơi thờ tôn tượng Ngài Địa Tạng Vương bồ tát. Phía sau là họa bức tranh phong cảnh cõi Tây Phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà, đồng thời còn có một số hủ cốt của dân quanh vùng gửi vào chùa. Một điểm đặc biệt là phẩm vật dâng chúng cho các vị tín ngưỡng thờ tự đều là thực phẩm chay, chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo. Cũng giống như các cơ sở thờ tự tín ngưỡng của người Hoa, ngoài sân còn thờ thêm thổ thần và có nơi đốt vàng mã. Nơi thờ tự chính của người Hoa trên trần lúc nào cũng treo lồng đèn, nhang vòng và các hoành phi, liễn đối màu đỏ thể hiện ý nghĩa của từng vị mà họ thờ. Nhưng tại chùa Ông Ngựa khác với các nơi thờ tự của người Hoa là có văn phòng ban nghi lễ rất bài bản. Năm 2004 là đợt trùng tu lớn nhất và hoàn thành công trình như hiện trạng. Cổng tam quan và mái chùa trang trí hình tượng rồng uốn lượn và lưỡng long tranh châu, hơn thế cổng tam quan được thiết kế xây dựng giống kiểu dáng cổng chùa Phật giáo. Mái chùa cũng được tôn trí biểu tượng rồng, ông Nhật bà Nguyệt, cá hóa long, những bức phù điêu phong cảnh kết nghĩa của 3 huynh đệ “Lưu Bị – Quan Vũ – Trương Phi”, Bát Tiên,…   

THIÊN HẬU CUNG (天后宫) – RẠCH HƯƠNG CHỦ HIẾU

Thiên Hậu Cung [18] hay chùa Bà Chánh Nghĩa (phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một) có mặt trước là con rạch chảy ra sông Sài Gòn, nên khi xưa gọi là “Rạch Hương chủ Hiếu”. Ngôi miếu được thiết lập vào những năm 1867 do nhóm người Hoa Phúc Kiến và Triều Châu tạo dựng. Đến năm 1923, miếu bị cháy, chỉ còn lại cốt tượng Bà và bài vị nên người dân đưa về miếu Bà tại vòng xoay ngã 6 (đường Nguyễn Du, phường Phú Cường) ngày nay. Đến năm 1997-1998, người Hoa Phúc Kiến ở Thủ Dầu Một mong muốn tái lập lại ngôi miếu ở vị trí cũ, ông Hứa Dương đứng ra vận động cộng đồng người Hoa và người dân khắp nơi ủng hộ dựng lại miếu Bà; cũng chính ông cùng một số người Hoa Phúc Kiến ở Thủ Dầu Một về lại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) thỉnh tượng Bà Thiên Hậu về thờ vào đúng ngày khánh thành phục dựng lại miếu vào ngày mùng 10 tháng 10 năm 1998.

Miếu này ngoài thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, còn thờ Phúc Đức Chánh Thần, Quan Thánh Đế Quân,… Đặc biệt, ngoài sân thờ Quán Thế Âm bồ tát lộ thiên để tạo thuận lợi cho người dân địa phương và nơi khác đến lễ bái. Đa phần nơi thờ tự tín ngưỡng của người Hoa đều xây tháp để hóa vàng, đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng đặc sắc kiến trúc khác biệt tại các miếu thờ của người Hoa Phúc Kiến so với người Hoa phương ngữ khác là cửa sổ chính hình tròn và trang trí hình cây trúc [19], so với miếu Bà Thiên Hậu của bốn bang người Hoa di dời và tạo dựng gần khu vực ngã sáu thì không mang lối kiến trúc này. Lối kiến trúc miếu Bà xây theo kiểu chữ tam gồm tiền điện, trung điện và hậu điện, mái của miếu tôn trí “lưỡng long tranh châu”, ông Nhật bà Nguyệt, cá hóa long, các cột từ ngoài vào đều trang trí rồng quấn quanh từ trên xuống, gian giữa làm giếng trời để lấy ánh sáng tạo không gian tươi sáng. 

PHƯỚC VÕ ĐIỆN (福武殿)

Phước Võ Điện [20] hay chùa Ông Bổn Bà Lụa, tọa lạc tại khu 9, phường Chánh Nghĩa (TP. Thủ Dầu Một), được xây dựng vào khoảng năm 1885, sớm nhất trong các chùa Ông tại tỉnh Bình Dương. Nơi này thờ tự chính là “Huyền Thiên Thượng Đế” [21] và được đại trùng tu vào năm 2003; ngoài ra nơi này còn thờ nhiều vị thần khác như: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Công, Thổ thần… 

Dù thờ chính là “Huyền Thiên Thượng Đế”, nhưng trong chánh điện thờ, nơi chính giữa là bàn thờ lớn chủ yếu thờ bộ tượng [22] (gốc gồm 11 tượng), bên trái thờ tượng “Cửu Thiên Huyền Nữ” và hai tượng hầu nhỏ, bên phải thờ tượng ông tổ họ Vương,… Phước Võ Điện cũng giống như các nơi thờ tự tín ngưỡng khác của người Hoa, trong sân đều đặt tháp đốt tiền vàng mã và lư hương thật lớn. Bên trong chỗ thờ tự, thường treo các câu liễn bằng vải đỏ, vàng,…, liễn thể hiện tinh thần Phật giáo chính là: 

觀不昧本心自性清静

音可施無畏普護眾生

 

Phiên âm:

Quan bất muội, bổn tâm tự tính thanh tĩnh

Âm khả thi, vô úy phổ hộ chúng sinh

 

Tạm dịch:

Phật Bà không mê muội, lương tâm cảm thấy thanh tịnh

Đức Quán Thế Âm có thể biến hóa, không ngại giúp khắp chúng sinh [23].

Kiến trúc đặc trưng giống chùa, miếu chính là trên nóc mái trang trí “lưỡng long tranh châu”, ông Nhật bà Nguyệt, bốn gốc của nóc miếu trang trí cá hóa rồng. Tuy nhiên, theo truyền thuyết tại Trung Quốc, họ cho rằng “Huyền Thiên Thượng Đế” là hóa thân của “Thượng đế” xuống trần gian bốn lần tu đạo, lần thứ tư mới tu đạo thành công với thần thông biến hóa khôn lường và quay về trời phụng sự trấn yêu, trừ ma. Tại Bình Dương, “Huyền Thiên Thượng Đế” chỉ có người Hoa Phúc Kiến họ Vương thờ tự, nhưng lễ vật dâng cúng đều cúng chay, vì họ cho rằng Ngài là một vị Thánh đã đi tu.   

Hiện người Hoa nơi vùng đất Thủ so với Đồng Nai có nhiều khác biệt. Từ thuở khai hoang, người Hoa Đồng Nai được các thiền sư từ Trung Quốc đến tạo dựng những ngôi chùa cho cư dân lễ bái, sau này truyền lại cho các tăng sĩ người Việt. “Nhiều ngôi chùa của người Hoa, có các vị tổ khai sơn là những thiền sư Trung Quốc, cũng có  mặt tại vùng đất mới đồng thời với cuộc di dân của người Việt. Nhưng trong quá trình lịch sử, khá nhiều ngôi chùa này đã dần dần chuyển sang cho người Minh Hương hoặc trở thành chùa Việt như trường hợp chùa Long Thiền (Đồng Nai)” [24], vì Đồng Nai giống như Thủ Dầu Một cũng là nơi không có tu sĩ người Hoa xuất gia. Đồng thời, người Hoa Đồng Nai hầu như theo đạo Phật và thờ đa thần, thế nên các chùa người Hoa cho đến các cơ sở tín ngưỡng của họ có sự pha trộn giữa Phật giáo và dân gian, nhưng tổ chức các đại lễ, lễ hội theo phong cách Phật giáo thể hiện qua việc thỉnh các sư người Việt đến chủ trì buổi lễ,…  

Người Hoa ở Bình Dương đối với tín ngưỡng Phật giáo khác nhiều so với người Hoa TP HCM ở chỗ không có người gốc Hoa xuất gia vì: “Những người Hoa có ý định xuất gia làm tu sĩ thường có sự cân nhắc, vì đi vào con đường tu hành sẽ không lấy được vợ. Đối với việc đàn ông người Hoa không lấy vợ, không có con cái nối dõi tông đường sẽ phạm tội bất hiếu” [25]. Các đạo tràng người Hoa tại TP HCM có nơi thành lập “Hội” nhằm tụng kinh bằng tiếng Hoa phục vụ cho cộng đồng người Hoa. Ví như “Hội sư Trúc Hiên, gồm những người Hoa tín ngưỡng Phật Thích Ca lập ra để giúp đỡ các Hoa kiều từ Trung Quốc mới sang, chưa có việc làm; mang ý nghĩa tương thân tương trợ. Hoạt động chính của hội là công tác từ thiện, bố thí áo quan, hộ niệm cho người qua đời, đặc biệt là việc thành lập đội cổ nhạc, chuyên phục vụ cho các lễ hội và đám tang” [26]. Điều này tại vùng đất Thủ từ xưa đến nay vẫn chưa được thành lập, mặc dù nơi đây cơ sở tín ngưỡng Phật giáo đầu tiên và duy nhất “Linh Không Đàn” tham gia Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, khi tiến hành các nghi thức cúng bài đều thỉnh các Hội tại các chùa người Hoa ở TP HCM thực hiện.

Qua các cơ sở tiêu biểu của người Hoa miền đất Thủ, có thể thấy, những cơ sở thờ tự của người Hoa nơi đây vừa lưu giữ nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của cố hương vừa hỗn dung tín ngưỡng Phật giáo, vừa hòa nhập xem mình chính là công dân người Việt qua hình ảnh thờ và tri ân các vị anh hùng dân tộc Việt đã hy sinh bảo vệ đất nước. 

SC. Thích Nữ Trung Như

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP HCM, tr.67.

[2] Thích Huệ Thông (2015), Sđd, tr.71.

[3] Trần Hồng Liên (1996), Phật giáo Nam Bộ từ thế kỷ 17 đến 1975, Nxb. TP HCM, tr.99.

[4] 3 Thiên Hậu cung: 1 Thiên Hậu cung thuộc phường Chánh Nghĩa thành lập năm 1867 (bên bờ rạch Hương chủ Hiếu); 1 Thiên Hậu cung tọa lạc phường Phú Cường thường gọi là chùa Bà Phú Cường; 1 Thiên Hậu cung được thành lập mới vào ngày 18/2/2013 tại TP mới Bình Dương.

[5] Thiên Hậu miếu: Thường gọi là chùa Bà Bưng Cầu được lập thờ vào năm 1867 tại phường Hiệp An.

[6] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2012), Người Hoa ở Bình Dương, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.562-566.

[7] Thờ Ông Ngựa chính là thờ tượng Xích Thố và thanh đao của Quan Công.

[8] Thích Huệ Thông (2015), Sđd, tr.633-634.

[9] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2012), Sđd, tr.566-569.

[10] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2017), Tìm hiểu liễn đối Hán – Nôm trong các đình, chùa, miếu tỉnh Bình Dương, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.946.

[11] Bảo Sanh Đại Đế là một vị thần phù hộ cho ngành dược của người Triều Châu.

[12] Ông Nhật bà Nguyệt theo tín ngưỡng dân gian của người Trung Hoa là biểu trưng 2 hướng Đông – Tây tượng trưng cho âm và dương theo ngũ hành.

[13] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2012), Sđd, tr.546-549.

[14] Quan Vân Trường còn gọi là Quan Vũ, Quan Công hay Quan Thánh Đế Quân.

[15] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2017), Sđd, tr.981.

[16] Ngũ Công Vương Phật gồm: Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Quan Bình và Châu Xương [Nguồn: Hội thảo Người Hoa ở Bình Dương do Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên năm 2012, tr.548].

[17] Trần Hồng Liên (chủ biên, 2016), Phật giáo ở Bình Dương hiện trạng và lịch sử, Nxb. Phương Đông, tr.21.

[18] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2012), Sđd, tr.500-505.

[19] Theo người Hoa Phúc Kiến: Cửa sổ hình tròn tượng trưng cho hai con mắt hổ, cây trúc tượng trưng cho bậc quân tử [Người Hoa ở Bình Dương (Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2012), tr.502].

[20] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2012), Sđd, tr.531-535.

[21] Huyền Thiên Thượng Đế: còn gọi là Bắc Du Chân Võ hay Huyền Vũ Thánh Quân, Chân Vũ Thánh Quân, Bắc Đế Trấn Vũ, Bắc Cực Hữu Thánh Chân Nhân. Theo quan niệm của người Trung Quốc cổ xưa, “Thượng Đế” là một vị tối cao của trời đất, dưới trướng của Ngài có 5 vị, mỗi vị cai quản 1 phương và mỗi phương được gọi theo màu sắc của phương đó, màu đen là Huyền đế cai quản vùng phía bắc, có khả năng chế ngự thú dữ và xua đuổi tà ma, giải trừ tà khí [Trích trong Hội thảo khoa học chủ đề “Người Hoa ở Bình Dương”, tr.314]

[22] Bộ tượng (gồm 11 tượng): [Trích trong “Người Hoa Bình Dương”, tr.534]

– Huyền Thiên Thượng Đế (3 tượng)

– Nam Triều Đại Đế (1 tượng)

– Bạch Diện (về sau bổ sung them tượng Phấn Diện – 1 tượng)

– Phật Bà Quán Thế Âm (tượng hầu Hồng Hài Nhi, Long Nữ – Tổng cộng 3 tượng)

– Cửu Thiên Huyền Nữ (có 2 tiên nữ theo hầu – 3 tượng)

[23] Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên, 2017), Sđd, tr.976.

[24] Trần Hồng Liên (1996), Sđd, tr.14.

[25] Phan An (2005), Người Hoa ở Nam bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.227.

[26] Trần Hồng Liên (chủ biên, 2007), Văn hóa người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.60.