Nét đẹp truyền thống của Tết cổ truyền xưa và nay

tết nguyên đán

 Những cơn gió yếu ớt cuối mùa đông đang nhè nhẹ thổi qua từng kẽ lá, từng làn ánh nắng ấm áp xua tan đi cái giá băng lạnh lẽo còn sót lại của mùa đông. Làn hơi ấm dịu dàng xuyên qua vạn vật, mang lại một sức sống mới. Từng cánh én bắt đầu xuất hiện trên bầu trời, cỏ cây thay màu áo mới, muôn hoa nở rộ khoe sắc đua hương chào đón mùa Xuân về. Mỗi độ Xuân về mang theo một cái gì đó thật tươi mới, đi cùng với những cảm xúc hân hoan và niềm khao khát cháy bỏng. Mùa xuân là mùa của niềm tin, mùa của hy vọng, thắp lên trong lòng người ngọn lửa ngày mai. Trong không khí rạo rực ngày xuân, những người con đất Việt lại náo nức chuẩn bị đón một cái Tết cổ truyền đầy ý nghĩa và thiêng liêng – Tết Nguyên đán, hay còn gọi là tết Âm lịch, Tết ta.

     Đã từ rất lâu trong đời sống văn hóa của người Việt, Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống, là một thời khắc thiêng liêng giao thời giữa năm cũ và năm mới. Với những đặc trưng riêng, Tết Nguyên đán Việt Nam tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông. Tết còn là dịp để mọi người trở về bên gia đình, về với người thân, tìm về với cội nguồn đã sinh thành… Ông cha ta quan niệm rằng ngày Tết đầu xuân là cơ hội để mọi người cùng trở về đoàn tụ với gia đình, tri ân với tổ tiên, rũ bỏ những cái không hay không đẹp của năm cũ và để chuẩn bị cho một khởi đầu mới tốt đẹp hơn.

     Tết cổ truyền của chúng ta mang đậm nét Văn hóa Việt – Văn hóa Á Đông với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Nguyên nghĩa của Tết chính là “tiết”. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian trong mọt năm thành 24 tiết khí khác nhau, và ứng với mỗi tiết khí có một thời khác “giao thừa”, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.

     Từ Bắc vào Nam, ánh nắng ấm áp dịu dàng tràn đầy sức sống của mùa Xuân khiến cho mọi hoạt động trở nên sôi nổi hơn, không khí chuẩn bị đón Tết thật náo nhiệt trên khắp các con đường quê hương. Trươc đây, Tết là những ngày hội tưng bừng kéo dài nhiều ngày, thế nên mới có câu “Tháng một là tháng ăn chơi”. Những gì đẹp nhất, ngon nhất và tốt nhất đều được dành cho những ngày Tết. Với quan niệm trong ngày Tết tất cả mọi thứ phải thật sớm và thật mới, thế nên trước khi Tết đến mỗi thành viên trong gia đình cùng nhau chuẩn bị để đón năm mới. Cả nhà cùng nhau sửa sang, quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, sắm đồ, sắm thức ăn,… một không khí thật vui vẻ và ấm cúng. Từ xưa đến nay, chợ Xuân vẫn luôn đậm chất Việt, một nét đẹp chân chất mộc mạc dân giã và bình yên như vẫn còn nguyên vẹn đó. Ai ai cũng muốn đi chợ cuối năm để mua sắm, những em thơ vui mừng vì được quần áo mới, người bán người mua thì nhộn nhịp, còn có cả những cụ già đi xem cảnh đông vui của chợ Tết. Chợ  bán rất nhiều hàng, nhưng nhiều nhất là các mặt hàng phục vụ cho tết Nguyên đán, như lá dong để gói bánh chưng, gạo nếp, gà trống, các loại trái cây để thờ cúng, và điều đặc biệt không thể thiếu là những cành hoa mai, hoa đào rực rỡ màu sắc. “Cứ mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già”, đây là nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong những ngày chợ Xuân, hình ảnh Ông đồ ngồi viết tứng nét chữ thanh đậm mềm mại lên tờ giấy đỏ, với những câu đối sẽ mang lại niềm vui và nhiều may mắn trong năm mới. Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, đây cũng là ngày cúng ông Táo (Táo Quân). Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là thần bếp trong nhà và là người ghi chép tất cả những việc làm của con người trong năm cũ để cuối năm lên Thiên đình báo cáo với Ngoc Hoàng. Thông thường hàng năm, lễ cúng ông Táo được làm vào trưa hoặc chiều ngày 23 tháng Chạp. Lễ cúng gồm có hương, nến, hoa quả, vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép. Hiện nay, một số gia đình ở nông thôn vẫn còn giữ gìn phong tục dựng cây nêu, trong khi ở thành phố thì phong tục này đã bị dần lãng quên. Cùng với sự vận động của cuộc sống, giờ đây không hề ít người thay đổi quan niệm trong ngày Tết, cũng như ông cha ta thường nói là “ăn Tết”, nhưng đến bây giờ mọi người lại gọi là “nghỉ Tết”. Có lẽ đó cũng là một điều tất yếu khách quan, trước đây khi mà cuộc sống còn khó khăn thì Tết là một ngày hội lớn để ăn mừng, thể hiện sự khao khát ấm no, hạnh phúc; nhưng hiện nay, nước ta đang ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế, khi cuộc sống vật chất đã đầy đủ, khi mà con ngươi hàng ngày bị cuốn vào nhưng công việc bận rộn của cuộc sống đời thường, thì  Tết có lẽ là một cơ hội tốt để nghỉ ngơi và thư giãn sau chuỗi ngày làm việc mệt nhọc.

     Nước ta gắn liền với nền nông nghiêp lúa nước lâu đời, vậy nên một món ăn truyền thống từ ngàn đời xưa đến nay không thể thiếu trong ngày Tết chính là “bánh chưng”! Bánh chưng được xem là bánh truyền thống, đặc trưng cho phong tục ăn uống ngày Tết ở Việt Nam, nó còn được gắn liền với sự tích cổ của các vua Hùng, tổ tiên của người Việt. Trong những ngày Tết bánh chưng được dùng để thờ cúng tổ tiên, vậy nên nhà nào cũng làm bánh, công việc chuẩn bị làm và gói bánh được chuẩn bị rất chu đáo trước ngày đón giao thừa. Vào chiều 30 Tết, mọi người thường làm mọi việc như quét tược nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ, sắm sửa cành đào, cành mai, mâm ngũ quả,… Ở miền Bắc, mâm ngũ quả gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam, hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, và một số trái cây khác. Theo quan niệm từ xưa, ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đày đủ, sung túc.

     Những món ăn truyền thống như: bánh chưng, dưa hành, giò, chả, thịt đông, các loại bánh, các thứ hoa quả. Nhưng không được quên dựng hai cây mía dài, đẹp gọi là gậy ông vải. Đồng thời giết một con gà để làm lễ cúng giao thừa ngoài trời, bởi vì trong những ngày đầu năm sẽ không được sát giới nên mọi việc phải được hoàn tất trước khi năm mới đến. Vào chiều 30 Tết, cả nhà cùng quây quần sum họp, ăn với nhau một bữa tất niên rồi chuẩn bị quần áo, trang sức đẹp nhất cùng với những phong bao để lì xì ngày đầu năm.

     Thời khắc thiêng liêng nhất mà tất cả mọi người đều chờ đợi chính là khoảng thời gian giao thời giữa năm cũ và năm mới – Giao thừa, trong thời khắc này mọi người thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, thắp đèn hương cúng ông bà, ông vải, người thân đã khuất. Cúng giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới nhằm để cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình gặp những điều may mắn trong năm mới. Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết với phong cách trang nghiêm. Ngay sau đó, cả nhà cùng ngồi lại bên nhau tâm sự, nhìn lại quãng thời gian của năm cũ, nói về những điều đã làm được và chưa làm được, rút ra kinh nghiệm, đặt mục tiêu cho năm mới… Những đứa em thơ, nhất là những người đang học sẽ khai bút đầu năm, với hi vọng năm mới học tập giỏi va thành công hơn. Màn biểu diễn bắn pháo hoa trong đêm giao thừa thật náo nhiệt, từng đợt từng đợt pháo bay lên nền trời xanh như một biển hoa nở rộ vào chính thời khắc chuyển giao của năm cũ sang năm mới, làm cho không khí tưởng như cũng vỡ ào theo lòng người, theo những hoài niệm và mong ước. Phút giao thừa thiêng liêng lắng nge lời chúc tết của Chủ tịch nước, xem không khí đòn giao thừa trên mọi miền đất nước qua các kênh thông tin truyền hình, cảnh đốt pháo hoa tưng bừng tại các thành phố lớn.

     Bước qua một ngày mới của năm mới, phong tục “xông đất” từ xưa đến nay vẫn được lưu giữ, Người Việt quan niệm nếu ngày mồng Một Tết mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngày đầu tiên của năm mới còn gọi là ngày Chính đán, con cháu sẽ tụ họp ở nhà ông bà để lễ Tổ tiên va chúc tết ông bà, những người lớn tuổi. Cứ năm mới tới,mỗi người tăng thêm một tuổi, bởi vậy ngày đầu năm là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên.  Trong những ngày đầu năm, việc viếng thăm họ hàng rất được chú ý đến nhằm để gắn kết tình cảm gia đình họ hàng. Đến thăm những người hàng xóm và những gia đình sống gần với gia đình của mình, những người bạn bè, đồng nghiệp và những người thân thiết với  mình,… lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn,… Những chuyến thăm hỏi này giúp mọi người gắn kết và siết chặt với nhau hơn, xóa hết những khúc mắc của năm cũ, vui vẻ chào đón năm mới. Trẻ em háo hức nhận nhưng phong bao lì xì từ người lớn cùng với lời chúc ăn no, chóng lớn.

     Văn hóa Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến với những nết đặc sắc tinh thần riêng rất Việt, vậy nên Lễ hội trong những ngày Tết thật náo nhiệt, sau những ngày làm việc mệt nhọc thì con người lại được hòa mình vào với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng nơi làng quê như đu xuân, đấu vật, rối nước, múa rồng, múa lân,… Tùy theo bản sắc văn hóa của mình, mỗi địa phương đều tổ chức lễ hội ngày tết vơi những phần “lễ” và phần “hội” chứa đựng những nét văn hóa khác nhau rất phong phú. Đây chính là dịp để mọi người xích lại gần nhau, cùng nhau ôn lại những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Những ngày đầu năm, mọi người thường lên chùa để thắp nén nhang cầu may cho người thân trong năm mới, để hái lộc đầu năm, tìm đến một niềm tin thần cho năm mới…

     Trải qua một chặng đường dài của lịch sử, trải qua biết bao thế hệ, nhưng cho đến nay những nét đẹp truyền thống của dân tộc vân được lưu giữ và phát huy. Dù Tết xưa hay Tết nay, dù ăn Tết hay nghỉ Tết, thì trong tâm thức của mỗi người con đất Việt Tết vẫn là một ngày hội lớn nhất trong năm. Đây là dịp để con người trở về với cội nguồn, là thời gian nghỉ ngơi rảnh rỗi đến thăm nhau, gửi đến nhau những tình cảm và lời chúc tốt đẹp nhất. Trong những năm gần đây, không chỉ những người con trong nước mà kể cả những người con ở miền xa trên mảnh đất người, vẫn tiếp tục bảo tồn và phát triển Tết cổ truyền của dân tộc. Nếu có điều khiên, họ sẽ về quê hương hưởng cái không khí Tết. Còn những người không có điều kiện, dẫu không về được quê nhà ăn Tết nhưng những cái Tết rất Việt, những buổi gặp mặt vẫn được tổ chức tại các nước có Kiều bào sinh sống, nó làm ấm áp thêm tình quê hương, vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà da diết của những người con xa xứ luôn hướng về đất mẹ thân yêu. Đúng như chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói: Việc tổ chức đón tết, những buổi gặp mặt cho bà con Việt kiều ở nước ngoài vào dịp Xuân mới góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn văn hóa Việt trong lòng những người Việt trẻ xa quê và bạn bè thế giới. Đó chính là những nét đẹp văn hóa không thể phủ nhận trong thời đại mới.

     Trong quá trình hội nhập, đất nước ta đang chuyển mình vươn lên một tầm cao mới. Sự phát triển về mọi mặt kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội đã nâng đời sống con người lên một một bước vị thế mới. Những thành công hôm nay đã và đang vượt qua bao khó khăn trong bước đường xây dựng đất nước. Cùng với quá trình hiện đại hóa kinh tế của đất nước, những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam cũng đang bị dần ảnh hưởng và mai một bởi yếu tố ngoại lai. Cũng như các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á, nước ta đang cố gắng phát triển gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong trời đại mới khi mà làn sóng văn hóa phương Tây đang du nhập vào. Có thể nói, bên cạnh những nét đẹp truyền thống khác, Tết cổ truyền vẫn còn là một sinh hoạt văn hóa vừa lưu giữ những giá trị truyền thống, vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại hiện nay. Hội nhập để phát triển, nhưng bên cạnh đó, chúng ta là những người con của thế hệ hôm nay và mai sau hãy giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc. Bảo tồn các phong tục cũ phù hợp với xu thế phát triển mới để giữ gìn ý nghĩa thiêng liêng, nết đẹp văn hóa của Tết cổ truyền trong trái tim mỗi con người Việt Nam.

 Theo Sen Hong

Nguồn: https://nguoiconyeunuoc.wordpress.com/2014/02/01/net-dep-truyen-thong-cua-tet-co-truyen-xua-va-nay/