Nét đẹp văn hóa Việt ngày đầu xuân
Việt Nam không chỉ là một đất nước nổi tiếng với nhiều thắng cảnh đẹp, mà còn là một trong số ít quốc gia trên thế giới có một nền văn hóa lâu đời và phong phú, với những nét đẹp văn hóa được hình thành và lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc. Một trong số đó là phong tục đi lễ chùa đầu xuân.
Lễ chùa đầu xuân là một hoạt động tín ngưỡng gắn liền với Phật giáo, và từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của nhiều gia đình người Việt. Với nhiều người, đầu năm mà không lên chùa thắp nén hương khấn Phật, thì cứ cảm thấy như còn thiếu sót điều gì đó mà chưa trọn vẹn.
Có lẽ là bởi, những tư tưởng của Phật giáo đã thấm sâu vào trong tâm thức của người Việt hàng mấy nghàn năm qua. Hoặc cũng là bởi, nơi cửa chùa đất Phật linh thiêng luôn khiến cho con người ta có cảm giác bình yên và thanh tịnh đến kỳ lạ. Bỏ lại sau lưng bao muộn phiền, lo âu, và những chuyện không vui của năm cũ, để hòa mình vào chốn tâm linh, mỗi chúng ta sẽ đều cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng và thanh thản.
Vì vậy mà vào những ngày đầu xuân mới, mọi người lại nô nức rủ nhau đi lễ chùa, hái lộc, cùng cầu chúc những điều may mắn, và hạnh phúc trong năm mới. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của việc đi chùa đầu năm. Trong văn hóa truyền thống xưa, người Việt quan niệm rằng, không chỉ đầu năm mà dù vào bất cứ thời điểm nào, việc đi lễ chùa cũng không chỉ là để cầu mong điều tốt đẹp, mà đó còn là khoảnh khắc để mỗi người tự nhìn nhận lại bản thân mình, thông qua những giáo lý của nhà Phật mà nghiệm ra quy luật nhân quả trong cuộc sống. Từ đó mà sửa mình cho tốt hơn, hướng thiện hơn, sống tốt hơn.
Với quan niệm “Phật tại tâm trung”, tu tâm của mình là chính, nên người xưa sắm đồ lễ đi chùa không quá cầu kỳ. Lễ vật không phải là “mâm cao, cỗ đầy”, hay khoe khoang hình thức, mà chỉ cần sắm lễ chay gồm hương, hoa, quả, xôi … là đủ. Lời khấn cũng rất đơn giản mà không văn vẻ, cũng không nhất thiết phải dùng sớ. Tất nhiên, phong tục tập quán giữa các miền có những nét riêng biệt, nhưng tất cả đều có chung một tấm lòng thành kính.
Sau khi cúng lễ xong, mọi người thường xin nhà chùa một nhánh lộc cây mang về. Theo quan niệm của người xưa, mùa xuân là mùa sinh trưởng của vạn vật, và trong tất các loài, cây là loài có sức sống mãnh liệt nhất. Hái lộc đầu xuân, có ý nghĩa là rước lộc về nhà, cũng là cầu mong những điều may mắn trong năm mới. Những loài cây được chọn để hái lộc thường là những loài tượng trưng cho sự trường tồn, hoặc mang phong cách của người quân tử, như cây đa, tùng, mai, sanh … Nhưng người xưa hái lộc là trọng ở ý nghĩa, chứ không trọng ở hình thức là to hay nhỏ. Thế nên người mà tâm hướng thiện thì dù chỉ là một chiếc lá cũng mang đủ ý xuân. Những năm gần đây, tục hái lộc đầu năm cũng đã có nhiều đổi khác, không còn nhất thiết phải hái cả cành lá, hay bứt lộc cây trong chùa. Thay vào đó cành lộc xuân có thể là một cây mía tía, mấy cành phát lộc hoặc một chậu cây nho nhỏ nào đó đem về nhà ngày đầu năm mới là được.
Không chỉ có tục đi lễ chùa, hái lộc, người Việt xưa còn có một nét đẹp văn hóa nữa là xin chữ đầu năm. Người xưa rất sùng nho trọng đạo, nên thời xưa muốn xin chữ, người xin chữ trước hết phải soạn một lễ nhỏ để mang tới nhà thầy đồ, thể hiện sự tôn trọng với người có học thức. Sau đó bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của mình trong năm mới. Thầy đồ sẽ căn cứ vào đó mà chọn chữ cho phù hợp, chứ không viết chữ theo yêu cầu như bây giờ.
Chữ viết ra cũng không là chỉ đẹp trên hình thức bề mặt, mà trong đó còn bao hàm cả tâm huyết và trí tuệ của viết. Vì vậy khi viết, thầy đồ sẽ dùng cả Tâm-Trí-Lực để viết. Khi viết xong, thầy đồ sẽ giảng cho người xin chữ từng nét chữ để người xin hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của chữ. Cho nên người xin chữ vừa được mở mang học thức, lại vừa cảm thấy như đã xin được may mắn, đạt được ý nguyện của mình.
Đi lễ chùa, hái lộc, hay xin chữ, tất cả những điều trên đã tạo nên một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trong những ngày đầu năm mới. Đáng buồn, là ngày nay những nét văn hóa ấy đang dần dần trở nên biến dị, nhất là trong việc đi lễ chùa. Dường như cái tâm của nhiều người ngày nay đến với Phật đã không còn thuần tịnh và mang sự thành kính nữa. Hành vi của con người vì thế mà cũng có nhiều thay đổi. Bây giờ người ta mang lễ vật tới với quan niệm rằng lễ càng nhiều Phật càng chứng giám, rồi tiền giả tiền thật đặt đầy trên ban thờ, nhét đầy trong tay Phật, rồi xuýt xoa hít hà, lẩm nhẩm lầm nhầm, cứ như là hối lộ Phật vậy. Không chỉ vậy có những người còn tranh nhau tờ ấn, giải lụa, giành giật cái mà họ cho là phước lộc mà Phật ban phát. Bên cạnh đó, nhiều chùa chiền bây giờ cũng đã trở nên đổi khác, nhiều nơi xây chùa là để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế. Tất cả những điều này không những phản lại văn hóa truyền thống, mà còn đi ngược lại với pháp lý trong Phật giáo.
Theo quy luật Nhân quả trong Phật giáo, Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhân có tốt thì quả mới lành. Thay vì cầu trời khấn Phật, chúng ta muốn được hưởng hoa thơm quả ngọt, mỗi người hãy tự gieo cho mình những nhân lành bằng những cách nghĩ và hành động tốt đẹp. Chỉ cần sống thiện lương ắt sẽ được bình an. Không chỉ Phật giáo mà Đạo giáo cũng nhìn nhận như vậy. Như trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói rằng Đạo Trời là công bằng, không thân với ai, nhưng thường hay giúp đỡ những người thiện.
Do Lâm Mộc thực hiện
CHIA SẺ
CHIA SẺ