Nét đẹp văn hóa hầu đồng
Cuối năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu chủ yếu được cộng đồng biết tới qua khái niệm “hầu đồng”. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã nhấn mạnh đến vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản này cần sớm chấn chỉnh, loại bỏ các biểu hiện lệch lạc, chưa hay và chưa đẹp.
Thực hành tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần tại Đền Cố Trạch, quần thể di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần – Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư
Hầu đồng là một phần tín ngưỡng của thờ Mẫu có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc tính biểu tượng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hướng tới cuộc sống, niềm tin thực tại với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn của mọi tầng lớp trong xã hội; tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần hướng về nguồn cội “uống nước nhớ nguồn”. Thông thường, hầu đồng có 36 giá, mỗi giá nói về huyền tích của một vị thánh, làm nghi lễ nhảy múa, ban lộc, phán truyền… Những người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng. Thanh đồng là nam giới thì được gọi là cậu, nữ giới được gọi là cô đồng hoặc bà đồng. Đó là những người trực tiếp thực hành nghi lễ hầu đồng. Trang phục của thanh đồng cũng rất phong phú, đa dạng, với những màu sắc khác nhau như màu đỏ, màu trắng, màu vàng hay màu xanh, tùy theo nội dung của từng giá đồng, thường thể hiện rõ đặc tính cũng như nguồn gốc xuất thân của từng vị thánh trong mỗi giá đồng. Mỗi màu tượng trưng cho một miền của vũ trụ. Miền trời, tượng trưng bằng màu đỏ (Thiên phủ), màu đất là màu vàng (Địa phủ), màu sông biển là màu trắng (Thoải phủ), miền rừng núi là màu xanh (Thượng ngàn). Các “đồng cô, bóng cậu” có vai trò quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trải qua thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu, mà tiêu biểu là nghi lễ hầu đồng đang dần bị đổi thay, bị thương mại hóa. Nhu cầu hầu đồng của người dân ngày một tăng, dẫn đến hiện tượng quá tải trong việc tổ chức hầu đồng ở các đền phủ, đặc biệt là các đền phủ lớn. Được mệnh danh là trung tâm của đạo Mẫu, Quần thể di tích Lịch sử – văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) có hơn 20 đền, phủ phục vụ cho những giá đồng hầu thánh. Những giá đồng này diễn ra liên tục trong dịp lễ hội và bất cứ khi nào có người yêu cầu được hầu thánh. Trên ban thờ, không chỉ được trưng bày những đồ cúng lễ đơn giản mà còn có những lễ vật trị giá lớn. Có những thanh đồng còn bỏ ra những khoản chi lớn như tiền đặt chỗ để làm giá đồng, tiền may trang phục, tiền thuê nhạc công, tiền hoa quả cúng lễ, tiền phát lộc… Số tiền mà thanh đồng bỏ ra có thể lên đến hàng chục triệu, trăm triệu đồng. Thậm chí nhiều gia đình và cá nhân cũng lập điện thờ ngay trong nhà để hoạt động tín ngưỡng hầu đồng. Những thanh đồng là những người được gọi là có căn đồng hay một số người gọi là “tám vía”. Tuy nhiên, trong thực tế không phải thanh đồng nào cũng có căn đồng tự nhiên; có người không có căn cốt hầu đồng nhưng chạy theo như một xu thế, một sự cuồng tín, học hát vội vã qua băng đĩa, không theo quy chuẩn, làm mất đi nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu. Không chỉ vậy, nhiều người có bệnh về tâm lý vốn khó có thể chữa trị được bằng phương pháp thông thường nên đã tìm đến các “ông đồng, bà cốt” để chữa trị, lúc này căn bệnh của họ được cho là “bệnh âm”. Thậm chí, nhiều người còn lợi dụng việc hầu đồng để tra kết quả lô đề, xổ số… vì tin rằng người âm có khả năng siêu phàm mà “người trần mắt thịt” không thể có được. Bà Hoàng Thị Lan, một thanh đồng ở xã Nam Toàn (Nam Trực) cho biết: “Thờ Thánh Mẫu là một nghi thức lâu đời, được truyền lại cho đến thời nay. Xã hội ngày càng phát triển, việc đặt ra hình thức mã to hay mã đẹp theo tôi không cần thiết. Quan trọng là người thực hành tín ngưỡng phải có nhận thức đúng khi hầu Mẫu, hầu Thánh chứ không mang tính chất khoe khoang về tiền bạc hay lợi dụng để trục lợi cho bản thân thì đó là điều không nên”.
Để tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng giữ được những giá trị truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục, các cơ quan quản lý văn hóa cần có quy định cụ thể, thống nhất, chuẩn mực trong việc tiến hành nghi lễ, từ lễ vật tiến cúng, hàng mã, phục trang, hóa trang, âm nhạc, vũ đạo, cách thức ban phát lộc thánh… để tiến tới xây dựng những giá hầu đúng nghĩa, tránh phô diễn, khoe khoang sự giàu có, trục lợi cá nhân trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những thanh đồng và người dân để phân biệt được ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín của hầu đồng; để những giá trị văn hóa, tâm linh tốt đẹp của di sản được gìn giữ và phát huy./.
Thanh Hoa