Nét đẹp văn hóa, ứng xử văn minh trong gia đình, dòng họ, khu dân cư: Phát huy giá trị truyền thống trong cuộc sống đương đại
VHO- Trải qua nhiều thế hệ, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong các gia đình, dòng họ, khu dân cư được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị. Giữa những thăng trầm thời cuộc, trong guồng quay gấp gáp của cuộc sống đương đại, những giá trị truyền thống ấy vẫn luôn được trân trọng, giữ gìn, như nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Ảnh có tính minh họa Ảnh: THÀNH ĐẠT
Bởi vậy, dù đi đâu về đâu, nề nếp gia phong vẫn luôn chiếm giữ một vị trí trang trọng nhất đối với mỗi con người, mang đến cho các gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt.
Truyền thống trong cuộc sống đương đại
Với mục đích tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, dòng họ, khu dân cư; phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, Bộ VHTTDL mới đây đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền nét đẹp văn hóa, ứng xử văn minh, xây dựng môi trường văn hóa gia đình, dòng họ, khu dân cư năm 2022.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2022 của Ngành VHTTDL: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; phát huy giá trị văn hóa, vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong bối cảnh đời sống đương đại đang có nhiều thay đổi, nhiều giá trị văn hóa truyền thống trở nên chao đảo, có nguy cơ bị đảo lộn và chịu nhiều thách thức từ những giá trị mới, đặc biệt là tác động của mặt trái kinh tế thị trường. “Tuy nhiên, những giá trị nền tảng vẫn luôn tồn tại bất biến, không chỉ với bản thân mỗi con người mà còn là thành tố giúp duy trì sự bền vững, lan toả những nét đẹp văn hóa trong đời sống của mỗi gia đình, dòng họ, khu dân cư ở mọi vùng miền đất nước. Kế hoạch tuyên truyền của Bộ VHTTDL cũng nhằm giới thiệu những tấm gương điển hình, mô hình điểm trong xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Phòng Nếp sống Văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết.
Những giá trị truyền thống bất biến ấy chính là những nét đẹp trong cách đối nhân xử thế, là văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình. Nhờ vậy, dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những gia đình tam, tứ đại đồng đường cùng chung sống hạnh phúc; những gia đình có nhiều thành viên thành đạt, luôn hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt như sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái; sự tôn trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh em…
Một trong những yếu tố để các gia đình Việt Nam gắn kết bền chặt là nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hóa, tạo nề nếp gia phong để các thành viên trong gia đình cùng trân trọng, gìn giữ. Những giá trị truyền thống, cốt lõi ấy được lan toả, trở thành sợi dây kết nối các thế hệ, ở các vùng miền. Ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ, tại nhiều địa phương, có những gia đình, dòng họ là hạt nhân để gìn giữ, phát huy, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, dân tộc, từ đời này qua đời khác. Những di sản văn hóa phi vật thể, những làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, phong tục tập quán mang bản sắc của mỗi dân tộc, vùng miền… đã được gìn giữ, phát huy thông qua từng cá nhân, gia đình, dòng họ. Thời nay, dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, những giá trị di sản, văn hóa ấy vẫn luôn là một nét bản sắc, là tấm căn cước để mỗi cộng đồng, dân tộc tự hào.
Để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó, nhiều địa phương trong thời gian qua đã phát động các phong trào thiết thực như: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, Gia đình “5 không, 3 sạch”, Gia đình nông dân hạnh phúc… Những mô hình với tên gọi khác nhau nhưng điểm chung là lưu giữ, lan toả những giá trị tích cực, biểu dương gương người tốt, việc tốt; cách ứng xử chuẩn mực trong gia đình, dòng họ, cộng đồng… Đồng thời, phê phán lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, chạy theo vật chất mà lãng quên những giá trị, văn hóa ứng xử truyền thống trong gia đình.
Nề nếp gia phong trong thời kỳ hội nhập Ảnh minh họa
Ứng xử văn minh trong gia đình hiện đại
Ứng xử trong gia đình là cách thức quan trọng góp phần thực hiện các chức năng của gia đình, đặc biệt là chức năng giáo dục. Trong xã hội hiện đại, khi ngày càng có nhiều phương tiện hiện đại kết nối thì dường như mối quan hệ, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình càng có chiều hướng trở nên lỏng lẻo hơn. Câu chuyện bạo lực gia đình, cả về thể xác lẫn tinh thần, luôn trở thành vấn đề nóng không chỉ trên diễn đàn Quốc hội hay nhiều diễn đàn khác mà còn là vấn đề của xã hội, của mỗi gia đình với tư cách là những tế bào.
Ứng xử của các thành viên trong gia đình với các thành viên hay với các mối quan hệ khác ngoài xã hội là hình ảnh phản chiếu tấm gương gia phong của từng gia đình. Văn hóa ứng xử trong đời sống gia đình Việt Nam ngày nay là sự kế thừa các giá trị văn hóa dân tộc và tiếp nhận các giá trị mới, phù hợp với sự phát triển của thời đại. Ngày nay, một bộ phận giới trẻ đang tiếp nhận nhiều trào lưu sống vội vã, thích hưởng thụ, ích kỷ. Một số gia đình đánh mất gia phong trong cuộc sống thời thượng, hội nhập… Tuy nhiên, truyền thống và cách ứng xử văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam luôn biểu hiện trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều biểu hiện gia phong còn nguyên giá trị giáo dục đạo đức, nhân cách con người thời hội nhập.
“Trong bối cảnh hiện nay, cần có nhiều giải pháp để ứng xử văn minh trong các gia đình hiện đại luôn là yếu tố vững chắc, là nền tảng gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, để gạn đục khơi trong…”, ông Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh. Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VHTTDL ban hành có thể xem là một trong những giải pháp quan trọng. Trong đó, các tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam được xây dựng dựa trên nguyên tắc: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Bộ Tiêu chí được ra đời với mục đích xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì thế, Bộ tiêu chí được nhiều người kỳ vọng sẽ thay đổi được hành vi, giữ gìn những chuần mực trong văn hóa ứng xử ở mỗi gia đình- những tế bào đặc biệt cho sự hình thành và phát triển một xã hội khỏe mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Tuyên truyền Nét đẹp văn hóa, ứng xử văn minh, xây dựng môi trường văn hóa gia đình, dòng họ, khu dân cư
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm trong Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2020
Trong Kế hoạch tuyên truyền nét đẹp văn hóa, ứng xử văn minh, xây dựng môi trường văn hóa gia đình, dòng họ, khu dân cư năm 2022 do Bộ VHTTDL ban hành, ngoài phóng sự truyền hình Nhân lên nét đẹp văn hóa trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, sẽ có 9 chuyên đề được xây dựng và đăng tải trên Báo Văn Hóa. Trong đó, có 5 chuyên đề về “Nét đẹp văn hóa, ứng xử văn minh trong gia đình, dòng họ, khu dân cư”, gồm: Giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống, ứng xử văn minh trong cuộc sống đương đại; Nâng cao nhận thức cộng đồng về giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thông, ứng xử văn minh; Những mô hình điểm trong tuyên truyền, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống; Xây dựng chuẩn mực quy tắc ứng xử, đẩy lùi hành vi lệch chuẩn; Chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn hóa cộng đồng, văn minh lễ hội.
4 chuyên đề về “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở” gồm: Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Những điểm sáng trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở; Hình thành những giá trị chuẩn mực, đẩy lùi hủ tục trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; Chuyển biến trong nhận thức cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. HÀ PHƯƠNG
MINH NGỌC