Ngân hàng có được giữ giấy tờ gốc của xe khi nhận thế chấp không?
Hiện nay vấn đề về việc chủ xe ô tô khi mua theo hình thức bảo lãnh- thế chấp ô tô tại Ngân hàng nhưng Ngân hàng lại giữ giấy đăng ký xe bản gốc. Dẫn đến người điều khiển xe bị xử phạt hành chính về giao thông khi không đem theo giấy phép lái xe. Vậy Ngân hàng có được giữ giấy tờ gốc của xe khi nhận thế chấp hay không? Và người điều khiển xe khi đang thế chấp Ngân hàng thì có bị xử phạt vi phạm giao thông không?
Luật sư tư vấn:
Mục lục bài viết
1. Ngân hàng có được giữ giấy tờ gốc của xe khi nhận thế chấp hay không?
Vay thế chấp là hình thức cho vay truyền thống của các tổ chức tín dụng có yêu cầu tài sản đảm bảo đi kèm. Theo đó, tài sản đảm bảo phải thuộc quyền sở hữu của người đi vay và Ngân hàng là bên nhận thế chấp sẽ có trách nhiệm kiểm định và định giá tài sản. Kèm theo đó thì người đi vay sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ và không phải giao tài sản đảm bảo cho Ngân hàng. Từ đó, phát sinh ra mối quan hệ bên nhận thế chấp (Ngân hàng) và bên thế chấp (người đi vay).
Từ đó, căn cứ vào khoản 1 Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định rõ ràng rằng bên thế chấp có nghĩa vụ giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác. Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 6 Điều 323 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác. Theo đó, việc Ngân hàng giữ bản gốc Chứng nhận đăng ký xe của các khách hàng đi vay thế chấp là việc được thực hiện dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, căn cứ theo Điểm 1 Công văn 8601/VPCP-CN ngày 15 tháng 8 năm 2017 về sử dụng Giấy đăng ký phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại tổ chức tín dụng có quy định: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện. Tức là việc Ngân hàng giữ giấy tờ đăng ký xe của khách hàng khi họ thế chấp xe cho Ngân hàng với mục đích đảm bảo cho người đi vay thực hiện nghĩa vụ đối với khoản vay tại Ngân hàng, mà tài sản bảo đảm là thế chấp xe của khách hàng đi vay. Như vậy, Ngân hàng sẽ giữ giấy tờ gốc của xe là đúng quy định pháp luật và để đảm bảo khách hàng đi vay thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình.
2. Ngân hàng giữ giấy tờ đăng ký xe gốc thì có thể điều khiển xe tham gia giao thông được hay không?
Mặc dù tài sản bảo đảm trong trường hợp vay thế chấp tại Ngân hàng là xe thì Ngân hàng được giữ giấy tờ gốc đăng ký xe, song điều này không ảnh hưởng đến việc điều khiển xe lưu thông khi có Bản sao Giấy đăng ký phương tiện giao thông và Bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (theo Công văn 8601/VPCP-CN năm 2017).
Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 13 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe (đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ), bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (đối với phương tiện tham gia giao thông đường sắt) kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt.
Ngoài ra tại khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP trường hợp được tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm được quy định cụ thể:
Đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) theo quy định, xử lý như sau:
– Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được), đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện về những hành vi vi phạm tương ứng quy định tại Điều 30 Nghị định này và tạm giữ phương tiện theo quy định;
– Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện (không xử phạt đối với chủ phương tiện);
– Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.
Theo quy định trên, trong thời gian ngân hàng đang giữ giấy tờ gốc đăng ký xe của khách hàng đi vay thì khách hàng đó vẫn có thể tham gia giao thông nếu có đầy đủ cả 02 loại giấy tờ sau đây:
– Bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông;
– Bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực.
Các giấy tờ nêu trên chỉ có giá trị thay thế cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính. Đối với trường hợp này, Cảnh sát giao thông vẫn tiến hành lập biên bản phạt vi phạm. Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện (không xử phạt đối với chủ phương tiện). Nếu quá thời hạn mà vẫn không xuất trình được giấy tờ thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.
3. Trường hợp điều khiển xe thế chấp khi Giấy biên nhận thế chấp hết hạn thì người điều khiển xe có bị xử phạt hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 16 và khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và được sửa đổi bởi khoản 9 và khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển xe thế chấp khi Giấy biên nhận thế chấp hết hạn có thể bị xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm là: Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
– Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
+ Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 3; khoản 4; khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; …
+ Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 4, điểm b khoản 6 Điều này trong trường hợp không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.
– Bên cạnh đó, người điều khiển xe cũng có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 8 Điều này;
+ Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
+ Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Như vậy, xe đã thế chấp cho ngân hàng thì khi tham gia giao thông cần phải có đủ cả 02 loại giấy tờ là bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông và bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực. Nếu bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe hết hiệu lực thì người điều khiển xe sẽ bị xử phạt với lỗi sử dụng Giấy đăng ký xe hết hạn sử dụng. Lỗi này sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng. Ngoài ra, nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện thì còn bị tịch thu phương tiện. Tuy nhiên, nếu Quyết định xử phạm ghi nhận hành vi vi phạm là không mang theo đăng ký xe thì sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.