Ngành Hóa học học gì? Ra trường làm gì? – Trường đại học khoa học và công nghệ Hà Nội

Hóa học là một trong những ngành khoa học cơ bản được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vậy khi theo học ngành hóa, sinh viên sẽ được học những gì và triển vọng nghề nghiệp tương lai như thế nào? 

Nhu cầu nhân lực ngành Hóa học tại Việt Nam 

Nhắc đến Hóa học, chúng ta sẽ liên tưởng đến một môn học rất quen thuộc nhưng cũng khá “khó nhằn” đối với nhiều bạn học sinh, sinh viên. Tuy vậy, ít ai biết Hóa học hiện diện trong mọi ngõ ngách của xã hội, tham gia vào quá trình sản xuất gần như tất cả những sản phẩm có mặt trong đời sống của con người.

Không thể không kể đến các quá trình hóa học khi tìm hiểu về công nghiệp thực phẩm (thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm), sản xuất hàng tiêu dùng (sơn, nhựa, cao su, mực in, dệt nhuộm …), nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc) cho đến các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử (chế tạo vi mạch, màn hình LED, OLED…), các quá trình y sinh học (xét nghiệm, phát triển thuốc, vắc xin) hay cả sự bùng nổ của các sản phẩm tiên tiến từ công nghệ nano.

HÓA HỌC 5

Chính vì vậy, công nghiệp hóa học, đặc biệt là ngành hóa chất đã và đang trở thành một lĩnh vực quan trọng, góp tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Triển vọng nghề nghiệp cho những người học hóa từ đó mở rộng từ các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu đến các doanh nghiệp với nhiều vị trí công việc đa dạng và mức lương hấp dẫn như quản lý vận hành các hệ thống thiết bị công nghệ sản xuất ngành Hóa, thiết kế và tính toán hệ thống, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, phân tích – quản lý chất lượng sản phẩm…

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có nền công nghiệp hóa được đánh giá là phát triển sôi động nhất thế giới, với sự tham gia của ngày càng nhiều các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu công nghệ mới và tăng tỷ lệ sản xuất nội địa. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức mới và nhu cầu về đội ngũ những nhà nghiên cứu và kỹ thuật trẻ, tài năng, được trang bị kiến thức hiện đại, ngoại ngữ cũng như các kỹ năng cần thiết để làm chủ công nghệ mới, đồng thời cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường lao động khu vực và quốc tế quốc tế.

Ngành Hóa học ở USTH có gì nổi bật?

Ngành Hóa học tại USTH được xây dựng với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động Việt Nam trong giai đoạn mới. Chương trình đào tạo xây dựng theo chuẩn của Hiệp hội Hóa học Mỹ (ACS) với kiến thức chọn lọc và cập nhật dựa trên chương trình đào tạo tại các trường đại học danh tiếng về khoa học cơ bản như Đại học Pierre & Marie Curie (ĐH Paris 6, Pháp), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU, Singapore), Đại học Hanyang, Hàn Quốc… cùng với sự cố vấn của các chuyên gia hàng đầu đến từ các trường Đại học trên.

Chương trình Hóa học tại USTH đào tạo nguồn nhân lực theo hai định hướng chính là Hóa học cho chuyển hóa và tích trữ năng lượng và Hóa học các hợp chất thiên nhiên, được lựa chọn dựa trên tầm nhìn phát triển thị trường lao động Hóa học tại Việt Nam cho tới năm 2030. Theo đó, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức nền tảng về khoa học hóa học và ứng dụng của hóa trong lĩnh vực năng lượng, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe.

Hơn nữa, sinh viên sẽ được rèn luyện kỹ năng làm việc trên các thiết bị, máy móc hiện đại tại USTH và các viện trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cơ quan hàng đầu về nghiên cứu khoa học của đất nước.

Chương trình được thiết kế nhằm phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, vốn được coi là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của các nhà khoa học tương lai. Trong quá trình học, sinh viên được tham gia các khóa học dự án, khóa học quản lý, làm bài tập nhóm, thực tập tại công ty, phòng thí nghiệm trong và ngoài nước để nâng cao tính chủ động, khả năng tự đặt câu hỏi, tự tìm hiểu và giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, sự tham gia của các doanh nghiệp thông qua các khóa học ngắn giúp sinh viên tìm hiểu phong cách, yêu cầu và môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Qua đó, sinh viên USTH sau khi tốt nghiệp có thể sẵn sàng thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, sẵn sàng làm việc tại các doanh nghiệp và có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, song hành và trực tiếp hướng dẫn sinh viên ngành Hóa học là các nhà khoa học giàu kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu quốc tế. Các giảng viên luôn theo sát sinh viên trong suốt quá trình học tập tại trường, nhằm kịp thời tư vấn, đưa lời khuyên về định hướng nghề nghiệp và giới thiệu cho sinh viên những cơ sở thực tập, việc làm phù hợp.

Sau khi tốt nghiệp ngành Hóa học tại USTH, bạn có thể làm gì?

Với những kiến thức và kỹ năng hóa học hiện đại, đặc biệt đối với định hướng Hóa học trong các ứng dụng năng lượng và Hóa học các hợp chất thiên nhiên, đồng thời với khả năng sử dụng ngoại ngữ lưu loát, sinh viên ngành Hóa học tại USTH sau khi ra trường có thể lựa chọn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, nhưng đồng thời các cơ hội nghề nghiệp vẫn luôn rộng mở với sinh viên có định hướng doanh nghiệp.

Công việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học:

  • Tiếp tục học lên trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các trường đại học, viện nghiên cứu hang đầu trong và ngoài nước.

  • Nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học vật liệu, công nghệ nano, vật liệu sinh học, y học, nông nghiệp; thực phẩm, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe…

  • Giảng viên trong các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

    Hóa học USTH

Công việc theo định hướng doanh nghiệp: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí như chuyên viên phát triển sản phẩm, kiểm định chất lượng, chuyên gia phân tích, chuyên gia dây chuyền sản xuất tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như:

  • Lĩnh vực vật liệu cho chuyển hóa và tích trữ năng lượng như pin khô, pin ướt, pin nhiên liệu, xúc tác, vật liệu nano … và các hệ thống bao gồm các vật liệu phức tạp khác.

  • Lĩnh vực thực phẩm, công nghệ thực phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên cơ sở các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên.

  • Lĩnh vực sản xuất các sản phẩm vô cơ như các hóa chất vô cơ, phân bón, màu cho sơn, vẽ, gốm sứ, nguyên liệu cho công nghiệp điện tử và bán dẫn v.v…

  • Lĩnh vực sản xuất các sản phẩm hữu cơ như polime, sơn phủ, vải sợi, giấy, dệt nhuộm, cao su, dung môi, dầu khí, hóa chất bảo vệ nông nghiệp, hóa dược…

  • Lĩnh vực xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sống, sản xuất sạch và công nghệ năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp còn có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên, tư vấn khoa học và kỹ thuật cho các tổ chức phi chính phủ, vị trí kiểm định, đánh giá các đề án liên quan tại các quỹ đầu tư, các dự án quốc tế.