Ngành Kỹ thuật phần mềm chất lượng cao | Khoa Công nghệ thông tin

1.Giới thiệu chương trình

Chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) về Kỹ thuật phần mềm được xây dựng nhu cầu của thị trường lao động; gắn kết lý thuyết với thực tiễn; kết hợp kiến thức chuyên môn và chuyên ngành với rèn luyện kỹ năng thực hành; chú trọng đến các kỹ năng mềm và thực tập doanh nghiệp

Ngành Kỹ thuật phần mềm đào tạo ra các Kỹ sư phần mềm nắm vững các thức liên quan đến quy trình phát triển phần mềm một cách chuyên nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm phần mềm đạt chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu nghiệp vụ cụ thể trong nền sản xuất của xã hội. Sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu về công nghiệp phần mềm, bao gồm: quy trình phát triển phần mềm, kỹ năng vận dụng các công cụ phần mềm vào việc hỗ trợ phát triển các phần mềm khác; các kiến thức cần thiết liên quan đến các pha thực hiện trong một dự án phần mềm như: thu thập yêu cầu, phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử, vận hành và bảo trì phần mềm.

2. Điểm khác biệt của chương trình Chất lượng cao

Điểm khác biệt của chương trình CLC so với chương trình đào tạo thông thường là được giảng dạy bởi các giảng viên giỏi và có năng lực nghiên cứu khoa học tốt; 50% các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh; được các doanh nghiệp đào tạo chuyên môn thực tế và cấp chứng chỉ; sinh viên nếu mong muốn và có đủ điều kiện tài chính cũng như học thuật có thể đăng ký học, trao đổi 01 học kỳ hoặc thực tập tốt nghiệp tại một trường đại học có uy tín ở nước ngoài, ví dụ như ở Đài Loan hoặc Công hoà Séc

Về mặt tổ chức đào tạo: Với qui mô lớp nhỏ  (tối đa 40 sinh viên đối với học lý thuyết và tối đa 20 sinh viên đối với học thực hành), cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại và môi trường học tập năng động; có đội ngũ trợ giảng và giảng viên cố vấn hỗ trợ SV; việc đào tạo sinh viên chương trình CLC được đảm nhiệm và giám sát chặt chẽ bởi đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước có trình độ cao, chuyên nghiệp và nhiệt tình, cam kết tính hiệu quả cao, đảm bảo đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

3. Chương trình đào tạo

Ngành Kỹ thuật phần mềm (chất lượng cao) – mã ngành: F7480103

  • Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm (chất lượng cao) được thực hiện trong 08 học kỳ với tổng số tín chỉ tích lũy yêu cầu mỗi sinh viên (SV) phải đạt được để đủ điều kiện tốt nghiệp là 142 tín chỉ.
  • Phương pháp đào tạo: Chương trình đào tạo theo hình thức tập trung và quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ; Phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm, nâng cao tính chủ động của SV trong học tập.
  • Đặc biệt với chương trình học phần nghề nghiệp, SV được đào tạo bởi chuyên gia doanh nghiệp và trong môi trường thực tế tại Doanh nghiệp

 STT

Khối kiến thức

Số tín chỉ

Chi tiết các môn học/học phần

1

Kiến thức giáo dục đại cương:    60 tín chỉ

1.1

Môn lý luận chính trị, pháp luật

12

Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mac – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của  Đảng Cộng sản Việt nam, Pháp luật đại cương

1.2

Tiếng Anh

31

Natural English 1,2, Global Citizen English 3, Global Citizen English 4, Global Citizen English 5
Lưu ý: – SV tham gia kiểm tra đánh giá trình độ Tiếng Anh khi nhập học/hoặc nộp chứng chỉ quốc tế để Trường xét trình độ đầu vào. 
            – Lộ trình đào tạo Tiếng Anh tập trung ngay từ năm nhất, từ 12-15 tháng. SV phải đạt được chuẩn đầu ra Tiếng Anh theo quy định.

1.3

Khoa học tự nhiên

12

Cơ sở tin học 1, Cơ sở tin học 2, Cơ sở tin học 3 và dự thi chứng chỉ MOS về MS.Word, Excel, Power Point

1.5

Kỹ năng hỗ trợ

5

Phương pháp học đại học, Kỹ năng làm việc nhóm, Kỹ năng viết và trình bày, Kỹ năng phát triển bền vững

1.6

Giáo dục thể chất

 

Bơi lội và 04 tín chỉ tự chọn về Giáo dục thể chất trong 15 môn Giáo dục thể chất.

1.7

Giáo dục quốc phòng

 

Gồm 03 học phần Giáo dục Quốc phòng (SV tham gia học kỳ quân đội trong học kì hè)

2

Kiến thức giáo dục chuyên ngành:  84 tín chỉ

2.1

Kiến thức cơ sở

12

Phương pháp lập trình, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật 1, Cấu trúc rời rạc

2.2

Kiến thức ngành

72

 

 

Các môn chung và môn bắt buộc

35

  • Tổ chức máy tính, Nhập môn hệ điều hành, Nhập môn Mạng máy tính, Thực tập nghề nghiệp
  • Toán tổ hợp và đồ thị, Phân tích và thiết kế giải thuật, Công nghệ phần mềm, Hệ cơ sở dữ liệu, Dự án Công nghệ thông tin 1

Các môn học tự chọn

21

  • Cấu trúc dữ liệu và giải thuật 2, Phân tích và thiết kế yêu cầu, Kiến trúc hướng dịch vụ, Phát triển phần mềm trên nền tảng tiến hóa, Phương pháp hình thức trong Công nghệ phần mềm, Kiểm thử phần mềm, Công nghệ phần mềm trên nền tảng ứng dụng hiện đại, Hệ thống hình thức và luận lý, Ngôn ngữ lập trình, Kiểm chứng phần mềm, Thẩm định phần mềm tự động, Kỹ thuật thiết kế và đặc tả hình thức, Thiết kế phần mềm nhúng, Lập trình web và ứng dụng, Phát triển ứng dụng di động, Chuyên đề Công nghệ phần mềm, Phát triển trò chơi, Mẫu thiết kế
  • Nhập môn Học máy, Nhập môn Trí tuệ nhân tạo, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hai thác dữ liệu và Khai phá tri thức, Quản trị hệ thống thông tin, Phát triển hệ thống thông tin doanh nghiệp, Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, CNTT trong Quản lý quan hệ khách hàng, Nhập môn Bảo mật máy tính, Nhập môn Bảo mật thông tin, Cơ sở dữ liệu phân tán

Tập sự nghề nghiệp

4

– SV thực hiện từ 2- 4 tháng làm việc tập sự tại doanh nghiệp như một nhân viên/kỹ sư
-SV đi thực tập 01 học kì ở nước ngoài
-Thi kỳ thi kỹ năng thực hành chuyên môn

Khóa luận TN

12

Sinh viên làm khóa luận bằng tiếng Anh

Một số học phần thuộc chứng chỉ nghề nghiệp đã được lồng ghép giảng dạy trong chương trình đào tạo, sinh viên tham gia học và có cơ hội lấy chứng chỉ nghề; SV có thể đăng ký tham gia học kì tại nước ngoài trong năm 3,4 với chi phí khoảng 25 triệu đồng (chưa tính phí vé máy bay và sinh hoạt phí)

Học kỳ quân đội được thiết kế riêng biệt cho sinh viên vừa học Giáo dục quốc phòng, vừa trải nghiệm cuộc sống trong môi trường quân đội giúp rèn luyện kỹ năng sống, lòng tự tin, sự biết ơn và nỗ lực.

4. Chuẩn đầu ra:

Để được xét tốt nghiệp, sinh viên phải tích lũy và đạt được các yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình đào tạo và đạt các chuẩn đầu ra.

  • Chứng chỉ Global Software talent (GST) do FPT cấp, chứng chỉ Agile/Scrum do công ty phần mềm Axon Active cấp hoặc các chứng chỉ nghề khác.
  • Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 50 hoặc các chứng chỉ khác tương đương.
  • Đạt điểm hoạt động ngoại khóa theo yêu cầu của chương trình.
  • Đạt các kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành chuyên môn.

5.Triển vọng nghề nghiệp

Kỹ sư Kỹ thuật phần mềm đạt được các kỹ năng cần thiết để tham gia vào các dự án phần mềm với các vai trò khác nhau như:

  • Kỹ sư phân tích yêu cầu (BA)
  • Kiến trúc sư phần mềm (SA)
  • Lập trình viên (Developer),
  • Kỹ sư kiểm thử phần mềm (Tester)
  • Kỹ sư cầu nối (BrSE)

Sinh viên sau khi ra trường có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự học được các công nghệ mới nhằm phát triển sự nghiệp lâu dài; có thể tự phát triển các phần mềm đáp ứng nhu cầu thực tế phát sinh từ thực tiễn xã hội; có thể tự mình thành lập các công ty khởi nghiệp; có nền tảng kiến thức vững chắc và khả năng nghiên cứu khoa học để có thể tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc học cao hơn.Các sinh viên giỏi có thể được xét học chuyển tiếp lên bậc đào tạo thạc sĩ hoặc tiến sĩ của Khoa Công nghệ thông tin , Trường đại học Tôn Đức Thắng.