Ngành du lịch, khởi sắc trở lại là chưa đủ
Ðiểm sáng trên bản đồ du lịch
Cho đến nay, hầu hết nguồn khách đến từ các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% số khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn bị tác động bởi chính sách siết chặt phòng-chống dịch. Thêm nữa, xung đột giữa Nga-Ukraine chưa có hồi kết cũng tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam-Nga, khiến cho nguồn khách Nga đến Việt Nam chưa thể được phục hồi… Trong bối cảnh còn những yếu tố bất lợi như vậy, và chưa đến mùa cao điểm đón khách quốc tế, song du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng, với những con số “biết nói”.
Trong bảy tháng năm 2022, ngành du lịch Việt Nam có dấu hiệu phục hồi khả quan khi tốc độ tăng trưởng bình quân hằng tháng đạt 62%. Theo đó, Việt Nam đón 954.600 lượt khách du lịch quốc tế, tăng gần chín lần so cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng tháng 7, Việt Nam đón 352.600 lượt khách quốc tế, tăng 49% so tháng trước. Thị trường khách quốc tế tập trung chủ yếu đến từ khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nổi bật trong top 10 thị trường đó là Hàn Quốc với 196.200 lượt khách. Tiếp đến là Mỹ với 102.900 lượt; Nhật Bản với 46.000 lượt; Đài Loan (Trung Quốc) với 36.700 lượt; Trung Quốc khoảng 53 nghìn lượt…
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy: từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng trưởng từ 50%-75%. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt mức 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so thời điểm đầu tháng 3/2022 (17 điểm). Nếu so cùng kỳ năm 2021, lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng hơn 1.200%.
Bên cạnh đó, thị trường du lịch nội địa tiếp tục ghi nhận sự nhộn nhịp, với 71,8 triệu lượt khách chỉ trong bảy tháng, vượt chỉ tiêu kế hoạch toàn ngành đề ra cho cả năm. TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc chính là hai điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất; tiếp theo là: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn…
Triển vọng phục hồi của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng rõ ràng hơn khi số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có hơn 2.400 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, và gần 1.100 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa đã được các địa phương cấp phép.
Hoạt động du lịch “ấm” trở lại đã góp phần giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động. Trong ba quý gần đây nhất, bình quân khu vực dịch vụ đón nhận thêm gần 900.000 lao động/quý.
Khơi thông dòng chảy khách quốc tế
Từ những con số trên cho thấy sự tăng trưởng cực kỳ ấn tượng của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đón năm triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 mà ngành du lịch đã đề ra trước đó, cần xây dựng và kịp thời kích hoạt những chính sách để khơi thông dòng khách quốc tế vào Việt Nam.
Nhiều địa phương đang gặp áp lực khá lớn trong việc hoàn thành kế hoạch đề ra như tỉnh Quảng Ninh, sáu tháng đầu năm, đón 35.000 lượt khách quốc tế, trong khi mục tiêu đặt ra là 1,4 triệu lượt khách quốc tế năm 2022. Hay tỉnh Khánh Hòa cho biết, cần phải đón thêm 60.000 lượt khách quốc tế trong những tháng cuối năm mới đạt chỉ tiêu đề ra. Còn Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, mở rộng các quốc gia được miễn thị thực và được thực hiện chính sách visa điện tử; tăng gia hạn tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên đến 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group Võ Anh Tài chia sẻ: Sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ ngày 15/3, thị trường du lịch nội địa đã chứng kiến sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ. Điều này giúp ngành du lịch vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn sau đại dịch, song nhìn về phía trước, các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều trăn trở. Cụ thể, 80% công suất phòng tại các cơ sở lưu trú thuộc hệ thống Saigontourist trong năm phụ thuộc vào khách quốc tế, nhưng hiện lượng khách này chiếm tỷ trọng quá thấp.
Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours Cao Thị Tuyết Lan đề nghị: Để giải bài toán làm sao nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay. Sau hai năm bị kìm nén vì dịch bệnh, nhu cầu du lịch nội địa bùng phát mạnh mẽ đã khiến cơ sở hạ tầng ngành du lịch quá tải trầm trọng. Đại diện Viettours dẫn chứng, mới đây, Viettours tổ chức đưa một đoàn khách MICE (hình thức du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) gần 600 người tới TP Hồ Chí Minh nhưng một khách sạn năm sao quốc tế thông báo phải chờ tới 23 giờ mới có phòng cho du khách, nguyên nhân là vì không có người dọn phòng. Tương tự, nhiều điểm đến đều thông báo “full” dịch vụ, hết phòng khiến công ty lữ hành không dám nhận thêm khách…
Theo các chuyên gia, để tăng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm, ngành du lịch Việt Nam cần triển khai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế. Tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển các dòng sản phẩm mới; làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác để nâng cao sức cạnh tranh… Ngoài ra, các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc quay trở lại. Tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng, đào tạo lại nhân lực bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch. Tăng cường tính liên kết giữa các ngành, vùng, cụm, nhóm trong lĩnh vực du lịch.
Các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đặc biệt nhấn mạnh đến việc chính sách visa cần cởi mở, linh hoạt và thông thoáng hơn. Đây là một trong những “chìa khóa” quan trọng để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức trực tiếp
Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 từ ngày 9-14/10 tại tỉnh Quảng Nam. Chủ đề diễn đàn tập trung vào các xu hướng lớn ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành du lịch. Đây là sự kiện gặp mặt trực tiếp đầu tiên của sáu điểm đến thuộc Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) kể từ năm 2019.