Ngành học mới: Cử nhân Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia

Văn hóa và truyền thông – ngành công nghiệp phát triển ấn tượng

Thế kỷ XXI được đặc trưng bởi quá trình toàn cầu hóa, ảnh hưởng sâu rộng của công nghệ thông tin và truyền thông, sự gặp gỡ, va chạm và biến đổi của các hiện tượng văn hóa.

Các ngành đào tạo ngoại ngữ nói chung và tại Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nói riêng đang đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của cá nhân, đất nước, các cộng đồng quốc tế và toàn cầu.

Việc học và sử dụng ngoại ngữ cũng biến đổi trong một hoàn cảnh mới, khi ngoại ngữ không phải chỉ là công cụ để giao tiếp trong bối cảnh hạn chế mà đã trở thành một phần thường xuyên của đời sống và gắn với các vấn đề văn hóa-truyền thông phức tạp, không dễ nắm bắt một cách tự nhiên.

Giáo dục ngoại ngữ cần và đang đi kèm giáo dục về văn hóa và truyền thông, đem đến những điều kiện cũng như yêu cầu về phát triển ngành đào tạo mới. Nắm bắt xu thế này, Trường ĐH Ngoại ngữ mở mới ngành Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia (tiếng Anh: Transnational cultural and media studies), bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2023 – 2024.

Trong xã hội đương đại, văn hóa và truyền thông đang là những ngành công nghiệp phát triển ấn tượng. Trước vai trò của văn hóa và truyền thông trong bối cảnh mới, trên thế giới, các chươwng trình đào tạo (CTĐT) về văn hóa và truyền thông (media and cultural studies) đang trở thành những lĩnh vực quan trọng. Bất cứ một trường đại học lớn nào trên thế giới cũng có những CTĐT về những mảng học thuật và thực hành này.

Tại Việt Nam và trên thế giới, trong bối cảnh xã hội truyền thông và toàn cầu hóa, các ngành đào tạo liên quan tới văn hóa, truyền thông và các vấn đề quốc tế ở bậc cử nhân đang ngày càng phát triển. Các ngành này có xu hướng liên ngành và giao nhau.

Mặc dù các CTĐT về văn hóa và truyền thông ở Việt Nam đang phát triển, tuy nhiên đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế.

Ngôn ngữ không tách rời với văn hóa, nên nghiên cứu văn hóa nước ngoài vẫn là một mạch chảy trong truyền thống của Nhà trường. Khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế, đặc biệt trong giáo dục, nó đã mở ra cánh cửa để giảng viên tiếp cận với học thuật thế giới, nắm bắt được các đường hướng nghiên cứu văn hóa – truyền thông trên toàn cầu.

Các CTĐT về ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài của Trường ĐH Ngoại ngữ thực tế có nhiều nội dung chia sẻ với các CTĐT Báo chí và Truyền thông về các khối kiến thức chung và kiến thức thuộc lĩnh vực khoa học xã hội.

Việc thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, đặc biệt các nhiệm vụ có yếu tố nước ngoài, yêu cầu nhân sự có năng lực ngoại ngữ thành thạo. Vì văn hóa và truyền thông có đặc điểm là phát triển và biến đổi liên tục cùng tình hình trên thế giới, việc tham gia công tác trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông với năng lực ngoại ngữ và kiến thức liên văn hóa – văn hóa xuyên quốc gia tốt cho phép nhân sự liên tục tự học hỏi, tự đổi mới bắt kịp các biến đổi, để có thể thực hiện công việc ở một tầm cao hơn, cơ hội công việc mở rộng hơn.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Thực tế cho thấy thị trường lao động có nhu cầu về  CTĐT với 3 điểm nhấn:

 – Năng lực khai thác, xử lý thông tin về văn hóa và truyền thông và xây dựng các sản phẩm văn hóa và truyền thông tại các vị trí việc làm tại các cơ quan, tổ chức có tính quốc tế cao, đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ; 

– Kiến thức về các vấn đề toàn cầu, xuyên quốc gia, kỹ năng giao tiếp liên văn hóa trong môi trường làm việc quốc tế hóa; 

– Năng lực ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) mạnh (bậc 5 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam) để giao tiếp và không ngừng tự học hỏi, trau dồi, nâng cao chuyên môn đáp ứng sự biến đổi không ngừng của tình hình quốc tế.

Như vậy, CTĐT được đề xuất cần thiết có sự kết hợp giữa nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài và báo chí-truyền thông. Để đáp ứng được các yêu cầu này của thị trường lao động, cần thiết phải có một ngành đào tạo với chương trình thiết kế bài bản để giúp người học hội tụ cả 3 yếu tố về truyền thông, đa văn hóa/văn hóa xuyên quốc gia và ngoại ngữ.

CTĐT Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành văn hóa, truyền thông, có năng lực tiếng Anh bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cử nhân tốt nghiệp CTĐT Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia có kỹ năng học tập suốt đời, có khả năng tự học tập về các vấn đề lí luận và thực tiễn có liên quan đến công việc về truyền thông-báo chí, ngôn ngữ, văn hóa, dịch thuật, các công việc văn phòng, các công tác nghiên cứu và giảng dạy.

Các vị trí việc làm mà sinh viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp gồm: Lĩnh vực truyền thông (biên tập viên, nhân sự phụ trách xây dựng nội dung truyền thông, cán bộ truyền thông…); Lĩnh vực hợp tác quốc tế (cán bộ hợp tác quốc tế, cán bộ phụ trách văn hóa, cán bộ quản lý dự án); Lĩnh vực nghiên cứu quốc tế (nghiên cứu viên về văn hóa, ngôn ngữ, quốc tế học); Lĩnh vực giáo dục (giáo viên, phụ trách đào tạo, truyền thông tại các cơ sở giáo dục); Lĩnh vực dịch thuật (biên dịch viên, phiên dịch viên).

Cử nhân ngành Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia có cơ hội học lên bậc cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) các chuyên ngành thuộc lĩnh vực ngôn ngữ học, văn hóa, báo chí, truyền thông, quốc tế học, nghiên cứu phát triển, quan hệ quốc tế. Tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, cử nhân tốt nghiệp ngành này có thể tiếp tục học CTĐT Thạc sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh.