Ngày Tết kiêng kị quá khiên cưỡng dễ mất cả tình người
Những điều nên làm trong thời điểm đầu xuân
Những ngày đầu năm được coi là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm vì đây được ví như là thời khắc “khởi sự” của cả một năm. Ông cha ta vẫn có câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Đây vừa là truyền thống nhưng cũng có thể coi là một gợi ý yên tâm để chúng ta có thể tham khảo cho lịch trình ngày Tết của mình.
Mâm ngũ quả người người Việt rất chú trọng bày biện trong dịp Tết- Ảnh minh họa
Chúng ta có thể chọn những ngày mùng 1, mùng 2 để có thể đoàn tụ bên cha mẹ, gia đình nội ngoại, những người thân yêu nhất tạo không khí ấm áp, gần gũi. Theo các chuyên gia phong thủy, đây cũng là cách để hóa giải những xung đột trong năm cũ, để gia đạo có một năm mới bình yên. Ngày mùng 3 theo truyền thống của người Việt là ngày để chúng ta có thể tri ân đến thầy cô, rộng ra là những người đã có công giúp đỡ mình trong thời gian qua.
Không chỉ vậy, trong thời điểm này, chúng ta còn có thể hành hương về các địa điểm tâm linh để cầu mong sự may mắn. Đây được coi là điểm khởi hành mang đến nhiều an lành. Sau ngày mùng 3, chúng ta có thể tự do thực hiện lịch trình riêng của mình vì chuyện “khởi sự” coi như đã xong.
Những điều không nên làm
Ngoài những điều nên làm trong ngày Tết thì ông bà ta cũng đã đưa ra những việc nên tránh trong ngày đầu năm để có thể có một năm mới thuận buồm, xuôi gió. Trong những ngày cuối năm, gia chủ cần phải quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân vườn. Từ ngày mùng 1 đến mùng 3 tuyệt đối không quét rác ra khỏi nhà. Vì đây được coi là hành động xua đuổi đi những tài lộc của gia chủ. Trong ngày đầu năm, tuyệt đối tránh sự đổ vỡ, tranh cãi, bất hòa vì những điều này sẽ làm cho gia đạo bất ổn, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình trong năm mới.
Ngày mùng 1 không nên đi chúc Tết vì hầu hết người Việt đều có tục xông đất. Người xông đất được ví như người đem đến tài lộc cho gia chủ do đó các gia đình thường chọn lựa rất kỹ lưỡng với những tiêu chí như: hợp tuổi, hợp mệnh. Với những người có người thân mới mất, trong ba ngày đầu tiên của năm mới cũng không nên đi chúc Tết.
Việc xin lửa, nước cũng được coi là một trong những điều đại kỵ với người Việt. Lửa tượng trung cho sự may mắn, nước tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Do đó, xin lửa và nước được ví như việc lấy đi sự may mắn và cơ hội thăng tiến của gia chủ.
Cần phải áp dụng tỉnh táo và phù hợp
Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia văn hóa, PGS,TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Những quan niệm kiêng kị ngày đầu năm bó sâu sắc với phong tục, tập quán của người Việt. Nếu bây giờ trong thời hiện đại chúng ta tuyệt đối hóa nó thì sẽ trở nên không phù hợp nhưng nếu chúng ta bỏ đi hoàn toàn cũng mất cái hay. Vì đó là bản sắc của văn hóa dân tộc.
Ví dụ, đầu năm, đầu tháng người ta kiêng xin lửa, kiêng cãi nhau trong những ngày Tết, kiêng quét nhà… Người xông đất đầu năm cũng được gia chủ lựa chọn kỹ càng xét trên tiêu chí hợp mệnh, hợp tuổi. Người xông đất không hợp tuổi, trong năm đó hàng xóm bị làm sao, hay gặp những điều không tốt có người lại đổ thừa cho người xông đất. Những cái đó là do họ quan niệm về thần linh ma quỷ hay là mối quan hệ của âm dương, ngũ hành. Vì bản chất tư duy của người Việt là lối tư duy trọng tĩnh, nguy là suy tôn kinh nghiệm làm đầu, mà kinh nghiệm thì không phải lúc nào cũng đúng.
PV trao đổi cùng PGS.TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung
Thực chất, nó có thật hay không thì tôi cho rằng là không có, đó đơn giản chỉ ngẫu nhiên thôi nhưng họ cứ suy luận một cách trực tiếp theo kinh nghiệm như vậy thì tôi nghĩ rằng nếu chỉ giữ trong 1-2 ngày Tết cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống.
Nếu chúng ta không biết cách vận dụng đó mà tuyệt đối hóa nó và cứng nhắc thì nó sẽ trở nên khiên cưỡng, đôi khi mất cả tình người. Rõ ràng, văn hóa là cái sự lựa chọn, văn hóa là sự thích nghi và chúng ta cũng nên thoải mái. Còn nếu chúng ta áp đặt thì nó sẽ trở nên miễn cưỡng quá thậm chí là cả xung đột.
Rõ ràng, việc kiêng kỹ đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người Việt bao đời. Tuy nhiên, khi áp dụng chúng ta nên có sự tiếp biến, linh hoạt tùy hoàn cảnh để tránh gây ra sự áp lực, bất tiện trong đời sống hàng ngày.
Huy Hoàng