Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao và ý nghĩa cố kết cộng đồng

Lý Viết Trường

  –  

Thứ sáu, 02/09/2022 15:00 (GMT+7)

Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc sẽ diễn ra từ 6.10 đến 8.10 không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của người Dao và kích cầu du lịch mà còn tạo không gian để những người đồng tộc có cơ hội giao lưu.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao và ý nghĩa cố kết cộng đồng
Người Dao lù gang tỉnh Lạng Sơn đón xuân. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng

Ngày hội sẽ diễn ra với quy mô lớn và nội dung đặc sắc

Sau thành công của Ngày hội văn hóa dân tộc Dao lần thứ nhất tại tỉnh Tuyên Quang (năm 2017), Ngày hội lần thứ hai sẽ quy tụ sự tham gia của gần 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên quần chúng đến từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Yên Bái…

Ngày hội cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc như: Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống; Hoạt động thể thao quần chúng; Trưng bày giới thiệu các ấn phẩm du lịch, các chương trình tour tham quan giới thiệu điểm đến của địa phương; Triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Dao; Giới thiệu, quảng bá du lịch Thái Nguyên, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vùng đồng bào dân tộc Dao; Tổ chức đoàn Farmtrip khảo sát du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại tỉnh Thái Nguyên… Đặc biệt, chương trình nghệ thuật của Lễ khai mạc Ngày hội sẽ diễn ra với những cảnh diễn như Rừng thức, Đón mặt trời lên, Lễ cúng thần rừng, Sắc màu thổ cẩm, Kỹ nghệ giấy bản, Nghề y bảo truyền, Nghi lễ Mình Tải, Lễ Tơ hồng hát Páo Dung, người Dao vui Tết nhảy…

Người Dao Đầu Bằng tỉnh Lai Châu sum vầy bên bếp lửa. Ảnh: Nguyễn Sơn TùngNgười Dao Đầu Bằng tỉnh Lai Châu sum vầy bên bếp lửa. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng

Không gian cố kết cộng đồng

Dao là một dân tộc thiểu số ở Việt Nam, có số lượng dân số gần 900.000 người, phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và chia thành nhiều nhóm địa phương. Theo TS. Bàn Tuấn Năng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Dao là một dân tộc thiểu số có nguồn gốc lịch sử lâu đời, có số lượng dân số tương đối đông, với hàng chục nhóm địa phương, giữa các nhóm có những điểm tương đồng và dị biệt về bản sắc văn hóa”.

Với vai trò là một người dân tộc Dao, TS Bàn Tuấn Năng luôn là người theo dõi sát những hoạt động liên quan đến dân tộc mình, trong đó có Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao. Theo TS Bàn Tuấn Năng cho rằng, Ngày hội Văn hóa Dao toàn quốc lần thứ I tổ chức vào năm 2017 tại tỉnh Tuyên Quang đã để lại những dấu ấn vô cùng tốt đẹp, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa người Dao, đặc biệt là trang phục các nhóm Dao ở Tuyên Quang. 

Với vai trò là một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Dao, TS Bàn Tuấn Năng cho rằng bên cạnh những thành công như trên thì Ngày hội lần thứ nhất vẫn còn vài nhược điểm cần khắc phục, một trong số đó là chưa phản ánh được bức tranh tổng thể bản sắc của các ngành Dao địa phương. Theo thống kê cá nhân, người Dao ở Việt Nam có ít nhất khoảng 25 loại hình trang phục của các nhóm địa phương khác nhau.

Ngày hội nên trình diễn đầy đủ trang phục của các nhóm Dao địa phương, như vậy thì bức tranh văn hóa về dân tộc Dao mới được thể hiện một cách đa dạng và đầy đủ nhất. Ví dụ như nhóm Dao đỏ (còn gọi là Dao sừng) ở Sì Lờ Lầu, Phong Thổ, Lai Châu sở hữu kho tàng văn hóa rất đặc sắc, nổi bật là bộ trang phục với những hoa văn vô cùng tiêu biểu, tuy nhiên chưa thấy nhóm Dao này xuất hiện trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất.

Người Dao đỏ ở Hà Giang chuẩn bị thực hành tín ngưỡng. Ảnh: Nguyễn Sơn TùngNgười Dao đỏ ở Hà Giang chuẩn bị thực hành tín ngưỡng. Ảnh: Nguyễn Sơn Tùng

Theo TS Bàn Tuấn Năng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này: 1/ Dân tộc Dao có rất nhiều nhóm địa phương, giữa các nhóm địa phương có nhiều điểm khác biệt; 2/ Chưa có sự tham gia của các chuyên gia trong công tác tổ chức, cố vấn nội dung của Ngày hội. Với sự tâm huyết dành cho tộc người mình, TS Bàn Tuấn Năng đề xuất một số ý kiến sau: 1/ Thực hiện thống kê các nhóm Dao địa phương, sau đó các tỉnh cử đại diện của các nhóm tham gia vào Ngày hội; 2/ Nên để các chuyên gia (Dân tộc học, Văn hóa học, Lịch sử, chuyên gia là người Dao…) tham gia tổ chức Ngày hội ngay từ đầu, với vai trò cố vấn nội dung.

TS Bàn Tuấn Năng và cộng đồng người Dao đều rất háo hức mong đợi Ngày hội lần thứ II, với mong muốn những điểm thành công sẽ được phát huy và những nhược điểm sẽ được khắc phục. Hy vọng Ngày hội sẽ là không gian để các nhóm Dao địa phương hội tụ về, cùng nhau giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ cố kết và phát triển cộng đồng.