Nghệ An: Gắn phục dựng, bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch | Du lịch | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
Nghệ An: Gắn phục dựng, bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch
Với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai các hoạt động bảo tồn các lễ hội, phục dựng, truyền dạy văn nghệ dân gian gắn với phát triển du lịch đặc trưng của địa phương.
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Mới đây, huyện Tân Kỳ phối hợp với xã Tiên Kỳ tổ chức Lễ hội Bươn Xao năm 2022. Đây là lễ hội gắn liền với những di tích về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi chống giặc Minh ở thế kỷ XV; có ý nghĩa văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái khu vực miền Tây Nghệ An nói chung và xã Tiên Kỳ nói riêng, trở thành một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Tại xã Tiên Kỳ còn có đỉnh Pù Loi cao 1.100 m so với mực nước biển. Không chỉ giàu bản sắc văn hóa độc đáo, tại đây còn có hệ thống núi đá vôi và các hang động hùng vĩ, nên thơ. Đặc biệt nằm dưới chân núi Pù Loi có độ cao 838m, hang Mó tại bản Phẩy Thái Minh còn giữ nguyên vẹn hiện trạng hệ sinh thái, nơi đây đã từng được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đến tham quan và khảo sát. Đến đây các du khách sẽ được thưởng thức không khí mát lạnh của mùa hè khắc nghiệt và chiêm ngưỡng nét độc đáo, kỳ thú của các khối thạch nhũ muôn hình muôn vẻ. Từ tiềm năng đó, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án quy hoạch khu du lịch sinh thái hang Mó gắn với du lịch cộng đồng làng nghề thổ cẩm bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ.
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống được người Thái ở Tân Kỳ, Nghệ An giữ gìn theo thời gian. Ảnh: Bích Huệ – TTXVN
Thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng, xã Tiên Kỳ đã chọn 8 hộ gia đình có nhà sàn đủ điều kiện xây dựng bổ sung các hạng mục liên quan để đón khách du lịch để hỗ trợ, khuyến khích bà con tham gia vào hoạt động du lịch gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, xã luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị phi vật thể, tăng cường quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa ở các xóm. Người dân nơi đây đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình như văn hóa ẩm thực, không gian sống, không gian cồng chiêng, gìn giữ nghề dệt truyền thống, sản phẩm OCOP rượu cần … góp phần làm cho du lịch cộng đồng ở Tiên Kỳ phát triển.
“Trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào người Thái và các cảnh đẹp thiên nhiên tại đây, Tiên Kỳ là xã có tiềm năng du lịch cộng đồng. Chính vì vậy trong quá trình xây dựng chiến lược cũng như phát triển du lịch, ngành Du lịch tỉnh đã đưa Tiên Kỳ là một trong những điểm để xây dựng du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo tạo việc làm cho đồng bào miền núi”, ông Nguyễn Văn Thạch – Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết.
Phụ nữ Thái bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ tỷ mỉ tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo. Ảnh: Bích Huệ – TTXVN
So với dân tộc Thổ ở các huyện Nghĩa Đàn, Thái Hòa và Tân Kỳ thì đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Quỳ Hợp có nhiều bản sắc văn hóa đặc trưng và phát huy rất tốt như trang phục truyền thống. Theo truyền thống, trang phục đồng bào dân tộc Thổ Quỳ Hợp không có màu sắc rực rỡ mà đơn giản, tinh tế tạo nét đặc sắc, ấn tượng.
Áo của phụ nữ Thổ thường dùng chất vải thô, màu trắng, loại áo ngắn, ống tay dài, cổ tròn, khuy áo bấm. Khi mặc, áo thả lỏng ra bên ngoài, còn chiếc váy sẽ giống như chất váy của người Thái – Thanh, chất liệu sợi bông, nhuộm chàm, có sọc viền ngang chân váy. Khi mặc, những đường sọc của váy tạo thành các đường tròn song song quanh trục thân. Chân váy dày hơn thân váy, do người phụ nữ đã sáng kiến đệm thêm một lớp vải trắng phía trong chân váy để giữ váy được bền, thẳng nếp…
Nghề dệt thổ cẩm được người Thái truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ảnh: Bích Huệ – TTXVN
Đến Quỳ Hợp, ngoài ấn tượng với trang phục truyền thống, du khách thập phương còn được khám phá nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thổ với dân ca, dân vũ; lễ hội; phong tục tập quán trong văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, bà con dân tộc Thổ Quỳ Hợp còn có nghề truyền thống đan võng gai nức tiếng. Những ngày nông nhàn, các cụ, các bà, các mẹ lại sum họp cùng nhau đan võng gai, trò chuyện thân tình, góp phần làm cho làng xã của người Thổ thêm nhộn nhịp, gắn kết giữa các gia đình, dòng họ, cộng đồng xây dựng cuộc sống an vui.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳ Hợp cho biết: “Hằng năm chúng tôi tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo; song song đó gắn với hoạt động du lịch. Đội ngũ được truyền dạy sẽ phục vụ du lịch tại địa phương, phục vụ các hoạt động lửa trại, các tour để du khách trải nghiệm. Chương trình được xây dựng gắn với đặc trưng của từng dân tộc, từng địa phương, có sự phối hợp giữa bộ phận bảo tồn văn hóa và du lịch để nội dung đảm bảo tính gắn kết cho các hoạt động hướng đến”.
Tiếp tục phát huy các giá trị
Các tộc người thiểu số ở miền Tây Nghệ An vốn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Đó là các loại hình và làn điệu dân ca (khắp, nhuôn, xuôi của người Thái; các điệu Tơm của người Khơ-mú; hát của người Mông), dân vũ (múa Thái, múa Khèn Mông, giỗ ống Khơ-mú) và nhạc cụ (pí, khèn bè, nhị hai dây, chiêng trống của người Thái); nhị hai dây (của người Thổ); sáo dọc, sáo ngang, pí tơm, pí tót, đàn môi, thằm đao đao (của người Khơ-mú), khèn (của người Mông).
Ngoài ra còn phải kể đến tín ngưỡng phong tục, tập quán ở phạm vi gia đình (lễ cúng ma nhà/xơ phi hươn, lễ cúng vía, lễ lên nhà mới, lễ đặt tên cho trẻ, lễ cơm mới), phạm vi bản làng (lễ cúng bản/xên bản, lễ xăng khan/ki xà, lễ cầu mùa, cầu mưa, hay các nghi lễ nông nghiệp khác) và phạm vi mường thể hiện ở Lễ cúng mường (xên mương) như Đền Chín gian, Đền Choọng, Đền Vạn, Đền Pu Nhạ Thàu, Hang Bua…
Sản phẩm được đưa đi trưng bày hoặc bán cho người dân và khách du lịch. Ảnh: Bích Huệ – TTXVN
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi khẳng định, việc bảo tồn, phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống với sự tham gia các thành viên trong cộng đồng sẽ là những đóng góp hiệu quả thiết thực vào phát triển kinh tế. Mô hình du lịch cộng đồng cũng sẽ giúp cho người dân được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Việc khám phá sự đa dạng của các truyền thống văn hóa, lễ hội, trình diễn nghệ thuật, kỹ năng nghề thủ công truyền thống và các lĩnh vực khác của di sản văn hóa phi vật thể là đòn bẩy mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Nghề dệt thổ cẩm phát triển, vừa giữ được những nét đẹp của văn hóa truyền thống vừa là nguồn thu nhập của những người phụ nữ dân tộc Thái trong phát triển kinh tế gia đình, Ảnh: Bích Huệ – TTXVN
Cuối năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 3404/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2030”. Huyện Tân Kỳ cũng đã có Đề án “Phát triển du lịch huyện Tân Kỳ giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tân Kỳ, với đặc trưng, thế mạnh của địa phương, huyện muốn tạo ra sản phẩm, khai thác giá trị bản sắc văn hóa gắn với du lịch để phục vụ du khách gần xa, góp phần phát triển du lịch và lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tân Kỳ. Theo đó, bảo tồn, phát huy văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Thổ, đồng bào dân tộc Thái (dân ca, dân nhạc, dân vũ và làng nghề đan võng gai ở xóm Long Thọ, Giai Xuân) kết hợp với quy hoạch, bảo tồn và phát triển các dịch vụ tại các điểm thu hút du lịch từ tự nhiên.
Sản phẩm được đưa đi trưng bày hoặc bán cho người dân và khách du lịch. Ảnh: Bích Huệ – TTXVN
Các địa phương trên địa bàn Nghệ An đã và đang thực hiện kiểm kê các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm (truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, quy trình, nội dung ý nghĩa của các lễ hội, trò chơi dân gian…). Các địa phương ưu tiên giữ gìn, bảo tồn các loại hình nghệ thuật biểu diễn như: chế tác, chỉnh sửa âm thanh khèn bè và nghệ thuật đánh cồng, chiêng; lời cổ các thể loại dân ca, dân vũ… nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; mở lớp truyền dạy, sử dụng nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, sẽ tái hiện các lễ hội, dân ca, dân nhạc, dân vũ, các nét đẹp văn hóa vào các hoạt động văn hóa – thể thao – du lịch; mở các lớp học tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số Thái, Mông, Thổ, Khơ mú… lồng ghép giới thiệu các lễ hội truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ vào chương trình dạy học.
Sản phẩm được đưa đi trưng bày hoặc bán cho người dân và khách du lịch. Ảnh: Bích Huệ – TTXVN
Các địa phương cũng đang xây dựng các giải pháp gắn công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và di sản văn hóa với phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bằng cách thường xuyên hợp tác, kết nối với các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành. Đồng thời, các địa phương tăng cường truyền thông; xây dựng và phát triển các chương trình tour hợp lý; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử, hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa.
Bích Huệ