Nghệ An phải đánh giá khách quan tiềm năng để hình thành động năng phát triển mới
Sáng nay (20/12), tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo Phát triển Kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là hội thảo phục vụ Đề án Tổng kết nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 26 Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đồng chủ trì hội nghị. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới dự.
Toàn cảnh Hội thảo.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Quy mô kinh tế tăng gấp 2,3 lần, xếp thứ 4/6 tỉnh của vùng Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế, nhất là mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Đã đến lúc Nghệ An phải nhìn nhận lại, đánh giá thật khách quan tiềm năng, thế mạnh và năng lực thật sự của tỉnh, để xây dựng và hình thành một động năng phát triển mới, thực chất và thực tế. Theo tôi cần định vị thật đúng Nghệ An trong sự phát triển của vùng và quốc gia, nhận diện lại nhận diện lại lợi thế và bất lợi thế của tỉnh trên quan điểm phát triển hiện đại, nhất là ở những khâu đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, thông qua đó phát triển được tiềm năng lợi thế và quan trọng hơn là hóa giải được những khó khăn”.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.
Các tham luận của các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý cũng chỉ ra nhiều tiềm năng thế mạnh về văn hóa, con người, cảnh quan và nêu rõ những tiềm lực phát triển lợi thế khoa học công nghệ của tỉnh. Đồng thời cũng chỉ ra vấn đề cải cách hành chính còn những vướng mắc chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Từ đó mong muốn cần có một nghị quyết mới để tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội an ninh quốc phòng và phát huy được tiềm năng, lợi thế của Nghệ An.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng Nghệ An chưa tạo bứt phá, chưa vượt lên để xứng tầm quyết tâm của Nghị quyết 26 và khát vọng phát triển của Nghệ An vì còn những nguyên nhân cơ bản./.