Nghê Là Linh Vật Biểu Tượng Của Việt Nam – Heritage Vietnam
Tạp chí Heritage tổng hợp
Nếu hình ảnh con rồng gắn với văn hóa cung đình, tượng trưng cho sự quyền thế thì con nghê lại mang đặc trưng của yếu tố bản địa. Là một trong các linh vật biểu tượng của Việt Nam, nghê được sử dụng rất phổ biến cả trong văn hoá dân gian lẫn văn hóa cung đình. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá nguồn gốc và giá trị của linh vật nghê trong văn hóa Việt Nam.
Theo dân gian, nghê ngậm ngọc tượng trưng cho sự khôn ngoan
(Nguồn: VR3D)
1. Nghê trong đời sống tín ngưỡng
Theo các nhà nghiên cứu, Nghê là một dạng sư tử được dân gian hóa. Linh vật này xuất hiện khá sớm, từ thế kỷ 10. Nhưng đến thế kỷ 16 đến 17 mới là thời kỳ hưng thịnh của nghê.
Đây là một trong những biểu tượng của Việt Nam được sáng tạo dựa trên việc tiếp biến các yếu tố văn hóa du nhập từ Trung Hoa và Ấn Độ dựa trên tầng văn hóa bản địa nước ta.
Linh vật biểu tượng của tín ngưỡng dân gian
(Nguồn: internet)
Trong đời sống tín ngưỡng dân gian, Nghê giúp xua đuổi ma quỷ và trấn giữ nhà cho chủ. Tùy vào hoàn cảnh trưng bày, linh vật Nghê sẽ có ý nghĩa khác nhau trong văn hóa dân gian Việt Nam, như Nghê ngậm ngọc là biểu tượng cho sự khôn ngoan, Nghê hóa rồng là biểu tượng cho sự uy nghi…
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, con Nghê ở thời Lý được tạo hình và thiết kế đẹp nhất. Không những thế, trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội, vị trí xuất hiện của linh vật biểu tượng của Việt Nam này còn mang một ý nghĩa cụ thể.
2. Những biểu hiện của con nghê trong nghệ thuật tạo hình của người Việt
Nếu rồng là linh vật có những huyền thoại xoay quanh lịch sử hình thành dân tộc và các bậc hoàng đế thì nghê lại gắn liền với văn hoá dân gian. Về mặt tạo hình, Nghê là con vật gồm 4 chân, theo mô tả của Bùi Ngọc Tuấn, Nghê “có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, dáng thanh, trông rõ ràng dáng chó chứ không tròn mập như dáng sư tử”.
Tạo hình của linh vật nghê vào thời nhà Lý
(Nguồn: internet)
Qua quá trình lao động và chế tác của các nghệ nhân, nghê là linh vật biểu tượng của Việt Nam được phát triển và “tiến hoá” với vô vàn hình dáng sống động khác nhau. Thế nên, hình tượng Nghê có ngôn ngữ tạo hình hết sức phong phú và đặc sắc.
Nhờ vào đặc tính dân gian, nên Nghê là linh vật có tính hư cấu cao trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Do đó, nghệ nhân dân gian có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình khi tạo hình con Nghê. Sức sáng tạo này đã đưa Nghê trở thành linh vật mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Không những thế, đây còn là một thành tố văn hóa tiêu biểu nhất của nền văn hóa nước ta khi được sáng tạo từ nghệ nhân dân gian.
Mặc dù có sự ảnh hưởng của các linh vật ngoại nhập nhưng nhờ sự sáng tạo của cha ông ta, Nghê đã trở thành biểu tượng văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
3. Giá trị của biểu tượng Nghê trong văn hóa Việt Nam
Cũng như các linh vật khác, Nghê cũng mang những giá trị sâu sắc và đóng góp cho nền văn hóa Việt Nam về mặt lịch sử và văn hoá.
Giá trị lịch sử
Những linh vật như: giao long, thuồng luồng… là biểu tượng đặc trưng của nền văn minh người Việt trước thời kỳ thuộc Hán đã trở thành những hiện vật “chết”. Trong khi đó, Nghê lại là một biểu tượng linh vật của Việt Nam tồn tại liên tục trong suốt dòng chảy văn hóa hàng nghìn năm.
Linh vật Nghê hiện diện khắp nơi trong đời sống văn hoá Việt Nam
(Nguồn: VR3D)
Linh vật này hiện hữu trên khắp các kiến trúc cung đình từ thời Lý – Trần đến thời Lê… Có thể thấy, nghê là một hiện vật “sống” và đang hiện diện trong đời sống tinh thần của mỗi gia đình Việt Nam.
Giá trị văn hóa
Hầu như các tư liệu thành văn của Việt Nam đều không đề cập đến con Nghê nhưng đây lại là linh vật tiêu biểu cho tính thuần Việt. Tuy nhiên, nhờ sự “thiếu quan tâm” này mà linh vật nghê được phát triển một cách tự do và không bị ràng buộc bởi các thể chế phong kiến Khổng – Nho.
Linh vật biểu tượng của Việt Nam này xuất hiện khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, từ các bậc tri thức đến những người dân thường, từ người sang đến kẻ hèn… Có thể nói, Nghê đã hiện diện, đi vào đời sống của nhân dân Việt Nam hết sức tự nhiên và gần gũi.
Số hóa hình tượng linh vật Nghê là cách gìn giữ biểu tượng văn hóa Việt Nam
(Nguồn: Phohen)
Tuy là một linh vật đại diện cho những giá trị mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam nhưng những đánh giá về Nghê lại chưa được chú ý nhiều. Đây chính là nguyên nhân khiến linh vật này bị mai một và “thay thế” bởi những biểu tượng ngoại nhập và lai căng của sư tử Trung Hoa. Do đó, việc nâng cao hiểu biết của mọi người dân về linh vật biểu tượng của Việt Nam này là vô cùng quan trọng và cần thiết. Cùng chúng tôi tìm hiểu và khám phá thêm các linh vật khác của người Việt trên Tạp chí Heritage nhé.
Bài viết và hình ảnh được tổng hợp bởi Tạp chí Heritage.
Bài viết liên quan: