Nghệ thuật gốm Phùng Nguyên

Nghệ thuật gốm Phùng Nguyên

 

 

 

Nghệ thuật gốm Phùng Nguyên

Bấy lâu nay đa số chúng ta – ở trình độ phổ thông – chỉ biết đến Văn minh Đông Sơn với trống đồng – được coi như tiêu biểu và tưởng rằng đó là khởi đầu của văn minh Việt cổ… Rất tiếc đa số ấy chưa biết rằng từ trước đó rất lâu, dân tộc ta đã bắt đầu quá trình hình thành – các nhà khảo cổ và sử học đã và đang chứng minh một cách thành công trên cơ sở vô số hiện vật được phát lộ từ rất nhiều cuộc khai quật khoa học cũng như nhiều công trình nghiên cứu có giá trị… Điều hết sức thú vị là ngay ở điểm khởi nguồn dân tộc ấy đã xuất hiện một loạt đồ gốm thô mộc nhưng tuyệt đẹp về tạo dáng và hoa văn trang trí. Đó là GỐM PHÙNG NGUYÊN.

1 – Đôi lời về văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên và sự hình thành dân tộc – quốc gia của người Việt Nam

Học môn lịch sử từ trường phổ thông, chúng ta đã biết các Văn hóa khảo cổ từng nối tiếp nhau xuất hiện trên đất nước ta như Văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn… Đó là những trang tiền sử rất quan trọng trong quá trình hình thành dân tộc và quốc gia Việt Nam. Từ những bầy người nguyên thủy, người Việt cổ đã tiến hóa, rèn giũa và phát triển các kỹ năng sống để chế ngự thiên nhiên vùng miền sông nước, gia tăng dân số, dần dần hình thành một xã hội phù hợp với đà phát triển của văn minh nhân loại. Nếu ở thời kỳ đồ đá như văn hóa Hòa Bình, người nguyên thủy Bắc Việt Nam chủ yếu còn sống trong hang động và săn bắt-hái lượm thì đến thời văn hóa Phùng Nguyên họ đã rời hang ra sống ngoài trời, trên các bãi nổi và đi thuyền bè trên sông nước, sau đó dần dần lập làng, trồng lúa, chăn nuôi… tại miền trung du và đồng bằng cao ven các sông ngòi Bắc Bộ. “Văn hóa Phùng Nguyên tồn tại và phát triển trong thời gian cách ngày nay trên dưới 4000 năm. Những dấu tích để lại hầu hết là các làng định cư, các di chỉ cư trú ngoài trời.”(Khảo cổ học VN, tập II- Thời đại kim khí, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia- Viện Khảo cổ học, chủ biên GS Hà Văn Tấn, NXB Khoa học Xã hội, HN 1999). Cuốn sách mà chúng tôi vừa viện dẫn- được coi như tuyên ngôn chính thức của giới khảo cổ và lịch sử Việt Nam- còn đưa ra một nhận định quan trọng: “Hầu hết các vấn đề về văn hóa Phùng Nguyên đều còn được bỏ ngỏ, chỉ trừ một điều mà mọi ý kiến đều nhất trí, ở dạng này hay khác, coi văn hóa Phùng Nguyên là giai đoạn mở đầu trong quá trình hình thành dân tộc và quốc gia đầu tiên của người Việt.

2 – Gốm Phùng Nguyên bừng nở ngay từ khởi nguồn dân tộc

Như trên đã nói, từng có các văn hóa khảo cổ xuất hiện rất sớm trên đất nước ta như Hòa Bình, Bắc Sơn, v.v… Tuy nhiên ở các thời đại đồ đá xa xưa và kéo dài hàng vạn năm ấy, người nguyên thủy trên đất nước ta hầu như chưa biết làm nghệ thuật. Đơn giản là trình độ sống của họ còn rất thô sơ với các công cụ ghè đẽo bằng đá. Mãi đến cuối thời đại đó, họ mới biết đan lát, làm gốm. Cũng còn tìm thấy được những mảnh gốm của người nguyên thủy trước Phùng Nguyên với cách tạo dáng sơ khai và một số hoa văn đơn giản, chưa thành hệ thống.

gom Phung Nguyen 1

Nồi gốm Phùng Nguyên, kỹ thuật miết láng và hoa văn kiểu ĐỐI XỨNG TRỤC QUAY BẬC 2. (Nguồn: Sách “Văn hóa Phùng Nguyên” – Hán Văn Khẩn, NXB Đại học quốc gia Hà Nội – 2005)

Do các điều kiện thiên nhiên và khí hậu ưu đãi, khoảng 2000 năm trCN, người nguyên thủy tiến hóa thành người Việt cổ cùng với sự xuất hiện rạng rỡ của văn hóa Phùng Nguyên. Trong khoảng một thiên niên kỷ của văn hóa khảo cổ này, tổ tiên ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong công cuộc chế ngự thiên nhiên, nâng tầm cuộc sống, xây dựng xã hội và tạo ra những sản phẩm có chất lượng nghệ thuật như đồ đá, gốm và trang sức.

gom Phung Nguyen 2

Nồi gốm Phùng Nguyên với hoa văn khắc vạch hình học hóa được xoa bột đất trắng vào các nét lõm, tạo hiệu quả nổi bật các đường nét. (Sưu tập của họa sĩ – nhà nghiên cứu Bùi Hoài Mai)

Nhu cầu tiến bộ cuộc sống đã thúc đẩy người Phùng Nguyên kết hợp đất với lửa mà tạo ra đồ gốm dùng để đựng, đun nấu, ăn uống, sinh hoạt. Họ từng nặn và nung được các bình, vò, nồi lớn với đường kính miệng lên tới 50-60cm nhưng cũng làm được các cốc, chén, bát… có đường kính chỉ 5-10cm. Về kỹ thuật, người Phùng Nguyên đã có bàn xoay để tạo ra gốm miệng tròn hoàn chỉnh, tương đối mỏng đều và căng đều ngoài mặt. Họ nung gốm ngoài trời với nhiệt độ tối đa khoảng 600 – 800 độ C. Họ từng sản xuất ra một số lượng dồi dào các sản phẩm gốm để đến ngày nay các nhà khảo cổ còn khai quật được nhiều vạn mảnh gốm các loại (ở mỗi di chỉ) và may mắn còn thấy một ít đồ gốm gần như nguyên vẹn. Ở thời hiện đại, chúng ta có quá nhiều đồ gốm, sứ, gỗ, thủy tinh, nhựa, đồng, nhôm, sắt, gang, thép, inox, v.v… nên khó thấy được bước tiến kỳ diệu của người Việt cổ khi sản xuất được hàng loạt gốm đẹp thời Phùng Nguyên. Phải nói đó là bước nhảy vọt về công nghệ vì có bàn xoay. Trước đó, ở hậu kỳ đá mới, người nguyên thủy trên đất Việt Nam mới chỉ làm ra rất ít gốm thô, chủ yếu là nặn tay nên khó căng tròn và mới lác đác trang trí hoa văn sơ khai.

3 – Vẻ đẹp mộc mạc của gốm Phùng Nguyên

Trước hết, cần phải lưu ý đa số bạn đọc ở trình độ phổ thông về điều này: vì Phùng Nguyên mới chỉ được coi như điểm khởi đầu của văn minh Việt cổ nên đồ gốm thời đó cũng vừa mới thoát ra khỏi trình độ sơ khai, bước đầu đi vào quy củ, sản xuất bắt đầu chuyên môn hóa, chưa có men… và cách rất xa gốm hiện đại nếu xét về trình độ kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu xét về mặt nghệ thuật thì đây xứng đáng là sự bừng nở đẹp đẽ một cách đáng ngạc nhiên.

Gốm Phùng Nguyên có tạo dáng đẹp, thanh thoát và khá phong phú. Do có kỹ thuật bàn xoay mà đồ gốm thời này luôn có kết cấu cân đối, tròn đều và căng. Ngoài đa số kiểu dáng phổ thông của nồi, bình, vò, cốc, chén, bát, dọi xe chỉ, chì lưới… còn có các dạng đặc biệt như mâm bồng tròn, mâm bồng lục giác, đĩa có tai, thố gốm, bát chân cao, bình tứ giác gần giống cái gùi…

gom Phung Nguyen 3

Thố gốm Phùng Nguyên cao 20cm, đk miệng 24cm, đk đáy 16cm và bản vẽ giải trình đường nét hoa văn. Nguyễn Kim Dung và Tăng Chung phát hiện năm 2002 tại di chỉ Xóm Rền, Phú Thọ. (Nguồn: Sách “Văn hóa Phùng Nguyên” – Hán Văn Khẩn, NXB Đại học quốc gia Hà Nội – 2005).

Gốm Phùng Nguyên có các màu nâu xám, đỏ nhạt, xám đen. Có những bình gốm tạo được hiệu quả đậm nhạt mạnh rất ấn tượng do cách kết hợp vẽ hoa văn bằng nét với các mảng được miết láng bóng đậm. Kỹ thuật miết láng cho thấy nghệ nhân thời Phùng Nguyên rất kỳ công chăm chút vẻ đẹp của gốm và có gu thẩm mỹ đặc biệt. Đôi khi các hoa văn gốm còn được xoa một thứ bột đất sét trắng, điền đầy các nét lõm, tạo hiệu quả đường nét nổi bật rất bắt mắt.

gom Phung Nguyen 4

Thố gốm Phùng Nguyên cao 22cm, chân đế cao 4cm, đk miệng 28,5cm, đk chân đế 16,8cm và bản vẽ giải trình đường nét hoa văn. Kiểu ĐỐI XỨNG GƯƠNG và ĐỐI XỨNG TỊNH TIẾN. (Nguồn: Sách “Văn hóa Phùng Nguyên” – Hán Văn Khẩn, NXB Đại học quốc gia Hà Nội – 2005)

4 – Nổi trội hơn hết là hệ thống hoa văn được cách điệu cao và rất biến hóa

“Gốm Phùng Nguyên nổi tiếng về những đồ án hoa văn đẹp, đa dạng, phong phú”(Hán Văn Khẩn- Cơ sở khảo cổ học- Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội). Cách tạo hoa văn kết hợp khắc vạch với văn đập, văn thừng, văn chải, văn trổ lỗ, in lăn, chấm rải, đôi khi đắp thêm và miết láng… Hoa văn trang trí trên gốm Phùng Nguyên chắc chắn bắt nguồn từ thiên nhiên nhưng đã nhanh chóng được cách điệu cao trên cơ sở hình học hóa, hệ thống hóa. Bố cục hoa văn thường được xếp theo băng dải vòng quanh thân và chân đế gốm hay trên mặt mâm bồng. Vì có hệ thống hoa văn trang hoàng ngoài mặt mà gốm Phùng Nguyên đẹp lên bội phần, không chỉ đơn thuần để làm đồ đựng mà còn để làm đồ cúng tế, trưng bày, ngắm nghía, được tăng giá trị khi trở thành sản phẩm trao đổi và buôn bán. Đặc trưng quan trọng nhất của hoa văn gốm Phùng Nguyên là kết cấu đối xứng và lặp đi lặp lại. “Đối với người Phùng Nguyên, cái đối xứng quả là một yếu tố của cái đẹp” (Hà Văn Tấn- Người Phùng Nguyên và đối xứng). Dường như nghệ nhân gốm thuở ấy được thỏa chí theo đuổi các kết cấu đối xứng để biến hóa nó khôn cùng, tạo ra vô vàn biến thể hết sức vui mắt, kết hợp tĩnh với động, nghiêm cẩn với linh hoạt…

gom Phung Nguyen 5

Họa tiết hoa văn gốm Phùng Nguyên bắt nguồn từ thiên nhiên: hình lá cây hay hạt, hình nửa vầng trăng hay trăng khuyết… trong kết cấu đối xứng gương. (Nguồn: Sách “Theo dấu các văn hóa cổ” – Giáo sư Hà Văn Tấn, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Khảo cổ học, NXB Khoa học Xã Hội – Hà Nội – 1997)

gom Phung Nguyen 6

Họa tiết hoa văn gốm Phùng Nguyên được cách điệu cao kiểu ĐỐI XỨNG TRỤC QUAY BẬC 2 từ đơn giản (8 hình trên) đến phức tạp hóa (2 hình dưới). (Nguồn: Sách “Theo dấu các văn hóa cổ” – Giáo sư Hà Văn Tấn, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Khảo cổ học, NXB Khoa học Xã Hội – Hà Nội – 1997)

gom Phung Nguyen 7

Hoa văn gốm Phùng Nguyên đã được cách điệu cao kiểu ĐỐI XỨNG GƯƠNG (2 hình trên) và kiểu HÌNH CHỮ S, đồng thời là ĐỐI XỨNG TRỤC QUAY BẬC 2 (2 hình dưới). (Nguồn: Sách “Theo dấu các văn hóa cổ” – Giáo sư Hà Văn Tấn, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Khảo cổ học, NXB Khoa học Xã Hội – Hà Nội – 1997)

Theo thống kê của giáo sư Hà Văn Tấn, có 3 kiểu kết cấu hoa văn đối xứng Phùng Nguyên: đối xứng gương, đối xứng trục quay bậc 2 và đối xứng tịnh tiến. Đối xứng gương là khi ta có thể kẻ một đường thẳng chia đôi một hoa văn mà 2 nửa hoàn toàn bằng nhau và đối diện nhau qua đường thẳng đó- như một hình ảnh nhìn qua gương vậy. Đối xứng trục quay bậc 2 là khi hình hoa văn này lật sang phía đối diện nhưng lại xoay tiếp nửa vòng theo trục vuông góc với trục đối xứng, tạo ra thứ hoa văn kép rất sinh động. Đối xứng tịnh tiếnlà từ một hoa văn gốc rải ra liên tiếp theo một đường diềm kéo dài. Nói theo cách của các sinh viên mỹ thuật khi làm bài trang trí diềm tường là vẽ đi vẽ lại một hoa văn theo chiều dài của đường diềm. Ngoài 3 kiểu đối xứng kể trên, còn một kiểu nữa là đối xứng tỏa tròn, theo như hình mặt trời sơ khai trên mặt một con dọi xe sợi Phùng Nguyên: các cánh mặt trời đối xứng qua lỗ tâm của con dọi. Kể ra làm được như vậy ở buổi đầu hình thành dân tộc cách đây 3000 – 4000 năm đã là đáng khâm phục. Nhưng thậm chí còn kỳ diệu hơn nữa khi các nghệ nhân Phùng Nguyên đã thoải mái biến hóa các kết cấu hoa văn trên bề mặt gốm. Loại hoa văn ưa thích nhất của người Phùng Nguyên là hoa văn hình chữ S hay là kiểu 2 hình tròn có chấm tâm nối nhau bằng vạch tiếp tuyến chéo. Trong chuyên luận xuất sắc “Người Phùng Nguyên và đối xứng”, giáo sư Hà Văn Tấn thống kê có đến gần 30 kiểu đồ án hoa văn hình chữ S!

gom Phung Nguyen 8

Hình ngôi sao nhiều cánh được vẽ trên một con dọi xe sợi, đất nung, di chỉ Nghĩa Lập. Đây được coi là mẫu khởi nguồn cho hình tượng ngôi sao nhiều cánh giữa mặt trống đồng Đông Sơn sau này. (Nguồn: Sách “Theo dấu các văn hóa cổ” – Giáo sư Hà Văn Tấn, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Khảo cổ học, NXB Khoa học Xã Hội – Hà Nội – 1997)

gom Phung Nguyen 9

Bình gốm Phùng Nguyên với nhiều băng hoa văn chạy ngang có chấm rải và họa tiết hình chữ S, đồng thời có các cột hoa văn theo chiều dọc. (Nguồn: Sách “Cơ sở Khảo cổ học” – Hán Văn Khẩn chủ biên, NXB Đại học quốc gia Hà Nội – 2008)

5 – Người Phùng Nguyên còn có tư duy hình học đáng nể

Hiệu quả của các hoa văn trên gốm của người Phùng Nguyên còn cho thấy họ có tư duy đặc biệt về hình học. Thoạt tiên họ đã vẽ ra được các hoa văn đối xứng. Rồi họ thoải mái xoay chuyển và biến hóa các hoa văn ấy về cả hình dáng, chi tiết và kết cấu từ đơn lẻ đến tổng thể. Họ làm thành các băng hoa văn ngang và dọc, hơn nữa còn làm thành các dải hoa văn chạy vòng tròn, có đồng tâm trên mặt mâm bồng. Họ vẽ ra các hình tròn khá chuẩn- các nhà khảo cổ hiện đại đã tìm thấy dấu vết của một loại gần như compa mà họ đã để lại trên mặt gốm. Họ còn phải căn chỉnh sao cho các băng diềm bao quanh kết thúc một vòng tròn khép kín mà các hoa văn bên trong vẫn cách đều- nhưng các hoa văn ấy không chỉ lặp lại một cách đơn điệu- chúng còn biến hóa, lật ngược xuôi, đối xứng trục quay và thêm thắt các hoa văn phụ điền vào các chỗ trống nữa. Như vậy hình học được biểu hiện một cách nghệ thuật và nghệ thuật trong tính toán hình học- đó là tài năng đáng kinh ngạc của các nghệ nhân Phùng Nguyên từ thuở sơ khai của dân tộc.

gom Phung Nguyen 10

2 nồi gốm Phùng Nguyên cỡ nhỏ với HOA VĂN HÌNH CHỮ S và HOA VĂN ĐỐI XỨNG TRỤC QUAY BẬC 2 (Nguồn: Sách “Văn hóa Phùng Nguyên” – tác giả Hán Văn Khẩn, NXB Đại học quốc gia Hà Nội – 2005)

gom Phung Nguyen 11

Bản vẽ mặt 2 chiếc mâm bồng, di chỉ Xóm Rền với bố cục hoa văn băng dải chạy thành các lớp vòng tròn đồng tâm. Vòng chủ đạo có kết cấu hoa văn được cách điệu cao, với họa tiết kiểu ĐỐI XỨNG TRỤC QUAY BẬC 2. (Nguồn: ách “Theo dấu các văn hóa cổ” – Giáo sư Hà Văn Tấn – Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia – Viện Khảo cổ học – NXB Khoa học Xã Hội – Hà Nội – 1997)

gom Phung Nguyen 12

6 – Cảm nghĩ về tài năng trang trí của người Phùng Nguyên

Là một họa sĩ, tôi từng học và sau này dạy sinh viên làm các bài trang trí hình vuông, chữ nhật, tròn, diềm tường, vải hoa… Ở thời hiện đại thì nguồn tài liệu là vô biên, lại có môn hình học từ thời phổ thông hỗ trợ, thế mà các sinh viên vẫn như đánh vật với quá trình cách điệu để tạo ra họa tiết, sau đó là thu xếp các kết cấu đối xứng, xử lý mảng trống, tăng giảm kích thước hoa văn trong khuôn khổ các hình đã định… Với đầy đủ phương tiện hiện đại trong tay, kiến thức trong đầu mà không ít sinh viên mỹ thuật vẫn mắc các lỗi mà nghệ nhân thô sơ mấy nghìn năm trước hầu như không mắc phải: nét chập, hình méo, hình dính, dàn không đều, mảng đặc và mảng trống không ăn ý. Hiếm khi chúng tôi dùng tới đối xứng trục quay bậc 2, vì khó quá chăng ? Vậy mà cách đây hơn 3 thiên niên kỷ, tổ tiên chúng ta đã làm được những điều kể trên một cách ngoạn mục! Sau đó các hoa văn Phùng Nguyên còn được kế tục và nâng cao đến mẫu mực trên các đồ đồng Đông Sơn, nhất là trên các hộ tâm phiến, thạp và trống đồng.

7 – Xứng đáng được tôn vinh

Sẽ không hề quá lời khi ca ngợi người Phùng Nguyên, ở quá khứ xưa xa lắc, chỉ với các phương tiện sơ khai nhất, hoàn toàn vẽ tay, đã tạo ra hệ thống hoa văn hết sức đẹp đẽ, bừng nở trong biến hóa trên các đồ gốm khởi nguồn mỹ thuật dân tộc.

Có một câu hỏi bấy lâu nay đau đáu trong tâm khảm chúng ta rằng cớ sao ngay khi các quốc gia sơ kỳ của tổ tiên mới thành lập (như Văn Lang và Âu Lạc) thì người Việt đã sớm bị mất nước và trải qua hơn nghìn năm Bắc thuộc – thế mà dân tộc ta không bị đồng hóa trong biển người của đế chế Trung Hoa mênh mông để vùng lên quật khởi ở thế kỷ X và bảo vệ thành công nền độc lập tới tận ngày nay? Rất nhiều nhà nghiên cứu đã tìm ra câu trả lời, chắc các độc giả đã biết, xin phép khỏi nhắc lại… Còn chúng tôi thì cho rằng truyền thống văn hóa nghệ thuật cũng đáng chú ý – nó cho phép người Việt ta, sau hơn nghìn năm Bắc thuộc, tự tin rằng mình không phải người Hán mà là người Việt Nam, với bản sắc riêng biệt và rõ nét, kế thừa được tinh hoa truyền thống phong phú và tinh tế của cha ông… mà trong số đó có truyền thống mỹ thuật rực rỡ, khởi đầu từ Gốm Phùng Nguyên.

– Họa sĩ Đức Hòa –

>>> Hoa văn khắc vạch trên gốm cổ

>>> Thuật ngữ căn bản về gốm sứ

>>> Đồ gốm hoa nâu thời Lý = Trần