Nghi án nâng giá trang thiết bị phòng chống Covid-19 ở Mỹ

Nghi án nâng giá trang thiết bị phòng chống Covid-19 ở Mỹ - Ảnh 1.

Nhiều máy thở đã được giới chức thành phố New York thanh lý với giá thấp

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE CITY

Tờ New York Post ngày 22.2 đưa tin giới chức thành phố New York (bang New York, Mỹ) đã thu về chỉ 500.000 USD sau khi bán đấu giá một số trang thiết bị y tế từng được mua với giá lên đến 225 triệu USD trong đại dịch Covid-19.

Trong số đó có gần 3.000 máy thở giá 12 triệu USD nhưng đã bán hôm 24.1 như “những thiết bị y tế phế liệu không hoạt động” với giá chỉ 24.600 USD.

Theo thông tin được đăng đầu tiên bởi trang The City, phải mất 28 chuyến xe tải để một đại lý rác ở Long Island vận chuyển các thiết bị từng khan hiếm, được cựu thị trưởng Bill de Blasio dự đoán sẽ giúp thành phố “đánh bại cuộc khủng hoảng này và chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo”.

Khi đó, ông De Blasio hôm 21.4.2020 từng nói rằng “đây là một câu chuyện về việc làm được điều không thể”, khi sản xuất hàng ngàn máy thở trong một tháng, thay vì 1 năm như tiến độ thông thường.

Nhiều nghi vấn

Chính quyền của ông De Blasio còn trả giá cao khi mua 50.000 khẩu trang với giá 6,7 USD/cái, so với giá trung bình hồi đầu đại dịch là 3,67 USD/cái, theo bài báo dẫn thông tin từ quan chức kiểm toán tiền tệ Brad Lander của thành phố.

Số khẩu trang trên nằm trong 701.000 cái được đấu giá vào tuần tới, với giá khởi điểm chỉ 1.000 USD, tương đương 0.14 cent/cái.

The City cho rằng nguyên nhân do ông De Blasio quyết định bỏ qua bước giám sát đối với các giao dịch mua hàng khẩn cấp, khiến người kiểm toán tiền tệ khi đó là ông Scott Stringer không xem xét các hợp đồng.

Nghi án nâng giá trang thiết bị phòng chống Covid-19 ở Mỹ - Ảnh 2.

New York thu về chỉ 500.000 USD từ số trang thiết bị y tế được mua với giá 225 triệu USD

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH NY POST

Một hợp đồng trị giá 9,1 triệu USD được cho là đã trao cho Công ty Digital Gadgets ở New Jersey để mua các máy thở. Công ty này sau đó không cung cấp được nên đã thay bằng các khẩu trang N95.

Tuy nhiên, những khẩu trang đầu tiên được cung cấp “chất lượng thấp hoặc không được FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) chứng nhận”, dù công ty tính giá 4 USD/cái so với giá trung bình 3,1 USD/cái, theo ông Lander.

Vì sao người dân New York lũ lượt xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19?

Digital Gadgets thuộc sở hữu của ông Charlie Tebele, nhà tài trợ lớn cho ông De Blasio và thống đốc Kathy Hochul, 2 chính trị gia thuộc đảng Dân chủ.

Năm ngoái, công ty của ông Tebele bị phanh phui việc nâng giá kit test (bộ xét nghiệm) Covid-19 lên 637 triệu USD khi bán cho bang New York, gần gấp đôi giá thông thường.

Phe Cộng hòa muốn điều tra

Tháng trước, lãnh đạo đa số tại nghị viện bang New York Andrea Stewart-Cousins bác bỏ lời kêu gọi của phe Cộng hòa về việc tiến hành điều tra, khi cho rằng không có sai phạm.

Phát ngôn viên Nick Benson của Sở Dịch vụ hành chính thành phố New York (DCAS) cho biết việc chi tiêu trong đại dịch là cần thiết nhằm tạo kho dự trữ 90 ngày trong “thời gian đen tối và khó khăn với tất cả người dân New York”.

“May thay, người dân và những nhân viên y tế anh hùng ở tuyến đầu đã cùng nhau ngăn chặn những viễn cảnh tồi tệ nhật”, theo ông Benson.

Nghi án nâng giá trang thiết bị phòng chống Covid-19 ở Mỹ - Ảnh 4.

Gần 3.000 máy thở giá 12 triệu USD nhưng được bán lại với giá chỉ 24.600 USD.

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH NY POST

Quan chức này cho biết một số trang thiết bị dôi dư đã được viện trợ cho Ukraine, Indonesia, Ghana, Haiti, Nam Phi và các tổ chức phi lợi nhuận, với phần còn lại được bán theo “yêu cầu của điều lệ thành phố”.

Thị trưởng New York Eric Adams đổ lỗi cho các khoản lỗ là do yêu cầu quan liêu rằng các khoản mua dư thừa phải được bán hết sau 90 ngày.

“Đó là quy định xấu. Covid-19 đã tạo môi trường mà không ai trong chúng ta lường trước, do đó chúng ta phải mua nhiều hơn thông thường. Thế nên, đâu đó trong điều lệ, chúng ta buộc phải nói rằng đã 90 ngày rồi, hãy từ bỏ những thứ này, bất kể chi phí liên quan là bao nhiêu”, ông phát biểu.