Nghị luận Trình độ học vấn và cách ứng xử văn hoá của con người hiện nay
Đề bài: Trình bày suy nghĩ về trình độ học vấn và cách ứng xử văn hoá của con người trong cuộc sống hôm nay.
***
Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết:
I. Mở bài:
– Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận: Bàn về trình độ học vấn và cách ứng xử văn hoá của con người trong cuộc sống hôm nay.
II. Thân bài:
1. Giải thích
– Trình độ học vấn là vốn tri thức mỗi người tiếp thu được qua sách vở, mà thước đo là những tấm bằng tốt nghiệp, những chứng chỉ xác nhận học hàm, học vị.
– Ứng xử văn hoá là cách ứng xử đẹp, thể hiện ở lời nói, hành vi, cử chỉ trong cuộc sống hằng ngày.
=> Hai khái niệm trên bề ngoài là độc lập nhưng thực chất lại có mối quan hệ mật thiết với nhau.
2. Bình luận
– Người có trình độ học vấn thường có cách cư xử rất văn hoá. Vì kiến thức họ nhận được từ sách vở, về thực tế và cách ứng xử luôn hoà thấm trong nhau.
– Họ học cao, biết rộng, hiểu tâm lí con người nên làm chủ được phát ngôn hành động, cử chỉ của mình trong mọi tình huống. Họ biết tôn trọng mình, tôn trọng người khác. Trong mắt mọi người, họ luôn được mọi người yêu mến, nể trọng,.. (Dẫn chứng thực tế minh hoạ…)
– Nhưng có một số người có trình độ học vấn nhưng chưa chắc đã có cách ứng xử văn hoá. Vì những người này thường không làm chủ được lới nói, hành vi của mình nhất là trong hoàn cảnh bất thường. Có thể học rộng, tài cao nhưng đôi lúc không ý thức được hành vi của mình là thiếu văn hoá, làm tổn hại đến danh dự, quyền lợi của người khác hay suy nghĩ lệch lạc để biện hộ cho việc khẳng định bản thân trước đám đông, hoặc do tâm lí đố kị, thù hằn ai đó ăn sâu vào tiềm thức nên muốn hạ thấp nhân phẩm, thậm chí lấy đi mạng sống của kẻ đối nghịch, …
– Cách ứng xử thiếu văn hoá là mầm mống của căn bệnh vô cảm đến lạnh lùng, tàn nhẫn trong xã hội cần được đấu tranh, lên án,…(Dẫn chứng thực tế minh hoạ)
– Trong xã hội, lại có người không có trình độ học vấn nhưng cách ứng xử vẫn có văn hoá. Đó là những người do điều kiện không thuận lợi nên không được học hành đến nơi đến chốn nhưng họ biết phân biệt rõ trắng – đen, phải – trái trong cuộc đời. Họ am hiểu tâm lý con người hướng tâm hồn mình và người khác đến chân trời của chuẩn mực đạo đức, của cái đẹp. Họ có khả năng kiềm chế nóng giận, bức xúc trong hoàn cảnh bất thường. Họ có tấm lòng bao dung, nhân hậu, vị tha. Cuộc sống này có vô vàn những con người như thế, rất đáng để ta quý trọng và học tập,…(Dẫn chứng thực tế minh hoạ)
III. Kết bài: Bài học nhận thức và hành động
– Cần tiếp thu tri thức sách vở, trau dồi kĩ năng sống, kiên định theo lí tưởng sống cao đẹp.
– Đấu tranh với những biểu hiện thiếu văn hoá trong cuộc sống hằng ngày.
– Liên hệ bản thân
Có thể tham khảo thêm
Top 5+ bài nghị luận hay nhất bàn về văn hóa ứng xử
Một số bài viết hay
nghị luận về trình độ học vấn và cách ứng xử văn hoá của con người hiện nay
Văn hóa ứng xử và trình độ học vấn: 2 phạm trù tách biệt
Thường thì hầu hết, ai cũng nhìn nhận, phong cách sống tương ứng với trình độ học vấn. Một anh xe ôm, hẳn cách ứng xử sẽ khác xa với anh tốt nghiệp tiến sĩ. Người có trình độ văn hóa cao thì thường có lối sống theo một phong cách tạm gọi là “thượng lưu” nên ứng xử cũng “cao siêu” và ngược lại.
Tôi công nhận điều đó, thế nhưng, vì trời sinh ra tôi một trái tim nhạy cảm, một tâm hồn đa đoan nên tôi dễ rung động trước cuộc sống, cả cái tốt lẫn cái xấu, để biến sự nhạy cảm ấy vào những câu chuyện tôi viết. Tôi dùng nhãn quan và trái tim để nhìn nhận về cuộc sống qua chắp lượm những mẩu chuyện về đời, để đến hôm nay mới nói được điều này: “Trên thực tế, không ít nghịch lý diễn ra. Người có trình độ văn hóa cao, thậm chí là tiến sĩ tốt nghiệp loại ưu nhưng trong cuộc sống lại có những biểu hiện quá tồi tệ, làm cho người ta phải kinh ngạc”. Và sau đây là một ví dụ nhỏ khiến vì sao tôi lại nói như vậy.
Trong cuộc sống vợ chồng, một anh tốt nghiệp mấy văn bằng loại ưu, học vị cao ngất, nhưng trong cuộc sống lại có quá nhiều biểu hiện nhỏ nhen, tầm thường đến mức cạn lời. Khi người vợ đang ở thì sinh cữ, không có người giúp việc, anh ta tuyên bố “không có làm gì đâu nhé, nuôi con, cơm nước, giặt giũ, mọi việc là chuyện của đàn bà. Đây thì chỉ quan hệ ngoại giao thôi…”
Trước nhà ngoại, anh hay vỗ ngực ta đây đã từng bảo vệ xuất sắc luận án này luận án nọ, khi tranh cãi với người nhà của vợ, anh thường dùng những từ miệt thị người có ý kiến trái ngược mình, xem thường chị vợ ra mặt, mặc dầu cô ấy cũng chẳng thua kém là bao. Trong một buổi nấu ăn kém ngon, anh ta nói rằng: “Vợ thế à, đây chẳng nuốt nổi đâu, trông mâm cơm như cho chó ăn thế à”. Trong khi chị vợ tay vừa ẵm con, vừa nấu nướng.
Vì làm trong một cơ quan lương thấp, chị vợ cũng rất năng động, làm thêm ở một đơn vị khác, trong lúc tất bật, có làm mất một đôi triệu đồng. Về nhà kể chuyện, tưởng chồng an ủi, nào ngờ, anh ta thả lời chua ngoa: “Thôi nhé, đầu đất thì từ nay đừng có tham gia cái gì nữa. Làm với chả ăn…”. Kinh tế không đến nỗi nào mà chưa bao giờ, kể từ ngày lấy nhau, anh mua tặng chị đóa hoa hay tấm quà nhân ngày phụ nữ. Lâu dần, khiến chị quên đi, rằng mình là đàn bà.
Còn trường hợp của một anh gần nhà tôi thì ngược lại. Anh ấy cũng không học hành cao siêu, lại buôn bán ở chợ Giời, thế mà ứng xử lại quá đẹp. Anh đối xử với vợ con hết mực tôn trọng và yêu quý. Ngày lễ tình nhân hay 8/3 hay ngày nào đó của vợ, anh ấy đều dành cho chị những tình cảm chân thành, đơn giản mà hết sức ấm áp; nói với vợ bằng lời lẽ gần gũi, đầy tình thương, khiến cho tôi, từng ước ao có được người đàn ông như anh ấy.
Điều đó cho thấy rõ rằng, phong cách sống của con người không chỉ phụ thuộc vào trình độ hiểu biết mà còn chịu ảnh hưởng không ít đến ý thức, tác phong, thái độ sống. Có học vấn cao mà ứng xử yếu kém, thái độ lệch lạc thì chưa chắc đã bằng người không học hành tử tế.
Mọi thứ trên cõi đời này, chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Cũng giống như một người ăn mặc đẹp, sành điệu, làm quyền cao chức vọng, cũng chưa hẳn là người tử tế. Có hình thức thể hiện nội dung, nhưng cũng có hình thức là một cá thể độc lập, thậm chí trái ngược hẳn với nội dung. Cuộc sống đa dạng, phong phú là vậy!
Không thể lấy hình thức mà che đậy nội dung, không thể lấy bề ngoài mà đánh lừa được thiên hạ, mà cải tạo được cái bên trong rỗng tuếch, nông cạn. Tôi cũng như bạn, trong mỗi con người, ai cũng là “một vầng trăng và một đám mây đen”. Không có ai hoàn hảo trên cõi đời này. Cũng như chưa có ai hoàn toàn xấu. Chẳng có ai mặt nào cũng tốt, khi nào cũng tốt, lúc nào cũng đẹp và cũng chẳng có ai ngược lại, không có gì đáng giá, chỉ một màu đen tuyền.
Kể cả ngoại hình cũng vậy, ngay cả người được xem là vô duyên, là xấu xí nhưng nếu tinh túy quan sát thì vẫn có thể thấy được một nét nào đó ưa nhìn, thậm chí hấp dẫn mà ở người thường lại không có.
Lạm bàn về học vấn và văn hóa (Châu Văn Đỉnh)
Văn hóa là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy trong suốt chiều dài lịch sử. Văn hóa là một khái niệm rất rộng, bao gồm tất cả hoạt động của một cộng đồng trong môi trường tự nhiên và xã hội nhất định.
Nói rằng người nào đó có văn hóa hàm nghĩa người đó có khả năng ứng xử xã hội, đầy văn minh và có tình người. Học vấn thì khác. Nó chỉ trình độ hiểu biết của con người về thế giới xung quanh. Học vấn được xác lập qua con đường trường lớp hay tự đào tạo. Nó là cơ sở ban đầu cho văn hóa. Nghĩa là học vấn chỉ là điều kiện ắt có, chứ chưa là điều kiện đủ của văn hóa. Người có trình độ học vấn cao sẽ có điều kiện lĩnh hội dễ dàng tri thức văn hóa, nhưng chưa chắc họ đã sống có văn hóa. Đôi lúc, kẻ có tri thức mà tâm ác thì có nhiều hành vi thiếu văn hóa nữa; từ đó tác hại không ít đến xã hội. Vì người đó vận dụng tri kiến của truyền thống, của con người để gây hại cho dân tộc hay làm trì trệ tiến bộ của loài người.
Con người ta sinh ra không phải đã mang sẵn trong mình những hành vi văn hóa, mà hành vi và đối nhân xử thế đó được hình thành qua các mối quan hệ giữa người với người. Tinh thần văn hóa toát ra từ con người văn hóa trong các mối tương giao: từ tác phong làm việc đến cách ứng xử hay lời ăn tiếng nói khi giao tiếp, ở mọi lúc trong các môi trường sinh hoạt khác nhau; từ thái độ kiên quyết trước cái sai, điều ác, biết ủng hộ cái đúng, lẽ phải và đạo lí làm người; từ cách ăn mặc, đi đứng đến ý thức bảo vệ môi trường xung quanh sạch, đẹp,..
Tất cả tạo thành thói quen, chúng biểu hiện ra hàng ngày, hàng giờ: thói quen sống đẹp – đấy là nếp sống văn hóa. Thói quen có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của mỗi con người. Xây dựng thói quen tốt rất cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Đó chính là xây dựng những phẩm chất, nhân cách tốt cho con người, hướng con người tới tình cảm thương yêu đồng loại, lòng nhân hậu, ý thức bảo vệ điều tốt; từ đó đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội…
Xem thêm bài văn mẫu hay nghị luận xã hội về mối quan hệ giữa tài và đức
Trình độ học vấn hay trình độ văn hóa?
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, khi lớn lên, thế nào cũng ít ra vài ba lần phải kê khai lý lịch. Vấn đề là ở chỗ, trong mẫu kê khai thế nào cũng có mục “trình độ văn hoá”.
Thực ra, mục này cần phải sửa thành trình độ học vấn mới đúng. Bởi vì, nếu khai trình độ văn hoá là lớp 10 hay đại học thì sẽ gây ra nhiều chuyện nực cười. Do đây là hai khái niệm nhìn bề ngoài tưởng như giống nhau đến mức có thể thay thế nhau trong những trường hợp nào đó. Nhưng nếu đánh đồng chúng với nhau thì hoàn toàn không được. Xét kỹ hơn ta thấy, khái niệm văn hoá và học vấn tuy có sự gắn kết mật thiết với nhau, song văn hoá là khái niệm cực kỳ rộng không thể lấy nó để thay cho khái niệm học vấn.
Sở dĩ nói, nếu đánh đồng chúng với nhau có thể gây ra ra bi hài vì trong nhiều trường hợp chúng ta thấy dưới đây. Có những người có trình độ tốt nghiệp đại học, thậm chí là GS, TS .. đôi khi vẫn bị những người không biết chữ chê là thiếu văn hoá, hay nặng hơn là vô..văn hoá đó sao? Song cũng có người ít học hoặc không biết chữ vẫn được người đời coi là lịch lãm, có văn hoá? Trước đây, tác giả Nguyễn Đình Thi đã từng coi những tên thực dân Pháp học thức cao cầm súng bắn giết những người dân lành nước ta, là quân dã man, vô văn hoá là gì?
Để lý giải những nghịch lý trên, chúng ta cần mổ xẻ sự liên hệ giữa hai khái niệm đó, nhằm tránh nhầm lẫn sau này. Trước hết văn hoá là khái niệm rất rộng và khá phức tạp. Được biết cho đến nay, đã có không dưới 400 định nghĩa khác nhau về văn hoá nhưng vẫn chưa có sự nhất trí cao trong các học giả thế giới. Có thể hiểu một cách phổ cập nhất: những gì gắn với con người và cái gì do con người sáng tạo ra – chính là văn hoá. Từ đó, có thể chia ra văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần là hai lĩnh vực rộng lớn mà con người hoạt động. Chia nhỏ ra còn có thể có văn hoá vật thể và phi vật thể. Theo cách phân chia đó, thì học thức, học vấn chỉ là một bộ phận rất nhỏ thuộc về lĩnh vực tinh thần của con người. Nếu quan trọng hoá vấn đề lên, có thể coi học vấn là thành tố khá quan trọng của văn hoá con người. Dĩ nhiên, người có học vấn cao, sẽ có cơ sở để dễ tiếp nhận văn hoá hơn là người có học vấn thấp. Song nếu tuyệt đối hoá vấn đề học vấn, đến mức coi nó có thể thay thế được văn hoá thì sẽ sa vào sai lầm lớn. Do văn hoá, ngoài học vấn ra còn bao trùm vô số những nội dung khác thuộc về con người như: phong tục, tập quán, ngôn ngũ.. và nhiều thành tố khác nữa thuộc về con người. Vì thế, có trường hợp ngay cả người không biết chữ nhưng thông thạo các lĩnh vực thuộc về con người từng vùng, từng địa phương – vẫn được coi là có văn hoá. Trong khi, có những người có học vấn cao như nói trên, song khi tiếp cận đến một vùng văn hoá mới mà họ không thông thạo, hoặc bỏ qua các lễ nghi, phép tắc của địa phương đó, lập tức sẽ bị coi là vô văn hoá hay thiếu văn hoá.
Do đó, cần phải phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm này để tránh nhầm lẫn. Vấn đề nhầm lẫn trên tưởng như đã được giải quyết từ lâu. Thế nhưng, thật đáng ngạc nhiên, hiện nay trong các mẫu kê khai lý lịch vẫn ..như những năm 60 của thế kỷ trước, khái niệm trình độ văn hoá vẫn mặc nhiên bị thay cho trình độ học vấn, nghĩa là sau gần trăm năm tình hình vẫn như cũ. Thậm chí trong cuộc thi Hoa hậu nổi tiếng và mang nhiều tai tiếng mới đây do báo Tiền Phong tổ chức, khái niệm trình độ văn hoá vẫn ..chễm chệ thay cho khái niệm trình độ học vấn. Điều đáng nói, đây cũng chính là điểm nhấm dẫn đến Ban tổ chức cuộc thi bị phê bình là cầm đèn chạy trước ô tô và gây ra hệ luỵ đáng tiếc cho Hoa hậu Việt Nam – người Đà Nẵng, không được đại diện cho phái đẹp nước Việt đi thi hoa hậu thế giới.
Cần thấy rằng, học vấn và văn hoá, tuy có sự gắn bó mật thiết với nhau song không thể thay thế cho nhau. Học vấn hay học thức nói lên người ta học ở trình độ nào? cấp nào? lớp mấy? Như đã nói trên, người có học vấn cao nhưng vẫn chưa chắc được coi là có văn hoá. Trong khi, văn hoá là lĩnh vực rất rộng lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực thuộc về con người và xã hội loài người. Có nhiều người có thể khá về một lĩnh vực nào đó nhưng khi có vinh dự được trả lời phỏng vấn để phát ra cho công chúng thưởng lãm thì người nghe chỉ có nước… bịt tai. Không ít các cuộc thi hoa hậu ở nước ta, khi nghe các người đẹp trả lời ứng xử đã gặp phải trường hợp này. Hay một nữ ca sỹ đang lên ở TP HCM, người miền Trung, khi trả lời phỏng vấn trong một chương trình ca nhạc được truyền trực tiếp năm kia, đã được khán giả truyền hình khen là vốn văn hoá quá… ngắn, mặc dù trước đó cô ta đã học xong một trường Cao đẳng âm nhạc. Ngoài ra, không ít các nhân vật trong giới văn nghệ sỹ, nhất là giới ca sỹ khác hiện nay, có lẽ do hết cách đánh bóng danh tiếng của mình đang tự giới thiệu thứ văn hoá sexy trong cách ăn mặc khi biểu diễn, mà không tiện nêu tên ở đây. Hoặc mới đây, cư dân mạng kháo nhau việc một giáo sư văn học khá tên tuổi, được phong khá nhiều danh hiệu cao quý lúc tại chức nhưng lúc về hưu lại viết một cuốn hồi ký đầy tai tiếng, bêu rếu nhiều người đã chết hoặc đang sống, hành vi này cũng bị người đời coi là ít… văn hoá.
Có lẽ điều đầu tiên cần nhắc lại là, các nhà sáng tác biểu mẫu, văn bản cần kiên quyết dùng khái niệm trình độ học vấn thay cho khái niệm trình độ văn hoá khi kê khai lý lịch. Vì đây là lĩnh vực phổ biến mà hầu như người nào cũng phải khai báo khi lớn lên và đi làm. Có học là điều kiện quan trọng để trở thành người có văn hoá. Nhưng để là người có văn hoá đúng nghĩa, ngoài việc không ngừng nâng cao học thức, con người cần không ngừng học hỏi rất nhiều các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đó là quá trình không đơn giản ngay một lúc có thể nắm bắt được. Trong một biển cả mênh mông vô vàn các lĩnh vực tri thức của nhân loại, may lắm chúng ta chỉ có thể nắm được một địa hạt cụ thể nào đó và cố gắng nắm bắt những tri thức văn hoá chung tối thiểu, để không bị coi là người… thiếu văn hoá. Hơn thế, mỗi vùng, mỗi miền… xa hơn là mỗi nước lại có những đặc điểm văn hoá khác biệt nhau, thậm chí đối lập nhau, nên khi tiếp nhận văn hoá cần chú ý đến tình hình cụ thể đó, tránh việc đánh đồng tất cả như nhau. Chẳng hạn, đối với người đàn ông Việt Nam lấy quá một vợ bị coi là phạm luật nhưng với người đàn ông theo đạo Hồi phải lấy đủ bốn vợ mới đủ tư cách đàn ông. Thế giới là một biển cả rộng lớn. Mỗi một nền văn hoá là một dòng chảy riêng biệt trước khi hoà vào biển lớn trong cuộc chơi chung có tên: toàn cầu hoá. Cần phải giữ gìn được bản sắc riêng để không bị hoà tan và quan trọng hơn là chống đồng hoá về văn hoá.
TS. Trần Hồng Lưu
(Khoa Mác – Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, 71 Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)
Với những gợi ý trong phần dàn ý cùng với một số bài viết hay bàn về trình độ học vấn và cách ứng xử văn hoá của con người trên đây, hi vọng các bạn đã có thể tự triển khai một bài văn hoàn chỉnh cho riêng mình. Có thể tìm đọc thêm các bài văn mẫu hay lớp 12 khác để mở rộng vốn từ ngữ và nâng cao kỹ năng làm văn của mình. Chúc các bạn luôn học tốt !