Nghị luận về trang phục và văn hóa hay nhất, ngắn gọn – piaggiotopcom
Trong bài văn Nghị luận lớp 8, chúng ta cùng tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về trang phục và văn hóa hay nhất, ngắn gọn kèm thêm dàn ý chi tiết dưới đây để hiểu rõ hơn về nhu cầu ăn mặc của mỗi con người và có ý tưởng cho bài viết của mình.
Bài viết liên quan
- Dàn ý Nghị luận về trang phục và văn hóa ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ
- Nghị luận về cho và nhận hay nhất, ngắn gọn
- Nghị luận về lắng nghe và thấu hiểu hay nhất, ngắn gọn
- Nghị luận về niềm tin vào bản thân hay nhất, ngắn gọn
- Nghị luận về lối sống giản dị, top bài văn hay nhất, ngắn gọn
Đề bài: Nghị luận về trang phục và văn hóa
Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý chi tiết
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3
5. Bài mẫu số 4
6. Bài mẫu số 5
7. Bài mẫu số 6
Bài văn mẫu Viết đoạn văn về trang phục và văn hóa lớp 8
Mục lục bài viết
I. Dàn ý
Nghị luận về trang phục và văn hóa ngắn (Chuẩn):
1. Mở bài:
Giới thiệu vấn đề nghị luận: Trang phục và văn hóa.
2. Thân bài:
a. Giải thích
– “Trang phục” là tất cả những phụ kiện được con người mang, mặc, đeo trên người để phục vụ nhu cầu bảo vệ cơ thể, gia tăng sự tiện lợi và nhu cầu thẩm mĩ.
– “Văn hóa” là kết tinh giá trị tinh thần, vật chất do con người tạo ra trong đời sống, được hình thành và chọn lọc trong suốt chiều dài lịch sử.
– Trang phục được xếp vào hàng văn hóa vật thể, có mối liên quan, gắn bó mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau với nền văn hóa của con người.
b. Mối liên hệ giữa trang phục và văn hóa:
– Sự phát triển của trang phục cũng là tấm gương phản chiếu sự phát triển của văn hóa, sự phát triển trong tư duy thẩm mĩ.
– Những thói quen, khuynh hướng thẩm mĩ của con người trong từng giai đoạn đã phản ánh nhu cầu ăn mặc tạo ra các loại trang phục khác nhau.
– Trang phục của mỗi dân tộc phản ánh rõ nền văn hóa cũng như những nét đặc sắc trong truyền thống của từng quốc gia, trở thành một biểu tượng của dân tộc.
+ Việt Nam có áo dài với nón lá, Hàn Quốc có hanbok, Nhật Bản có kimono, Trung Quốc có sườn xám,…
+ Việt Nam: Người M’nông với các bộ áo váy thổ cẩm, người Tày với quần áo vải bông nhuộm chàm, người Mông với các loại váy áo rực rỡ sắc màu phối xà cạp,…
– Trang phục là một trong những khía cạnh tinh tế nhất của văn hóa.
+ Thể hiện được nhiều mặt của xã hội cũng như bộc lộ những nét cá tính của từng cá nhân.
→ Nhìn vào cách ăn mặc, người ta có thể đưa ra những lời đoán định về tính cách, thói quen của một con người.
+ Trang phục là một trong những phương tiện để thể hiện trình độ văn hóa, khuynh hướng thẩm mĩ cũng như bộc lộ địa vị của một con người trong xã hội.
c. Cách lựa chọn trang phục phù hợp với văn hóa:
– Lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp, vóc dáng, tránh chạy theo trào lưu, lựa chọn những trang phục không phù hợp.
– Không ăn mặc hở hang, phản cảm, ảnh hưởng đến chuẩn mực về văn hóa của cộng đồng.
3. Kết bài:
Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
>> Xem chi tiết Dàn ý Nghị luận về trang phục và văn hóa tại đây.
II. Bài văn mẫu
Nghị luận về trang phục và văn hóa ngắn gọn hay nhất
1. Viết bài văn về trang phục và văn hóa lớp 8 hay, mẫu số 1 (Chuẩn)
Bàn về vai trò của trang phục đối với việc xây dựng hình ảnh và thể hiện vẻ đẹp cá nhân, ông cha ta từng nói: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”. Câu nói trên đã thể hiện sự đề cao, đánh giá ý nghĩa của yếu tố trang phục trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, trang phục còn là một trong những yếu tố thể hiện nét đẹp văn hóa và có mối quan hệ mật thiết với văn hóa.
Trang phục là phương diện, cách thức ăn mặc bên ngoài của mỗi một con người, bao gồm các yếu tố như quần áo, giày dép, phụ kiện,… góp phần tạo nên vẻ bề ngoài của mỗi một con người. Văn hóa là cách ứng xử, giao tiếp phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của con người. Người có văn hóa là người biết điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của bản thân phù hợp với các chuẩn mực xã hội, biết rèn luyện, giữ gìn phẩm cách, lối sống trong sạch. Vậy mối quan hệ mật thiết giữa trang phục và văn hóa được thể hiện như thế nào?
Trang phục là một nét đẹp văn hóa. Trang phục không chỉ thể hiện một quan niệm về thẩm mĩ, lối sống của một nhóm người, một cá nhân mà còn thể hiện những nét đẹp về văn hóa của cá nhân, cộng đồng. Chẳng hạn chiếc áo dài là Quốc phục của nước Việt Nam, nêu lên được vẻ đẹp truyền thống của con người và đất nước Việt Nam. Hình ảnh những cô gái thướt tha trong tà áo dài truyền thống đã góp phần thể hiện vẻ đẹp truyền thống văn hóa được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, trang phục còn thể hiện vấn đề giữ gìn nét đẹp văn hóa của cộng đồng, xã hội và truyền tải những bức thông điệp nhất định về văn hóa của vùng miền, của quốc gia, dân tộc xuyên suốt tiến trình phát triển hoặc qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Đặc trưng văn hóa ở đây chính là tính truyền thống được bảo lưu kết hợp với các yếu tố của thời trang hiện đại. Chúng ta có thể kể đến những trang phục nổi tiếng ghi dấu nền văn hóa của cả dân tộc như “sườn xám” – chiếc áo Thượng Hải của người Trung Quốc thời Mãn Thanh, chiếc áo Kimono của người Nhật Bản, chiếc váy Hanbok của Hàn Quốc,… Đồng thời, trang phục là một trong những yếu tố thể hiện những yếu tố cá nhân về văn hóa của người mặc. Qua cách ăn mặc, chúng ta có thể hiểu được một số nét cơ bản về tính cách, về nghề nghiệp, thẩm mĩ,… của người dùng. Đồng thời, thấy được sự tinh tế trong việc lựa chọn trang phục của người sử dụng.
Trang phục luôn là nét đẹp của văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân chưa nhận thức được vai trò của trang phục trong việc thể hiện nét đẹp và giá trị văn hóa của cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung, dẫn đến việc lựa chọn những “bộ cánh” hở hang, phản cảm. Một số cá nhân ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh, mải chạy theo các trào lưu đang thịnh hành, dẫn đến việc lựa chọn trang phục không phù hợp với bản thân.
Trong xã hội hiện nay, cùng với sự toàn cầu hóa mạnh mẽ, nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp” của con người ngày càng được nâng cao. Thời trang là một lĩnh vực nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế của người sử dụng. Để nêu bật những nét đẹp về văn hóa thông qua trang phục, chúng ta cần lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp cùng những yếu tố khác như thời tiết, địa điểm. Ngoài ra, cần quan tâm đến các tiêu chí khác như lựa chọn trang phục phù hợp với vóc dáng, làn da, giới tính, thời tiết, tránh việc vì chạy theo trào lưu dẫn đến việc lựa chọn những trang phục không phù hợp. Đặc biệt, không ăn mặc hở hang, phản cảm, ảnh hướng đến những chuẩn mực về văn hóa của cộng đồng.
Như vậy, trang phục và văn hóa là một trong số những vấn đề thể hiện cái “tôi” cá nhân, bản sắc văn hóa cộng đồng. Vấn đề trang phục và văn hóa đã mở ra một cái nhìn xa hơn, rộng hơn về trang phục, có ý nghĩa trong việc lựa chọn ăn mặc phù hợp và tôn vinh những nét đẹp văn hóa của cá nhân, của cộng đồng. Là học sinh, chúng ta cần ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh, lựa chọn những trang phục kín đáo, đơn giản phù hợp với lứa tuổi học sinh.
2.
Nghị luận về trang phục và văn hóa ngắn gọn hay nhất, mẫu số 2 (Chuẩn)
Cùng với sự phát triển của văn hóa, xã hội, nhận thức của con người về trang phục dần có sự thay đổi. Trang phục không chỉ đơn thuần là vật dùng để che chắn, bảo vệ, giữ ấm cơ thể mà còn là yếu tố phản ánh cá tính, thẩm mĩ của người sử dụng, là tấm gương phản chiếu bản sắc văn hóa văn hóa của một dân tộc, một đế chế, một quốc gia. Có thể nói rằng vẻ ngoài và sự tự tin của một người được quyết định chủ yếu là nhờ trang phục, đồng thời giữa trang phục và văn hóa cũng có những mối quan hệ gắn bó mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau.
Trước tiên nói về trang phục, đây không chỉ đơn thuần là quần áo, mà là bao gồm tất cả những phụ kiện được con người mang, mặc, đeo trên người để phục vụ cho nhu cầu bảo vệ cơ thể, gia tăng sự tiện lợi và nhu cầu thẩm mỹ. Tất thảy chúng có thể kể đến như các loại quần, áo, mũ, giày dép, ủng, tất, các loại túi xách, phụ kiện khác,… tùy vào sở thích và xu hướng thời trang mà mỗi người có cách chọn lựa và phối đồ khác nhau, người ưa đơn giản, tiện gọn, người lại thích cầu kỳ, trang trọng.
Trong cuộc sống hiện đại, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện nhu cầu ăn mặc ngày càng được chú trọng, các mặt hàng trang phục ngày càng trở nên phong phú, ngành công nghiệp may mặc cũng đóng góp một phần lớn vào sự phát triển của đất nước. Nói về khái niệm văn hóa, theo UNESCO “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”. Một cách dễ hiểu hơn văn hóa là những sản phẩm do con người tạo ra trong đời sống, được hình thành và chọn lọc trong suốt chiều dài lịch sử ở cả hai khía cạnh là văn hóa vật thể và phi vật thể. Mà ở đây trang phục được xếp vào hàng văn hóa vật thể, có mối liên quan, gắn bó mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau với nền văn hóa của con người.
Sở dĩ nói văn hóa và trang phục có mối liên hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau là bởi lẽ trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, chính những thói quen, khuynh hướng thẩm mỹ của con người trong từng giai đoạn đã phản ánh vào nhu cầu ăn mặc tạo ra các loại trang phục khác nhau. Thời tiền sử người ta chỉ cần loại trang phục từ vỏ cây, lá cây để che chắn các bộ phận nhạy cảm, thiết kế đơn giản, ngắn gọn dễ dàng cho công cuộc săn bắt hái lượm. Xa hơn một chút con người bước vào cuộc cách mạng Nông Nghiệp, lúc này đây dân số tăng lên, thức ăn ngày một khan hiếm buộc con người phải tham gia trồng trọt tự cung tự cấp, nguồn thức ăn kém dồi dào, phong phú, khiến sức đề kháng trở nên kém đi, nhu cầu giữ ấm và bảo vệ bản thân ngày càng tăng cao. Từ đó trang phục cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn làm từ các loại da thú, lông thú,…
Cho đến gần 2000 trở lại đây sự xuất hiện của Đại Tần đế quốc với hệ thống trang phục phức tạp, có tính thẩm mỹ cao, quần áo của nam và nữ cũng phân biệt với các loại họa tiết được thêu vẽ tinh tế, đặc trưng là kiểu ăn vận có nhiều lớp áo lót trong ngoài. Kiểu trang phục này cũng gây ảnh hưởng đến một số các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam. Càng về sau sự phân hóa giữa các quốc gia càng rõ rệt, trang phục của mỗi mỗi dân tộc lại càng trở nên tinh tế và khác biệt phản ánh rõ nền văn hóa, cũng như những nét đặc sắc trong truyền thống của từng quốc gia, trở thành một biểu tượng của dân tộc. Ví như Việt Nam có áo dài với nón lá, Hàn Quốc có Hanbok, Nhật có Kimono, Trung Quốc có sườn xám,… ngay ở Việt Nam với 54 dân tộc anh em cũng có những nét khác biệt về trang phục truyền thống như người M’nông với các bộ áo váy thổ cẩm, người Tày với quần áo vải bông nhuộm chàm, người Mông với các loại váy áo rực rỡ sắc màu phối xà cạp,…
Trang phục là một trong những yếu tố làm nên những nét riêng biệt, độc đáo trong văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Trang phục cũng là tấm gương phản chiếu sự phát triển của văn hóa. Nói về chiếc áo dài Việt Nam chẳng hạn, bắt nguồn từ chiếc áo ngũ thân, qua nhiều giai đoạn cách tân, nó đã trở thành kiểu áo hai thân, vòng eo may đo ôm sát, tà áo có nhiều kiểu dài ngắn khác nhau, cổ áo cũng đa dạng. Tất cả đều thể hiện sự phát triển trong tư duy thẩm mỹ, cũng như sự phóng khoáng, hiện đại của con người trong trang phục, thoát hoàn toàn khỏi sự áp đặt của lễ giáo phong kiến cổ hủ và lạc hậu.
Trang phục là một trong những khía cạnh tinh tế nhất của văn hóa, thể hiện được nhiều mặt của xã hội cũng như bộc lộ những nét cá tính của từng cá nhân. Từ việc nhìn vào cách ăn mặc người ta có thể đưa ra những lời đoán định về tính cách, thói quen, nhu cầu, thậm chí là cả tiềm lực của một con người. Khi đối diện với một cô gái ăn mặc, gọn gàng, đơn giản, áo váy thẳng thớm, dễ dàng nhìn ra đây là một con người các tính cách cẩn thận, tỉ mỉ. Lại thấy cô ấy mang một chiếc túi hàng hiệu đắt tiền, những kiểu dáng đơn giản, tiện dụng có thể đoán định đây là người khiêm tốn, ít khoe khoang và chú trọng hiệu suất hơn vẻ ngoài. Người như vậy rất dễ gây được thiện cảm với những người xung quanh, bởi phong thái tao nhã, vừa khiêm tốn, vừa lịch sự, không phô trương.
Trái lại với những người thường xuyên ăn mặc nhếch nhác, không để ý chăm chút ngoại hình, rõ ràng là kiểu người cẩu thả, không biết tôn trọng bản thân cũng như những người đối diện, người như vậy thì khó có thể gây được ấn tượng ban đầu tốt đẹp với mọi người. Tuy nhiên chúng ta cũng cần làm rõ rằng trang phục tốt và cách ăn vận đẹp không phải chỉ có người giàu mới có thể thực hiện mà ngay cả với những bộ trang phục giá rẻ nhưng con người biết cách sắp xếp, phối hợp sao cho chỉn chu thì vẫn là đẹp và lịch sự.
Ngoài ra trang phục cũng là một trong những phương tiện để thể hiện trình độ văn hóa, khuynh hướng thẩm mỹ, cũng như bộc lộ địa vị của một con người trong xã hội. Trong chế độ phong kiến, quần áo thêu hình rồng chỉ có bậc cửu ngũ chí tôn mới được mặc, con cháu tôn thất thì chỉ được mặc hình thêu mãng xà, cũng như trâm cài hình phượng chỉ có bậc mẫu nghi mới được sử dụng, màu đỏ cũng chỉ là của riêng chính thất trong nhà, thiếp thất không có quyền mặc màu ấy. Rồi trang phục cũng phản ánh sự giàu nghèo phân hóa nghề nghiệp trong xã hội, ví như người lao động chân tay thì thường mặc vải thô, cứng, dễ giặt, khó thấy vết bẩn. Người làm trong môi trường công sở thì chuộng áo sơ mi, chân váy bút chì, giày bít mũi lịch sự. Giới nghệ sĩ thì thích các kiểu quần áo hợp mốt, có phần nổi bật và táo bạo, nhân viên y tế thì luôn gắn bó với màu áo blouse trắng như một biểu tượng ngành. Rồi trong mỗi một môi trường công ty, xí nghiệp lại có một kiểu trang phục, phục vụ riêng cho văn hóa của doanh nghiệp. Có thể nói rằng trang phục là một trong những phương thức biểu hiện văn hóa tinh tế, độc đáo, tiện lợi và vô cùng phong phú, bộc lộ được những đặc trưng riêng không chỉ của con người mà còn là của một tập thể, của cả một xã hội, đất nước.
Đứng trước mối liên hệ mật thiết giữa trang phục và văn hóa mỗi chúng ta cần có nhận thức đúng đắn, tự học hỏi cho mình cách sử dụng trang phục sao cho hợp lý, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đồng thời cũng thể hiện được những nét cá tính của bản thân, làm sao vừa đẹp, vừa lịch sự, gây được ấn tượng tốt với người xung quanh. Ví như là học sinh, sinh viên thì nên có những bộ trang phục trẻ trung, năng động, khi đã trưởng thành đi làm, thì cần có những bộ trang phục nghiêm túc phù hợp môi trường làm việc, bên cạnh đó cũng có những bộ trang phục dành riêng cho các dịp đặc biệt, cho các cuộc hội họp bạn bè.
Việc lựa chọn trang phục lại cũng phải đáp ứng được các yêu cầu như giá cả phù hợp với tình trạng kinh tế, phù hợp với mục đích sử dụng. Không thể mặc váy đi chùa, cũng như không nên mặc váy để leo núi chẳng hạn. Việc có khiếu thẩm mỹ, đặc biệt là trong cách lựa chọn trang phục là một trong những nét đẹp tâm hồn đáng quý, thể hiện sự tinh tế, óc sáng tạo, tư duy thẩm mỹ cao. Việc lựa chọn được trang phục đẹp và phù hợp không chỉ khiến con người trở nên tự tin hơn mà còn thể hiện được những nét cá tính, sở thích, cách nhìn nhận cuộc sống của chính bản thân, mở rộng góc nhìn của những người xung quanh đối với mỗi chúng ta.
Trang phục và văn hóa là hai phạm trù có mối liên hệ chặt chẽ và tương hỗ, bổ trợ lẫn nhau, trang phục thể hiện sự phát triển của văn hóa thời đại, đồng thời những nét văn hóa trong cuộc sống của con người cũng làm nên những kiểu trang phục khác nhau, với những mục đích và ý nghĩa khác nhau. Sự phát triển của trang phục luôn đi kèm với sự văn triển của văn hóa nhân loại và sự phát triển của xã hội, việc ăn mặc của chúng ta cũng đồng thời thể hiện một phần nền văn hóa mà chúng ta đang thừa hưởng, cũng như những nét văn hóa mà bản thân từng cá thể đang ngày ngày xây dựng và bồi đắp.
3.
Nghị luận về trang phục và văn hóa siêu hay, mẫu số 3 (Chuẩn)
Thế giới càng phát triển, con người lại càng quan tâm nhiều hơn đến cách ăn mặc, đến trang phục sử dụng hàng ngày. Trang phục không chỉ có chức năng che chắn, bảo vệ cơ thể mà nó còn thể hiện gu thẩm mĩ, cá tính thậm chí là trình độ văn hóa của mỗi người.
Nói về mối quan hệ giữa trang phục và văn hóa, ông cha ta có câu “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” hay “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Câu tục ngữ đã đề cao vai trò của trang phục, sự gọn gàng, chỉn chu ngoại hình trong việc bộc lộ vẻ đẹp con người. Qua đó ta có thể thấy cách ăn mặc, trang phục mà ta khoác lên mình cũng là một phần để người khác đánh giá văn hoá của một con người.
Đầu tiên phải nói về trang phục. Trang phục là những đồ vật bao gồm quần áo, giày, dép, phụ kiện, … là những phục trang bên ngoài có chức năng che chắn, bảo vệ cũng như làm đẹp cho con người. Có nhiều loại trang phục khác nhau như: trang phục lễ hội, trang phục thể thao, trang phục mùa đông, … tùy vào hoàn cảnh, điều kiện thời tiết mà con người có thể lựa chọn cho mình loại trang phục phù hợp. Vậy nên, trang phục không chỉ có những chức năng che chắn mà nó còn thể hiện gu thẩm mỹ, tính cách và văn hóa của mỗi người, mỗi quốc gia.
Văn hoá là cách sống, cách ứng xử, là phạm trù đạo đức của con người hợp với các chuẩn mực, các quy tắc của xã hội. Văn hóa bao hàm nhiều khía cạnh trong cuộc sống như lối sống, học vấn, trang phục đôi khi văn hoá còn là vấn đề tâm linh và tôn giáo nữa. Vậy nên khi đánh giá một người, chúng ta cần nắm bắt nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người đó như là trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, lối sống, cách ăn mặc. Thế nhưng có lẽ ấn tượng đầu tiên về văn hoá của một người là cách ăn mặc, việc sử dụng trang phục của người đó. Trang phục gọn gàng, lịch sự, trang nhã sẽ mang đến thiện cảm cho người đối diện, ngược lại trang phục lố bịch, không gọn gàng có thể tạo ra những ấn tượng xấu cho người khác trong lần đầu tiên tiếp xúc.
Trang phục được tạo thành từ gu thẩm mỹ của mỗi người, từ những quy tắc chuẩn mực của xã hội. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại có cho mình những bộ trang phục đặc trưng biểu tượng cho văn hoá nước họ. Trang phục đó là một nét đẹp mang tính kế thừa, từ truyền thống cho tới hiện đại. Nếu nhắc đến áo dài, nón lá, áo tứ thân người ta sẽ nhớ tới Việt Nam, nhắc đến Kimono người ta nhớ tới Nhật Bản, nhắc tới sườn xám người ta nói đến Trung Hoa, … Đó là vì trang phục cũng là một phần đại diện cho văn hoá của một quốc gia. Trang phục góp phần làm nên diện mạo của văn hoá, ăn sâu vào nếp sống cũng như tâm trí mỗi con người ở đất nước ấy. Ví như áo dài, xuất hiện từ những năm 1744 ở Việt Nam, bắt nguồn từ áo giao lĩnh, qua hàng trăm năm thay đổi từ màu sắc, kiểu dáng, cuối cùng chúng ta thấy được một kiểu áo dài đặc trưng cho văn hoá Việt Nam. Chiếc áo dài với chiếc nón lá từ bao đời đã trở thành nét đặc trưng rất riêng của người Việt, để đi tới đâu, chỉ cần nhìn thấy, thế giới đều biết được đó là văn hoá của dân tộc Việt Nam. Như vậy, trang phục là một phần của văn hoá, là một phần giúp lan toả văn hoá của dân tộc quốc gia ra toàn thế giới.
Tuy rằng ở mỗi thời kì, trang phục đều mang theo những đặc điểm riêng của văn hoá thời đại. Những chiếc áo bà ba, những chiếc áo tứ thân, áo dài đã trở thành những nét đẹp truyền thống, cũng như văn hoá vùng miền. Ngày nay, xã hội đã phát triển hơn, những chiếc áo truyền thống không còn phổ biến, chúng ta có những bộ trang phục năng động hơn, gọn gàng hơn, hợp thời trang hơn. Thế nhưng, những chiếc áo truyền thống, trang phục truyền thống vẫn là nét văn hoá đã in sâu vào tâm trí mỗi người. Một dân tộc giữ được bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, trang phục của mình thì đó là một dân tộc mạnh.
Không chỉ thế, trang phục còn là thứ giúp ta nhận diện tính cách của một con người. Như chúng ta đã biết, trang phục được mặc trên mỗi người đều thể hiện gu thẩm mỹ của người đó. Một người yêu thích sự đơn giản, thường xuyên mặc những bộ đơn giản như áo phông, quần jeans thì hẳn là một người yêu thích sự giản dị, không cầu kì trong cách ăn mặc, rất thân thiện. Hay một người thường xuyên mặc những bộ trang phục bắt mặt, thời thượng, luôn cập nhật những xu hướng thời trang mới nhất thì hẳn là một người luôn quan tâm tới vẻ ngoài, họ có thể làm trong các lĩnh vực liên quan nhiều đến cái đẹp. Như thế có thể hiểu, trang phục đã giúp chúng ta có được một cái nhìn đầu tiên, ấn tượng đầu tiên khi lần đầu tiếp xúc với một con người. Hoặc khi chúng ta tiếp xúc với những người luôn mặc những trang phục chỉnh chu, lịch sự, thì hẳn đó là một con người có trình độ văn hoá khá cao. Trang phục là cái nhìn đầu tiên về một người, giúp chúng ta đánh giá về họ một cách khách quan.
Dẫu biết rằng trang phục là thứ thể hiện cá tính cũng như gu thẩm mỹ của mỗi người, thế nhưng không vì thế mà chúng ta quá tùy tiện trong việc lựa chọn trang phục, cần tránh những trang phục phản cảm, lố lăng. Trang phục phải dung hoà với văn hoá.
Trang phục là thước đo phản ảnh văn hoá vì vậy sử dụng trang phục phải phù hợp với hoàn cảnh, mục đích cũng như lứa.
Hãy nhìn lại dòng chảy của lịch sử, chúng ta có thể thấy những vĩ nhân là những người thường có những trang phục phù hợp với tính cách, phù hợp với văn hoá của họ, mà điển hình là Hồ Chí Minh. Cuộc đời Người là một cuộc đời dung dị của một Chủ tịch nước, sự mộc mạc, giản dị, chân phương. Chỉ với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su, Người đã sống một cuộc đời không hề tầm thường. Bất cứ ai nhìn vào Người, bộ quần áo Người mặc cũng bắt gặp trong đó hình ảnh của một con người đức độ, hiền lành, ẩn chứa một trí tuệ và sức mặc phi thường.
Để hoà hợp giữa trang phục và văn hoá, tưởng chừng như rất khó nhưng thực ra chỉ cần một chút tinh tế, một chút thẩm mỹ là có thể tạo nên cho mình một bộ trang phục rất đẹp rồi. Bởi ăn mặc đẹp không phải là khoác lên mình những bộ cánh hàng hiệu, đắt tiền là từ lối sống, từ tính cách, từ hoàn cảnh. Chọn trang phục phù hợp chúng ta sẽ có một bộ trang phục không chỉ đẹp mà còn mang tính văn hoá nữa. Đừng trở thành những nạn nhân của những cuộc chạy đua thời trang, nạn nhân của những món nợ vì đua đòi những chiếc túi hàng hiệu. Trang phục đẹp phải kèm với văn hoá, đừng vì đánh bóng tên tuổi mà ăn mặc phản cảm, dị hợm, thiếu văn hoá!
Ai cũng muốn được đẹp trong mắt người khác, điều đó không sai nhưng trang phục đẹp phải kèm với văn hoá, kèm với cách ứng xử thông minh và lịch sự. Hãy nên trau dồi kiến thức về văn hoá, về thời trang để trở thành một con người không chỉ có cách ăn mặc đẹp mà còn có một tâm hồn đẹp, một nhân cách đẹp nữa!
4.
Nghị luận về trang phục và văn hóa của học sinh giỏi, mẫu số 4 (Chuẩn)
Câu tục ngữ dân gian “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” đã có từ rất lâu đời, từ thời cha ông ta miếng ăn còn khó có mấy ai nghĩ miếng vải may quần áo mặc đẹp. Ấy thế mà ở thời đó mọi người đã ý thức được giá trị của trang phục và ý nghĩa của trang phục trong văn hoá con người. Ngày nay chúng ta sống cuộc sống hiện đại, đã đủ ăn đủ mặc, hơn thế còn ăn ngon mặc đẹp thì phải mặc làm sao cho đúng nghĩa với chữ “đẹp” và mặc làm sao để trở thành một con người có văn hoá.
Trang phục chính là y phục, là những thứ chúng ta mặc lên người hàng ngày như quần, áo, giày, dép, mũ, khăn… trang phục có thể còn bao gồm cả những đồ phụ kiện đi kèm như đồ trang sức, dây lưng, găng tay, đồng hồ… Từ thời tiền sử loài người đã biết dùng trang phục mặc bên ngoài để giữ ấm và bảo vệ cơ thể, cho đến ngày nay trang phục ngoài chức năng bảo vệ cơ thể còn mang ý nghĩa làm đẹp, thể hiện gu thẩm mỹ và phong cách thời trang của từng người.
Văn hoá ở đây chính là văn hoá của con người, đại diện cho những vấn đề liên quan đến tinh thần và vật chất. Con người tự tạo văn hóa riêng của mình và đang từng ngày thay đổi, phát triển nó. Một trong những vấn đề liên quan đến văn hoá của con người chính là trang phục. Trang phục có thể đánh dấu những bước tiến mới, những sự thay đổi trong văn hoá của con người nhưng cũng có thể là biểu hiện sự xuống cấp, lệch lạc về văn hoá. Không khó để hình dung ra vấn đề này. Cùng là trang phục nhưng khi học sinh mặc tà áo dài lại thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Ngược lại, khi những học sinh này mặc quần áo hở hang, kệch cỡm, lố lăng, rách trên rách dưới lại chính là đang bôi nhọ lên văn hoá người học sinh.
Như vậy cách ăn mặc trang phục cũng có hai loại đó là có văn hoá và không có văn hoá. Một trang phục có văn hoá không nhất thiết phải là trang phục kín mít, đẹp lộng lẫy mà phải là trang phục hài hòa, phù hợp với bối cảnh, hoàn cảnh và đối tượng mặc. Nếu bạn đi làm, đi họp cơ quan mà lại mặc quần áo đi ngủ ở nhà có nghĩa là bạn đang mặc không có văn hoá. Trang phục của bạn sẽ thể hiện bạn là người như thế nào trong cái nhìn đầu tiên của đối phương, nếu bạn mặc chiếc áo dài đội nón người ta biết ngay bạn là người Việt Nam. Khi bạn ăn mặc chỉnh tề, mặc áo đồng phục đúng quy định thầy cô nào cũng khen bạn là một học sinh có văn hoá.
Người ta chia trang phục thành nhiều loại chính là để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt đa dạng và phong phú của con người, trong mỗi hoàn cảnh nên có một trang phục phù hợp. Có trang phục truyền thống, trang phục thể thao, trang phục lễ hội, trang phục theo mùa, trang phục theo ngành nghề…
Sự phù hợp của trang phục là rất quan trọng, ví dụ như khi bạn đi dự tiệc quan trọng bạn phải mặc những bộ đầm quý phái hay bộ vest lịch lãm, trái ngược với khi đi thăm viếng người đã khuất bạn nên mặc giản dị, tối màu. Bạn mặc trang phục có văn hoá tức là bạn tôn trọng người nhìn, tôn trọng chính bản thân mình. Còn ngược lại, nếu bạn mặc trang phục thiếu văn hoá chẳng khác nào tự bôi xấu mình và làm trò cười, chịu sự phê phán của mọi người. Là học sinh chúng ta nên ăn mặc đúng với lứa tuổi của mình, không nên học theo các mốt thời trang lố lăng, phản cảm rồi ăn mặc không có văn hoá tới trường, tới lớp. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến bộ mặt trường lớp, mà còn trực tiếp khiến những học sinh trở thành kẻ vô văn hoá.
Như vậy có thể thấy, trang phục là rất quan trọng, dù ở nhà hay đi học, dù làm bất cứ việc gì chúng ta cũng nên chú ý lựa chọn trang phục cho phù hợp. Không thể ăn mực tuỳ tiện, có thể ăn mặc đơn giản, giản dị nhưng không thể mặc một cách cẩu thả không có văn hoá. Bản thân em đã từng rất thích được mặc những bộ váy của mẹ nhưng sau khi suy nghĩ lại em đã biết đó không phải là trang phục phù hợp với độ tuổi của em và cũng không thích hợp với bất kì hoàn cảnh nào.
5.
Nghị luận về trang phục và văn hóa đạt điểm cao, mẫu số 5 (Chuẩn):
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người càng được cải thiện, người ta không chỉ no đủ vật chất mà còn chú trọng nhiều đến đời sống tinh thần, đặc biệt là trang phục nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao. Dân gian cũng đã có câu “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” là lẽ đó, cách ăn mặc có mối quan hệ khá mật thiết với văn hoá, phản ánh một phần đời sống, văn minh của con người. Tuy nhiên, cần có cái nhìn đúng đắn và rõ ràng hơn về trang phục và văn hoá để lựa chọn hợp lý, tinh tế hơn cho bản thân mình.
Trang phục là những thứ chúng ta khoác lên mình hàng ngày có nghĩa vụ bảo vệ cơ thể và tăng tính thẩm mỹ cho người mặc. Trang phục bao gồm áo, quần, váy vóc, mũ nón,… Trang phục được thiết kế với nhiều kiểu dáng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và thẩm mỹ của mọi đối tượng người sử dụng. Văn hoá là những hành vi, cách ứng xử, thái độ, tư tưởng, cách nhìn nhận, quan điểm,… trong đời sống. Văn hoá được sự đồng nhất của cộng đồng, mang tính cộng đồng và thường khá bền vững. Đi ngược lại với văn hoá là thiếu văn hoá, không phù hợp với đời sống của cộng đồng. Vậy giữa trang phục và văn hóa có mối liên hệ như thế nào?
Thông qua trang phục, ta cũng có thể nhận diện được đó là văn hoá đại diện cho quốc gia hay dân tộc nào đó. Ví dụ như Việt Nam có quốc phục là áo dài, Nhật Bản có Kimono, Hàn quốc có Hanbok,…. Mỗi một quốc phục đều có ý nghĩa riêng. Với mỗi người, cần phải hiểu trang phục và văn hoá đi liền với nhau và có sự gắn bó nhất định. Trước đây, trang phục phổ biến ở nông thôn thường là những chiếc áo bà ba, áo tứ thân, áo mớ ba mớ bảy gắn với đời sống. Trai áo dài khăn đống, gái áo yếm quần ống loe. Thời đại này, khi đổi mới, trang phục được lựa chọn đa dạng hơn, phù hợp với từng mục đích. Ví như trang phục dự tiệc, trang phục công sở, trang phục áo tắm, … tất cả đều được thiết kế vô cùng bắt mắt, đa dạng.
Khi giao tiếp với người khác, vẻ bề ngoài rất quan trọng bởi điều thu hút ánh nhìn của ta trước hết chính là trang phục của người đối diện. Thông qua cách ăn mặc, ta có thể đánh giá được phần nào tính cách của người đó. Bởi vậy, cần biết cách lựa chọn trang phục phù hợp không chỉ theo sở thích mà còn phải gắn với chuẩn mực, nếp sống văn hóa xã hội. Trên thực tế, không phải ai cũng biết sắm cho mình những bộ quần áo phù hợp, tinh tế. Nhiều người vì chạy theo “mốt” mà không quan tâm đến văn hoá, diện lên người những bộ trang phục vô cùng phản cảm, thậm chí là trái với thuần phong mỹ tục của đời sống văn hoá từ xưa tới nay. Đến những nơi linh thiêng, trang trọng thì mang áo quần ngắn cũn cỡn, hở phần trên, lộ phần dưới, bất lịch sự vô cùng. Đi tang ma thì chọn bộ đồ sặc sỡ, lòe loẹt nổi bật. Chúng ta cần phải biết cách phối hợp trang phục, lựa chọn quần áo sao cho phù hợp với hoàn cảnh công việc. Giáo viên đến trường phải mang áo dài, hoặc áo quần giản dị gọn gàng, tránh phân tán sự chú ý của học sinh. Người lao động chân tay không thể mang váy ra ruộng làm việc. Đi chùa nên chọn những bộ trang phục kín đáo, tế nhị,… Cần tùy hoàn cảnh mà chọn cho mình một phục trang đúng đắn, ý nhị, đẹp mà không phản cảm, không làm lố bản thân.
Y phục đẹp không cần phải quá cầu kỳ với những bộ cánh màu mè, không phải đồ hiệu, sang chảnh mới là thể hiện trình độ văn hóa cao mà nó phải thật sự tạo thoải mái, tự tin cho người mang nó và phù hợp với điều kiện sống, hoàn cảnh giao tiếp. Văn hóa được xác định bằng nhiều tiêu chí và trang phục chỉ là một phần trong số đó, tuy nhiên, một bộ trang phục đẹp không cần quá hở hang, diêm dúa nhưng vẫn thể hiện được nét duyên dáng, thanh lịch và gợi cảm của chủ nhân mang nó, cũng đã giúp người đối diện có cái nhìn thiện cảm hơn đối với ta. Thật đáng buồn, hiện nay, giới trẻ, đặc biệt là một bộ phận các bạn học sinh hâm mộ những thần tượng, idol mới nổi,… đua đòi chạy theo những bộ áo quần đắt tiền, không phù hợp với lứa tuổi, điều đó là không nên.
Chúng ta là những học sinh, đến trường cần mang đồng phục, hoặc lựa chọn trang phục phù hợp với quy định của nhà trường. Mang những trang phục thoải mái để phù hợp cho việc học tập và rèn luyện cũng như tham gia các hoạt động thể thao. Hãy chọn cho mình những bộ áo quần phù hợp với lứa tuổi, tránh hở hang, phản cảm, mất đi nét đẹp văn hoá vốn có. Hãy chọn cho chính mình những trang phục “đẹp” theo đúng nghĩa của nó, xây dựng văn hóa phục trang trong đời sống mỗi ngày.
6.
Nghị luận về trang phục và văn hóa hay ngắn, mẫu số 6:
Cuộc sống ngày càng phát triển, yêu cầu về cái đẹp trong mắt con người lại càng được nâng cao hơn. Đẹp không chỉ thể hiện ở khuôn mặt, nụ cười, hàm răng, mái tóc, mà còn cả ở trong cách ăn mặc, trong trang phục thường ngày, và cả trong lối sống, cách ứng xử, cách giao tiếp, văn hóa. Vậy trang phục và văn hóa liệu có mối tương quan nào với nhau trong xã hội ngày nay hay không?
Như cha ông ta ngày xưa từng khuyên dạy con cháu rằng: “Cái răng cái tóc là góc con người” hay “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”, đó chẳng phải là lời khuyên bảo, muốn con cháu chúng ta phải biết lựa chọn cách ăn mặc, cách ứng xử cho phù hợp hay sao? Một trang phục đẹp tôn lên không chỉ tôn lên thẩm mỹ của người mặc, mà còn giúp cho người đối diện có thể đánh giá được một phần nào đó văn hóa của một con người.
Trang phục vốn chỉ những thứ chúng ta mặc lên người mỗi ngày. Đó có thể là một chiếc váy, một bộ quần áo thể thao, một bộ quần áo dài, một chiếc mũ, một đôi giày, … Trang phục được sử dụng cho mục đích cao cả nhất là giúp con người bảo vệ thân thể của mình. Không những vậy, ngày nay, chọn trang phục phù hợp còn giúp thể hiện khả năng thẩm mĩ của người mặc. Những trang phục phù hợp với văn hóa, với hoàn cảnh thì được gọi là những trang phục đẹp. Trang phục đẹp sẽ tôn vinh lên con người cũng như tôn vinh phần nào đó lối sống, phong cách của con người đó. Còn về văn hóa, ta hiểu đó là bao hàm của cách sống, bao gồm nhiều mặt trong cuộc sống của con người, trong đó có trình độ học vấn, trang phục, lối sống, văn hóa ứng xử … Văn hóa không chỉ thể hiện ở một khía cạnh mà nó còn mở rộng liên hệ tới nhiều vấn đề trong cuộc sống của một con người, và đôi khi còn liên quan tới cả khía cạnh tâm linh và tôn giáo nữa. Vậy nên, có thể nói, để đánh giá một con người, không chỉ dựa vào mức độ nhận thức, trình độ văn hóa mà còn cả khía cạnh ăn mặc, trang phục của người đó nữa.
Khi tiếp xúc với một người, ấn tượng đầu tiên chúng ta bắt gặp, để lại sâu sắc trong lòng chúng ta nhất phải nói tới trang phục. Một trang phục lịch sự, gọn gàng, bắt mắt sẽ giúp chúng ta để lại một thiện cảm không nhỏ trong mắt người đối diện. Từ đó có thể thấy rằng, trang phục cũng góp một phần không nhỏ tạo nên những dấu ấn đầu tiên đối với mỗi người. Tiếp xúc với một người khác, chúng ta không chỉ để ý đến thái độ, đến cảm xúc của người đó, ta cũng sẽ để ý đến trang phục. Nếu trang phục vừa toát lên thần thái, lại lịch sự, trang nhã, chắc hẳn hứng thú nói chuyện với người đó chẳng nhiều thêm một chút hay sao? Chúng ta cũng sẽ có những nhận xét rằng đó là một con người thân thiên và có văn hóa. Ngược lại, bắt gặp ở đối diện chúng ta một người với cách ăn mặc lố lăng, phản cảm, liệu chúng ta có thể đánh giá đó là một con người tốt đẹp được hay không?
Văn hóa và trang phục, đây là hai khía cạnh tưởng chừng như chẳng có chút liên quan nào trong cuộc sống của chúng ta, vậy mà chúng lại có những liên quan mật thiết mà không phải ai cũng có thể hiểu hết được. Trang phục là người đồng hành của ta mỗi ngày, là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với người khác. Cũng có thể, người ta sẽ đánh giá chúng ta qua cách mà chúng ta ăn mặc, cách chúng ta nói chuyện với người khác. Một trang phục có văn hóa là một trang phục không chỉ thể hiện tính thẩm mĩ của người mặc mà còn phải lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh cũng như độ tuổi của người mặc. Chúng ta không thể nói một học sinh ăn mặc theo phong cách của một người trưởng thành là văn hóa được dù học sinh đó la một người có giáo dục. Bởi lối ăn mặc đó không phù hợp với độ tuổi cũng như hoàn cảnh của thiếu niên. Vậy nên có thể nói rằng, trang phục cũng góp phần tạo nên một phần văn hóa trong cuộc sống mỗi ngày.
Thế nhưng, ở mỗi thời kì, trang phục được lựa chọn lại mang những yếu tố, những đặc điểm khác nhau, tùy theo văn hóa của mỗi thời đại. Nếu như áo tứ thân, áo bà ba ngày xưa được coi là những bộ trang phục không chỉ mang nét truyền thống mà còn thể hiện văn hóa khách quan của từng vùng miền. Mặc những bộ trang phục ấy, không chỉ tôn lên được vẻ đẹp trong phong tục mà còn toát lên được văn hóa trong lối ứng xử dù lúc ấy chúng ta còn chưa được văn minh, tân tiến như bây giờ. Ngày nay, xã hội phát triển, áo tứ thân, áo bà ba không còn là những trang phục phổ biến, chúng ta yêu cầu những bộ trang phục đẹp hơn, gọn gàng, thanh thoát và năng động hơn. Thế nhưng không phải vì thế mà thời trang của những trang phục phản cảm, thiếu tinh tế lên ngôi! Chúng ta tiếp nhận cái mới nhưng luôn phải lưu ý rằng thời trang, trang phục chúng ta mặc sẽ biểu thị cho văn hóa của chúng ta. Một chiếc áo dài vẫn sẽ là một nét đẹp truyền thống không thể thiếu. Một dân tộc có văn hóa mới là một dân tộc mạnh được.
Thế nhưng, liệu chúng ta có thể nói rằng, quần áo, trang phục có thể nói lên hết được văn hóa của một con người hay không? Điều này có lẽ là không? Bởi vì văn hóa của một con người được đánh giá trên nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ ở trang phục, mà còn ở thái độ, cách sống, lối làm việc, … Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng, thông qua cách ăn mặc mà chúng ta có thể đánh giá được rất nhiều từ ánh nhìn đầu tiên với một con người. Chúng ta không thể nói rằng, một người ăn mặc xấu thì luôn làm những việc không tốt được. Ăn mặc thể hiện văn hóa của người mặc, nhưng cũng đừng trở thành những kẻ chủ quan, “xem mặt mà bắt hình dong”, đánh giá thiếu chính xác về một con người. Có nhà bác học nào đó đã nói rằng: “Những thiên tài thường là những kẻ lập dị”, chính thế nên đôi khi chúng ta phải tiếp cận sâu một con người mới có thể hiểu hết được con người đó, chứ không nên chỉ đánh giá qua bề ngoài qua trang phục.
Trong dòng chảy lịch sử của thế giới, chúng ta đã gặp không ít những người có lối sống, phong cách sống hoàn toàn phù hợp với ấn tượng đầu tiên mà ta gặp khi nhìn người đó qua cách ăn mặc, trang phục. Chúng ta có thể nhận ra ngay Hồ Chí Minh vĩ đại, cả một đời cống hiến cho sự nghiệp cứu nước của dân tộc Việt Nam. Từ ánh nhìn đầu tiên ta bắt gặp bộ quần áo kaki đã bạc, đã sờn, một sự giản dị đến mộc mạc, chân phương nhất của một vị Chủ tịch nước, ta đã cảm nhận được ở Bác một sự dung dị, một trí tuệ không tầm thường. Thế đó, chỉ bằng cách nhìn qua trang phục thôi, chúng ta có thể nhận ngay ra văn hóa của một người, sự thiện cảm cũng như lối sống của người đó. Ngược lại, chúng ta cũng có thể bắt gặp những con người mang trên mình những bộ cánh hàng hiệu, đắt đỏ hàng trăm hàng triệu đồng nhưng lại không nỡ bỏ ra vài chục ngàn cho một kẻ ăn xin nghèo đói. Chúng ta có thể bắt gặp những kẻ khoác trên người bộ lông thú sặc sỡ mà không biết được bao con vật đã bị chết, bị giết bởi sự thỏa mãn giàu sang của họ. Nhưng chúng ta không thể đoán biết được, như ông bà ta nói “Xem mặt mà bắt hình dong” để đánh giá một con người. Chúng ta biết tới một cô ca sỹ người Mỹ – Lady Gaga, một kiểu người lập dị, không thể gây thiện cảm với lối ăn mặc khác người, đôi khi là phản cảm, khó ưa, thế nhưng đằng sau đó, ai biết cô là người đã bỏ hàng triệu đô để làm từ thiện, làm ơn cho người người nghèo đói, cho trẻ em vô gia cư. Thế đấy, trang phục phản ánh văn hóa của con người nhưng không phải là tất cả.
Để dung hòa văn hóa và trang phục tưởng chừng như vô cùng khó khăn, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Chỉ một chút tinh tế thôi chúng ta đã có thể tạo nên cho mình một bộ trang phục đẹp, thể hiện tính cách, văn hóa của mình. Một học sinh thì nên sử dụng đồng phục làm trang phục chính của mình. Bởi đó không chỉ phù hợp với lứa tuổi học sinh mà còn phù hợp với văn hóa, với hoàn cảnh nữa. Ăn mặc đẹp không phải khoác lên người những bộ cánh hàng hiệu, bộ trang sức đắt tiền mà cái đẹp là từ trong lối sống, trong tâm hồn, và trong cách ứng xử. Chỉ cẩn trang phục đơn giản thôi cũng đã thể hiện văn hóa của học sinh rồi. Chúng ta cũng có thể thấy, các học sinh phổ thông với chiếc áo dài trắng tinh trong những buổi tới trường. Đó cũng là một trang phục đẹp, phù hợp và thể hiện văn hóa của họ. Trang phục đẹp tức là trang phục lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh, với túi tiền của bản thân, không phải trang phục đắt tiền mới làm nên văn hóa của các bạn. Đừng trở thành nạn nhân của những xu hướng thời trang, và cũng đừng trở thành một kẻ lập dị, thiếu văn hóa, không có ý thức khi khoác lên mình những bộ trang phục dị hợm, xấu xí, phản cảm.
Muốn được ăn mặc đẹp, muốn trở nên sành điệu tinh tế trong mắt mọi người là điều mà ai cũng hướng tới. Nhưng cái đẹp trong cách ăn mặc, trong trang phục phải luôn đi kèm với văn hóa, phải kèm với sự lịch sự, ứng xử văn minh. Trang phục đẹp sẽ giúp tạo nên ấn tượng về văn hóa tốt. Vậy nên hãy trau dồi cho mình không chỉ khả năng về thời trang mà hãy trau dồi cả nhân cách tâm hồn, để trở thành người đẹp cả ngoại hình và cả tâm hồn nữa.
——————-HẾT——————
Trên đây các em đã cùng tìm hiểu và bàn luận về vấn đề trang phục và văn hóa trong cuộc sống hiện đại. Để mở rộng thêm vốn hiểu biết về xã hội, các em có thể tham khảo và tự luyện tập với những đề bài nghị luận khác như: Nghị luận xã hội về tác động của Internet, Nghị luận về sự lười biếng, Nghị luận xã hội Tầm quan trọng của sức khỏe đối với mỗi người, Nghị luận về một thói quen trong xã hội Sự nịnh bợ.