Nghị luận về vấn đề an toàn giao thông chọn lọc hay nhất

Đất nước chúng ta đang trong quá trình hội nhập hóa và toàn cầu hóa quốc tế, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,…thì đất nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần được giải quyết tốt hơn để đảm bảo cuộc sống an toàn, chất lượng cho người dân. Một trong những vấn đề lớn hiện nay được nhiều người quan tâm đó chính là về an toàn giao thông, vì vậy bạn hãy cùng Luật Minh Khuê bàn luận, làm rõ vấn đề này qua bài Nghị luận về vấn đề an toàn giao thông chọn lọc hay nhất ngay sau đây nhé!

1. Dàn ý bài nghị luận về vấn đề an toàn giao thông

Xác định vấn đề nghị luận: Vấn đề an toàn giao thông. Là dạng bài nghị luận xã hội bàn bạc về một hiện tượng đời sống.

Gợi ý dàn ý chi tiết triển khai bài nghị luận:

 

1.1 Mở bài:

Dẫn dắt vấn đề nghị luận, chỉ ra được vấn đề an toàn giao thông là vấn đề cấp thiết, cần quan tâm, bàn luận.

 

1.2. Thân bài:

Vì vấn đề an toàn giao thông là một hiện tượng đời sống, nên cần triển khai theo những khía cạnh sau để việc bàn luận được sâu sắc, xác thực và chân thật nhất, cụ thể:

1.2.1. Giải thích: có nhiều cách tiếp cận khái niệm vấn đề an toàn giao thông:

  • Chưa có một định nghĩa cụ thể nào về an toàn giao thông, có thể giải thích theo cách chiết tự nghĩa. Do vậy có thể hiểu an toàn giao thông: việc đảm bảo an toàn cho các chủ thể tham gia giao thông, giúp các chủ thể đó giảm thiểu tình trạng phát sinh tai nạn giao thông.
  • Đối lập với an toàn giao thông là tai nạn giao thông: sự cố, sự kiện nằm ngoài ý muốn chủ quan, không kịp phòng trách dẫn đến thiệt hại.

1.2.2. Hiện trạng

  • Những biểu hiện như: vượt đèn đỏ, sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông, điều khiển xe cơ giới khi chưa đủ tuổi cho phép,…
  • Những con số cụ thể: Có thể dựa vào báo cáo của cơ quan chức năng có thẩm quyền để đảm bảo tính chân thực.

1.2.3. Nguyên nhân:

  • Nguyên nhân khác quan: hệ thống cầu đường chưa được đảm bảo, tình hình thời tiết, thiên tai ảnh hưởng,…
  • Nguyên nhân chủ quan: ý thức chấp hành an toàn giao thông của một số bộ phận người còn kém,…

1.2.4. Hậu quả

  • Đối với xã hội: đối tượng tai nạn trong độ tuổi lao động là chủ yếu, dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trẻ; phúc lợi xã hội bị thâm hụt,…
  • Đối với nạn nhân vụ tai nạn giao thông: nhiều gia đình không còn hạnh phúc trọn vẹn, kinh tế nguồn tài chính gia đình bị suy giảm,…
  • Đối với những người liên quan: người dân bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, phải chịu nghĩa vụ pháp lý dù là vô ý,…

1.2.5. Đề xuất giải pháp: 

  • Giải pháp chung: hoàn thiện những quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề an toàn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục,…
  • Đối với mỗi cá nhân: nâng cao ý thức, văn hóa an toàn giao thông từ môi trường gia đình cho đến học đường, xã hội…

 

1.3. Kết luận

Khẳng định và nhìn toàn diện vấn đề (tín hiệu tích cực của vấn đề an toàn giao thông)

 

2. Bài nghị luận về vấn đề an toàn giao thông

Xã hội ngày càng phát triển thì những phương tiện, dịch vụ phục vụ, cung cấp cho đời sống ngày càng đa dạng và phát triển hơn, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của chúng ta. Bên cạnh những điều tích cực như vậy, thì xã hội hiện đại vẫn còn tồn tại những vấn đề nóng, vấn đề vướng mắc chưa được giải quyết cụ thể và làm nhức nhối trong sự quan tâm của dư luận. Một trong những vấn đề nóng được nhắc tới nhiều nhất hiện nay đó chính là vấn đề an toàn giao thông. 

An toàn giao thông là cụm từ chưa được định nghĩa chính xác ở bất kỳ một từ điển hay văn bản pháp luật nào, vì vậy có thể có nhiều cách hiểu về an toàn giao thông như sau: Hiểu theo cách chiết tự từ: “an toàn” là không nguy hiểm, là trạng thái mà chúng ta được đảm bảo, được bảo vệ khỏi những nguy hại, còn “giao thông” là hệ thống di chuyển, đi lại của mọi người và giao thông thường có tổ chức, được kiểm soát bởi chính phủ. Vì thế có thể hiểu an toàn giao thông là việc đảm bảo cho các chủ thể tham gia giao thông, giúp họ có thể giảm thiểu tình trạng phát sinh tai nạn giao thông, từ đó hạn chế được tổn thất về vật chất, tính mạng, tinh thần của con người. Hay cũng có thể hiểu an toàn giao thông trái ngược với tai nạn giao thông. Theo đó tai nạn giao thông là sự kiện bất ngờ, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, xảy ra khi các đối tượng tham gia giao thông trên mạng lưới giao thông, nhưng do chủ quan, vi phạm các quy tắc an toàn giao thông hoặc gặp phải các tình huống, sự cố đột xuất không kịp phòng tránh, đã gây ra những thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản.

Có thể thấy vấn đề an toàn giao thông là vấn đề vô cùng nhức nhối hiện nay, thật không thể khó để chứng kiến những cảnh tượng, hành động nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông của một số bộ phận người hiện nay như: tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, hay đội mũ bảo hiểm chống đối, vượt đèn đỏ, chở hàng hoặc chở người quá số lượng quy định, lạng lách, điều khiển xe cơ giới khi chưa đủ tủ hoặc có dùng chất kích thích,….Và cũng chính những thực trạng dễ thấy, nên con số về các vụ tai nạn giao thông là những con số biết nói: Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an vừa tổng kết vào năm 2022 toàn quốc xảy ra hơn 11.000 vụ tai nạn, chết hơn 6.000 người, bị thương hơn 7.000 người; hay theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, trên cả nước xảy ra 5.684 vụ tai nạn giao thông, bình quân mỗi ngày có 19 người tử vong vì tai nạn giao thông,….

Những thực trạng đáng báo động trên được bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, nguyên nhân khách quan: được coi là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến các vụ tai nạn, thiệt hại như: số lượng người tham gia ngày một tăng dẫn tới tình trạng ngày càng đông các phương tiện tham gia giao thông hơn; hệ thống cầu đường xuống cấp xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà khiến mặt đường không bằng phẳng, cơ sở hạ tầng chật hẹp, không đủ làn khiến người tham gia chen lấn theo quy tắc “điền vào chỗ trống”; đặc điểm cấu tạo của phương tiện có điểm mù gây hạn chế trong quan sát hay những loại phương tiện tự chế chưa đủ tiêu chuẩn an toàn; điều kiện thời tiết mưa bão, sương mù,…Thứ hai, nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vấn đề an toàn giao thông không được giải quyết triệt để, theo đó ý thức, thái độ, văn hóa của người tham gia giao thông còn thấp, chưa tuân thủ cũng như trang bị đầy đủ kiến thức về quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông, có thể nói ý thức chấp hành luật giao thông cũng như văn hóa ứng xử của đất nước ta chưa thực sự tốt.

Với những điều đó mà hậu quả tai nạn giao thông để lại là vô cùng đáng tiếc. Đối với xã hội, đa phần chủ thể bị tai nạn giao thông và bị thương tật, thậm chí là tử vong thường ở trong độ tuổi lao động, điều này khiến cho đất nước mất đi một phần nguồn lực lao động dồi dào, dễ dàng xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, các vấn đề về nghèo đói, bệnh tật cũng tăng lên, phúc lợi xã hội sẽ bị thâm hụt bởi đa số người tử vong là các đối tượng thanh niên là trụ cột, nguồn lao động chính của gia đình. Đối với bản thân người bị tai nạn, nếu may mắn thì sẽ bị xây xát nhẹ hoặc bị thương để lại di chứng sau này, nặng hơn sẽ là thương tật bộ phận, và đáng tiếc nhất là sống thực vật, tử vong,…hậu quả này không chỉ gây ra đau đớn về thể chất, tinh thần của người bị tai nạn mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, cuộc sống của người thân. Và với những người xung quanh khi chứng kiến tai nạn họ sẽ bị ám ảnh, ảnh hưởng tâm lý, mang sự lo sợ khi tham gia giao thông, hoặc những người dù vô ý gây tai nạn giao thông thì vẫn phải bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần, tiền cấp dưỡng cho người bị tai nạn.

Vậy giải pháp nào cho những hậu quả trên? Vì vấn đề được xác định từ 2 nguồn nguyên nhân, nên giải pháp cũng phải được dựa trên 2 nguyên nhân đó là: Cần tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong toàn dân, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tham gia giao thông ở các địa bàn đặc biệt là khu vực công cộng, đông dân cư; hoàn thiện các thể chế pháp luật về an toàn giao thông như nâng cao mức xử phạt hành chính, hoặc thu hồi phương tiện giấy phép trong thời gian dài,….bên cạnh đó mỗi người cũng cần phải nâng cao ý thức của mình khi tham gia giao thông từ việc nhỏ nhất như đi đúng đường, đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia, và đặc biệt cần rèn luyện cho học sinh ý thức an toàn giao thông từ gia đình, trường học và ra đến toàn xã hội.

Tuy nhiên, vấn an toàn giao thông của nước ta cũng có những mặt tích cực như: những con đường, chiếc cầu mới được phục hồi xây dựng, đèn điện được trang bị nhiều hơn giúp việc đi lại thuận tiện, nghĩa tình cao đẹp khi gặp người bị nạn được đề cao, giáo dục ý thức từ môi trường gia đình cha mẹ làm gương cho con cái được nâng cao, công tác kiểm tra, kiểm soát giao thông được thực hiện tốt hơn,…Như vậy, vấn đề an toàn giao thông là vấn đề của cả toàn xã hội, mỗi bản thân chúng ta cần phải thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm khi tham gia giao thông thì mới có một tập thể tốt xây dựng xã hội văn minh, an toàn.