Nghị luận về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay

Nghị luận về văn hóa đọc của giới trẻ – Văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Nói cách khác là ý thức đọc sách đúng đắn của con người.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.

***

Bàn về văn hóa đọc của người Việt Nam

Nhà văn Mark Twain đa từng nói: “Một người không đọc sách chẳng hơn gì một kẻ không biết đọc”. Rõ ràng, đọc sách để tiếp thi tri thức và làm giàu cho đầu óc của mình là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triểm mạnh mẽ của nền công nghệ điện tử, việc đọc sách cũng có nhiều thay đổi sâu sắc.

Văn hóa đọc sách là đọc sách một cách có văn hóa. Nói cách khác là ý thức đọc sách đúng đắn của con người. Văn hóa đọc đề cao tính nghệ thuật, nhu cầu thưởng thức văn hóa đích thực trong việc đọc sách. Bởi thế, nó vượt lên trên khái niệm đọc đơn thuần.

Chưa bao giờ việc đọc sách và văn hóa đọc sách được người ta lo lắng và bàn luận nhiều như ngày nay. Thậm chí, đã có những cuộc hội thảo cấp quốc tế đưa ra nhiều con số và có những dự báo đáng lo ngại.

Việt Nam là một dân tộc yêu sách, yêu tri thức và luôn cầu tiến trên con đường tri thức. Thế nhưng ngày nay, văn hóa đọc của người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ sa sút nghiêm trọng. Ngày càng có ít bạn trẻ thích đọc sách và càng có ít người viết sách. Họ thích giải trí trên các phương tiện nghe, nhìn hơn là cầm sách lên đọc.

Với sự phát triển như vũ bão của nền công nghiệp hiện đại, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, truyền thông, giải trí, các phương tiện nghe, nhìn (điện thoại, máy tính bản, laptop,…) tỏ ra vượt trội và tính năng tiện dụng, hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn so với trang sách in. Việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online là một xu thế tất yếu. Sách điện tử sẽ là hình thức của sách trong tương lai. Từ sự thay đổi về phương tiên, con người cũng thay đổi về sở thích và thói quen đọc sách. Họ thích sự giản đơn, nhanh chóng và tiện lợi.

Công nghệ in ấn phát triển mạnh mẽ. Kéo theo đó một số lượng đầu sách lớn ra đời. Nội dung sách cứ lặp đi, lặp lại theo hướng mô phỏng, thiếu hẳn sự sáng tạo vượt trội. Điều đó gây nên sự nhàm chán cho người đọc. Trong những năm gần đây, số lượng đầu sách mới xuất bản ở nước ta còn rất hạn chế. Mặc dù, chính phủ và nhiều tổ chức đoàn thể không ngừng khuyến khích viết sách qua các cuộc thi có giải thưởng song vẫn chưa thể khuấy động niềm đam mê sáng tác, nghiên cứu nghệ thuật của các cây bút.

Một số bạn trẻ sống hời hợt, tôn vinh những giá trị kém cỏi, khiến cho các văn hóa phẩm lệch lạc có xu hướng trỗi dậy. Chẳng hạn, nhiều người thích đọc truyện ngôn tình hơn là một tiểu thuyết đích thực. Không ít người chỉ thích đọc truyện phiêu lưu, trinh thám, kinh dị, sex,… khiến cho những kẻ in sách trái phép có cơ hội ăn nên làm ra. Văn hóa đọc vì thế mà bị suy thoái trầm trọng.

Sự định hướng về văn hóa đọc và xây dựng một văn hóa đọc lành mạnh, sáng tạo từ phía nhà nước cũng chưa thực sự đúng đắn. Việc quản lí văn hóa phẩm, bản quyền tác phẩm còn hết sức lỏng lẻo. Đặc biệt là việc kiểm soát các văn hóa phẩm đồi trụy chưa được quan tâm đúng mức. Sự lơ là của các cơ quan chức năng làm nảy sinh hiện tượng sao chép trái phép, ăn cắp bản quyền sản phẩm sáng tạo khiến cho người sáng tạo chán nản, không còn có động lực sáng tạo.

Đọc sách và xây dựng văn hóa đọc sách lành mạnh, hiệu quả và tiến bộ vẫn là một nhu cầu thiết yếu trong xã hội ngày nay. Chúng ta không chỉ đọc để thưởng thức vẻ đẹp của nghệ thuật mà còn làm giàu tri thức, đánh thức niềm rung cảm chân thiện ở mỗi con người.

Trước hết là việc lựa chọn sách để đọc. Chúng ta nên đọc nhiều loại sách thuộc các lĩnh vực khoa học, triết học, văn chương nghệ thuật, tủ sách học làm người,… Cũng cần tránh đọc những quyển sách có nội dung dễ dãi, tầm thường, nhảm nhí vừa mất thời gian lại vừa rất có hại cho tâm hồn.

Chúng ta cũng không thể đọc hết số đầu sách hiện có mà nên xác định trong cuộc đời mình chỉ cần đọc những quyển sách thực sự cần thiết mà thôi. Đọc sách cốt lấy tinh túy. Không tham lam đọc trăm nghìn quyển mà không nhớ gì về nó. Đọc sách nhất thiết phải đọc chậm rãi và nghiền ngẫm sâu sắc, tiếp nhận đầy đủ tinh hoa có trong sách. Từ tri thức tiếp nhận biến nó thành hành động hữu ích, góp phần phát triển bản thân, xã hội và thế giới. Đó mới là người viết đọc sách.

Trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều người không muốn đọc sách. Họ không nhận thấy vai trò và lợi ích của sách đối với tinh thần. Thậm chí, họ còn tỏ ra xem thường sách vở và tri thức. Những hành động hủy diệt sách trong lịch sử khiến người ta đau lòng. Mặt khác, có nhiều người lại đọc sách không đúng cách. Họ đọc một cách vội vã. Họ muốn tỏ ra là người đọc nhiều. Tuy đọc trăm nghìn quyển sách nhưng còn đọng lại chẳng có bao nhiêu. Dù có thay đổi nhiều về hình thức và phương thức đọc thì sách vẫn là sản phẩm tinh thần kì diệu của con người. Đọc sách có văn hóa là một cách tích lũy tri thức hữu ích nhất.

Đọc sách là cách tốt nhất để di dưỡng tinh thần. Một xã hội tiến bộ phải là một xã hội biết quý trọng sách. Cần phải xây dựng một nền văn hóa đọc vững mạnh và khuyến khích toàn xã hội đọc sách. Một khi con người say mê đọc sách chắc chắn rằng tri thức sẽ phát triển, nhân tài sẽ xuất hiện, đất nước sẽ cường thịnh, phồn vinh.

» Xem thêm: Nghị luận về ý nghĩa của việc đọc sách

Một số bài nghị luận hay

về thực trạng văn hóa đọc của giới trẻ ngày nay

Bài số 1:

Ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ. Tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Một trong những vấn đề đó nổi lên là văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay – Vấn đề đáng để chúng ta cùng suy nghĩ.

Bạn hiểu gì về văn hóa đọc? Văn hóa đọc ở đây chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức sách vở. Phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp cận tri thức (Theo nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình).

Chúng ta đều biết trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách. Phải chăng họ nghĩ với những thông tin hiện đại họ không cần tới sách nữa? Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có một lần nêu câu hỏi: “Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không?” Và ông tự trả lời rằng: “có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng”. Còn đối với văn hóa đọc thì ông khẳng định: “bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”.

Văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Vậy sẽ có tương lai nào cho văn hóa đọc sách trong thời đại bùng nổ thông tin?

Khác với vài chục năm về trước, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Giới trẻ ngay nay lười đọc hay họ không biết chọn sách? Có những bạn chạy theo phong trào để đọc sách. Có một thời gian những cuốn sách như “mãi mãi tuổi 20”, “Lê Vân yêu và sống” làm mưa gió trên thị trường. Rồi có khi họ đọc theo mốt: “Thế Giới Phẳng” là tên một cuốn sách rất thành công của nhà kinh tế- xã hội học Thomas Friedman. Cuốn sách trình bày những quan điểm mới lạ đối với bạn đọc trong nước về xu thế toàn cầu hóa, “Thế Giới Phẳng” không phải là một cuốn sách dễ đọc, phần lớn người đọc không hiểu hết tư tưởng của tác giả. Thế là dù không thích, không hiểu nhưng các bạn trẻ vẫn chạy đi mua những cuốn sách mà mọi ngừời vẫn đọc để mình không trở thành người lạc hậu. Đó là chưa kể tới việc hiện nay thị trường sách vô cùng phong phú về nội dung và hình thức, có nhiều sách được coi là “sách đen” vẫn được giới trẻ truyền tay nhau đọc hăng say. Thật đáng lo ngại! Rồi có những bạn trẻ lại cho rằng đọc sách là lạc hậu – Đây là thời đại CNTT thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Xin thưa đây là lối suy nghĩ sai lầm. Internet có khối lượng thông tin phong phú, nhanh và cập nhật nhưng liệu các bạn đọc xong còn đọng lại trong đầu được bao nhiêu? Bạn có thể “gậm nhấm”, “nhâm nhi” từng câu văn, từng linh hồn mà tác giả gửi gắm vào đó không?

Với thực trạng như thế, mỗi chúng ta ai không phải suy nghĩ nhìn nhận lại chính bản thân mình? Văn hóa đọc đã xuống cấp tới mức báo động chưa? Có thể chưa đến “đèn đỏ” nhưng đèn vàng đã cảnh báo một nguy cơ có thể đến. Đó là việc thiếu nghiêm túc trong việc đọc, không thấy rõ được vai trò quan trọng của đọc sách. Thời đại thông tin dạy chúng ta phải biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thời cơ. Vì vậy các bạn hãy tự tìm và trau dồi cho mình một thói quen đọc nhé.

Bài số 2:

Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại, từ bao thế kỷ nay, ở nhiều nước đã xuất hiện thư viện và việc tổ chức đọc sách, báo cho các tầng lớp nhân dân. Ngày nay, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa đọc đã bị tác động không nhỏ, tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít. Một trong những vấn đề nổi lên là văn hóa đọc sách của giới trẻ – vấn đề đáng để chúng ta cùng suy nghĩ.

Chúng ta đều biết, trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng hiện nay, hình như mọi người có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với đọc sách, nhất là giới trẻ. Phải chăng họ nghĩ rất dễ dàng cặp nhật thông tin thông qua các phương tiện nghe nhìn hiện đại thì không cần tới sách nữa? Văn hóa đọc sách đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Cơ hội bởi mỗi chúng ta đều có thể tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ chỉ cần thông qua một thiết bị nghe nhìn đơn giản như chiếc điện thoại smartphone, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách truyền thống vốn có bởi sự lấn át của quá nhiều phương tiện nghe nhìn hấp dẫn. Vậy sẽ có tương lai nào cho văn hóa đọc sách trong kỷ nguyên số?

Khác với vài chục năm về trước, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Chỉ có điều siêu thị sách thì vắng vẻ hơn, thư viện rất nhiều sách nhưng khách thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy nhưng có nhiều cuốn sách được coi là “sách đen” xuất hiện trên thị trường vẫn được giới trẻ truyền tay nhau mải mê đọc. Rồi có những bạn trẻ lại cho rằng đọc sách giấy là lạc hậu. Sẽ là sai lầm khi đa số các bạn trẻ cho rằng bây giờ là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Các kênh truyền hình thì phát sóng 24/24, đầy ắp phim, ảnh đủ các thể loại, chỉ cần nhấp chuột rà qua các mạng là có thể khai thác được thông tin. Với thực trạng như thế, có lẽ mỗi chúng ta ai cũng băn khoăn cho văn hóa đọc hiện nay.

Internet có khối lượng thông tin phong phú, nhanh và cập nhật nhưng liệu đọc xong các bạn còn đọng lại trong đầu được bao nhiêu, hay chỉ như cơn gió thoảng qua? Bạn có thể nghiên cứu, “nhâm nhi” từng câu, từng chữ mà tác giả gửi gắm vào đó không? Đối với các nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, sinh viên, học sinh… đọc sách vẫn là một công việc bắt buộc, thường xuyên mà nếu thiếu nó người ta rất khó có chuyên môn tốt, có khối lượng kiến thức đủ rộng để phục vụ công việc. Khi nói đến đọc sách, nhiều nhà văn cũng cho rằng, bản thân hình ảnh thì thoảng qua, chỉ từ ngữ mới đọng lại lâu bền.

Cũng bởi ít đọc, ít cập nhật thông tin qua sách báo, nên vốn văn chương của lớp trẻ bây giờ được đánh giá là hơi “cạn”. Những năm gần đây, sau mỗi đợt chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học lại rộ lên nhiều câu chuyện về những bài thi với câu văn ngô nghê, những cột mốc lịch sử bị sai lệch… đang gióng lên hồi chuông về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.

Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng. Sách được coi là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói, sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người. Đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới.

Thời đại thông tin ngày nay dạy chúng ta phải biết tận dụng cơ hội để nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Sách là nguồn tri thức quý giá mà nhân loại đã trao tặng cho bạn. Nếu như bạn là người không có thói quen đọc sách hằng ngày thì có lẽ bạn đã bỏ qua nhiều lợi ích của việc đọc sách. Thiết nghĩ, mỗi chúng ta nên đọc sách và chọn sách là bạn đồng hành trên con đường hướng đến thành công của mình.

Tùy theo nhu cầu công việc của mỗi người, chúng ta hãy lựa chọn cách đọc và khai thác thông tin phù hợp, không vì quá lệ thuộc công nghệ thông tin mà xa rời văn hóa đọc truyền thống. Hãy biết tranh thủ thời cơ của công nghệ thông tin để khai thác những nội dung mong muốn, cùng phối hợp hài hòa với đọc sách truyền thống chắc chắn sẽ mang lại cho mỗi chúng ta hiệu quả thiết thực cho cuộc sống và sự nghiệp.

Có thể bạn quan tâm: Bàn về những lợi ích của việc đọc sách

Bài số 3:

Ai cũng biết sách là nguồn tri thức vô tận và vô giá được tích lũy từ hàng ngàn đời nay của nhân loại. Ai cũng biết sách là thành quả lao động của bao con người muôn đời khao khát được trao lại cho thế hệ hôm nay và mai sau nữa những tri thức quý báu, những đúc rút quy luật ngàn đời được đánh đổi bằng bao trải nghiệm mồ hôi, xương máu và bao trăn trở theo nhịp năm tháng… Và ai cũng biết sách chỉ thực sự làm tròn sứ mệnh của mình khi nó được tiếp nhận và tiếp thu một cách có văn hóa…

Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hoá đọc sách. Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào thì cũng cần thấy các yếu tố: thói quen đọc sách, cách lựa chọn sách và kỹ năng đọc có vai trò quan trọng để tạo thành văn hoá đọc.  Thế nhưng không ít người hôm nay không có thói quen đọc sách. Họ “để dành” việc đọc sách ấy cho những người trí thức, các nhà văn, nhà khoa học… Hoặc số khác đọc một cách qua loa, những trang sách cứ thế lật đi mà đầu vẫn trống rỗng. Sách có rất nhiều mà không ít người không biết chọn đúng sách để đọc và tìm hiểu. Một số lại chọn đọc sách theo phong trào, không phải do đam mê, không có một chút hiểu biết gì về nội dung cuốn sách mình đang chuẩn bị đọc, cho nên dễ chọn nhầm sách vô thưởng vô phạt, sách có nội dung thiếu văn hoá, không lành mạnh. Vậy nên mới có một nghịch lí trong giới trẻ Việt Nam hiện nay là truyện ngôn tình bán chạy hơn, phổ biến hơn cả những cuốn sách được trao giải Nobel (!!!).

Một xã hội hiện đại đang phát triển, một thế giới của những con người trong thế kỉ bùng nổ công nghệ thông tin đang dần nâng cao nhu cầu hưởng thụ và an nhàn hóa của con người. Cần thứ gì, hầu như bạn đều có thể vịn vào mạng Internet để tìm cho mình! Phải chăng ai đó trong số chúng ta đã từng mặc định cho mình một quan niệm rằng mạng Internet chính là một cuốn “Bách khoa toàn thư” khổng lồ đầy tiện lợi? Và truyền hình, các phương tiện nghe nhìn ngày càng đa dạng, hấp dẫn. Ai đó đã từng cho rằng, truyền hình và các phương tiện nghe nhìn có thể thay thế sách. Có phải vì thế mà sách đã dần mất đi vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người thời đại nay? Bên cạnh đó, người ta mải mê xoay vần chính mình trong bộn bề công việc để kiếm được nhiều tiền nhất có thể.

Có lẽ nhiều người cũng vì thế mà quên đi cái chuyện gọi là “văn hóa đọc sách”. Nhưng dường như không phải thế. Nhà văn hóa Hữu Ngọc có lần băn khoăn: Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không? Và ông tự trả lời rằng: Có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng. Còn đối với văn hóa đọc thì ông khẳng định: Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền. Phải, chỉ có đọc sách chúng ta mới có thể ghi nhớ lâu dài những thông tin, tri thức trong hành trình tích lũy của mình! Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích kì diệu của mạng internet, của các phương tiện nghe nhìn. Song cũng phải nhìn nhận lại ở chiều thứ hai của nó khi chúng ta quá phụ thuộc trở thành lệ thuộc. Tích tắc là có thông tin cần tìm, nhưng khi cần xong lại cũng có thể quên ngay trong tích tắc. Có thể nghe, nhìn một cách trực quan nhưng lại hạn chế khả năng liên tưởng, tưởng tượng. Tìm trong sách, ta còn thấy cả tâm hồn người nghệ sĩ, hồn dân tộc và cả chính nỗi lòng chúng ta. Và thật đáng quý biết bao khi vẫn còn có những người đọc sách bằng tất cả đam mê, khao khát tìm hiểu và khám phá tri thức vĩ đại của loài người, những cuốn sách dường như là một phần tất yếu trong cuộc sống của họ. Thật may mắn thay khi những cuốn sách quý có thể tìm được những người bạn tâm giao cho mình! Lại có những người cần mẫn đi góp những cuốn sách để xây dựng thư viện cho các em thiếu nhi. Đó là gì nếu không phải là truyền niềm đam mê của mình đến cho người khác?

Đọc sách với tôi cũng là cả một nghệ thuật, là một quá trình thường thức thẩm mĩ. Phải biết chọn sách mà đọc. Vấn đề này không mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Sách thì vô vàn nhưng cũng không ít sách vô bổ, thậm chí có sách ảnh hưởng xấu đến người đọc. Đọc sách cũng đòi hỏi người đọc phải có sự tập trung cao độ, nắm bắt thông tin quan trọng nhanh, cần và đủ. Thật tuyệt diệu biết mấy khi vừa đọc sách, vừa nghe kèm một bản nhạc Baroque hay nhạc không lời. Những cuốn sách dày chúng ta có thể chia nhỏ ra thành từng phần để đọc, mỗi ngày một chút, vừa đọc vừa suy ngẫm…

/***/

Các bạn vừa tham khảo một số bài văn nghị luận hay bàn về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay. Truy cập kho tài liệu Văn mẫu 9 để cập nhật thêm nhiều bài văn hay khác giúp bạn rèn luyện kỹ năng làm văn, chuẩn bị tốt cho các bài thi và kiểm tra môn Văn. Chúc các bạn học tốt !

Nghị luận về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay