Nghĩ về Tết Xưa và Tết Nay (Minh Phúc) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo

Tết Nguyên đán hay Tết Cổ truyền là truyền thống văn hóa mang giá trị tinh thần lớn lao của dân tộc, phản ánh rõ đặc trưng văn hóa Việt Nam vốn dựa trên nền tảng nông nghiệp lúa nước. Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng: Năm hết Tết đến, mọi công cuộc làm ăn, sản xuất trước hết là sản xuất nông nghiệp đều dần giảm thiểu đến mức tối đa, thậm chí có khi tạm dừng hẳn để đổ dồn cho việc sửa soạn cái Tết, tắm mình trong không khí Tết, hưởng thụ Tết, sinh hoạt Tết [1].

Hơn thế nữa, Tết chuyển tải các giá trị đạo lý dân tộc tốt đẹp của cha ông chúng ta, nổi bật nhất là tính cộng đồng, tâm thức hướng về nguồn cội, sự giao hòa giữa con người với tổ tiên, thần linh, trời Phật để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, đời sống an khang, hạnh phúc cho gia đình nói riêng và quê hương, đất nước nói chung. Đồng thời, Tết giúp con người hướng về cái mới: “Tống cựu nghinh tân”, cảm nhận sự tươi tắn của tự nhiên lẫn tâm trạng vui mừng, hớn hở.

NHỮNG MẢNG MÀU TẾT XƯA

Tết Nguyên đán vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tuy vậy, ở Việt Nam, Tết được định hình với nhiều sinh hoạt đặc trưng từ phương diện vật chất lẫn tinh thần do cha ông sáng tạo để trở thành Tết mang hương sắc Việt Nam, mang hồn dân tộc thông qua quá trình bản địa hóa. Theo nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Kiều Thu Hoạch: Các phong tục khác trong dịp Tết như thăm hỏi, chúc mừng, mừng tuổi, kiêng kỵ, ăn uống, sum họp,…thì ở ba nước Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc đều giống nhau. Tuy nhiên, dù đi đâu về đâu thì cũng không thể quên được hương vị Việt, bản sắc Việt, cái hồn quê đau đáu nhớ thương của Tết Việt với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh,… Tết Việt là hồn Việt [2].

Tết là lễ hội lớn nhất, quan trọng và thiêng liêng nhất của làng quê Việt Nam xưa nay. Người nông dân đã sáng tạo, định hình nhiều phong tục đặc trưng của ngày Tết dân tộc như: Tục tiễn Ông Táo về Trời, chạp mả tổ tiên, chưng hoa đào, hoa mai, gói bánh chưng, bánh tét, thăm hỏi và biếu quà Tết lẫn nhau, thắp hương ông bà, dựng cây nêu,…. Cách gọi ăn Tết cho biết Tết là thời điểm nghỉ ngơi sau một thời gian lao động nông nghiệp vất vả, là dịp mọi người cùng ngồi ăn uống với nhau để thắt chặt tình cảm gia đình, họ hàng và làng xóm. Cho nên, quá trình chuẩn bị Tết tương đối dài, thật chu đáo ở mỗi gia đình. Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết: Trong ngôn ngữ cổ truyền của người Việt, bắt đầu từ hai ba tháng Chạp năm cũ, người ta gọi là “23 Tết” (ít ai gọi là 23 tháng Chạp) cứ thế kéo dài đến “30 Tết” (Ba mươi tháng Chạp). “30 Tết”, qua “Giao thừa” lại được gọi là “mồng một Tết” rồi “mồng hai Tết”,…cho đến ít nhất là “mồng bảy Tết”,… [3] Cúng đưa Ông Táo xong, người ta bắt đầu dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa bằng những bức tranh mới, những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ, bày biện những khay bánh mứt, bộ tách trà, lau chùi bộ lư đồng sáng quắc….

Những phiên chợ quê dần nhộn nhịp, hối hả với nhiều loại hàng hóa bày bán phục vụ nhu cầu sắm Tết. Trên đôi quang gánh lỉnh kỉnh của người phụ nữ đi chợ Tết có hương trầm, trà bánh, đậu xanh, quần áo mới,… để gia đình đón năm mới trọn vẹn. Những ngày cận Tết, cả nhà quây quần gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt, nấu thức ăn,… Mọi thứ đều được chăm chút cẩn thận. Những đứa trẻ xúm xít dưới bếp hay chạy đùa vui ngoài sân làm cho không khí Tết bắt đầu nhộn nhịp ở mọi nhà. Ngày ba mươi Tết, người ta dựng cây nêu, cúng ông bà mâm cơm, đón ông Táo, chưng hoa mai, hoa đào, bày hoa quả trên bàn thờ. Ở miền Nam, nhiều gia đình bày thêm mâm cúng ở ngoài sân cho những vong hồn để giúp họ phần nào ấm lòng. Điều này cho thấy tính nhân văn trên phương diện tâm linh của Tết Việt. Thiêng liêng nhất là đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ, giữa màn đêm tĩnh mịch, cả gia đình ăn mặc chỉnh tề, dâng hương khấn vái tổ tiên với lòng thành kính. Mùi hương trầm thoang thoảng hòa cùng mùi thơm bánh mứt, mùi hương nhè nhẹ của hoa đào, hoa mai tạo ra một thứ mùi đặc biệt, đó là mùi Tết nếu ai chú ý sẽ cảm nhận rõ.

Trong ba ngày Tết, ở làng quê, người ta đi chúc Tết họ hàng, hàng xóm và thông gia. Khách đến nhà trước tiên là thắp hương cho tổ tiên, sau đó đến chúc Tết, rồi chủ nhà bày mâm cỗ ăn uống, sẵn dịp thăm hỏi lẫn nhau. Điều này giúp thắt chặt tình thân tộc, nghĩa cộng đồng của người dân Việt Nam. Sau ba ngày Tết, người dân đi hành hương và cảm nhận không khí xuân trên khắp nẻo đường làng quê rồi tham gia các sinh hoạt hội hè vui chơi, giải trí náo nhiệt. Đó là trong không khí lành lạnh, mờ sương của tiết trời Bắc bộ, họ trẩy hội chùa Hương, chùa Thầy, lễ hội đền Trần, hội Lim trong niềm hân hoan. Còn tại miền Nam, người dân đi hành hương ở Châu Đốc, viếng Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, viếng chùa Tây An hay du xuân Núi Bà Đen (Tây Ninh), lũ lượt về chùa Bà Bình Dương dịp Rằm tháng Giêng. Trên đường đi, khách thập phương có dịp ngắm cảnh đất trời, sông nước Nam bộ trong ánh nắng vàng ấm phương Nam. Lễ hội đầu năm đáp ứng nhu cầu tâm linh với những mong ước một mùa xuân thái hòa, cuộc sống ấm no của cha ông chúng ta bao đời nay. Như vậy, Tết truyền thống chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nhân văn cốt lõi của dân tộc, biểu hiện những mong ước giản dị, thiết thực trong cuộc sống của con người Việt Nam qua bao thăng trầm lịch sử.

NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA TẾT NAY

Theo đà thay đổi và phát triển của xã hội, Tết hiện nay phần nào khác biệt hơn trước. Điều này cũng dễ hiểu vì đó là quy luật của xã hội và văn hóa. Tuy vậy, những phong tục tốt đẹp của Tết truyền thống vẫn được thế hệ hôm nay gìn giữ như việc tiễn và rước ông Táo, chạp mả tổ tiên, thắp hương khấn vái ông bà, đi thăm họ hàng và hàng xóm, bạn bè, cùng quây quần nấu bánh chưng, bánh tét, bày trí hương sắc hoa mai, hoa đào trong nhà. Từ đó tạo ra một dòng chảy văn hóa Tết tiếp nối giữa thế hệ này sang thế hệ khác, liên tục và không đứt đoạn.

Đời sống kinh tế khá giả, nhất là ở đô thị, nên việc tổ chức, mua sắm Tết đã khác xưa. Hàng hóa phục vụ Tết ngày càng đa dạng, nhiều loại bánh mứt, trái cây, thức uống có nguồn gốc ngoại nhập từ châu Âu hoặc gần nhất là Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,… để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết, thể hiện vị thế xã hội của những người khá giả. Nhiều người tìm mua những sản vật của các địa phương, vùng miền khác để thưởng thức, thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, tìm tòi bản thân. Ở Hà Nội bày bán những chậu mai, quả bưởi da xanh, bánh pía mang từ miền Nam ra. Và nay dân Sài Gòn đã biết tìm mua những gốc đào, bưởi Diễn, trái Phật thủ về chưng Tết, thưởng thức trà Thái Nguyên, tìm mua cặp bánh chưng Bắc dâng lên bàn thờ tổ tiên,…. Tết có lẽ là thời điểm giao lưu sản vật vùng miền nhiều nhất trong năm, theo đà giao thương thuận tiện, phù hợp nhu cầu ăn Tết của nhiều người khá giả, những ai biết thưởng thức. Dạo gần đây, người ta còn quan tâm đến việc ăn Tết làm sao tốt cho sức khỏe, nên chú trọng các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế chất béo và ngọt,…

Xã hội ngày một phát triển dẫn đến sự phân hóa thành những nhóm xã hội khác nhau. Mỗi nhóm, tùy theo công việc lẫn sở thích, nên cách ăn Tết không đồng nhất. Chẳng hạn, những người bận bịu công việc quanh năm, nhất là các doanh nhân, thương gia, nhà quản lý, trí thức, tranh thủ ngày Tết để gần gũi gia đình, sau đó đi du lịch trong, ngoài nước để thư giãn sau thời gian dài bận rộn. Một số bạn trẻ tranh thủ ngày Tết ở lại thành phố làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống, qua mùng bốn, mùng năm mới về nhà ăn Tết. Nhiều công nhân hối hả về quê lo mua sắm Tết cho gia đình sau khi nhận tiền lương, tiền thưởng của công ty, doanh nghiệp. Nhiều người ăn Tết no đủ hay thiếu hụt, vui hay buồn phụ thuộc vào sự phát triển hay suy giảm từ nền kinh tế. Điều này dẫn đến người được thưởng cao, kẻ nhận tiền ít ỏi. Bức tranh Tết không chỉ có những điểm sáng mà còn nhiều góc khuất quanh chúng ta.

Ngày nay, Tết là thời điểm mà nhiều tổ chức, nhiều người tích cực làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và khốn khó trong xã hội, những địa phương xa xôi, nghèo khó. Điều này cho thấy tinh thần nhân văn tiếp tục tỏa sáng trong đời sống con người Việt Nam hôm nay, nhất là dịp Tết chính là thời điểm thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta. Những món quà xuân, những chiếc bánh tét, bánh chưng, những bộ quần áo mới từ thành thị gửi đến vùng sâu, vùng xa nơi sông nước cách trở, nơi núi đồi cao nguyên đèo dốc thăm thẳm hay tận nơi hải đảo xa xôi – nơi có những con người luôn ngày đêm âm thầm bảo vệ quê hương tổ quốc. Tất cả nghĩa cử ấy làm ấm lòng người mỗi dịp xuân về. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình Xuân tình nguyện thu hút ngày càng nhiều sinh viên háo hức gói bánh chưng mang đến cho đồng bào còn nhiều thiếu thốn ở những nơi hẻo lánh, xa xôi. Đêm giao thừa, người vô gia cư, lang thang, cơ nhỡ ở thành phố còn nhận được những phần quà Tết, những bao lì xì ấm áp tình người để phần nào vơi đi những nỗi buồn khi năm mới sắp đến. Cuộc sống tuy văn minh, hiện đại nhưng nghĩa tình là vậy! Đơn giản nhưng thân thương, chứa đựng nhiều ý nghĩa cao đẹp của con người, của văn hóa dân tộc, một gắn kết giữa đô thị với nông thôn, giữa đất liền và hải đảo của đất nước Việt Nam hiện nay.

Ngày nay, không gian Tết không chỉ ở gia đình mà còn mở rộng tại các công viên, chùa chiền để đáp ứng nhu cầu văn hóa của con người. Ở các đô thị lớn, Tết đến người dân luôn dành thời gian quây quần cùng người thân trong gia đình, sau đó họ đưa nhau đến công viên nơi trang trí nhiều hoa kiểng để du xuân, chụp ảnh trong trang phục mới tinh, tươm tất để lưu lại nhiều khoảnh khắc đẹp của ngày Tết phố phường. Bên cạnh đó, theo phong tục truyền thống, họ đi viếng chùa thắp hương lễ Phật để cầu bình an năm mới. Gần đây, nhiều ngôi chùa dựng chòi tranh, bày những chiếc xuồng hoa sen, hoa súng, hoa vạn thọ, viết câu đối, tặng chữ thư pháp,… Đó là sự tái hiện không gian Tết quê giúp gợi nhớ hồn quê hương cho thế hệ trẻ hôm nay – một minh chứng về sự tái sáng tạo văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.

Có thể nói, Tết là sự sáng tạo và kế thừa, phát triển một cách sống động nét văn hóa cổ truyền dân tộc Việt Nam để hình thành nên những giá trị văn hóa tốt đẹp, gìn giữ hồn Tết Việt cho thế hệ mai sau. Tết sẽ biến đổi dần theo thời đại, thích nghi theo nhu cầu của con người, nhưng làm sao giữ gìn được những nét đẹp của văn hóa Tết dân tộc trong bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa thế giới ngày một sâu rộng là điều mà chúng ta cần quan tâm, suy nghĩ.

Đến nay, với người Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, Tết vẫn là khoảnh khắc thiêng liêng, kết nối tình thân họ hàng, làng xóm, nghĩa đồng bào và hướng con người về nguồn cội, gợi nhắc về những ước vọng tốt đẹp cho cuộc sống. Tết xưa, Tết nay và Tết tương lai là sợi chỉ văn hóa để kết nối nhiều thế hệ trên nền tảng gia đình, quê hương đất nước, góp phần vun bồi những giá trị văn hóa, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam qua những thăng trầm lịch sử. Trách nhiệm của chúng ta là giữ gìn, tô đậm và tỏa sáng thêm cho hồn Tết Việt đến với bạn bè quốc tế.

 

Chú thích:

[1] Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Hà Nội, Nxb. Văn học, tr.309.
[2] Kiều Thu Hoạch (2014), Văn hóa dân gian người Việt góc nhìn so sánh, Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội, tr.183-186.
[3] Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Hà Nội, Nxb. Văn học, tr.310

Tài liệu tham khảo:

1. Kiều Thu Hoạch (2014), Văn hóa dân gian người Việt góc nhìn so sánh, Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội.
2. Dương Hoàng Lộc (2020), Về quê ăn Tết, Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Tổng hợp TP.HCM.
3. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Hà Nội, Nxb. Văn học.