Nghiên cứu về người Chăm trong lĩnh vực khoa học xã hội
Phú Văn Hẳn*
1. Vài nét về dân tộc Chăm
Người Chăm ngày nay là con cháu của cư dân Champa xưa. Hiện nay người Chăm cư trú tập trung trong các palei (hoặc puk) thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Người Chăm còn sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh khác nhưng không nhiều. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1 tháng 4 năm 2009, người Chăm ở Việt Nam có 161.729 người. Hiện nay ước tính dân số người Chăm tăng lên hơn 170.000 người.
Người Chăm là một trong những cư dân sinh sống lâu đời trên mảnh đất Việt Nam. Về nguồn gốc tộc người, các nhà khoa học xếp người Chăm vào tiểu chủng Mongoloid phương Nam, nhóm loại hình Nam. Về ngôn ngữ, tiếng Chăm thuộc ngữ hệ Austronesian (Nam Đảo), đại chi Malayo – Polynesian (Mã lai – Đa đảo: M – P), chi Westen Malayo – Polynesian, tiểu chi Sundic, nhóm Malayic, nhóm Achinese – Chamic, tiểu nhóm Chamic. Cùng chung tiểu nhóm này, ở Việt Nam còn có các dân tộc Eđê, Giarai, Churu, Raglai,… Có thuyết cho rằng các tộc người này là con cháu của cư dân đến từ Thế giới đảo. Cũng có ý kiến khác cho đó là cư dân ở phía Nam Trung Quốc di chuyển vào. Những phát hiện về khảo cổ học gần đây đã gợi lên một giả thiết rằng, chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh có thể là tổ tiên của người Chăm và các dân tộc M – P khác ở Việt Nam ngày nay. Do đặc điểm cư trú và bản sắc văn hóa mang tính địa phương, người Chăm ngày nay được phân thành ba nhóm cộng đồng: Chăm Hroi, Chăm Panduranga và Chăm Nam Bộ.
Người Chăm trong quá trình phát triển đã hình thành bản sắc văn hóa phong phú về nội dung và đa dạng về diện mạo. Quá trình giao lưu, tiếp xúc với những yếu tố văn hóa bên ngoài tại mỗi vùng của đồng bào Chăm đã hình thành những sắc thái văn hóa đặc thù mang tính bản địa. Nền nông nghiệp Chăm xưa có dấu vết gắn với nền văn hóa Sa Huỳnh. “Lúa chiêm” xuất hiện ở đồng bằng Bắc Bộ xưa được học giả Lê Quí Đôn nêu trong “Vân đài loại ngữ” là do người Việt xưa mang về từ Chiêm Thành (Champa xưa). Vùng ruộng luá cùng với các loại nông cụ ngày càng được nông dân Chăm cải tiến, nhiều hệ thống kênh mương xưa được phát huy giá trị, các hoạt động tinh thần như hệ thống lễ nghi nông nghiệp vẫn được người Chăm tuân thủ chặt chẽ cùng với các lễ hội truyền thống như Kate, Cambun, Rija,… Tất cả các lễ tiết đó đều nhằm cầu nguyện thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt… và đều là các yếu tố hợp thành nền văn hóa nông nghiệp của người Chăm.
Địa bàn cư trú của người Chăm tập trung ở đồng bằng, song do sinh sống gần biển và tựa lưng vào triền Đông dãy núi Trường Sơn nên người Chăm sớm biết khai thác các tiềm năng của cả biển và núi. Người Champanduranga ngày nay tự nhận mình thuộc dòng “Atau Cek” (Núi)-“Atau Tasik” (Biển) và trong tín ngưỡng gắn với “Yang Cek” (Thần Núi) và “Yang Tasik” (Thần Biển). Nhiều truyện kể của các dân tộc ở Tây Nguyên nói đến mối quan hệ nhiều mặt giữa họ với người Chăm ở đồng bằng. Ngược lại, người Chăm cũng lưu truyền nhiều truyện kể về chuyện “nau kak Raglai” (đi buôn với Tây Nguyên),“nau glai” (đi săn, đi rừng), hoặc “Chăm saai Raglai adei” (tình anh em Chăm và Raglai). Tương tự, nhiều dòng họ người Chăm còn giữ tục kiêng cữ cá biển hoặc trong vật cúng có cá biển. Nhiều “kut, ghul” (nghĩa địa) Chăm gần bờ biển, lễ cúng Rija có phần cúng thần vượt biển (Po Tanghaok) và “ndom jawa haok” (nói tiếng Jawa trên biển).
Cũng chính bằng con đường biển mà cư dân Champa xưa có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài, có sự giao lưu với nền văn minh Ấn Độ và văn hóa Islam. Dấu ấn của văn minh Ấn Độ là sự ảnh hưởng của đạo Phật, đạo Hindu việc thờ ba vị thần Shiva, Vishnu, Brahma và kiến trúc của các tháp Champa hiện lưu lại tại các tỉnh miền Trung là những minh chứng. Hàng trăm tác phẩm văn chương dân gian của người Chăm có nội dung mang nét văn hóa Ấn cho ta thấy ngôn ngữ Chăm không chỉ vay mượn nhiều từ ngữ cùng gốc tiếng Pali – Sanskrit mà mượn luôn cả hệ thống chữ Ấn Độ (loại chữ ghi tiếng Pali – Sanskrit) để xây dựng hệ thống chữ viết của mình (akhar Thrah).
Sự tiếp xúc với Islam giáo xưa trên xứ sở Champa diễn ra khá sớm, có chứng cứ từ khoảng thế kỷ X (qua văn bia bằng ký tự Jawi cổ), và rõ hơn vào thế kỷ XIV-XV, hình thành nhóm Chăm Bani. Về nguồn gốc tôn giáo thì cả Chăm Bani và Chăm Islam đều có chung tôn giáo Islam, song do quá trình phát triển trong lịch sử, người Chăm Bani theo đạo Islam nhưng vẫn bảo tồn các yếu tố truyền thống. Còn Chăm Islam, do tiếp xúc khá thường xuyên với người theo Islam ở Malay, ở Nam Dương (nay là Malaysia, Indonesia,…) và một số cộng đồng Islam ở quốc gia khác nên sinh hoạt tôn giáo của bộ phận này khá thống nhất với người Islam ở Malaysia và các nước. Islam giáo ngày càng xâm nhập vào nền văn hóa Chăm, thể hiện trong tín ngưỡng tôn thờ Auluah (Allah) và các thánh thần khác của Islam.
Champa xưa có thời kỳ mang hình thức của một nhà nước liên bang và đa tộc gồm các tiểu vương Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Hiện nhiều người chỉ hiểu mẫu hệ Chăm theo nghĩa đen là một xã hội mà phụ nữ nắm quyền, trong đó có quyền bắt rể và con cái phải lấy họ mẹ. Điều này chỉ có thể đúng với một bộ phận người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận (như khi con gái đến tuổi trưởng thành đi hỏi chồng, con trai đi ở rể và các con đều theo theo huyết thống bên mẹ, dựa cùng chung kút hoặc ghur). Đối với người Chăm Nam Bộ thì con trai phải đi hỏi vợ, có thể ở rể hoặc không, các con đều theo huyết thống bên cha (tên các con đều gắn với tên cha: Hassan bin Samad hoặc Hassana binti Samad… bin là con trai của…binti là con gái của…).
Các nghề làm gốm và dệt vải của người Chăm hiện nay vừa bảo lưu được vốn truyền thống quí báu, vừa là nguồn thu nhập đối với một bộ phận người Chăm. Nhưng do là một nghề thủ công xưa, kỹ thuật sản xuất chưa được cải tiến nên hàng làm ra không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, đẹp và rẻ hơn.
Hàng năm người Chăm ở mỗi địa phương đều có những ngày lễ hội. Cứ mỗi khi có lễ hội truyền thống, không khí ở các palei Chăm luôn tươi vui, sinh động và khơi dậy nguồn sinh lực mới. Ngoài hàng ngàn tác phẩm cổ đang được người Chăm bảo lưu thì nay đã có thêm nhiều tác phẩm nghiên cứu, ca, muá, nhạc về người Chăm. Các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc Chăm ngày càng được chú ý đầu tư, bồi dưỡng.
Mỗi vùng Chăm (do phát triển tự nhiên của ngôn ngữ) đã hình thành các phương ngữ riêng. Thực hiện chính sách ngôn ngữ dân tộc, chính quyền các địa phương có đông người Chăm đã đẩy mạnh việc biên soạn chương trình dạy chữ Chăm. Ngành giáo dục đã tổ chức nhiều hội nghị rút kinh nghiệm và muốn đưa chương trình dạy chữ Chăm: akhar Thrah áp dụng rộng rãi trong các trường có con em người Chăm ở các tỉnh khác. Hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh và An Giang tổ chức biên soạn riêng giáo trình dạy chữ Chăm theo mẫu tự Jawi và Rumi. Khá đông người Chăm đang sử dụng chữ viết Chăm theo mẫu tự Latinh. Người Chăm không ngừng tự vươn lên hòa nhập vào xã hội văn minh. Họ tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam cũng như hòa nhập vào sự phát triển chung của nhân loại.
Đến nay, có nhiều nghiên cứu về người Chăm và Champa trên nhiều lĩnh vực chuyên ngành khoa học xã hội. Để có cơ sở cho việc nghiên cứu giai đoạn tiếp theo đến năm 2020 và các giai đoạn tiếp sau, việc nghiên cứu và phân tích tổng quan các công trình nghiên cứu về người Chăm là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Điều đó có ý nghĩa vừa làm rõ những đóng góp trong lĩnh vực khoa học xã hội về người Chăm, đồng thời định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo về người Chăm một cách căn bản và hữu ích hơn.
- Nghiên cứu về người Chăm trong lĩnh vực khoa học xã hội
Với bề dày lịch sử, dân tộc Chăm có một di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, góp phần làm nên sự đa dạng của bức tranh toàn cảnh bản sắc văn hóa Việt Nam. Nền văn hóa của người Chăm cho đến nay vẫn luôn là đối tượng hấp dẫn đối với các khoa học xã hội trong và ngoài nước. Có thể nói, trong tư liệu nghiên cứu các dân tộc, tư liệu nghiên cứu về người Chăm là kho tàng giàu có, trải dài suốt nhiều thế kỷ cho đến ngày nay. Theo thống kê của Nguyễn Hữu Thông và các tác giả Phân viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật miền Trung thì đã có 2.278 công trình [chắc chắn là chưa hoàn toàn đầy đủ bởi theo chúng tôi, chỉ riêng các bài viết khoa học đã công bố về người Chăm của các tác giả trong và ngoài nước cũng đã có thể gấp đôi (xem thêm Phú Văn Hẳn, 2006) “Hiện trạng nghiên cứu khoa học xã hội về người Chăm Nam Bộ (1996 – 2006) và những mục tiêu nghiên cứu trước mắt”, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ].
Các nhà nghiên cứu phương Tây đã quan tâm nghiên cứu về người Chăm và được đánh giá như là sự khởi đầu cho nghiên cứu người Chăm trong lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó EFFO (Trường Viễn Đông bác cổ Pháp) là khá liên tục. Trước năm 1975, ở miền Nam, nhiều nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, mà SIL (Viện Ngôn ngữ Mùa hè) là cơ quan có nhiều đóng góp trong nghiên cứu ngôn ngữ và biên soạn các sách dạy và học tiếng dân tộc Chăm. Sau năm 1975, các Trường Đại học Khoa học xã hội (KHXH) và Nhân văn (NV), Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao (VHTT) và Du lịch (DL), Bộ Giáo dục đào tạo và các Viện nghiên cứu đều có những đóng góp đáng kể trong nghiên cứu về người Chăm. Ngành văn hóa luôn quan tâm nghiên cứu đồng hành với việc thực hiện các công trình bảo tồn các tháp Champa, các hoạt động khuyến khích bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Chăm. Ngành giáo dục đào tạo cố gắng biên soạn các sách dạy và học chữ Chăm. Trong không ít công trình khoa học và các nghiên cứu về người Chăm của Trường KHXH và NV thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học khác có các giáo trình dạy về Chăm học cũng như đạt kỷ luật số lượng các khóa luận, luận văn, luận án về đề tài người Chăm. Cũng nên kể đến những công bố liên tục tại các địa phương có người Chăm cư trú đông như ở Phú Yên (của Kasô Liễng…), ở Ninh Thuận (của Thiên Sanh Cảnh, Phan Quốc Anh, Sử Văn Ngọc, Thập Liên Trưởng, Trương Văn Món, Nguyễn Văn Tỷ, Đổng Văn Dinh..), ở Bình Thuận (của Bố Xuân Hổ, Nguyễn Xuân Lý, Lâm Tấn Bình, Thanh Thị Minh Hiền…)… là đáng trân trọng.
Trong các đóng góp ấy, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh (thành lập năm 1975 – nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), liên tục có những công trình khoa học có giá trị về người Chăm.
Từ sau năm 1975 đến nay, việc nghiên cứu người Chăm được các nhà khoa học của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chú ý nhiều hơn. Trong những năm đầu mới thống nhất đất nước, việc nghiên cứu tổng hợp các lĩnh vực đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, như: Thông báo nghệ thuật số 20, (1977), Những vấn đề dân tộc học miền Nam Việt Nam, (1978) có giá trị, tổng hợp của nhiều chuyên ngành. Những bài viết của các nhà khoa học thuộc Viện và các cộng tác viên như Phan Lạc Tuyên, Lý Kim Hoa, Mahmod, Hoàng Túc, Hoàng Sĩ Quý, Sử Văn Ngọc, Cao Xuân Phổ, Phạm Xuân Thông, v.v… có giá trị cho việc nghiên cứu đánh giá khoa học xã hội về người Chăm. Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh trước đây cũng đã thành lập bộ môn nghiên cứu dân tộc Chăm trong Ban Dân tộc góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu về dân tộc Chăm. Trong các đóng góp tiếp theo đó có thể cần nhắc đến những đóng góp tài liệu của Phan Văn Quỳnh, Phan Lạc Tuyên, Lê Văn Hảo, Mạc Đường, Trần Kỳ Phương…
Từ năm 1986 đến nay, việc nghiên cứu về người Chăm của Viện tiếp tục có những công trình được xuất bản, tiêu biểu như: Người Chăm ở Thuận Hải (tỉnh Thuận Hải, 1989), Văn hóa Chăm (Nxb. Khoa học xã hội, 1991). Hoặc trong kỷ yếu hội thảo Kinh tế – văn hóa Chăm (Viện Đào tạo Mở rộng tổ chức) có nhiều bài viết giá trị của các cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ như Mạc Đường, Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Lạc Tuyên, Võ Công Nguyện, Nguyễn Tuấn Triết, Vương Hoàng Trù, Phan Văn Dốp, Phú Văn Hẳn,…
Ngoài một số công trình khoa học tiêu biểu do chính Viện khoa học xã hội Vùng Nam Bộ hoặc cán bộ của Viện công bố gần đây về người Chăm Nam Bộ như: Đời sống văn hóa và xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh (do Phú Văn Hẳn chủ biên, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2005) hoặc: Cộng đồng người Chăm Hồi giáo ở Nam Bộ trong quan hệ giới và phát triển (Nxb. Nông nghiệp, HN 2006) của tập thể tác giả Phan Văn Dốp và Nguyễn Thị Nhung; Nghề dệt Chăm truyền thống (Nxb. Trẻ, 2003) của Tôn Nữ Quỳnh Trân và các thành viên tham gia (như Phú Văn Hẳn, Võ Công Nguyện) đều là người nghiên cứu thuộc Viện. Công trình về Cộng đồng Chăm Islam thành phố và mối quan hệ với bên ngoài (Sở Khoa học công nghệ thành phố chủ trì) thực hiện hoàn thành từ năm 2000 cũng do nhóm các nhà khoa học của Viện gồm Phú Văn Hẳn, Phan Văn Dốp, Vương Hoàng Trù, Nguyễn Thị Hồng Bích, Tôn Nữ Quỳnh Trân và Nguyễn Tấn Đắc thực hiện. Tiếp nối những công bố về người Chăm, Phan Văn Dốp và Vương Hoàng Trù ấn hành 100 câu hỏi đáp về người Chăm ở Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh (Nxb. Văn hóa Văn nghệ, 2011) và Phú Văn Hẳn xuất bàn Văn hóa người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh (Nxb. Văn hóa dân tộc, 2013). Nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện đã công bố nhiều bài viết về người Chăm trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, trong các hội thảo về người Chăm tại thành phố Hồ Chí Minh, tại Hà Nội và tại các tỉnh. Ở Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ còn có Tạp chí Khoa học xã hội. Trong các công bố trên tạp chí đó, những bài viết về người Chăm chiếm tỷ lệ cao, các tác giả của các bài khoa học đều của Viện.
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ là nơi có nhiều cán bộ thực hiện luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học xã hội về người Chăm. Tiêu biểu có thể kể các luận án đã được hoàn thành của Phan Văn Dốp (Tôn giáo của người Chăm ở Việt Nam, Luận văn tiến sĩ, 1993); Võ Công Nguyện (Nghề thủ công cổ truyền của người Chăm ở Việt Nam, Luận văn tiến sĩ, 1996); Phú Văn Hẳn (Cơ cấu ngữ âm và chữ viết tiếng Chăm Việt Nam và Melayu Malaysia, 2003); Vương Hoàng Trù (Tín ngưỡng dân gian của người Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận, Luận văn tiến sĩ, 2003); Huỳnh Ngọc Thu (Hiện tượng kinh tế – xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ, 2003)… đó là chưa kể các đề tài lấy đối tượng là người Chăm để nghiên cứu đối sánh.
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ là đơn vị nghiên cứu có đội ngũ nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội về người Chăm “hùng hậu” nhất. Hiện nay, một số nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục nghiên cứu về người Chăm như Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Thị Nhung, Vương Hoàng Trù, Nguyễn Tuấn Triết, Phú Văn Hẳn, Tô Đình Nghĩa, Trần Hồng Liên,…
Những năm gần đây việc nghiên cứu về người Chăm có nhiều biến đổi từ nội dung đến phương pháp tiếp cận. Các công trình khoa học xã hội về người Chăm đã công bố cho thấy chủ đề nghiên cứu về người Chăm đa số tập trung vào vấn đề văn hóa tộc người, đề xuất các giải pháp, chính sách dân tộc vùng người Chăm, góp phần mở rộng hướng nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo, văn hóa hoặc nghiên cứu phục vụ trực tiếp tại các địa phương.
Các công trình khoa học xã hội về người Chăm cho thấy nghiên cứu điền dã được quan tâm. Phương pháp quan sát tham dự và phỏng vấn sâu được vận dụng để cho những kết quả tin cậy. Ngoài ra, phương pháp nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội, nghiên cứu định tính và định lượng cũng được chú trọng. Các công trình đã công bố về người Chăm là khá phong phú và giá trị về tư liệu, giúp nhiều cho việc nghiên cứu tiếp theo, góp thêm những thông tin hữu ích về đời sống tinh thần và sinh hoạt xã hội, cũng như đời sống kinh tế người Chăm, tiến tới có cái nhìn gần toàn diện hơn về người Chăm, giúp cho những cơ sở lý luận và những số liệu cụ thể trong hoạch định chiến lược phát triển người Chăm.
Các công trình nghiên cứu đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về phong tục, tập quán, hôn nhân, gia đình, những sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần… của người Chăm, góp thêm sự hiểu biết về văn hóa tộc người, làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, khai thác, phát huy vốn văn hóa của người Chăm. Các công trình nghiên cứu miêu tả về các hoạt động sản xuất đã góp phần phản ánh đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa truyền thống tộc người Chăm, góp thêm tư liệu, cứ liệu khoa học cần thiết để nghiên cứu văn hóa Chăm trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng các sắc thái văn hóa tộc người, phân tích sâu hơn về cơ cấu thu nhập của người Chăm cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của cộng đồng người Chăm.
Tín ngưỡng dân gian với nền tảng là kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, là nền móng cơ sở trong đời sống tâm linh của cư dân Chăm. Nó ảnh hưởng to lớn vào đời sống tinh thần và những sinh hoạt xã hội của người Chăm. Trong quá trình phát triển, người Chăm không chỉ dừng lại việc tiếp nhận Balamon giáo, Phật giáo, Hồi giáo mà sau này còn theo Công giáo, Tin Lành, Bahai’i… Những nghiên cứu về tôn giáo của người Chăm cho thấy các tôn giáo khi du nhập vào cộng đồng người Chăm đều có sự thay đổi và có vai trò cố kết xã hội theo từng cộng đồng.
- Vấn đề nghiên cứu về người Chăm hiện nay
Người Chăm được nghiên cứu dưới nhiều góc độ: văn hóa – xã hội, kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo… Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực người Chăm trong bối cảnh hội nhập, cũng như những ảnh hưởng trong bối cảnh toàn cầu hóa, các vấn đề về tôn giáo, dân tộc ngày càng phức tạp, đặt ra sự cần thiết cho khoa học xã hội các nghiên cứu trong thời gian tới.
- Đời sống kinh tế của đồng bào Chăm đã khá hơn so với trước đổi mới và trước năm 1975, nhưng một bộ phận người Chăm còn nghèo và cận nghèo. Các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia chậm đến với người Chăm; nhiều biện pháp phát triển kinh tế – xã hội chưa thật sự phù hợp với hoàn cảnh từng vùng cụ thể của người Chăm nên sức thuyết phục và hiệu quả chưa cao. Do vậy, cần có những nghiên cứu khoa học đánh giá về thực trạng đời sống kinh tế – xã hội vùng đồng bào Chăm, từ đó đề xuất các giải pháp cho những chính sách phát triển thiết thực, phù hợp với trình độ dân trí và năng lực cộng đồng dân tộc Chăm từng địa phương.
- Về giáo dục, ở những vùng đông đồng bào dân tộc Chăm, nhiều trường học các cấp, trường dân tộc nội trú được xây dựng, thực hiện chế độ từ giảm đến miễn hoàn toàn học phí. Nhờ đó, mặt bằng dân trí của cộng đồng người Chăm đã được nâng cao đáng kể nhất là ở hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì vẫn còn thấp, tỉ lệ trẻ em bỏ học cao, số người vào đại học và trên đại học thấp. Việc biên soạn sách giáo khoa tiếng Chăm chưa phù hợp với việc dạy song ngữ cho học sinh người Chăm ở mọi nơi. Chữ Chăm được dạy và học ở Bình Thuận và Ninh Thuận thì không được tiếp nhận tại An Giang, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này rất cần có nghiên cứu tổng thể để đánh giá đúng thực trạng song ngữ Chăm – Việt/ Việt – Chăm và sớm có một công trình nghiên cứu biên soạn sách dạy và học tiếng Chăm và song ngữ Chăm – Việt phù hợp, để vừa giúp đỡ người Chăm bảo tồn vốn văn hóa của dân tộc vừa có khả năng phát triển ngôn ngữ phù hợp giáo dục và phát triển hiện đại.
Việc sử dụng tiếng Việt của người Chăm và việc sử dụng tiếng Chăm đối với cán bộ công tác vùng đồng bào Chăm (phương tiện tăng cường khối đoàn kết và trong hội nhập, phát triển) được Chính phủ chú trọng song chưa có kế hoạch thực hiện cụ thể tại mỗi địa phương có người Chăm cần chú ý nghiên cứu, đề xuất.
- Người Chăm ở miền Trung tự hào với các công trình đền tháp cổ Champa nổi tiếng. Ở Nam Bộ, người Chăm gắn với các thánh đường (masjid – sang magik) thiêng liêng. Người Chăm còn có một kho tàng văn bia, văn bản bằng chữ Chăm cổ: akhar Rik akhar Tuol (loại chữ ghi tiếng Pali-Sanskrit) và akhar Bini (loại chữ Jawi và chữ có gốc mẫu tự Arab) bên cạnh hàng trăm tác phẩm văn học dân gian được chép tay và truyền miệng. Các giá trị văn hóa, đạo đức, tri thức trong cộng đồng đang bị thách thức trước sức huỷ hoại của thời gian, biến đổi của môi trường,… Nhiều công trình kiến trúc cổ được trùng tu đã trở thành cái xa lạ với vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều văn bản sưu tầm được giới thiệu thiếu cơ sở khoa học. Một số nơi khai thác văn hóa dân tộc cho du lịch một cách bừa bãi đã phá vỡ cảnh quan và làm tổn thương đến đời sống tinh thần của người Chăm. Thiết nghĩ, cần tiến hành ngay việc sưu tầm, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc Chăm một cách nghiêm túc và khoa học.
- Đối với các nghề thủ công truyền thống như nghề dệt, gốm sản xuát công cụ phục vụ lao động, sinh hoạt xưa (như xe trâu, cối xay lúa, kỹ thuật thuỷ nông); hay tri thức trong ứng xử với núi rừng, mưa bảo, thiên tai, lũ lụt, bệnh tật, sinh đẻ…), rất cần được chú trọng bảo tồn và phát huy. Nghiên cứu các giải pháp để vừa bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc vừa tạo công ăn việc làm từ nghề nghiệp truyền thống giúp người Chăm nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Về nguồn nhân lực, trong những năm qua, số người Chăm vào các trường cao đẳng, đại học và dạy nghề tăng đáng kể. Nhưng, khi tốt nghiệp, họ không tìm được việc làm hoặc không muốn về quê để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng. Đội ngũ trí thức người Chăm trong lĩnh vực giáo dục các cấp, ngành y tế khá đông, nhưng lực lượng người Chăm trong cơ quan sự nghiệp hành chính, quản lí Nhà nước trong hệ thống chính trị các cấp lại rất ít. Thực tế đó, đòi hỏi có công trình nghiên cứu các giải pháp tăng cường cán bộ dân tộc Chăm trong công tác Đảng, công tác chính quyền (nhất là ở những khu vực đông người Chăm sinh sống). Bởi, chính người Chăm mới có thể hiểu được đầy đủ phong tục tập quán, những tâm tư nguyện vọng của cộng đồng mình, để từ đó có thể đề xuất các giải pháp để có những chính sách phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho sự phát triển người Chăm.
- Về tôn giáo, trong lịch sử phát triển cộng đồng, người Chăm đã từng theo Phật giáo, Ấn giáo, Balamon giáo và Hồi giáo. Hiện nay đã xuất hiện một số tôn giáo mới trong người Chăm như Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Bahai’i… Sự du nhập của các tôn giáo, sự chuyển đổi tôn giáo trong cộng đồng Chăm đã làm nảy sinh mâu thuẫn với văn hóa truyền thống, gây nên sự chia rẽ trong khối đoàn kết dân tộc, cộng đồng. Cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc về Các cộng đồng tôn giáo của người Chăm để có thể giải quyết những rạn nứt trong quan hệ nội bộ dân tộc; để có những đánh giá, nhận định khách quan và có những biện pháp, giải pháp kịp thời, hiệu quả, tránh phát sinh tình trạng mất đoàn kết, mất an ninh.
- Người Chăm trong hội nhập và phát triển ngày nay còn phải đặt mình trong các quan hệ với các dân tộc anh em trong nước và ngoài nước; giữa các cộng đồng người Chăm theo các tôn giáo khác nhau. Cần phải nghiên cứu Dân tộc Chăm và các quan hệ cộng đồng, để người Chăm hòa nhập và phát triển… để có những nhận định, đánh giá khách quan và có những biện pháp, giải pháp phát hiện kịp thời, hiệu quả phát huy các ưu điểm và ngăn chặn các khiếm khuyết, sai lầm dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, mất an ninh và là điều kiện để các thế lực phản động lợi dụng tìm cách phá hoại, làm bất ổn chính trị cộng đồng, quốc gia.
*
Nhìn chung, việc nghiên cứu về người Chăm mới chỉ được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu về dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa và các nghiên cứu lặp lại, thiếu vắng các công trình chuyên sâu xuất phát từ mục tiêu khoa học thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ ổn định và phát triển dân tộc Chăm, cũng như thiếu các giải pháp phù hợp giúp người Chăm thuận lợi hơn trong hòa nhập và phát triển bền vững. Tuy nhiên, các kết quả từ các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội đã công bố là hết sức có giá trị. Nó giúp định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo về người Chăm, góp phần thiết thực và hiệu quả trong nghiên cứu về người Chăm thời gian tới.
Người Chăm ngày nay không ngừng tự vươn lên trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Hiện nay, người Chăm vùng sâu, vùng xa vẫn còn trong tình trạng khó khăn và đói nghèo. Xóa bỏ sự cách biệt giữa miền xuôi và miền núi, giữa dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số, thực hiện bình đẳng dân tộc trên tất cả các mặt của đời sống là đòi hỏi cấp bách của việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Các kiến nghị cụ thể chỉ có ý nghĩa, có tác dụng tích cực nếu có cơ sở khoa học. Kết quả thu thập được từ nghiên cứu sẽ cung cấp những cứ liệu xác thực để tham mưu cho các cấp lãnh đạo trong xây dựng và phát triển cộng đồng người Chăm.
* TS. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Privacy Settings
Mục lục bài viết
Like this:
Like
Loading…