Ngoại giao của triều Nguyễn với các lân bang – Trí Thức VN

    Trong chính sách ngoại giao của triều Nguyễn vào thế kỷ 19, chỉ có 50 năm đầu là đáng chú trọng, 50 năm sau là giai đoạn của sự xung đột về quân sự (với thực dân Pháp) và bị trị nên triều đình Huế hầu như không còn quyền chủ động về mặt ngoại giao nữa. Trong 50 năm đầu thế kỷ 19, tuy đất nước không phải lúc nào cũng yên ấm về mặt nội trị, nhiều cuộc nổi dậy của nông dân, binh lính đã xảy ra, nhưng những biến động ấy không cản trở quá trình hoàn thiện xã hội, trong đó có công tác đối ngoại.

    Trong danh sách các nước láng giềng của Việt Nam, Trung Quốc là nước có nhiều ảnh hưởng nhất đối với các triều đại của ta. Theo thông lệ, mỗi khi lên ngôi, các vua Đại Việt gửi quốc thư cho triều đình Trung Quốc, xin cầu phong và được hoàng đế Trung Quốc phong Vương, một dạng vua nước “chư hầu”. Tuy nhiên, về mặt nội trị, các vua Việt sau khi nhận sắc chỉ phong vương, vẫn bình thản xưng đế hiệu. Điển hình là trường hợp vua Gia Long, năm 1804 được sứ thần Trung Quốc Tề Bố Sâm mang sắc chỉ “Thiên triều” sang Việt Nam phong cho chức Việt Nam Quốc vương, nhưng hai năm sau (1806), ông đã đường hoàng làm lễ lên ngôi hoàng đế. Mối quan hệ suốt chiều dài lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được nói đến nhiều, chỉ xin vắn tắt ở đây.

    Trong quan hệ với các lân bang khác ở phía Tây và Tây Nam đất nước, trải qua hàng mấy trăm năm, nhất là từ thời các chúa Nguyễn trở về sau, vị trí nổi bật của Đại Việt trong quan hệ đối ngoại là điều khá rõ. Các sử liệu cho thấy các vua chúa nhà Nguyễn đã hỗ trợ rất nhiều cho nước láng giềng Chân Lạp (Campuchia ngày nay) trong việc bảo vệ sự bình ổn về chính trị, xã hội, trước các hành vi gây hấn thường xuyên của các lân bang khác. Năm 1621, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái là công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II và sự kiện này đã tạo nhiều cơ hội cho cư dân phía Bắc đi về phía Nam khai thác những vùng đất còn hoang phế để sinh cơ lập nghiệp. Năm 1623, với sự ưng thuận của vua Chân Lạp, chúa Nguyễn cho lập đồn ở Sài Gòn để thu thuế. Điều này chứng tỏ rằng ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 17, đã có vết chân của người Việt đến khai phá vùng đất hoang, về sau là Nam Kỳ Lục Tỉnh.

    Sang thế kỷ 19, năm 1807, vua Chân Lạp là Nặc Chân cử sứ bộ sang Việt Nam xin sắc phong và vua Gia Long đã “phong Nặc Chân làm Cao Man Quốc vương, định lệ ba năm cống một lần…” (Quốc triều chánh biên – Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Sài Gòn – 1972, trang 68), đồng thời tiếp đãi sứ thần một cách nồng hậu, ban phẩm vật và cho dự yến. Ngay trong năm 1807, vua Gia Long cử sứ bộ sang Chân Lạp, trao cho Nặc Chân đạo sắc phong, một ấn bằng bạc mạ vàng khắc hình sư tử, trong một buổi lễ được tổ chức long trọng. Năm sau (1808), Nặc Chân lại cử sứ bộ sang Việt Nam cảm tạ vua Gia Long về việc sắc phong, đồng thời nộp cống phẩm cho năm sau (Maybon Charles B. – Histoire moderne du pays d’Annam – Paris – 1919 – trang 381). Những năm sau đó, các sứ bộ Chân Lạp nối tiếp nhau sang Việt Nam, khi thì nộp cống phẩm, khi thì xin bảo vệ bờ cõi hoặc phúng viếng nhân cái chết của một người nào đó trong hoàng tộc, như trường hợp bà Hoàng Thái hậu, mẹ vua Gia Long mất năm 1811. Những năm 1812-1813, có sự bất hòa giữa Nặc Chân và em là Nặc Nguyên, Nguyên đưa quân Xiêm (nay là Thái Lan) qua chiếm thành La Bích, Nặc Chân phải chạy sang nước ta cầu cứu. Tháng 2 âm lịch (AL) năm 1813, vua Gia Long truyền chiếu cho Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt cùng Hiệp trấn Ngô Nhơn Tịnh đem 13.000 quân thủy đưa Nặc Chân về nước, sau đó đắp thành Nam Vang cho Nặc Chân ở, làm thành Lô Yêm để trữ lương và lưu một số quan binh ở lại để giúp đỡ Chân Lạp. Trong thời gian đó, vua Xiêm cũng nhận được thư trách cứ của vua Gia Long, nên đã ra lệnh rút toàn bộ quân ra khỏi Chân Lạp.Ngoại giao của triều Nguyễn với các lân bang

    Tháng 12 AL năm 1833, quân Xiêm lại đánh chiếm thành Nam Vang, có lẽ do thấy quan quân triều đình Huế đang bận rộn với cuộc nổi dậy của binh lính thành Phiên An. Dù vậy, vua Minh Mạng cũng đã cử tướng Trương Minh Giảng đưa quân sang Chân Lạp, hỗ trợ quân nước này đánh bật quân Xiêm ra khỏi bờ cõi. Xem thế đủ thấy rằng từ các thế kỷ 17, 18 và nửa đầu thế kỷ 19, quan quân Việt Nam có công rất lớn trong việc giúp lân quốc Chân Lạp bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của họ. Các sử liệu do người Pháp viết còn kể rằng hàng năm, vào những ngày cuối tháng chạp (tháng 12 AL), vua Chân Lạp sang Gia Định thành để sáng mùng một Tết đi cùng Tổng trấn Lê Văn Duyệt đến Vọng cung hành lễ chúc thọ Hoàng đế Việt Nam.

    Sau Chân Lạp, Xiêm là nước cũng có một bề dày quan hệ mật thiết với Việt Nam. Từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, nước này thường xuyên áp chế Chân Lạp, khiến lực lượng quân sự của các chúa Nguyễn phải thường xuyên yểm trợ Chân Lạp chống lại quân Xiêm. Năm 1715, mối quan hệ Đại Việt-Xiêm trở nên nghiêm trọng khi quân Xiêm kết hợp với quân Chân Lạp đánh chiếm Hà Tiên, vùng đất dưới quyền Tổng binh Mạc Cửu mới thần phục và sáp nhập vào nước ta. Mạc Cửu phải bỏ Hà Tiên mà chạy. Năm 1771, một lần nữa, Xiêm lại thôn tính Hà Tiên, sau liệu không giữ nỗi bèn trả lại cho Tổng binh Mạc Thiên Tứ.

    Vào thập niên 1780, trong thế cùng lực tận, chúa Nguyễn Ánh phải ẩn lánh ở thành Vọng Các của nước Xiêm và được vua nước này hậu đãi. Bù lại, quan binh của chúa Nguyễn đã hai lần giúp triều đình nước Xiêm đánh bại các cuộc tấn công của quân Miến Điện vào lãnh thổ nước này. Kể từ ngày trở về đất Gia Định (1788), chúa Nguyễn Ánh nhiều lần ứng cứu cho Xiêm, khi thì do thiên tai, khi thì do Miến Điện gây hấn. Tháng 4 AL năm 1789, Xiêm gặp đại hạn, dân bị đói kém, phải cử người sang Đại Việt xin cứu giúp, chúa Nguyễn cấp cho 8.000 phương gạo. Tháng 2 AL năm 1798, trong lúc cuộc chiến giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn đến hồi ác liệt, vua Xiêm lại cử người sang cầu cứu do bị quân Miến tấn công, Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Trương được lệnh huy động quan binh đi ứng cứu, nửa đường thì hay tin quân Miến đã rút về nước rồi.

    Với Lào, sử sách thời bấy giờ gọi là nước Vạn Tượng, mối quan hệ đã được xác lập từ trước thời các chúa Nguyễn. Một số nguồn sử liệu về thời kỳ nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn có ghi rằng vào khoảng giữa thập niên 1790, khi lực lượng quân chúa Nguyễn ngày càng lớn mạnh và đang đánh róc ra phía Bắc, Lào đã từng tự nguyện mở những trận đánh ở mạn Tây Bắc nước ta để phân tán lực lượng quân Tây Sơn, giúp quân Nguyễn nhẹ tay hơn trong cuộc Bắc tiến lúc bấy giờ. Đến khi vua Gia Long thống nhất đất nước thì mối quan hệ ấy càng được củng cố và mở rộng hơn. Bộ Hoàng Việt Long Hưng Chí có viết: (khoảng năm 1802) “…Vua Vạn Tượng sai sứ đem quốc thư sang chúc mừng và xin Thế Tổ cho đất Trấn Ninh trả về cho Vạn Tượng. Xứ Trấn Ninh vốn là đất nước Bồn Man thời cổ, vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Vạn Tượng, lập phủ Trấn Ninh lệ thuộc vào Nghệ An… Thế Tổ xét Vạn Tượng có công giúp thượng đạo, chuẩn cho lời xin ấy. Bèn truyền lệnh cho trấn thành Nghệ An cắt đất Trấn Ninh giao cho người nước Vạn Tượng….” (Ngô Giáp Đậu – Hoàng Việt Long Hưng Chí – NXB Văn Học – Hà Nội 1993, trang 366). Từ đó nước Vạn Tượng vẫn giữ lệ sai sứ sang triều cống nước ta. Tháng 6 AL năm 1828, Xiêm và Vạn Tượng xảy ra xung đột, vua Minh Mạng cử người đứng ra hòa giải giữa hai bên. Ba tháng sau, vua Vạn Tượng lại cho người đến Nghệ An xin cứu viện.

    So với những lân quốc khác, Miến Điện ở xa ta hơn cả, nhưng không vì thế mà vào thời Nguyễn, không có những mối quan hệ giữa hai nước. Sử chép rằng vào năm 1784, khi chúa Nguyễn Anh đang nương náu ở Vọng Các (Xiêm), một lần nọ, Giám quân Tống Phước Đạm cùng một số thuộc hạ từ Đại Việt vượt bể sang Xiêm để bắt liên lạc, “không may gặp gió bão, thuyền của bọn Phước Đạm dạt vào bờ biển Miến Điện. Người Miến vốn có hận thù lâu đời với người Xiêm, ngờ bọn Đạm là gián điệp của Xiêm. Bọn Phước Đạm bị bắt giam hơn một tháng, sau nhân gặp một người nước Thanh (Trung Quốc) cư ngụ ở Miến Điện, Phước Đạm dùng cách bút đàm nhờ người ấy nói giúp, nhờ thế được tha…” (Hoàng Việt Long Hưng Chí-Sđd-trang 133)

    Cũng như trong những cuộc xung đột Xiêm-Chân Lạp, trong mối quan hệ Miến-Xiêm, quân Đại Việt thường đóng vai trò hòa giải hoặc hỗ trợ nước yếu hơn, vì thế trong suốt những thế kỷ 17-18-19, nước ta giữ vững vị trí một quốc gia được nễ trọng trong vùng. Khoảng năm 1821-1822, Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành, đã cử một phái bộ đi đến những vùng đất do người Anh chiếm đóng để thương lượng mua thêm vũ khí. Trong cuộc hành trình, phái bộ bị bão đánh giạt vào thị trấn Tavoy (Đào Oa) của Miến Điện, bị viên trấn thủ ở đây bắt giữ vì nghi ngờ là gián điệp của Xiêm. Đến khi điều tra biết được là thuyền do triều đình Việt Nam phái đi, vua Miến Điện đã tiếp đãi hết sức tử tế rồi cho đưa về. Vào thời điểm này, uy danh của Tả Quân Lê Văn Duyệt lan rộng cả vùng Đông Nam Á. Mỗi khi có dịp tiếp xúc với người nước ta, vua Miến Điện vẫn thường hỏi: “Lê công có mạnh không?”

    Năm 1823, vua Miến nảy ra ý định cử một sứ bộ sang nước ta để bàn việc hòa hiếu, nhằm lôi kéo Việt Nam nghiêng về phía Miến mà không giao thiệp với Xiêm nữa. Sứ bộ Miến Điện do Gibson dẫn đầu đến Gia Định thành vào cuối năm 1823, mang theo quốc thư cùng nhiều phẩm vật quí giá, được Tổng trấn Lê Văn Duyệt tiếp và cho lưu lại trong thành. Bức quốc thư đề nghị triều đình Việt Nam giao hiếu cùng Miến Điện, đồng thời cắt đứt quan hệ với Xiêm, được quan Tổng trấn cho người dịch ra tiếng Hán và gửi về Huế để triều đình định liệu.

    Khi bản dịch bức quốc thư ra đến Huế, vua Minh Mạng và triều thần khá bối rối. Có hai lập trường trái ngược nhau. Lập trường thứ nhất cho rằng nên giao hiếu với Miến Điện, lập trường thứ hai cho rằng ta và Xiêm đang có mối giao hảo với nhau mà Xiêm với Miến đang hiềm thù nhau, việc kết giao với Miến sẽ làm tổn thương mối quan hệ tốt đẹp với Xiêm đã được vua Gia Long vun đắp từ trước. Đại biểu cho lập trường thứ nhất có hai đại thần Nguyễn Văn Thận và Nguyễn Văn Hưng; còn đại biểu cho lập trường thứ hai là Nguyễn Đức Tuyên và Trần Văn Tính. Sau khi cân nhắc kỹ, vua Minh Mạng ra lệnh trả lại phẩm vật cho sứ bộ Miến Điện và hậu thưởng cho họ, bảo họ về nước. Đêm trước ngày lên đường về nước, sứ bộ Miến Điện được Tổng trấn Lê Văn Duyệt cho xem một đêm hát bội độc đáo. Ông cũng chu cấp cho sứ bộ tiền và gạo đủ sử dụng trong cuộc hành trình ba tháng trở về xứ, đồng thời cử một viên tướng dẫn quân hộ tống họ về đến Miến Điện.

    Về phía Xiêm, sau khi được thông báo sự việc trên, quốc vương nước này tỏ ra cảm kích, đã viết thư đáp tạ vua Minh Mạng.

    Xem như thế, chúng ta thấy rằng vào những thế kỷ 17, 18, 19, nước ta giữ vị thế hàng đầu trong khối các nước Đông Nam Á, hỗ trợ cho nhiều nước trong vùng. Sự giúp đỡ hổ tương, cả về mặt quân sự lẫn chính trị, đã trở thành một loại “hiệp ước bất thành văn” giữa các nước với nhau. Vị thế này có được nhờ sự sáng suốt của các vua đầu triều Nguyễn và tài năng, nhân cách của những công thần bậc nhất thời bấy giờ như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại, Trương Minh Giảng… Luận điểm về “hiệp ước bất thành văn” này cũng nhằm phản bác lại luận điệu “cõng rắn cắn gà nhà” mà nhiều cây bút theo định hướng đã áp đặt cho trường hợp vua Xiêm đặt 2 vạn quân dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Ánh là Châu Văn Tiếp, vào giữa thập niên 1780.

    Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn
    26.9.2018

    Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả (có bổ sung hình ảnh và chú thích minh họa)

    Lời tác giả: Công ty sách Dân Trí và nhà xuất bản Hồng Đức sắp đưa ra các hiệu sách quyển “Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài”, tái bản lần thứ hai. Được sự hưởng ứng của các độc giả yêu sử là niềm vui lớn của người viết và người làm sách. Nhân dịp này, xin giới thiệu với các bạn loạt bài tóm lược nội dung chương cuối của quyển sách, liên quan đến các chính sách đối ngoại của triều Nguyễn.

    Xem thêm cùng tác giả: