Người Phụ Nữ Việt Nam: Xưa Và Nay

Người Phụ Nữ Việt Nam: Xưa Và Nay

Trong dòng thơ ca và văn học Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ luôn là một trong những nguồn cảm hứng cho các thi hào,

văn sĩ từ cổ xưa đến cận đại. Dưới thời phong kiến, phụ nữ Việt Nam luôn sống ràng buộc với những lễ giáo khắc nghiệt. Đồng thời họ lại còn bị xã hội chà đạp, coi rẻ vì lúc bấy giờ tư tưởng “trọng nam kinh nữ” như một cái thước để đo quyền lợi mà mỗi người được hưởng. Số phận của người phụ nữ trong chế độ cũ thật lận đận và cay đắng. Kiếp làm người của họ chẳng khác gì những con vật vì họ luôn bị hành hạ, đánh đập mà lại không thể lên tiếng kêu than. Thân phận của những con người này từ từ hoà mình vào nhân tình thế thái theo bước thăng trầm của thời gian. Với những thay đổi mới về tư tưởng và nhận định của thế giới hiện đại, vị trí của người phụ nữ Việt Nam ngày hôm nay dần dần được đề cao và cần thiết không kém các đấng nam nhi. Họ đã tự mình chứng minh được tầm quan trọng của bản thân ở mọi lãnh vực trong nếp sống gia đình cũng như ngoài xã hội. Với xu hướng phát triển của đất nước, con người cần phải cởi mở và xóa bỏ lối sống cổ hủ để thích ứng với cuộc sống mới. Tuy nhiên, cũng chính vì những thay đổi đó mà nhân cách và phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam không còn toát ra vẻ đẹp tròn vẹn như ngày xưa. Đây là một điều thật đáng buồn và trong mỗi chúng ta, không một ai khỏi tự đặt câu hỏi về những nguyên nhân sâu xa nào đã thật sự làm ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và giá trị nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam.

Khi nhắc tới thân phận phụ nữ trong chế độ phong kiến, nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh “con cò” đã được dân gian ví von như chính số phận long đong của những người đàn bà thời xưa: “Cái cò lặn lội bờ sông. Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.” Họ là những con người luôn phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống, chịu sự đối xử bất công của xã hội chỉ vì họ mang phận gái mỏng manh dưới chế độ nam quyền. Từ thuở sinh thời, họ phải học thấm nhuần triết lý của Nho giáo bao gồm “tam tòng” và “tứ đức” trong khi lại không được phép đến trường học chữ. Ở đây “tam tòng” là ba điều mà người phụ nữ cần phải theo: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con). Trong khi đó “tứ đức” là bốn đức tính căn bản mà mỗi một người con gái xưa cần phải có như công, dung, ngôn, hạnh (nghĩa là làm việc khéo léo, sắc diện hoà nhã, nói năng nhẹ nhàng, tính nết nhu mì). Đây là những chuẩn mực đạo đức mà cha ông ta luôn trân trọng và cố gắng phát huy bởi một người phụ nữ được người xưa đánh giá là đoan trang và ngoan hiền chỉ khi nào người đó có đầy đủ những lễ giáo trên. Tôi nghĩ rằng chính những nét đẹp này đã tạo nên hình tượng con gái Việt Nam duyên dáng mà khi nhìn vào, các nước lân bang thời đó phải thầm khen ngợi và nể phục.

Trong hôn nhân, người phụ nữ Việt Nam xưa không có quyền chọn lựa mà phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ. Ai cũng vì chữ hiếu nên không dám cãi lời các bậc sinh thành. Trước khi cưới hỏi, nhiều cô gái còn chưa được biết mặt vị hôn thê mà mình sẽ phải nâng khăn sửa túi cho đến hết cuộc đời. Đến khi về nhà chồng, họ mới thật sự ngỡ ngàng và hoang mang với cuộc sống làm dâu lạ lẫm nhưng đầy éo le. Thật thấm thía cho câu ca dao: “Làm dâu khổ lắm ai ơi. Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than”. Nếu ai may mắn gặp được đức lang quân có học thức và biết suy nghĩ, lo lắng cho gia đình thì người đó quả thật có một ngày mai tươi sáng trong sự ấm cúng của nhà chồng. Còn như gặp phải một người chồng gia trưởng hay vũ phu thì cuộc đời của người phụ nữ xem như đã chấm hết. Vì thế nhiều người đã không có được hạnh phúc đích thực mà thay vào đó là những kiếp đời truân chuyên, bạc phận. Một thí dụ điển hình là Vương Thuý Kiếu trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Dịu hiền và thuỳ mị, nàng Kiều còn giỏi “pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm” và luôn hiếu thuận trong gia đình. Thế nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy, nàng đã phải hy sinh cả cuộc đời thanh xuân của mình. Có lẽ ông trời quá bất công khi bắt một người “tài sắc vẹn toàn” như nàng phải bán mình chuộc cha chỉ vì gia cảnh có biến. Xã hội đã đẩy những người cô gái như nàng đến trước vực sâu mà không có quyền lên tiếng trách than.

Khi làm vợ người ta, người phụ nữ xưa phải trung trinh tiết hạnh cho dù có bị nhà chồng đối xử tệ bạc đến đâu đi chăng nữa. Ai đã từng xem qua bộ phim Mùi Đủ Đu Xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng mới thấy thương tâm cho kiếp làm dâu tủi nhục. Mang danh phận làm vợ trong một gia đình khá giả nhưng thân xác của bà mẹ bị vùi dập như cành hoa tơi tả trong cuồng phong bão tố. Bà phải chịu đựng trong khuôn khổ nhà chồng và sống hết mình để chăm lo cho con cái dù những giọt nước mắt thiệt thòi của bà chỉ biết âm thầm chảy vào tim. Người phụ nữ Việt Nam ngày xưa trải qua bao sóng gió cuộc đời đã trở nên cứng rắn và mạnh mẽ hơn, nhưng cuối cùng họ cũng chỉ là những thành phần nhỏ bé trong cái xã hội phong kiến suy tàn vẫn còn quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Chỉ có tấm lòng son sắt của họ là luôn được người đời ca ngợi. Chỉ có sự tảo tần, không ngại gian khổ đã biến họ thành những người mẹ vĩ đại theo thời gian: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ. Năm canh chầy thức đủ năm canh.” Và chỉ có tình thương cao đẹp của những người phụ nữ chân chính mới sống mãi trong tâm hồn dân Việt.

Ngày hôm nay, khi những thiếu nữ “liễu yếu đào tơ” đã tự tin bước trên con đường công danh, sự nghiệp rạng rỡ như cánh đàn ông thì cục diện xã hội đã chuyển sang một bước ngoặt mới. Họ được bình đẳng hơn trước và có quyền tự quyết định tương lai cho riêng mình vì bây giờ họ đã có thể theo đuổi mục tiêu của cuộc sống mà không bị ai ngăn cản. Không ai phủ nhận được vị trí quan trọng của phụ nữ trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội cũng như ngoại giao của đất nước Việt Nam. Như thế cho thấy rằng người phụ nữ ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Họ có quyền đến trường tiếp thu những kiến thức để làm hành trang sau này. Họ vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình để tự lập bằng chính tài năng và trí tuệ của bản thân để rồi gánh vác cả những công việc chuyên môn mà trước đây phần lớn là do nam giới đảm nhiệm như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kỹ sư xây dựng, v.v… Nhưng điều quan trọng hơn nhất là họ đã có thể làm chủ hôn nhân của mình. Nhiều thế hệ đi trước giờ đã thấu hiểu câu ca dao “ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên” nên không còn tôn thờ những phong tục cổ xưa vào việc ép gả tình duyên. Những cảnh ép hôn không còn diễn ra thường xuyên nếu không nói là hiếm thấy, trừ những trường hợp hy hữu. Người con gái có quyền yêu và lấy người cô ta thương mà không bị cha mẹ cấm đoán. Quả thật đây là một điểm đáng mừng khi quan niệm cổ hủ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” đã hầu như không còn được áp dụng với lối sống tân thời.

Phụ nữ ngày nay có xu hướng giao tiếp rộng rãi ở bên ngoài xã hội. Cho nên nhiều người đã hình thành lối suy nghĩ rằng công việc quan trọng hơn cả tình cảm gắn bó giữa những thành viên trong nhà. Đây là một trong những mặt trái trong quá trình xã hội tiến bộ và văn minh. Phần lớn do công việc bận rộn mà nhiều người quên mất những yếu tố cơ bản để bảo vệ mái ấm gia đình của mình như: ngại hay không quen làm nội trợ, không chia sẽ những câu chuyện trong cuộc sống với người bạn đời, không để ý đến suy tư của chồng để rồi lạnh nhạt với tình cảm phu thê, nhiều lần gây sự với người thân chỉ vì có chuyện không vui ở sở làm, v.v…Vì thế tỉ lệ các cặp vợ chồng muốn ly dị ngày càng tăng cao. Những cô gái e thẹn trước đây nay không còn mang nét đằm thắm, dịu dàng của phái nữ nữa, thay vào đó là những lời nói sỗ sàng của những cô nàng đỏng đảnh có lối sống buông thả. Vì thế bản thân mỗi người đã dần dần tự đánh mất “công, dung, ngôn, hạnh” – bốn chữ được xem là cái nét đẹp ngàn đời của phụ nữ Việt Nam.

 

Xã hội đã biến con người trở nên năng động hơn nhưng đồng thời cũng kèm theo những hậu quả nghiêm trọng đến đời sống và con người Việt Nam.

Vậy thì ai là kẻ phải chịu trách nhiệm với những thay đổi đáng tiếc này?

Trước tiên, tôi muốn đề cập đến những người phụ nữ có tiếng tăm trong giới nghệ thuật như các cô hoa hậu, ca sĩ, hay diễn viên. Tên tuổi của họ được công chúng biết đến nhờ vào năng lực thì ít mà vướng vào hàng loạt các vụ xì-căng-đan thì nhiều. Các cuộc thi tài năng và sắc đẹp không còn thấy sự lành mạnh và trong sáng mà đâu đâu cũng đầy rẫy những cảnh chướng mắt đã được sắp đặt trước. Những giải thưởng được mua bằng tiền, những chiếc vương miện được đổi bằng tình thì nét văn hoá bao đời tổ tiên để lại ngày nay đã thật sự phôi phai. Đây chính là hậu quả của một xã hội ung nhọt dưới sự lãnh đạo ma quái của Đảng Cộng Sản. Bọn chúng đang gieo mầm mống huỷ hoại thuần phong mỹ tục của Việt Nam khi đưa những tư tưởng lụn bại của ngoại bang về truyền bá khắp nước. Đã thế chúng còn ngang nhiên xé nát những trang lịch sử oai hùng của dân tộc một cách trắng trợn. Hình ảnh hào hùng của Hai Bà Trưng chính là biểu tượng tự hào cho phụ nữ Việt Nam thì nay đã bị những kẻ tội đồ trong Bộ chính trị bôi nhọ một cách không thương tiếc. Chúng dám đưa những nghệ nhân trong Đoàn Nghệ Thuật Việt Nam hoá trang thành các vị nữ hào kiệt sang Tàu để tế lễ cho Mã Viện ở Đông Hưng – một tên tướng Hán bạo quyền đã đem quân sang xâm chiếm nước ta vào thời cổ Việt. Đây là một tội phản quốc không thể tha thứ của CSVN. Giờ đây ta chỉ thấy các dịch vụ “ôm” với các em gái thành niên đủ kiểu dáng, đủ màu sắc đã mất đi vẻ đẹp nhu mỳ, nữ tính. Vậy thì phải trách ai đây? “Tứ đức” không còn được những con người năng động trân trọng như người xưa đã tôn vinh. Điều này ảnh hưởng rất lớn khi đánh giá nhân cách và phẩm hạnh của thế hệ trẻ, đặc biệt là phái nữ, bởi giá trị đạo đức của một thiếu nữ bây giờ không còn dựa trên chuẩn mực “tam tòng” và “tứ đức”.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất của đất nước Việt Nam là tệ nạn buôn bán phụ nữ cùng với những dịch vụ môi giới lấy chồng ngoại, đặc biệt là Hàn Quốc. Nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam đã không còn thanh tao trong con mắt của các nước bạn khi phải bán thân làm vợ người ta. Vì nhiều lý do khác nhau nhưng phần lớn là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều cô gái mới lớn phải chịu cảnh làm dâu ở nơi xứ lạ, bị hành hạ bằng bạo lực, hay bị rao bán như những món hàng để phục vụ nhu cầu tình dục cho cả gia đình nhà chồng. Nhìn những cảnh tượng xót xa đó, phải chăng là thân phận người phụ nữ hiện đại còn chịu nhiều đau đớn và tủi nhục hơn dưới chế độ phong kiến? Họ đã mất đi vẻ đẹp thuần khiết và hiền dịu, làm nhục nhã cả một dân tộc hơn bốn ngàn năm văn hiến. Những tưởng thế giới đang bước vào thế kỷ 21, loài người đã đạt đến một nền văn minh tối cao với các phương tiện máy móc hiện đại để giúp cho đời sống thêm phần thoải mái. Thế mà chỉ riêng nước ta lại xảy ra những tệ nạn thoái hoá biến chất như vậy để cho các nước lân cận có ấn tượng xấu kèm theo cái nhìn khinh miệt đối với phụ nữ Việt Nam.

Nền văn hoá Việt Nam đã có từ lâu đời và mang đậm nét cổ truyền với những giá trị đạo đức của người phụ nữ xưa. Dù đất nước chúng ta có phát triển để hướng đến một xã hội văn minh như thế nào đi chăng nữa thì những đức tính cao đẹp của cha ông ta để lại cần phải được vun đắp và bảo tồn. Dù hoàn cảnh sống giữa hai thời kỳ phong kiến và hiện đại có sự khác biệt nhưng chúng ta cần nâng niu những giá trị nhân phẩm và loại bỏ những tệ nạn xấu ảnh hưởng đến hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam. Không ai có thể huỷ hoại tâm hồn trong sáng và nhân cách cao đẹp của người phụ nữ, trừ khi bản thân người đó tự làm mất đi phẩm hạnh của chính mình. Cho nên chúng ta cần phải nối tiếp truyền thống của các bậc tiền nhân để giá trị của người phụ nữ đương thời được nâng cao. Tùy vào thời thế mà chúng ta có những chuẩn mực đạo đức khác nhau dành cho người phụ nữ Việt Nam nhưng không thể hoàn toàn đánh mất những phẩm hạnh đẹp như “tam tòng” và “tứ đức”.

Lê Nguyễn Huy Trần.