Người Việt chuộng ‘làm nhiều, nghỉ ít’ đến bao giờ?
Trong khi các nước phát triển luôn tìm cách cải tiến khoa học kỹ thuật để giảm giờ làm, thì nhiều công ty Việt chỉ thích tăng ca.
Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết “Người Việt có thể làm việc bốn ngày một tuần”. Ở các nước châu Âu phát triển, người ta rất chăm lo đến đời sống tinh thần của người dân. Họ cải tiến nhiều về khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động, từ đó giảm giờ làm cho người lao động. Nhờ đó, người dân có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, thư giãn. Đó là cơ sở để họ sáng tạo ra nhiều thứ hay ho. Những thứ hay ho đó lại là tiền đề để người ta kiếm được nhiều tiền hơn và sống khỏe hơn. Đó là một vòng xoáy đi lên, kéo cả xã hội phát triển.
Trong khi đó, ở Việt Nam của chúng ta thì ngược lại. Người Việt chuộng văn hóa làm việc “mệt đến chết” giống như nhiều nước Á Đông khác. Chúng ta cứ thích dùng nhiều sức chân tay và tăng tối đa thời gian lao động nhiều để làm việc, thay vì tìm cách cải tiến khoa học kỹ thuật để giảm giờ làm, tăng năng suất. Người ta cứ sợ nếu cải tiến khoa học kỹ thuật thì người lao động sẽ dần bị đào thải, thay thế bởi máy móc. Người ta lười học hỏi cái mới, thay đổi bản thân để thích nghi với hoàn cảnh mới, chỉ khư khư bám lấy công việc chân tay, mệt mỏi từ năm này qua năm khác, tự hài lòng rằng ít nhất mình chưa mất việc.
Đương nhiên, các doanh nghiệp thấy vậy sẽ mừng thầm vì họ càng đỡ tốn tiền cải tiến khoa học kỹ thuật, cứ thoải mái “bóc lột” tối đa sức lao động giá rẻ, rồi khi ai không còn sức làm việc nữa thì vô tư thải loại. Và bởi vì thời gian làm việc của người lao động Việt cứ ngày một dài thêm (làm chính, trực đêm, làm tăng ca cuối tuần, làm xuyên Tết…), nên hầu như chúng ta không đủ thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Hệ quả là sức lao động của người Việt ngày một giảm sút, trong khi lương vẫn không đủ sống.
Khi cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đều rất tệ, nhiều người phải dùng đến chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… để quên đi thực tại khó khăn. Vậy thì lấy đâu là tâm sức để mơ đến việc sáng tạo, nghĩ ra cái mới. Mà lao động bằng chân tay là chủ yếu và suy nghĩ lười sáng tạo thì làm sao có được mức lương cao, làm sao cạnh tranh nổi với lao động nước ngoài? Vậy nên mới có một thực tế đáng buồn là người lao động nước ngoài làm ít, lương cao; còn lao động Việt làm cực khổ ngày đêm, nhưng lương thấp. Đó là vòng xoáy trì trệ của lao động Việt.
>> Ngày nghỉ là điều xa xỉ với nhiều lao động Việt
Tôi từng làm việc với đối tác châu Âu, họ dùng các kỳ nghỉ ở nước họ rất trọn vẹn, dù họ là đơn vị sản xuất. Trong khi ở Việt Nam, thay vì nâng cao khả năng sản xuất lẫn môi trường lao động cho nhân công, các chủ doanh nghiệp chỉ muốn người lao động làm thủ công càng nhiều càng tốt (để giảm chi phí đầu tư), nên họ luôn kỳ kèo từng ngày nghỉ với người lao động, tìm mọi cách để ép nhân công nghỉ phép ít nhất có thể.
Ví dụ, nhiều nơi sau kỳ nghỉ Tết vẫn bắt nhân viên phải vào làm một ngày thử bảy rồi chủ nhật lại nghỉ tiếp chứ không linh động cho họ nghỉ trọn vẹn dài ngày (dù rằng có vào làm thứ bảy cũng chẳng có việc gì). Thế là, những người muốn nghỉ trọn vẹn cái Tết bên gia đình, chắc chắn phải dùng đến phép năm.
Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng nước ta còn nghèo nên phải làm nhiều hơn, tôi cho rằng chính việc ít ngày nghỉ mới làm chúng ta nghèo đi. Nghỉ nhiều mới có thời gian đi về thăm quê, tăng truyền thống gia đình, dư thời gian có thể rủ cả gia đình đi đây đó du lịch kích, thích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người làm dịch vụ, tăng thu nhập trong xã hội.
Ngược lại, nếu nghỉ ít, thời gian về tới quê bị rút ngắn lại, đôi khi người ta chưa kịp làm gì đã phải chuẩn bị khăn gói quay lại thành phố. Việc chỉ có mấy ngày nghỉ nên họ cũng chẳng dám đi đâu xa, cuối cùng lại quanh quẩn nhậu nhẹt hay đánh bài cho hết ngày. Thật vô nghĩa!
Tôi để ý thấy, người nước ngoài hòa nhập nhưng không hề hòa tan. Họ vẫn có những ngày nghỉ lớn và dài, nhưng vẫn làm việc rất năng suất. Họ chẳng việc gì phải chuyển những ngày nghỉ lễ truyền thống của mình theo các nước phương Tây với hy vọng gia tăng hội nhập, không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền. Việt Nam cũng nên làm như vậy. Đừng để sau này, con cháu chúng ta phải hối hận vì thế hệ trước đã đánh mất nhiều giá trị truyền thống quý giá cũng như cơ hội kích thích nền kinh tế một cách bền vững. Khi đã lỡ rồi thì muốn quay đầu lại cũng không thể.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.