Người Việt nhìn chung thích mặc màu vàng hoặc đỏ trong 3 ngày Tết
Hai thiếu nữ xinh đẹp trong tà áo dài đến “Lễ hội Tết Việt” để chụp những tấm hình kỷ niệm đầu năm – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tết cổ truyền là dịp nhìn lại năm cũ đã qua, chào đón năm mới và sum họp với gia đình. Những ngày này, ai cũng muốn mình trở nên xinh đẹp để khi chúc Tết người thân, đi chơi cùng bạn bè hay dạo phố đón xuân.
Những năm gần đây, nhiều người bắt đầu ưa chuộng mặc trang phục áo dài truyền thống lẫn cách tân, đặc biệt là phái đẹp. Áo dài là biểu tượng văn hóa của người Việt Nam, nó chứa đựng tâm hồn dân tộc, vừa duyên dáng vừa quyến rũ, giúp tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ.
Việc mặc trang phục truyền thống vào ngày Tết có ý nghĩa như một cách để lưu giữ tinh hoa văn hóa, thể hiện niềm tự hào dân tộc. Chia sẻ suy nghĩ về xu hướng này, nhà thiết kế Đức Vincie cho biết:
“Tôi thấy vui khi tà áo dài truyền thống đang ngày càng được cách tân, trở nên đa dạng và dễ ứng dụng trong đời sống hơn. Dịp Tết, phụ nữ là những người vất vả nhất khi phải chăm lo nhà cửa, con cái, nấu ăn nên sẽ rất bất tiện nếu họ mặc áo dài chấm đất.
Nhưng ngày nay, họ có thể lựa chọn tà ngắn giúp việc di chuyển thoải mái hơn mà vẫn giữ được nét đẹp ngày Tết. Áo dài cách tân cũng là sự lựa chọn số 1 cho những bạn gái có thân hình chưa được cân đối, gặp khó khăn khi mặc áo dài truyền thống.
Theo dòng thay đổi của nhịp sống hiện đại, áo dài có những cách tân với mục đính chính là để người mặc thấy tiện lợi hơn. Điều này đáp ứng đúng nhu cầu của đa phần người Việt là giữ được nét đẹp truyền thống trong thời đại mới, lại vừa dễ mua, dễ mặc, dễ dùng”.
Tà áo dài truyền thống thường xuyên xuất hiện trên sân khấu của “Lễ hội Tết Việt” – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong khuôn khổ các chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Tết Việt 2020 diễn ra tại công viên Lê Văn Tám (TP.HCM) trong 3 ngày 3, 4 và 5-1, đạo diễn Ardnold Hiếu cũng chú trọng đưa các yếu tố thời trang lên sân khấu để công chúng cùng chiêm ngưỡng, đặc biệt là tà áo dài Việt Nam:
“Vào dịp Tết, mọi người đi lễ hội rất quan tâm đến thời trang, từ phụ nữ, em bé hay nam giới đều ăn mặc đẹp hơn ngày thường. Vì thế chúng tôi tạo ra một buổi trình diễn áo dài xưa và nay.
Chúng tôi đã đi vận động, vay mượn từ nhiều nguồn những áo dài có từ thế kỉ trước, kể cả trang sức cũng được chuẩn bị kĩ lưỡng. Chúng tôi tin rằng tà áo dài Việt Nam là quốc phục đẹp nhất thế giới”.
Các bạn trẻ ăn mặc trang phục đẹp mắt khi tới tham quan lễ hội – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Bên cạnh xu hướng mặc áo dài trong ngày Tết, nhiều người cũng ưa thích kết hợp trang phục trẻ trung, năng động nhưng vẫn tự tin, nổi bật. NTK Đức Vincie đưa ra một số lời khuyên cho việc lựa chọn trang phục cho dịp Tết Canh Tý 2020 sắp tới.
Theo anh Đức Vincie, 2020 là năm với sự lên ngôi của sắc xanh cổ điển, vàng đậm, hồng đậm. Các tín đồ thời trang cũng có thể phối màu cho trang phục nhưng lưu ý là không quá ba màu trên một tổng thể.
“Cũng cần lưu ý tới kiểu dáng, màu sắc phù hợp với phong cách cá nhân, hợp khí hậu nơi sinh sống.Ngày đầu năm chúng ta nên chọn áo dài truyền thống hoặc váy thanh lịch để chúc Tết ông bà cha mẹ thêm phần trịnh trọng.
Mùng 2, mùng 3 có thể thoải mái hơn với các trang phục theo cá tính của riêng. Đối với nữ cần chú ý tránh lựa những trang phục quá hở hang, khiêu gợi, tránh trang điểm quá đậm, không nên đeo nhiều phụ kiện, đặc biệt kiêng kỵ màu đen.Đối với nam giới, vest âu hoặc áo dài sẽ là lựa chọn tốt nhất cho ngày mùng 1.
Nếu muốn thoải mái hơn có thể diện áo sơ mi kết hợp với quần âu, jean và giày tây. Xu hướng những bộ quần áo đơn giản, nhẹ nhàng được ưa chuộng nhiều với cách kết hợp áo khoác kẻ cùng áo thun, quần skinny jean.”
Các em bé thiếu nhi cũng được gia đình chuẩn bị những trang phục ngày Tết để tham gia lễ hội – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhà nghiên cứu văn hóa, Th.S Nguyễn Thành Luân chia sẻ về vấn đề mặc đẹp ngày Tết từ góc độ văn hóa: “Nhìn từ khía cạnh văn hóa, việc chú trọng đến vấn đề mặc gì trong dịp Tết thể hiện ước mong của người Việt vào một năm mới nhiều tốt đẹp.
Việc chọn màu sắc cho trang phục để phù hợp với không khí linh thiêng, sum vầy của dịp Tết cổ truyền, kỳ vọng sẽ hòa hợp với vượng khí, tài lộc, từ đó đem đến sự bình an, niềm vui cho bản thân và gia đình.
Trước đây, trang phục truyền thống có khác biệt giữa các vùng miền, chẳng hạn người miền Bắc thường chuộng mặc áo dài, người miền Nam mặc áo bà ba. Về màu sắc trang phục, người Việt nhìn chung thích màu vàng hoặc đỏ trong 3 ngày Tết với tâm niệm sẽ được nhiều phúc lộc, may mắn, tiền bạc dồi dào và phú quý trong năm mới”.
Tối 5-1, chương trình nghệ thuật bế mạc Lễ hội Tết Việt 2020 có chủ đề “Tết hy vọng” đã diễn ra tại công viên Lê Văn Tám.
Đến tham dự buổi bế mạc có ông Dương Thế Trung – phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Văn Đạt – phó trưởng ban Văn hoá – xã hội HĐND TP.HCM; ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Du lịch TP.HCM; bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – phó giám đốc thường trực Sở Du lịch TP.HCM; ông Nguyễn Quốc Kỳ – chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Ban tổ chức đã tri ân và vinh danh các đơn vị, cá nhân có đóng góp quan trọng giúp lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp.
Lễ hội Tết Việt – Tet Festival 2020 đã kết thúc và để lại những dấu ấn khó quên trong lòng du khách, các đơn vị tham gia và cả hơn 1.000 nhân sự của ban tổ chức ở tất cả các hạng mục.
Sau 3 ngày tổ chức, từ ngày 3 đến ngày 5-1, ước tính lễ hội đã đón khoảng 36.000 khách tham quan, doanh thu tại các gian hàng ẩm thực và thương mại lên tới con số 4 tỉ đồng. Đây là một thành công rất lớn của ngành du lịch TP.HCM nói chung và Lễ hội Tết Việt nói riêng trong những ngày đầu năm 2020.
Một số hình ảnh áo dài tại lễ hội (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG):
Trưng bày mâm cỗ, mâm ngũ quả 3 miền trong Lễ hội Tết Việt