Người Việt “thụ động” hay “linh hoạt”, thưa GS Trần Ngọc Thêm?

QUANG ĐẠI

  –  

Thứ bảy, 27/11/2021 17:32 (GMT+7)

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đề xuất không sử dụng cách biểu đạt “trồng người” trong giáo dục vì thể hiện tính “ thụ động ” của người Việt. Tuy nhiên, trước đó, ông lại khẳng định người Việt có tính “linh hoạt rất mạnh mẽ”.

Người Việt “thụ động” hay “linh hoạt”, thưa GS Trần Ngọc Thêm?GS. TSKH Trần Ngọc Thêm – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM).

Ngày 26.11.2021, trong bài “GS Trần Ngọc Thêm: Hiểu đúng đề xuất bỏ khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn” trên báo Lao Động điện tử, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nói: “Văn hoá Việt Nam hình thành trên kinh tế trồng lúa nước là một nền văn hoá âm tính, trong đó con người có đặc điểm là thường luôn thụ động. Tính thụ động này của văn hóa thể hiện rất rõ qua cách tiếp nhận và sử dụng khái niệm “trồng người”.

GS Trần Ngọc Thêm đề nghị không sử dụng cách biểu đạt “trồng người” trong giáo dục vì thể hiện tính thụ động, đề xuất các phương pháp giáo dục sáng tạo, đề cao tính phản biện, cá nhân hóa.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trước đó, vào ngày 10.10.2013, trong bài “GS Trần Ngọc Thêm: Đánh giá của Đại tướng về văn hóa Việt vô cùng đúng” trên báo giaoduc.net.vn, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm nói: “Đặc trưng văn hóa thứ hai giúp người Việt Nam chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào là tính linh hoạt. Nghề nông nghiệp trồng lúa nước luôn luôn phải đối phó với tự nhiên, mà tự nhiên luôn chứa đầy những yếu tố bất ngờ không thể dự tính trước được, cho nên chúng ta phải rất linh hoạt. Tùy nơi, tùy lúc, tùy người mà có những ứng xử khác nhau chứ không cứng nhắc theo một cách bất biến nào”.

Trong bài báo nói trên, GS Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh “văn hóa Việt Nam truyền thống đặc trưng bởi tính linh hoạt rất mạnh mẽ”; “Người Việt dù ở đâu cũng luôn phát huy tối đa khả năng linh hoạt biến báo, xoay xở sao cho có lợi tối đa cho mình, với đủ loại mánh khóe”…

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, mục từ “Thụ động” nghĩa là: “trạng thái chỉ chịu sự chi phối, tác động của bên ngoài mà không hề có phản ứng tích cực nào trở lại” còn “Linh hoạt” được giải thích: “linh lợi và hoạt bát”, “nhanh, nhạy trong việc xử trí, ứng phó cho phù hợp với tình hình thực tế, không cứng nhắc tuân theo nguyên tắc”.

Như vậy, trong thời gian cách nhau 8 năm, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đã đưa ra hai nhận định khác nhau, thậm chí đối lập nhau về đặc điểm của văn hóa và tính cách người Việt. Năm 2021, GS khẳng định “người Việt thường luôn thụ động”; còn trước đó, vào năm 2013, ông nói nào người Việt “linh hoạt”, “hoạt biến báo, xoay xở”, coi đây là sức mạnh tạo nên chiến thắng trong cuộc chiến tranh với người Mỹ nề nếp, nguyên tắc có phần cứng nhắc.

Đáng lưu ý là cả 2 nét tính cách trên, theo GS Trần Ngọc Thêm, đều xuất phát từ nghề nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt.

Là những người hậu sinh, kiến thức hạn hẹp, tôi không rõ vậy thì rốt cuộc, xuất phát từ nền nông nghiệp trồng lúa nước, người Việt “thụ động” hay “linh hoạt”? Các căn cứ, số liệu để minh chứng cho các nhận định ấy là gì?

Kính mong được GS Trần Ngọc Thêm và các nhà thức giả chỉ giáo.