Người chưa đủ tuổi lái xe máy bị phạt như thế nào?
Bao nhiêu tuổi thì được điều khiển xe máy?
Vụ việc liên quan đến một số Cảnh sát giao thông – trật tự ở Sóc Trăng dùng vũ lực với hai thiếu niên điều khiển mô tô đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong những ngày hôm nay. Ngay sau vụ việc, Công an tỉnh Sóc Trăng đã tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với 3 cảnh sát này.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vụ việc trên, song cần khẳng định hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nói chung và mô tô, xe gắn máy nói riêng khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm.
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và có các loại giấy phép lái xe phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Ảnh minh hoạ
Cụ thể, tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ có quy định điều kiện về độ tuổi, sức khỏe của người lái xe như sau:
– Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
– Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;…
Như vậy, với loại xe có dung tích xy-lanh dưới 50 cm3, người điều khiển dù không cần có bằng lái nhưng bắt buộc phải đủ 16 tuổi. Còn với loại xe máy có dung tích xy-lanh từ 50 cm3 trở lên, người điều khiển bắt buộc phải đủ 18 tuổi và có giấy phép lái xe phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Mức phạt với hành vi điều khiển mô tô xe máy khi chưa đủ tuổi
Tại điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được chỉnh sửa, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt đối với người chưa đủ tuổi lái xe như sau:
– Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
– Phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
Đồng thời, người trực tiếp giao mô tô, xe gắn máy cho những đối tượng này điều khiển cũng sẽ bị xử phạt nặng.
Theo khoản 5, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi giao xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008 tham gia giao thông có thể chịu các mức phạt như sau:
– Phạt tiền từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân;
– Phạt tiền từ 1,6 đến 4 triệu đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức.
Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng nhiều thanh thiếu niên, học sinh cấp 3, thậm chí cấp 2 đã vô tư lái xe máy trên đường diễn ra khá phổ biến. Không những vậy, ở nhiều địa phương còn xuất hiện các nhóm thanh thiếu niên không chấp hành luật lệ giao thông, “kẹp 3, kẹp 4”, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng,… gây náo loạn đường phố, khiến dư luận hết sức bức xúc.
Một số ý kiến cho rằng, ngoài có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo thanh thiếu niên, học sinh về Luật Giao thông đường bộ thì việc tăng cường xử lý, xử phạt với hành vi điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ điều kiện cần được các lực lượng chức năng đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.