Người da đỏ Mỹ đòi độc lập
Theo AFP, phái đoàn của họ đã tới Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington hôm đầu tuần để trao thông điệp này, trong đó thông báo việc mình đơn phương rút khỏi các hiệp ước từng ký với chính quyền liên bang, một số hiệp ước được ký cách đây hơn 150 năm.
Phóng toRussel Means: “Chúng tôi không còn là công dân của nước Mỹ nữa” – Ảnh: APRussel Means là một trong những nhà hoạt động vì quyền của người da đỏ nổi tiếng nhất nước Mỹ. Sinh năm 1939, ông Means đã có gần 40 năm hoạt động đấu tranh vì quyền của những người da đỏ từ cuối những năm 1960. Bản thân ông từng tham gia nhiều hoạt động chính trị và từng định chạy đua vào Nhà Trắng với tư cách là đại diện của Đảng Tự do năm 1987 (thất bại trước hạ nghị sĩ Ron Paul). Ngoài sự nghiệp chính trị, ông cũng tham gia đóng phim trong khoảng 15 năm qua…Cuộc chiến vì những đỉnh núi thiêng
là một trong những nhà hoạt động vì quyền của người da đỏ nổi tiếng nhất nước Mỹ. Sinh năm 1939, ông Means đã có gần 40 năm hoạt động đấu tranh vì quyền của những người da đỏ từ cuối những năm 1960. Bản thân ông từng tham gia nhiều hoạt động chính trị và từng định chạy đua vào Nhà Trắng với tư cách là đại diện của Đảng Tự do năm 1987 (thất bại trước hạ nghị sĩ Ron Paul). Ngoài sự nghiệp chính trị, ông cũng tham gia đóng phim trong khoảng 15 năm qua…Cuộc chiến vì những đỉnh núi thiêng
Russel Means, nhà đấu tranh nhân quyền cho người da đỏ kiêm diễn viên điện ảnh, tuyên bố: “Chúng tôi không còn là công dân của nước Mỹ nữa và người dân sống ở năm bang có thể tự do gia nhập đất nước chúng tôi”. Nước Lakota mới sẽ bao gồm phần của các bang Nebraska, South Dakota, North Dakota, Montana và Wyoming. Ông Means cho biết quốc gia mới sẽ cấp phát hộ chiếu và bằng lái xe riêng của mình, người dân sống ở đó sẽ không phải chịu bất cứ hình thức thuế nào. Điều kiện duy nhất họ cần là các công dân từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình.
Ông Means cho biết việc rút khỏi các hiệp ước là “hợp với luật pháp Mỹ, trong đó cụ thể điều 6 của hiến pháp” khẳng định các hiệp ước là luật tối cao về đất đai ở nước này. Ông nói thêm: “Điều này cũng nằm trong phạm vi của công ước Vienna và đã được Chính phủ Mỹ cùng cộng đồng quốc tế chấp thuận năm 1980. Chúng tôi có quyền hợp pháp để được tự do và độc lập”.
Trên website của mình, các nhà hoạt động vì độc lập của Lakota tuyên bố: “Những hiệp ước được ký với nước Mỹ chỉ đơn thuần là những lời nói vô nghĩa trên giấy tờ”, và “những hiệp ước này đã liên tục bị vi phạm để lấy đi văn hóa, đất đai và khả năng duy trì lối sống của chúng tôi”. Đại diện tộc người cho biết nếu chính quyền liên bang không bắt đầu việc đàm phán ngoại giao giữa hai bên ngay tức khắc, họ sẽ ghi thế chấp lên mọi tài sản ở khu vực thuộc năm bang này.
Ông Means cho biết cuộc đấu tranh đã trải qua suốt 30 năm “vì cần rất nhiều nỗ lực để đấu tranh với chủ nghĩa thực dân”. Cuộc đấu tranh của họ ít nhiều cũng đã có những phản hồi nhất định từ chính quyền liên bang. Năm 1980, Tòa án tối cao Mỹ từng kết luận vùng núi Black Hills (một khu vực được coi là linh thiêng của người Sioux) đã bị chiếm bất hợp pháp và đề nghị chính phủ bồi thường 100 triệu USD đền bù.
Tuy vậy, người Lakota từ chối tiền và giữ yêu cầu trả lại vùng núi này. Vùng Black Hills bao gồm cả khu tưởng niệm Mount Rushmore nổi tiếng, với phù điêu của các vị tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincolm.
Không muốn tồn tại như linh vật biểu tượng
Vào tháng chín vừa rồi, Liên Hiệp Quốc đã cho thông qua tuyên bố về quyền của những người bản xứ, bất chấp sự phản đối của nước Mỹ. Ông Means cho biết họ sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của mình dù có kéo dài đến đâu. Trong chuyến đi tới thủ đô Washington vừa rồi, đoàn cũng đã tới thăm sứ quán các nước Bolivia, Chile, Nam Phi, Venezuela và cho biết sẽ tiến hành các chuyến đi ngoại giao ra nước ngoài trong thời gian tới.
Các chính sách đàn áp của Chính phủ Mỹ đã gây nhiều tổn thất cho người Lakota khi người dân ở đây là một trong những dân số có tuổi thọ thấp nhất thế giới – dưới 44 tuổi. Theo website của phong trào độc lập vì Lakota, tỉ lệ thiếu niên Lakota tự tử cũng cao hơn mức trung bình của nước Mỹ tới 150%, trong khi tỉ lệ chết ở trẻ cao gấp năm lần, thất nghiệp cao. Phyllis Young, người từng giúp tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên về quyền của những người bản địa năm 1977 ở Geneva, cho biết: “Người dân chúng tôi muốn được sống chứ không phải chỉ tồn tại hay quị lụy và trở thành những linh vật biểu tượng ở đây”.
Young cho biết: “Chúng tôi có 33 hiệp ước với nước Mỹ, nhưng những hiệp ước này đã không được tôn trọng. Họ tiếp tục tước đoạt đất đai, nước và con cháu của chúng tôi”. Ông Means nói sự thôn tính của Mỹ đã khiến những bộ lạc oai hùng ngày nào như Lakota giờ chỉ giống như “bản sao của những người da trắng”.
Bà Young cho biết: “Chúng tôi không muốn làm xấu mặt nước Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho con cháu của mình”.
Theo wikipedia, người da đỏ Sioux được coi là người dân bản địa đầu tiên của nước Mỹ. Sinh sống ở khu vực các bang phía Bắc Mỹ và một vài khu vực phía nam của Canada thuộc nước đại Sioux, cuộc sống của họ bắt đầu bị ảnh hưởng bởi công cuộc khai mở đất đai về hướng tây của nước Mỹ trong thế kỷ 19. Đặc biệt khi phát hiện vàng tại khu vực này, đã xảy ra một loạt các cuộc chiến giữa những người săn vàng và người dân bản địa ở đây.
Sau khi đánh bại người Sioux, Cheyenne và Arapaho, nước Mỹ đã nắm được quyền kiểm soát vùng đất này thông qua các hiệp ước ký với nước đại Sioux năm 1851 và 1869 tại pháo đài Laramie, Wyoming.
Hơn 150 năm sáp nhập nước Mỹ nhưng người Sioux ở đây vẫn không nguôi ngoai về đất nước xưa với những đỉnh núi thiêng của mình. Tại rất nhiều vùng ở năm bang này, chính quyền bộ tộc vẫn còn được duy trì. Riêng người Lakota chính thức bắt đầu chiến dịch đòi tự do của mình từ năm 1974 khi soạn thảo tuyên ngôn về “tiếp tục độc lập” của mình.