Người đưa thiết bị leo dừa xuất ngoại

Đồng NaiSáng tạo và đưa thiết bị leo dừa xuất khẩu, kỹ sư Nguyễn Văn Hưng, 35 tuổi, được tôn vinh là nhà khoa học của nông dân.

Quê ở Hà Tĩnh, anh Hưng theo gia đình vào huyện miền núi Định Quán lập nghiệp. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM, anh làm chuyên viên kiểm định ở một cơ quan nhà nước. Trong chuyến công tác đến Bến Tre năm 2013, chàng kỹ sư trẻ thấy người nông dân xứ dừa gặp khó khăn trong thu hoạch. Từ đó anh nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị leo dừa vừa giúp người hái bớt nguy hiểm, không tốn sức khoẻ và đem lại hiệu quả.

Thiết bị leo dừa của anh Hưng gồm 2 phần ngồi và phần chân. Ảnh: Phước Tuấn

Thiết bị leo dừa của anh Hưng gồm 2 phần ngồi và phần chân. Ảnh: Phước Tuấn

Sau hơn một năm mày mò, qua nhiều lần chỉnh sửa, anh đã lắp rắp được bộ leo dừa ngồi. Thiết bị gồm khung đỡ tam giác làm bằng thép hộp gắn ghế, có điểm tựa, cùng với dây mềm quấn xung quay cây dừa. Khung dưới được cấu tạo tương tự khung trên nhưng không có ghế. Khi muốn đi lên, người leo sẽ đứng hai chân vào thanh nâng, sau đó nâng khung phía trên đi lên, dùng sức của bàn chân tựa vào thanh nâng để nâng khung dưới…

“Để đảm bảo an toàn cho người leo, móc treo sẽ được gắn thêm cáp vải nối hai khung lại với nhau, đồng thời dùng dây quàng vào cổ người leo đề phòng khung trên bị tuột xuống”, anh Hưng nói.

Sau khi thiết bị hoàn thành, anh Hưng tiến hành chạy thử nghiệm. Kết quả cho thấy, thiết bị có kết cấu đơn giản nhưng đáp ứng được yêu cầu, hoạt động chắc chắn, độ ổn định cao. Không chỉ leo dừa, sản phẩm còn có thể sử dụng để leo các loại cây thẳng, thân tròn hay cột điện… Tuy nhiên sản phẩm ban đầu không được mọi người chú ý, tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật ở địa phương cũng bị ban giám khảo “ngó lơ”.

Không nản lòng, những góp ý của mọi người đều được anh Hưng ghi nhận để chỉnh sửa. Trong lần tham gia triển lãm sáng tạo của thanh niên, một vài nông dân huyện Nhơn Trạch mượn thiết bị của anh để thu hoạch dừa. Khi sản phẩm được chú ý, anh chế tạo 10 cái rồi rong ruổi xe máy đi “biểu diễn” cách trèo dừa ở các tỉnh miền Tây. Khi số người đặt hàng nhiều, anh cùng vợ quyết định nghỉ cơ quan nhà nước, thuê đất mở nhà xưởng, khởi nghiệp.

Quá trình sản xuất các sản phẩm, anh Hưng liên tục cải tiến để thiết bị dễ sử dụng hơn, khắc phục khuyết điểm trèo lên nhanh nhưng khi xuống bị chậm. Thiết bị sau chỉnh sửa có trọng lượng nhẹ và linh hoạt hơn mà vẫn đảm bảo an toàn, giúp người nông dân sử dụng thuận tiện, hiệu quả.

“Tôi không quan tâm chế tạo các máy móc phức tạp, giá cao ít người mua được. Trong khi đó, những dụng cụ thiết thực, đơn giản, chi phí rẻ lại ít nhà sản xuất quan tâm là thị trường ngách rất giàu tiềm năng, còn bỏ ngỏ mà tôi có thể tiếp cận”, anh Hưng nói.

Anh Hưng leo dừa với thiết bị ngồi ở độ cao tầm 10 m. Ảnh: Phước Tuấn

Anh Hưng leo dừa với thiết bị ngồi ở độ cao tầm 10 m. Ảnh: Phước Tuấn

Anh Hưng cho hay việc làm thiết bị trèo dừa từ sự tình cờ nhưng sản phẩm lại đáp ứng đúng và sát nhu cầu nông dân. Với giá thành 800 nghìn đồng một bộ ngồi và 1,3 triệu đồng một bộ đứng, nông dân hoặc ai có nhu cầu sử dụng đều có khả năng mua được sản phẩm.

Hiện, anh tiếp tục cải tiến thiết bị của mình có thể sử dụng vào nhiều hoạt động khác, như: leo cau, cột điện, cột sắt, cột bê tông trong xây dựng, sửa chữa điện, thi công điện năng lượng mặt trời, việc chỉnh trang ở các sân golf, cung cấp cho công ty cây xanh, các resort…

Nhờ tính đa năng và tiện dụng, thiết bị leo dừa của kỹ sư trẻ đoạt giải ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2017; được tuyên dương Nhà khoa học điển hình tại hội thảo khoa học Giải pháp liên kết hoạt động Khoa học công nghệ vùng Đông Nam Bộ năm 2018… Năm 2020, anh Hưng được Bộ Khoa học và Công nghệ tôn vinh là Nhà khoa học nông dân.

“Giải thưởng lớn nhất của tôi là được hàng chục nghìn nông dân cả nước ủng hộ mua sản phẩm”, anh Hưng nói và cho biết sản phẩm còn được nông dân trồng dừa ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, xa hơn là kiều bào ở Mỹ, Australia, Canada… tìm mua.

Kỹ sư sáng chế thiết bị leo dừa thẳng đứng

 

 

Kỹ sư sáng chế thiết bị leo dừa thẳng đứng

Dụng cụ leo dừa thẳng đứng của kỹ sư Nguyễn Văn Hưng được nông dân miền Tây sử dụng, năm 2018. Video: Huy Phong

Phước Tuấn