Người gìn giữ, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu
Mục lục bài viết
Người gìn giữ, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu
Hơn 30 năm gắn bó với việc thực hành và truyền dạy diễn xướng nghi lễ chầu văn (hầu đồng, hầu bóng), năm 2022, thanh đồng Thiều Thị Khoa được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú, ghi nhận những công lao to lớn của bà trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Thanh đồng Thiều Thị Khoa trong một lần hầu đồng. Ảnh: Vân Anh
Việc phát triển văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu có lịch sử hàng ngàn năm, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng tài lộc, sức khỏe, và là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu luôn dạy phải lấy hiếu đạo làm đầu, thể hiện sự hiếu kính với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng là nghi lễ tiêu biểu đặc trưng nhất, được diễn ra trong không gian của đền, điện, phủ thờ Thánh Mẫu. Nghi lễ hầu đồng là hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời ca trau chuốt, cùng nghi lễ trang nghiêm và hình thức múa để con người có thể giao tiếp với thần linh. Khác với hát ca trù, quan họ cổ hay hát xẩm, hát chầu văn là sự kết hợp cả dân ca và dân vũ. Hình thức hát văn cũng rất phong phú, gồm hát thờ, hát thi, hát hầu (phục vụ hầu đồng, lên đồng) và hát nơi cửa đền…
Đầu năm, dù bận rộn với nhiều giá hầu, nhưng khi nghe chúng tôi muốn tìm hiểu về hầu đồng, thanh đồng Thiều Thị Khoa đã dành thời gian tiếp chúng tôi. Cuộc trò chuyện giúp những người “ngoại đạo” như chúng tôi có cái nhìn toàn diện về hầu đồng và những trăn trở, tâm huyết của những nghệ nhân như bà trong việc bảo tồn và phát huy di sản của dân tộc.
Thiều Thị Khoa chính thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu từ năm 1991, sau hàng chục lần từ bỏ bởi những bất ổn trong cuộc sống và những lời đàm tiếu của thiên hạ. Được làm công việc yêu thích với bà Khoa lúc đó như được sống, được trở về với bản ngã, từ đó bà không ngừng học hỏi kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu để làm tốt lên tinh thần trong mỗi giá hầu. Bà Khoa cho biết: “Thực ra hầu đồng là chương trình biểu diễn nghệ thuật tâm linh, trong đó diễn viên là thanh đồng, các nhạc công là cung văn. Về cơ bản, các bài hát văn đều có nội dung ca ngợi đất nước, quê hương, đời sống mới, những chất liệu âm nhạc đặc sắc với nội dung tươi vui, sống động được chắt lọc từ âm nhạc cổ truyền”. Vì vậy, khi tham dự các giá hầu ta không chỉ được thưởng thức văn hóa văn nghệ truyền thống mà còn thỏa mãn được nhu cầu tâm linh. Đó chính là những giá trị mà nghi lễ chầu văn nói chung, nghi thức hầu đồng nói riêng và đó cũng là điều mà thanh đồng Thiều Thị Khoa luôn hướng tới.
Theo đó, với bà Khoa, nếu giá thánh nam thể hiện được khí thế hào hùng, nghiêm trang, oai phong lẫm liệt thì với giá thánh nữ là sự nhẹ nhàng, khéo léo, tinh tế… Sự chân thành và nghiêm khắc của bản thân đã giúp hoạt động hầu đồng trên 30 năm của bà Khoa không có điều tiếng, được nhiều người trong và ngoài giới biết đến. Bà thường xuyên góp mặt nhiều chương trình liên hoan trên toàn quốc như: Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc; Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Đồng thời, đạt nhiều giải cao như giải xuất sắc Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc tại Thừa Thiên Huế với tiết mục “Quan lớn Đệ Tam” năm 2018; giải xuất sắc Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa năm 2019; giải A tiết mục “Quan Đệ Nhị” tại Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc năm 2021…
Thêm một dấu ấn sâu sắc của bà Khoa trong hầu đồng là việc bà đã đào tạo, truyền dạy được nhiều thanh đồng trẻ tài năng, cùng với các học trò bảo tồn và phát huy tinh hoa của văn hóa dân tộc trong tục thờ Mẫu. Với mỗi học trò, điều đầu tiên bà dạy là kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu, hiểu về các nhân vật được thờ phụng gắn với những văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt và lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Từ hiểu đúng mới đến thực hành đúng. Bên cạnh đó, bà luôn nhắc nhở “đệ tử” điều tiết các hành vi của mình trong niềm tin thờ Mẫu, không để biến tướng một số nghi thức thành mê tín dị đoan, nặng về vật chất. Bà Khoa cho biết: “Hiện nay một số đền, phủ xuất hiện những người không có căn cốt “hầu đồng” nhưng chạy theo loại hình diễn xướng này như một sự cuồng tín, học hát vội vã, không theo quy chuẩn, làm mất đi nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu”.
Khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì những thanh đồng như bà Khoa đặc biệt vui mừng bởi nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu đã được công nhận và đây cũng là cơ hội để những hầu đồng chân chính thể hiện vai trò giữ “lửa”. Bởi vậy, trong mỗi giá hầu bà Khoa luôn chỉn chu từ trang phục đến cung văn, thực hành đảm bảo tôn nghiêm, thể hiện sự thành kính, ca ngợi công ơn của các vị Thánh, Mẫu, tái hiện lại hình ảnh oai hùng của các vị tướng, anh hùng dân tộc đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa người xem lạc vào thế thức tâm linh thần thánh đầy cuốn hút. Thanh đồng Thiều Thị Khoa bày tỏ niềm vui mừng: “Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới như chìa khóa mở ra cho loại hình nghệ thuật hát chầu văn, hầu đồng đến gần hơn với người dân. Bên cạnh đó, là trách nhiệm của những thanh đồng để hầu đồng “sống” một cách văn minh, văn hóa, góp phần khẳng định giá trị độc đáo, đặc sắc và sức sống của di sản văn hóa đại diện cho nhân loại này”.
Vân Anh