Người giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Nùng

Biên Sơn thuộc xã vùng dân tộc miền núi của huyện Lục Ngạn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục tập quan riêng đã tạo nên các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng được thể hiện rõ nét. Đến Biên Sơn, nhất là vào dịp các phiên chợ sẽ thấy được một bức tranh đa sắc màu vô cùng rực rỡ, từ những áo thổ cẩm của phụ nữ các dân tộc, đến hoạt động mua bán mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người vùng cao. Tại đây, không khó để tìm thấy sạp hàng bày bán các trang phục được làm thủ công của người phụ nữ dân tộc Nùng, những tấm vải dệt của người Tày, những dụng cụ lao động hằng ngày được rèn đúc từ những gia đình… Đây đều là những sản phẩm được làm truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

 

Ông Mạc Văn Đậu được nhận Bằng khen tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến năm 2021

Gìn giữ được những nét bản sắc này là do những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền xã Biên Sơn luôn quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Ủy ban nhân dân xã luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc của dân tộc mình và xem đó như trách nhiệm của mỗi công dân sinh sống tại địa phương.

CLB hát dân ca dân tộc Nùng xã Biên Sơn

Cùng với đó, Biên Sơn còn thường xuyên duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn; khảo sát điều tra, sưu tầm, phục dựng giá trị văn hóa ở các địa phương trên địa bàn xã; lưu giữ, khôi phục lại một số trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, làn điệu dân ca địa phương.

Tại hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang năm 2021. Tôi đã có dịp gặp bác Mạc Văn Đậu, 62 tuổi, dân tộc Nùng hiện nay là Người uy tín, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, chủ nhiệm CLB hát dân ca dân tộc Nùng xã Biên Sơn, là Phó Ban liên lạc các CLB hát dân ca dân tộc thiểu số huyện Lục Ngạn.

Bác tâm sự rất vinh dự và tự hào được tham dự hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Khi được trao đổi về việc giữ gìn các nét đẹp văn hóa của người dân tộc Nùng xã Biên Sơn và kết quả hoạt động của CLB hát dân ca, bác Đậu tươi cười nói.

Ngoài các giá trị văn hóa khác, trong cộng đồng dân tộc Nùng có những làn điệu dân ca truyền thống đặc trưng như Hát sli, hát lượn, hát cổ lẩu. Thể loại hát sli là thể loại hát đối đáp giao duyên tình yêu đôi lứa tiếng hát vang vọng ẩn chứa trong mỗi câu hát mang đầy ý nghĩa sâu sắc làm cho rung động trái tim, say mê đắm đuối lòng người. Tuy nhiên từ những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, hát shi đã dần đi vào mai một. Cho đến khi có Nghị quyết Trung ương V khóa VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bản thân tôi cũng như mọi người rất phấn khởi khi Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm khôi phục di sản văn hóa dân tộc. Với trách nhiệm và tâm huyết với những làn điệu dân ca do cha, ông lưu truyền, để lại và với mong muốn khôi phục duy trì gìn giữ và phát triển bản sắc bài ca tiếng hát của dân tộc Nùng. Tôi đã làm đơn đề nghị UBND xã Biên Sơn xin được thành lập CLB hát dân ca dân tộc Nùng, và đã được UBND xã đồng ý và ban hành quyết định thành lập vào ngày 12/9/2010, gồm có 30 thành viên và bản thân tôi là Chủ nhiệm CLB, tới nay tổng số hội viên CLB đã lên đến 62 hội viên. Để CLB đi vào hoạt động có hiệu quả, tôi đã tham mưu với UBND xã Biên Sơn ban hành Quy chế hoạt động của CLB. Từ đó đến nay, Câu lạc bộ đã rất tích cực hoạt động hiệu quả, như thường xuyên truyền dậy lại cho lớp thế hệ trẻ lứa tuổi từ 12 – 14 tuổi; tích cực tham dự các hội hát do huyện, xã tổ chức, những bài hát được mang đi dự thi cũng đều do bản thân tôi tự sáng tác và biên dịch lời. CLB hát dân ca dân tộc Nùng luôn duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ bộ trang phục tới lời ca tiếng hát, phiên dịch. Hàng năm CLB đã tham dự tổng kết ở các câu lạc bộ khác trong huyện và ngoài tỉnh, các hội viên đi tham dự đều mang những tiếng hát của mình để giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Ngoài các xã trong huyện Lục Ngạn, trong những năm qua, CLB đã tổ chức cho các hội viên đi giao lưu tại các xã có cùng dân tộc như xã Tam Dị, xã Bảo Sơn huyện Lục Nam, xã Cẩm Đàn, xã Chiên Sơn, xã Quế Sơn, xã Phúc Thắng thuộc huyện Sơn Động; và đi giao lưu tại vùng quê thuộc tỉnh Lạng Sơn như huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc và khu vực huyện Bình Gia.

Năm 2011, Hội bảo tồn dân ca dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn được thành lập. Bản thân tôi đã trao đổi với các thành viên trong Ban chấp hành Hội bảo tồn tỉnh Lạng Sơn thống nhất thời gian giao lưu giữa hai tỉnh là ngày 22 tháng giêng âm lịch hàng năm, địa điểm tại khu vực Bảo tàng Hoàng Văn Thụ thành phố Lạng Sơn. Đến nay, sự kiện này đã thành thông lệ giao lưu hàng năm giữa Bắc Giang và Lạng Sơn, hiện nay câu ca tiếng hát sli dân tộc Nùng đã lan tỏa khắp nơi, mọi vùng quê có dân tộc Nùng như chợ hội, chợ phiên, ngày lễ tết, nhà mới, đám cưới đều có câu hát sli đối đáp rất sôi nổi.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, bản thân tôi rất vinh dự, tự hào được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng Nghệ nhân ưu tú vào ngày 8/3/2019. Trước sự ghi nhận và vinh dự lớn lao ấy, bản thân tôi luôn ý thức cần cố gắng hơn nữa, để xứng đáng với danh hiệu được phong tặng.

Nói đến đây thì tiếng chuông báo hiệu giờ nghỉ giải lao của Hội nghị đã hết, chia tay bác Mạc Văn Đậu mà lòng Tôi phấn chấn, một Nghị quyết của Đảng về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã đi vào cuộc sống người DTTS và những người như bác Đậu đã góp phần làm cho các làn điệu Sli, làn điệu Lượn có sức sống mạnh mẽ trong xã hội đương đại./.

Nguyên Phúc