Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Thật Sự Của Mâm Ngũ Quả Ngày Tết
Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, trong mỗi gia đình người Việt dường như không thể thiếu được mâm ngũ quả trên bàn thờ ông bà, Tổ tiên. Trong không khí những ngày giáp Tết này, hãy cùng CET tìm hiểu về ý nghĩa và nguồn gốc của mâm ngũ quả để biết cách chuẩn bị thật tốt bạn nhé!
Nguồn gốc của mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là một mâm có năm loại trái cây khác nhau, thường được các gia đình Việt chuẩn bị để lên bàn thờ trong những ngày Tết nguyên đán. Thông qua tên gọi của năm loại trái cây, mỗi gia đình đều gửi gắm vào đó những mong muốn khác nhau cho năm mới. Tùy vào vùng miền và thời kỳ mà hiện nay, mâm ngũ quả mang ý nghĩa trang trí nhiều hơn là ý nghĩa tâm linh.
Mâm ngũ quả thường được các gia đình Việt chuẩn bị để lên bàn thờ trong những ngày Tết nguyên đán. Nguồn: Internet
Người phương Đông thường tin vào thuyết Ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đây cũng là 5 yếu tố tạo nên vạn vật theo thuyết duy vật cổ đại, nên 5 loại quả tượng trưng cho sự đầy đủ và thể hiện ước muốn đạt được ngũ phúc lâm môn: Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh. Không chỉ vậy, trong văn hóa phương Đông, khong chỉ mâm ngũ quả mà nhiều quy luật tự nhiên khác cũng được gắn với chữ “ngũ” như: ngũ hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng…
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên Đán
Ngũ
Ngũ (五): là năm, là biểu tượng chung của sự sống. Ngũ quả thể hiện được sự đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng để thờ cúng. Trong sách Chiêm thư, người ta thường nhìn và mâm ngũ quả để dự đoán mùa màng trong năm được hay mất, dần dần về sau, mâm ngũ quả trở thành tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.
Màu sắc của các loại quả trên mâm ngũ quả thường tuân theo ngũ hành và có tính may mắn như: màu đỏ (may mắn, phú quý), màu vàng (sung túc), … Nguồn: Internet
Quả
Quả là biểu tượng cho sự sung túc với hình tượng mỗi quả là vũ trụ, bên trong quả có chứa hạt, tượng trưng cho sao, mang ý nghĩa sinh sôi trường tồn và tái sinh bất tận của sự sống.
Cách bày mâm ngũ quả đẹp và ý nghĩa cho ngày Tết theo từng miền
Do điều kiện địa lý tự nhiên của người Việt có sự khác biệt và thay đổi theo vùng miền nên mâm ngũ quả cũng được trình bày với các loại quả và hình thức khác nhau.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm những loại quả phổ biến sau:
- Chuối xanh: màu xanh của trái chuối tượng trưng cho hành Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.
- Lê: có vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
- Lựu: lựu có nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đầy đàn.
- Phật thủ: có hình dạng đặc biệt như những bàn tay của Phật, che chở bảo vệ cho gia đình.
- Táo: táo tây, táo ta, táo tàu: tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang.
- Bưởi: bưởi căng tròn, mát lạnh, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống.
- Cam, quất: Theo âm Hán của từ “quất” gần giống âm của từ “cát”. Bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
- Lê – ki – ma (trứng gà): ý là lộc trời cho.
Các loại quả được chọn thường có hình dáng, cấu tạo gợi tả điều tốt lành, có vị ngọt, thơm, không đắng hoặc cay. Nguồn: Internet
Mâm ngũ quả miền Trung
Mâm ngũ quả người miền Trung gồm các loại quả sau:
- Nải chuối: mang ý che chở, bảo bọc
- Quả trứng gà có hình trái đào tiên lộc trời
- Dừa: có nghĩa là không thiếu
- Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc
- Đu đủ: mang đến sự đầy đủ thịnh vượng
- Lựu, nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống
- Phật thủ: giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người
- Táo: mang ý nghĩa là phú quý
- Hồng, quýt: tượng trưng cho sự thành đạt
- Thanh long: ý rồng mây gặp hội
- Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn
- Xoài: cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.
Mâm ngũ quả miền Nam
Mâm ngũ quả người miền Nam gồm các loại quả sau:
- Dưa hấu: căng tròn, mát lạnh, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống.
- Sung: thể hiện mong muốn có sự sung túc, tròn đầy, sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
- Đu đủ: biểu tượng của đầy đủ, thịnh vượng.
- Xoài: cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.
Sai lầm cần tránh khi chuẩn bị mâm ngũ quả
Ngày nay, mâm ngũ quả còn mang ý nghĩa trang trí cho không gian phòng khách vào những ngày đầu xuân năm mới. Nguồn: Internet
Bày quả đã chín già
Hoa quả đã chín thường có màu rất đẹp, chính vì thế nhiều người thường chọn chúng để bày mâm ngũ quả. Tuy nhiên, nếu chọn quả đã chín thì chắc chắn chúng sẽ bị hỏng khi được bày trong thời gian từ 5 ngày 1 tuần trong Tết. Ngoài ra, sức nóng của nhang khi thắp sẽ khiến những loại quả này nhanh hỏng.
Bày quả có gai, nặng mùi
Cần phải tránh những loại quả có gai nhọn như mít, sầu riêng, dứa… trên mâm ngũ quả ngày Tết. Ngoài ra, mít và sầu riêng là loại trái cây rất nặng mùi. Theo quan niệm của người xưa, không nên để những gì quá nặng mùi hay sắc nhọn lên bàn thờ vì đây là nơi thiêng liêng.
Bày hoa quả bị ướt
Nhiều người có thói quen rửa sạch sẽ hoa quả rồi bày lên mâm. Tuy nhiên, nếu sau khi rửa, hoa quả còn ướt sẽ khiến chúng nhanh bị hư. Do đó, sau khi mua hoa quả mua về, bạn có thể dùng khăn giấy lau nhẹ hết lớp bụi bẩn bên ngoài là được.
Hy vọng bài viết trên của CET đã giúp bạn có thể chuẩn bị một mâm ngũ quả “chuẩn không cần chỉnh”. Chúc bạn và cả gia đình có một cái Tết thật ý nghĩa cùng nhau!