Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Đoan Ngọ có thể bạn chưa biết

Hằng năm, cứ đến mồng 5 tháng 5 (âm lịch) người Việt lại tổ chức Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn “dương” là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc, ở nhiều nước châu Á cũng có Tết Đoan Ngọ. Vì vậy Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ Tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau. Theo đó, một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.

Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây.

Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ nhưng ông lão đã đi đâu mất.

Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày ‘Tết diệt sâu bọ’, có người gọi là ‘Tết Đoan Ngọ’, vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5. Cách trừ sâu bọ trong người như sau: mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Rồi bước chân ra khỏi giường ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Giết sâu bọ, đeo bùa ngũ sắc, mặc áo dấu, xâu lỗ tai cho bé gái, nhuộm móng tay móng chân, đổ bệnh cho cây, khảo cây, đi sêu… là những phong tục riêng của Tết Đoan Ngọ xưa, khiến nó được coi là ‘Tết kì lạ nhất của người Việt’ mà người Pháp cách đây gần 2 thế kỉ đã phải thốt lên như vậy.

Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: “Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ. Hôm ấy, người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó…”.

Chuyên gia phong thủy Song Hà


Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 theo gợi ý của chuyên gia

Nghệ nhân Ánh Tuyết cho rằng, khi làm mâm cơm cúng Rằm tháng 7, các gia đình có thể chọn thực phẩm theo mùa, chế biến món ăn phù hợp khẩu vị, tránh lãng phí.


Bài cúng Rằm tháng 7 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Rằm tháng 7 là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt. Vào ngày này, nhiều gia đình làm mâm cơm cúng thần linh, gia tiên và chúng sinh.