Nguồn gốc văn hoá cafe tại Việt Nam

Uống cà phê là nét văn hóa đặc trưng của hầu hết người Việt. Mặc dù, cà phê theo chân người Pháp rồi dần dà được phát triển tại nước ta, nhưng cách mà người Việt ta chế biến và sáng tạo đã một hương vị cà phê không thể lẫn ở bất cứ đâu. Trong nền văn hóa thưởng thức cà phê Việt có rất nhiều phong cách pha cà phê độc đáo được nhiều người ưa chuộng. Vậy những nét văn hóa đấy là gì ? 

1. Cà phê phin 

Để mà nói về văn hóa uống phổ biến nhất, đó chính là cà phê phin. Cà phê phin chính là sự sáng tạo đã được Việt hóa thành cái tinh túy, thể hiện bản sắc riêng của văn hóa cafe phin Việt. Nhờ có nghệ thuật rang xay và phối trộn, bí quyết sao tẩm đặc biệt từ những người thợ rang thủ công, đến việc sử dụng dụng cụ pha chế được phát triển dần từ thô sơ đến hiện đại. Ngày nay, người ta sử dụng phin gốm, phin nhôm, phin inox để thay thế dụng cụ pha cà phê bằng nồi đất, chảo, hay ấm đất. Đó là một chặng đường tiếp thu rồi Việt hóa một cách sáng tạo để biến phin cà phê Tây thành văn hoá cafe phin Việt. 

Đặc biệt, nếu bạn để ý, khi gọi một ly cà phê phin, cửa hàng cafe đó sẽ phục vụ kèm với trà đá. Đây cũng là một nét đặc trưng trong văn hóa cà phê Việt. 

Uống cafe phin không thể thiếu trà đá bên cạnh 

Một nét độc đáo đặc trưng của cà phê phin nữa đó là, mỗi quán cà phê đều có một hương vị cafe phin rất riêng. Có được sự khác biệt ấy, là từ khâu rang xay chế biến cà phê, đến cách pha phin cà phê, hay chỉ đơn giản là do không gian thưởng thức khác biệt. Một quán cà phê nguyên chất đều sẽ cho ra một ly cà phê thơm ngon, đậm đà theo phong cách của riêng mình, từ phin cà phê đá đến cà phê sữa sóng sánh, nồng đậm. 

  • ” Văn hóa cà phê phin Việt hình thành khá sớm từ những năm Pháp đặt chân xâm lược Việt Nam. Các quán cà phê hoàn toàn thuộc chủ sở hữu của người Pháp, và phục vụ cho giới công chức Pháp, trí thức là thiểu số người Việt bởi hiếm, đắt đỏ và nhiều người chưa quen dùng. Mãi đến thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, mới bắt đầu xuất hiện các quán cà phê thuộc sở hữu của người Việt. Từ đó, ngày càng có nhiều quán cà phê hơn, ngoài những quán cà phê lớn hay nhà hàng cà phê, còn có các tiệm cà phê hay cà phê trong vỉa hè.”

2. Cà phê vợt 

Một trong những nét đặc trưng của văn hóa cà phê Việt ngày nay vẫn còn giữ đó là cà phê vợt. 

Với cách pha chế công phu cà phê vợt đòi hỏi những dụng cụ pha chế cầu kỳ lẫn quy trình pha cà phê nhiều công đoạn. Thay vì chỉ đơn giản là ‘ngâm’ cafe trong nước nóng rồi chờ cà phê chảy ra từng giọt rồi thưởng thức như cà phê phin, thì ở cà phê vợt, cần có bếp than hoặc bếp củi và ấm đất để nấu cà phê.

Một số tiệm cafe vợt sử dụng ấm inox để phục vụ kinh doanh dễ dàng hơn

Vì sao phải là ấm đất? Bởi nó giữ được độ nóng của nước sôi và mùi hương của cà phê rất tốt. Từng lớp cà phê hạt được xay nhuyễn, sau đó được đong lên một chiếc vợt vải, rồi nhúng vào ấm nước đang sôi sùng sục trên bếp. Người pha cà phê phải dùng muỗng khuấy liên tục để cà phê không bị đọng dưới đáy vợt. Tại bước này, bạn dễ dàng cảm nhận tiếng sôi ùng ục đầy quyến rũ trong một  không gian nồng nàn mùi cà phê. Sau khi cà phê chín, sẽ được chuyển sang ấm đất khác đặt xa bếp lửa hơn, để cà phê vẫn tiếp tục sôi nhưng không bị trào, đảm bảo độ nóng cho đến khi có khách đến thưởng thức. 

Có thể nói, chính cái quy trình pha chế 1 ly cà phê vợt tỉ mỉ ấy, đã níu không biết bao nhiêu bước chân người đến thường thức. Giữa hàng trăm quán cà phê chạy theo phong cách hiện đại, tìm về một không gian Sài Gòn xưa của những người đã sống hết hơn nửa đời người, là một trải nghiệm thực sự khó quên.

 

Cheo Leo Cafe – quán cà phê vợt có tuổi đời lâu nhất ở Sài Gòn

  • ” Quán đầu tiên ở Sài Gòn bán cafe vợt từ năm 1938 và đã có một thời kỳ rất thịnh vượng. Qua bao thăng trầm, với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của xã hội, có nhiều loại cà phê mới lạ du nhập vào Việt Nam, làm cho giới trẻ dần quên mất loại cà phê này. Chính vì vậy, chỉ còn vài quán nằm khiêm tốn trong những con hẻm nhỏ hai bên lề đường. Mặc dù giá thành khá rẻ, nhưng họ vẫn không sử dụng cà phê pha sẵn, mà dùng cà phê hạt tự xay để cho ra nhưng ly cà phê chất lượng tốt nhất. Những chiếc vợt và ấm đất được thay thường xuyên, nên bạn không cần phải lo lắng về chất lượng cà phê. ” 

3. Cà phê trứng

Cà phê trứng đại diện cho một nét văn hóa ẩm thực rất Hà Nội. Không quá khó để tìm nguyên liệu cũng như dụng cụ pha chế để làm ra một ly cà phê trứng. Bạn chỉ cần tìm chọn trứng gà tươi mới, sữa và sử dụng cà phê nguyên chất thơm ngon hảo hạng. Trứng gà tươi sẽ không nghe mùi tanh, chỉ lọc lấy phần lòng đỏ và đánh bông lên cùng một vài nguyên liệu nữa (tuỳ quán sẽ có công thức kem trứng khác nhau..) cho tới khi hỗn hợp kem trứng sánh mịn. Sau cùng, bạn từ từ rót nhẹ cà phê nóng vào chính giữa, lớp kem trứng sẽ từ từ nổi dần lên trên mặt ly. 

Cà phê trứng trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Thủ đô

Mặc dù cách để làm ra một ly cà phê trứng không quá phức tạp, nhưng lại đòi hỏi ở người pha sự tinh tế và khéo léo hơn cả. Điểm nhấn làm nên sự thơm ngon của nó là ở việc gia giảm tỷ lệ trứng, cà phê và sữa sao cho vừa miệng, hài hòa, không bị ngọt hay đắng quá, vị ngầy ngậy beo béo phải hài hòa với mùi hương nồng nàn của cà phê. 

Thưởng thức cà phê trứng, bạn nên uống ngay khi ly cà phê còn đang nóng hổi, đây là khoảnh khắc ly cafe trứng thơm ngon nhất. Tại nhiều quán, họ sẽ đặt ly cà phê trứng nóng vào ly nước sôi để không bị giảm nhiệt nhanh. Người ta thường chầm chậm khuấy đều để cà phê và trứng hòa lẫn vào nhau, tạo nên lớp bọt bồng bềnh, đưa từng thìa nhỏ và miệng và cảm nhận toàn bộ hương vị. Mặc dù những ly cà phê trứng đều nhỏ, nhưng đủ sức khiến người ta phải vấn vương. 

  • ” Cafe trứng đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XX. Người sáng tạo ra món cà phê trứng độc đáo này là của cụ Nguyễn Văn Giảng. Cụ Giảng từng có thời gian làm đầu bếp pha chế ở khách sạn 5 sao Sofitel Legend Metropole thời Pháp thuộc, để biến món Capuchino quen thuộc ở phương Tây trở thành cà phê trứng, với những nguyên liệu gần gũi nhưng đậm đà thơm ngon ”

Cafe Giảng là quán cafe tiên phong cho thức uống độc đáo này 

 

Bài viết có tham khảo từ Cà phê Việt XXI – Trương Phú Thiện