Nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa  - Ảnh 1.

Mặc những bộ quần áo truyền thống là một trong những cách người dân tộc Sán Chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình – Ảnh: VGP

Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của nhân dân trong bảo tồn di sản văn hóa

Sau 1 năm làm việc cực nhọc, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, lúa chất đầy kho, các buôn làng người K’Ho ở Lâm Đồng lại cùng nhau tạ ơn các thần linh đã phù hộ cho buôn làng có vụ mùa bội thu. Những chàng trai, cô gái lại nhảy múa, ca hát quanh cây nêu cùng tiếng chiêng, tiếng cồng trong lễ hội mừng lúa mới diễn ra vào tháng 10 âm lịch.

Cùng với việc triển khai các chính sách về kinh tế, tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm, tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa.

Trong thời gian qua, ngành VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng đã mở hàng chục lớp truyền dạy cồng chiêng ở các địa phương có đồng bào Mạ, K’Ho, Chu Ru sinh sống; tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Nghi lễ Nhô Wèr của người K’Ho Srê ở Di Linh, hệ thống nghi lễ nông nghiệp của người Mạ ở Lộc Bắc – Bảo Lâm, lễ Pơ-thi (bỏ mả) của người K’Ho ở Đức Trọng, người Chu Ru ở Đơn Dương, lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc K’Ho… ; tiến hành sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể: Dân ca, truyện cổ, phong tục; đầu tư bảo tồn nghề thủ công truyền thống, tín ngưỡng, tri thức dân gian; đưa di sản văn hóa vào phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, có một thực tế, trong quá trình giao lưu văn hóa nhiều giá trị văn hóa đang dần mất đi. Điều này không chỉ là vấn đề riêng của tỉnh Lâm Đồng mà nhiều địa phương khác cũng phải đối diện. Ngày nay đến các buôn làng, người ta ít gặp hình ảnh người phụ nữ ngồi dệt, vắng đi tiếng cồng chiêng trong các nghi lễ của gia đình, dòng họ…

Trong Ngày hội Văn hóa Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng năm 2022, ông Đặng Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, văn hóa cồng chiêng vẫn đang được các thế hệ người K’Ho, Chu ru, Mạ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ở Lâm Đồng lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, trong những buôn làng hiện nay, số lượng người biết đánh cồng chiêng không nhiều như trước, tuổi tác phần lớn đã cao và quan trọng hơn cả là những dịp để diễn tấu cồng chiêng ngày càng ít đi. Cồng chiêng thể hiện bản sắc văn hóa, nét riêng biệt của từng buôn làng. Đó chính là những tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện đường lối của Đảng về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan, thì cần phải giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nếu chỉ bảo tồn mà không khai thác sẽ gây lãng phí, hạn chế phát huy giá trị; nếu chỉ phát huy mà không bảo tồn thì sẽ gây hủy hoại.

Di sản văn hóa có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh, bền vững của cuộc sống đương đại. Vì thế cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu, thợ nghề, nghệ nhân, những người bảo vệ di sản ở cơ sở.

Mới đây, Sở VHTT&DL Lâm Đồng đã được UBND tỉnh giao triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” từ nguồn vốn “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025”.

Mục tiêu của dự án này là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế, phát triển dịch vụ và du lịch, chú trọng các yếu tố về dân sinh, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa làng bản. Xây dựng hạ tầng cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan, giao lưu văn hóa và phục vụ đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực thông qua trò chơi dân gian; dân ca – dân nhạc – dân vũ; lễ hội; trang phục; văn hóa ẩm thực truyền thống; tri thức dân gian….

Dự án sẽ được thực hiện tại huyện Di Linh và huyện Lạc Dương với tổng mức đầu tư gần 21 tỷ đồng. Để bảo tồn giá trị văn hoá vật thể, dự án sẽ xây dựng làng văn hóa truyền thống tại thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương và làng văn hóa truyền thống tại thôn K’Long Trào, xã Gung Ré, huyện Di Linh. Đối với bảo tồn văn hoá phi vật thể, sẽ đầu tư trang phục, nhạc cụ, dụng cụ lao động, ẩm thực.

Nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa  - Ảnh 2.

Lễ đón nhận Bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – Ảnh: VGP

Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là nguồn nội lực quan trọng

Ở cấp bộ, ngành, Bộ VHTT&DL đã ban hành chương trình hành động, nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Bộ VHTTDL nhấn mạnh, cần triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Xây dựng các chương trình, đề án, dự án cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong đó tập trung rà soát, lồng ghép, sửa đổi, bổ sung các chính sách và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và khơi dậy tinh thần tự lực, tự hào về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, Bộ VHTT&DL đã ban hành quyết định về việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người năm 2022. Điển hình như tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lự (dân tộc Lự là một trong các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người); triển khai hỗ trợ khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lự sinh sống trên địa bàn huyện Tam Đường và huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (đây là địa bàn dân tộc Lự sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III, tỉnh Lai Châu).

Từ đó, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người; cải thiện mức hưởng thụ văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

Tại Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy đã khẳng định, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành các chương trình, mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế – xã hội của các vùng dân tộc thiểu số, trong đó có những dự án bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển cộng đồng.

Đó là minh chứng thể hiện sự quan tâm cụ thể, thiết thực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, luôn luôn xác định văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là một nguồn nội lực, cùng với các giá trị khác để làm nên sức mạnh phát triển kinh tế -xã hội, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là để khẳng định với thế giới về giá trị, bản sắc, sự giàu có phong phú, đa dạng về văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Hoàng Giang

Xổ số miền Bắc