Nguyễn Trãi – Danh nhân văn hóa thế giới

Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Trãi tìm đến trợ giúp việc nước cho nghĩa quân. Tại đây, Nguyễn Trãi dâng cho Lê Lợi các kế sách bình Ngô, trong đó nổi bật nhất là kế tâm công để giải phóng đất nước và ông trở thành mưu sĩ cho thủ lĩnh nghĩa quân. Do vậy, dù cuộc khởi nghĩa chống quân Minh sắp đến ngày toàn thắng nhưng Lê Lợi nghe theo Nguyễn Trãi viết thư cầu hòa đến vua Minh để giữ hòa khí bang giao. Ngoài ra ông còn là người thay mặt Lê Lợi soạn thảo mọi thư từ giao thiệp giữa quân Lam Sơn và quân Minh cũng như bàn chuyện cơ mật cùng Lê Lợi.

Sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Nguyễn Trãi tham mưu cho Lê Lợi cấp lương bổng, thuyền, ngựa cho đám quân bại trận về nước. Sau đó, ông thay mặt Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo” để thông báo với cả nước về việc chiến thắng quân Minh. Đây được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc ta. Năm 1428, Lê Lợi  lên ngôi phong cho ông chức Vinh lộc Đại phu Nhập nội Hành khiển tri Tam quán sự. Năm 1434, Nguyễn Trãi được tiến cử vào dạy học cho vua Lê Thái Tông ở tòa Kinh Diên. Năm 1435, Nguyễn Trãi dâng lên vua sách Dư địa chí do ông soạn thảo ghi chép khá đầy đủ về bờ cõi hành chính nước Đại Việt ta lúc bấy giờ. Năm 1438, Nguyễn Trãi cáo quan lui về nghỉ tại quê ngoại Côn Sơn. Tháng 9-1442, Nguyễn Trãi bị khép tội và bị tru di tam tộc vì cái chết bất ngờ của vua Lê Thái Tông. Sau khi Nguyễn Trãi chết, tất cả những di cảo thơ văn và trước tác của ông đều bị tiêu hủy. 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi và truy tặng ông tước hiệu là Tán Trù bá, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan.

Lịch sử đánh giá Nguyễn Trãi là một nhà tư tưởng lớn của dân tộc ta. Tư tưởng của ông là sản phẩm của nền văn hóa Việt Nam thời đại nhà Hậu Lê, đánh dấu một giai đoạn phát triển quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tư tưởng của Nguyễn Trãi không trình bày thành một học thuyết có hệ thống cụ thể nào mà được thể hiện rải rác qua các tác phẩm văn thơ của ông. Nét nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là sự hòa quyện, chắt lọc giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo kết hợp chặt chẽ với hoàn cảnh thực tiễn xã hội đương thời. Nổi bật nhất là tư tưởng nhân nghĩa gắn liền với tư tưởng nhân dân, tinh thần yêu nước, tư tưởng hòa bình – một đường lối chính trị, một chính sách cứu nước và dựng nước.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá: “Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị ngoại giao “mở nền thái bình muôn thủa, rửa nỗi thẹn nghìn thu”; võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, “yếu đánh mạnh ít địch nhiều… thắng hung tàn bằng đại nghĩa… Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta…”. 

Tấn Phong