Nhà Văn hóa phụ nữ – điểm đến của người dân TP Hồ Chí Minh
Mục lục bài viết
Nhà Văn hóa phụ nữ – điểm đến của người dân TP Hồ Chí Minh
Lớp học làm tóc của Nhà Văn hóa phụ nữ TP Hồ Chí Minh Từ nhiều năm nay, Nhà Văn hóa phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong học nghề, vui chơi giải trí, nơi chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống của người dân thành phố. Họ đến đây chơi thể thao, học cắm hoa, nấu ăn, khiêu vũ, trang điểm và học cách dạy con. Ðặc biệt, một số người mắc HIV/AIDS; nam, nữ mới lớn gặp chuyện trắc trở trong tình yêu… đều tìm đến đây để được tư vấn.
“Tứ đức” thời hiện đại…
Mở đầu câu chuyện, Giám đốc Nhà Văn hóa (NVH) thành phố Hồ Chí Minh Trương Minh Quyên nói với chúng tôi: “Thời xưa, ông bà ta thường dạy con gái về “tam tòng, tứ đức”. Trong đó, “tứ đức” bao gồm “công, dung, ngôn, hạnh”. Nhưng nay, hễ nói đến chuyện này là không ít bạn gái chỉ miễn cưỡng nghe. Cái khó là làm thế nào, để các bạn gái cảm thấy thú vị với vấn đề này. Vậy nên nhiệm vụ của các giáo viên ở NVH phải tìm cách làm cho các giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn, không gò bó, giáo điều. Ðây cũng là một trong những chức năng của NVH, góp phần gìn giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam”.
Ðể minh chứng cho những điều mình nói, Giám đốc Trương Minh Quyên mời chúng tôi tham quan các lớp học. Ðiều làm tôi bất ngờ là lớp học cắm hoa có cả các bạn trai. Tò mò tôi gợi chuyện:
– Sao con trai lại học cắm hoa?
Một chút bối rối, em Phạm Văn Trung, đang là học sinh lớp 9, nhà ở quận 10 trả lời rất tự tin:
– Nhà em có cửa hàng bán hoa, em đi học để biết về các loại hoa, cách cắm hoa để phụ cha mẹ bán hàng và đi giao hoa cho khách hàng.
Chị Hoàng Thị Bích Thu, ngồi kế bên góp chuyện: Tôi đi học cắm hoa làm đẹp cho gia đình, dạy con gái và giúp mình giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi sau giờ làm việc tại công sở.
– Con gái chị có thích học không?
– Lúc đầu thì không, nhưng khi tôi gợi ý cháu nên học để cắm hoa tặng bố, mẹ, bạn bè trong những ngày Tết, ngày sinh nhật, hoặc tiệc tùng thì cháu ham ngay.
Cô Ðinh Thị Hạnh, giáo viên dạy cắm hoa kể: “Trong giờ học tôi luôn giảng giải sự tích các loại hoa, kiểu dáng khi cắm một lọ hoa, hay một bó hoa. Thí dụ, hoa mầu tím tượng trưng cho tình yêu thủy chung; mầu hồng gợi sự lãng mạn; mầu trắng là sự tinh khiết; mầu vàng làm cho ta liên tưởng đến vẻ đẹp sang trọng; mùa thu quyến rũ, bản tình ca mùa thu… giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ”.
Lớp học làm tóc thu hút khá đông các bạn nữ trẻ tuổi. Thầy giáo Phạm Ngọc Sơn, 15 năm theo dạy ở NVH cho hay: “Số đông các bạn nữ đến đây học nghề về mở tiệm làm tóc, hoặc đi làm thuê cho các tiệm. Ðây là bạn Lan Anh, học trò cũ đang mở tiệm làm tóc ở quận Tân Bình”. Nghe thầy Sơn giới thiệu, tôi liền hỏi:
– Hôm nay em tới đây làm gì?
Ngước cặp mi dài và khuôn mặt trái xoan, Lan Anh cười rất vui:
– Em đến thăm thầy Sơn, tiện thể hỏi thầy xem có kiểu tóc nào mới, đẹp và mốt nhất để về làm cho khách.
Lớp học nấu ăn của NVH học trò có nhiều bạn là nam thanh niên. Bạn Trần Hoàng Thành và Nguyễn Uy Long, quê ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoe: “Chúng em học nghề nấu ăn, thi lấy chứng chỉ để đi lao động xuất khẩu ở Na Uy”. Thầy giáo Trần Toàn Thi tuổi đời còn rất trẻ, đang dạy học viên làm bánh ga-tô, dừng tay bộc bạch: “Ði dạy thế này vui lắm, tôi có thể chia sẻ niềm đam mê, sở thích, giúp các cô đã có gia đình, nhiều em đang là học sinh, sinh viên có việc làm từ nghề nấu ăn và nấu được nhiều món ăn ngon trong gia đình”. Ðã bước qua tuổi 50, trong bộ đồ mầu ghi thêu hoa trắng nền nã, cô Nguyễn Thị Liên Hương, nhà ở quận 3 kể rằng: “Mới đầu tôi chỉ đi học lớp cắm hoa, ngó sang lớp dạy nấu ăn thấy có nhiều món ăn ngon, thế là tôi học luôn. Vốn khó tính trong ăn uống, thế mà chồng tôi luôn khen những món ăn do tôi nấu sau khi được thầy giáo dạy. Bữa ăn của nhà tôi giờ đầy ắp tiếng cười, vợ chồng con cái quây quần bên mâm cơm ngon lành bày biện đẹp mắt, gợi không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ. Ðây cũng là cách tôi tự bảo vệ hạnh phúc gia đình mình”.
Qua lớp học “Nói chuyện trước công chúng”, tôi gặp Khánh Trinh, cô bé có chiếc răng khểnh rất duyên. Thoáng chút e lệ, em kể rằng: “Em chuẩn bị lập gia đình. Nói chuyện thì ai cũng biết. Nhưng nói thế nào cho hay cho thuyết phục thì không phải ai cũng làm được. Em đi học để tự tin hơn, nói chuyện hay hơn, hấp dẫn người nghe. Và quan trọng là nói với chồng sao cho dễ thương và vừa lòng mọi người”. Thế mới biết, các cụ xưa dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở” là vì vậy. Ðây cũng là lý do để một số bạn gái mới cưới, người sắp lập gia đình tìm đến NVH học cách làm vợ, làm dâu. Anh Phạm Văn Hùng, nhà ở quận 5 cùng người yêu đến học lớp nấu ăn tổng hợp với lý do: “Mẹ tôi luôn quan tâm đến bữa ăn, luôn đổi món để mọi người ngon miệng. Chúng tôi cùng đi học để cô ấy tập “hội nhập” với nhà chồng sau này…”.
– Bạn quan niệm thế nào về “tứ đức”?
Trả lời câu hỏi của tôi, Thanh Hằng khoác tay bạn trai cười hồn nhiên.
– Em chỉ sợ những quan niệm phong kiến lạc hậu, chứ còn tinh thần của “tứ đức” em luôn ủng hộ.
Ở lớp học dạy con, vợ chồng anh Phan Thanh Ðược và chị Hoàng Thùy Trang chia sẻ với chúng tôi: “Vợ chồng tôi có cháu trai đang học đại học năm thứ nhất. Cháu rất ngoan, chỉ hơi trầm tính, chúng tôi thấy cần học thêm để hiểu con hơn, thật sự trở thành người bạn của con”.
Và những điều cần chia sẻ
Thượng tá Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng ban Công tác phụ nữ Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng: Từ nhiều năm nay, NVH phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ thân thiết với người dân thành phố. Các gia đình đều yên tâm khi gửi gắm con cháu mình tới học và sinh hoạt tại NVH. Với phụ nữ công an thường khép mình do đặc thù công việc. Toàn thành phố hiện có hơn 20 nữ chiến sĩ bị bệnh hiểm nghèo, phần nhiều là phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ. Nguyên nhân, do một số chị thường xuyên phải tiếp xúc những đối tượng ở trại giam và ngoài xã hội. Số này luôn liều lĩnh chống trả khi biết mình đã nhiễm HIV. Thật không gì có thể bù đắp nổi những hy sinh, mất mát lớn lao, cùng sự kỳ thị của những người thiếu hiểu biết về căn bệnh thế kỷ mà các chị đang phải gánh chịu. Ban nữ công Công an thành phố đã kết hợp NVH đến thăm hỏi, động viên tặng quà vào những ngày lễ, ngày Tết, góp tiếng nói chia sẻ, cảm thông cùng các chị và gia đình. Những phạm nhân cải tạo tốt cũng được nhận quà. Hơn 100 con cháu khuyết tật trong lực lượng công an luôn được NVH quan tâm, chăm sóc. Ðây chính là sự động viên tinh thần lớn lao đối với các chiến sĩ công an đang ngày đêm chiến đấu vì sự bình yên của thành phố Hồ Chí Minh.
Ba năm gần đây, Hội LHPN thành phố đã thành lập 113 câu lạc bộ, 32 nhóm “Phụ nữ vươn lên” với hơn 2.000 thành viên tham gia sinh hoạt, trong đó có 270 phụ nữ sau cai nghiện. NVH đã trực tiếp nhận thí điểm thực hiện mô hình dạy nghề và giới thiệu việc làm cho học viên nữ sau cai nghiện. “Ðây là cách giúp chị em đoạn tuyệt với ma túy và hòa nhập cộng đồng bền vững”. Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ngọc Hạnh khẳng định với chúng tôi.
Trong một buổi tọa đàm do NVH phụ nữ tổ chức về “Bản lĩnh nữ thanh niên trong cuộc sống”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, Khoa tâm lý, Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thuyết trình, đã thu hút đông đảo nam, nữ thanh niên và nhiều cha mẹ học sinh, sinh viên tới dự. Thạc sĩ Bích Hồng nhấn mạnh, nữ thanh niên cần biết nói “không” trong trường hợp nào. Chị Linh, chủ một cửa hàng bán mỹ phẩm ở chợ Bến Thành đặt câu hỏi về tình huống cụ thể, con gái chị yêu một thanh niên, hai gia đình đồng ý tổ chức lễ ăn hỏi. Ðúng lúc đó người con trai này lại có tình cảm với người con gái khác. Chị Linh hốt hoảng, lo lắng không biết làm thế nào để giúp con gái mình không bị thất tình làm chuyện dại dột. Sau khi được tư vấn, chị Linh đã hiểu rằng: Con gái chị đang ngộ nhận về tình yêu, chứ thực ra anh chàng kia không hề yêu con chị. Vì vậy, chị phải chủ động nói cho con hiểu, để con gái chị tìm cho mình tình yêu đích thực. Thạc sĩ Bích Hồng còn khuyên các bạn gái biết nói “không” với những quan điểm chọn bạn đời chỉ cốt giàu sang, có quyền cao chức trọng, khi trong lòng không có tình yêu; hoặc một số bạn gái hay có thói đố kỵ, ghen ghét, đổ thừa hoàn cảnh bị cám dỗ, mà không biết nói “không” trước những lời đường mật, gạ gẫm của những kẻ “sở khanh”, hoặc một số người xấu rủ rê, bè cánh hại người trung thực, lương thiện… Thiếu nữ thời nay nên sống có bản lĩnh, biết gìn giữ phát huy những bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, biết giữ mái ấm gia đình, làm nhiều việc thiện và cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Xứng đáng với sự tin yêu của người dân
Ðó là những lời tâm huyết của Giám đốc NVH phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh Trương Minh Quyên. Theo chị, làm bất kỳ công việc gì cũng phải coi trọng chữ tâm. Có tâm huyết với nghề thì mọi người mới say mê cống hiến, sáng tạo. Không tâm huyết thì con người ta chỉ làm việc như một cỗ máy. Bật công tắc thì chạy, tắt thì cỗ máy ngừng quay. Công việc ở NVH phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh không thể làm hành chính. Bởi vậy, gần 30 năm được thành lập (từ năm 1981) đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân của NVH luôn phấn đấu để nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ”, là trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội của phụ nữ thành phố; góp phần bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức, định hướng thẩm mỹ, đào tạo kỹ năng ứng dụng cuộc sống, tạo điều kiện cho mọi đối tượng phụ nữ được sinh hoạt, học tập, giao lưu giải trí, sáng tạo các giá trị văn hóa… góp phần thực hiện mục tiêu của Hội LHPN Việt Nam: Vì sự tiến bộ, hạnh phúc của mọi gia đình.
Từ năm 2006, NVH phụ nữ thành phố còn mở rộng các hoạt động sang khu chế xuất Tân Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh, với các lớp dạy làm đẹp, cắm hoa, nấu ăn. Những hoạt động này không chỉ đem lại cho nữ công nhân kỹ năng làm đẹp mà còn là một nghề phụ có thể giúp tăng thu nhập. Với những thành tích nổi bật qua gần 30 năm hoạt động, NVH phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh đã được Ðảng, Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 1995), Hội LHPN Việt Nam tặng giải thưởng Phụ nữ Việt Nam (năm 2009). Vinh dự này luôn nhắc nhở chúng tôi tiếp tục phấn đấu xứng đáng với sự tin yêu của người dân thành phố Hồ Chí Minh – Giám đốc Trương Minh Quyên tâm sự./.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM