Nhà mạng Việt muốn dịch vụ OTT trả phí Internet
Một số nhà mạng cho biết họ phải đầu tư cho hạ tầng Internet, nhưng bị cạnh tranh bởi chính các dịch vụ trên mạng, nên cần được chia sẻ.
Vấn đề được nêu ra trong cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/4. Theo ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, đang có sự dịch chuyển từ dịch vụ thoại và nhắn tin truyền thống sang các dịch vụ OTT. “OTT” là thuật ngữ để chỉ dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người dùng thông qua Internet, điển hình như các ứng dụng gọi điện, nhắn tin, xem truyền hình.
Theo ông Sơn, trong khi các doanh nghiệp viễn thông đang chứng kiến sự suy giảm lớn trong các dịch vụ như gọi điện thoại và SMS, những OTT nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, với một số OTT tăng trưởng ở mức hai con số.
“Trong sự dịch chuyển này, nhà mạng luôn đảm bảo hạ tầng cho các OTT phát triển, tuy nhiên lại không được chia sẻ về đầu tư hạ tầng. Gánh nặng cho nhà mạng trong đầu tư hạ tầng là vấn đề lớn”, ông Sơn nói.
Hàng loạt ứng dụng OTT có tính năng nhắn tin, gọi điện được cài trên một smartphone. Ảnh:Lưu Quý
Đồng quan điểm, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone, cho biết các nhà mạng luôn cố gắng đầu tư hạ tầng viễn thông để đưa ngành phát triển cùng thế giới. Doanh thu của các nhà mạng thời gian qua có xu hướng giảm, trong khi các các nền tảng xuyên biên giới hoạt động dựa trên hạ tầng được họ đầu tư lại tăng trưởng, nhưng không có sự chia sẻ.
“Mong dự thảo luật mới của Bộ có biện pháp để các nền tảng xuyên biên giới đang tận dụng hạ tầng để kinh doanh có lợi nhuận, cần có chia sẻ với nhà mạng để chúng tôi có thể tăng cường đầu tư cho hạ tầng”, ông Nam nói. Ngoài ra, việc các OTT, mạng xã hội xuyên biên giới hợp tác với nhà mạng cũng giúp quản lý nội dung, quản lý nền tảng được tốt hơn, theo các nhà mạng.
Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam, trên thế giới cũng diễn ra tương tự. Tại MWC 2023 hồi tháng 3, một loạt nhà mạng châu Âu gây sức ép, yêu cầu các Big Tech tại Mỹ phải trả phí Internet.
“Không có nhà mạng thì cũng không có Internet, không có Netflix hay Google. Chúng tôi có vai trò sống còn, là cửa ngõ vào thế giới kỹ thuật số”, Michael Trabbia, Giám đốc công nghệ của nhà mạng Orange tại Pháp, cho hay.
Theo thống kê, chỉ riêng sáu hãng Google, Netflix, Meta, Apple, Amazon và Microsoft chiếm gần nửa lưu lượng Internet toàn cầu. Do đó, các tập đoàn viễn thông EU tin họ nên trả phí một cách công bằng để bù đắp việc sử dụng hạ tầng, cũng như mang lại nguồn vốn để triển khai mạng cáp quang và 5G.
Tại Việt Nam, thống kê của Viettel cho thấy 80% lưu lượng Internet giữa Việt Nam và quốc tế là phục vụ cho các dịch vụ của Facebook, Google, Netflix. Chỉ cần một thay đổi về hành vi người dùng hay cách phân phối nội dung, ví dụ các video từ độ phân giải HD lên 4K, cũng có thể gây sức ép lớn lên đường truyền mạng, trong khi các nhà mạng không thể kiểm soát được.
Tại dự thảo luật Viễn thông sửa đổi, Cục Viễn thông cũng đề nghị đưa các dịch vụ OTT như Zalo, Telegram vào diện quản lý. Theo Cục, những dịch vụ này có tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện, nhắn tin, nên cần được coi là dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet và cần quản lý theo luật Viễn thông.
Tuy nhiên, việc quản lý mà Cục nhắc đến tập trung vào việc đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho người dùng, chứ không nhắc đến việc chia sẻ doanh thu cho nhà mạng.
Cuộc đấu tranh lâu dài
Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi hôm 23/3, ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN cho biết việc chia sẻ doanh thu của OTT với nhà mạng cũng từng được nêu ra tại Mỹ cách đây gần 10 năm. Khi đó, AT&T yêu cầu các dịch vụ Internet băng thông lớn, như video, phải trả tiền cho họ. Theo ông Thành, dư luận và các nhà làm luật tại Mỹ cũng tranh cãi lớn, nhưng kết quả cuối cùng không thay đổi, bởi họ tuân theo nguyên tắc Net Neutrality, tức tính trung lập về Internet.
Theo đó, nếu yêu cầu các dịch vụ phải trả tiền cho nhà cung cấp hạ tầng, sẽ xảy ra tình trạng phân biệt đối xử giữa các dịch vụ trên Internet. “Ví dụ, dịch vụ trả nhiều tiền sẽ được ưu tiên băng thông, dịch vụ không trả tiền bị ‘bóp’. Điều này sẽ gây khó khăn cho các dịch vụ phục vụ xã hội thiết yếu, dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Thành nói.
Trong cuộc tranh cãi giữa các Big Tech Mỹ và các nhà mạng châu Âu, Google cho rằng các nhà mạng vốn đã nhận được tiền từ khách hàng, thông qua cước phí điện thoại và Internet, nên việc đòi Big Tech chi thêm tiền là chiêu trò nhằm thu lời gấp đôi.
“Người tiêu dùng có thể phải gánh phí từ các nền tảng nội dung kỹ thuật số, tác động tiêu cực đến chính họ, nhất là trong giai đoạn vật giá leo thang”, Matt Brittin, Giám đốc Google phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, cho hay.
Lưu Quý